Phim Việt lỗ nặng khi ra rạp: Vì đâu nên nỗi?
"Bỗng dưng trúng số", "Ngược dòng thời gian để yêu anh", "Avatar"... là những bộ phim ngoại đang "làm mưa làm gió" tại các rạp chiếu. Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều bộ phim Việt ra rạp nhưng hầu hết đều rơi vào cảnh phải sớm rời rạp vì doanh thu thấp. Đây là thực tế đáng buồn và khiến các nhà làm phim phải suy ngẫm.
Theo con số thống kê, ra mắt khán giả Việt từ đầu tháng 9, bộ phim Thái Lan "Ngược dòng thời gian để yêu anh" (Love Destiny: The Movie) tới nay đã đạt doanh thu 77 tỷ đồng. Tương tự, bộ phim Hàn Quốc "Bỗng dưng trúng số" (ra rạp từ ngày 23/9) chỉ trong 4 ngày đầu công chiếu đã thu về hơn 40 tỷ đồng. Dù là phim chiếu lại và có ít suất chiếu hơn nhưng "Avatar" cũng đã thu về hơn 11 tỷ đồng sau 4 ngày ra mắt. Trong khi phim ngoại tưng bừng rạp chiếu với doanh thu khủng như vậy thì liên tục nhiều phim Việt lỗ nặng, thất thế trên chính sân nhà.
Từ đầu năm đến nay, chỉ có một vài phim có được doanh thu khả quan là "Nghề siêu dễ", "Nhà không bán", "Chuyện ma gần nhà", "Chìa khóa trăm tỷ", "Dân chơi không sợ mưa rơi", "Đêm tối rực rỡ", "Em và Trịnh". Trong đó, "Em và Trịnh" (ra rạp tháng 6) là bộ phim Việt duy nhất từ đầu năm có được doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Còn lại, bộ phim "Vô diện sát nhân" (phát hành cuối tháng 8) với đề tài giết người hàng loạt chỉ thu về 4,7 tỷ đồng. "Duyên ma" - bộ phim có sự góp mặt của những tên tuổi "hot" của làng giải trí như Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh… nhưng cũng chỉ thu về 6,7 tỷ đồng.
Sự trở lại của người đẹp Trương Thị May sau 13 năm vắng bóng cũng không giúp cho bộ phim "Kẻ đào mộ" có được sức hút đặc biệt. Bộ phim ngậm ngùi biến mất khỏi phòng vé chỉ với hơn 500 triệu đồng doanh thu. Tiếp đó, trong tháng 9, điện ảnh Việt có những đại diện như "Vô diện sát nhân", "Cù lao xác sống", "Trò chơi tử thần". Trong đó, "Vô diện sát nhân" chỉ thu vài tỷ đồng rồi rời rạp sớm. "Cù lao xác sống" thu gần 13 tỷ đồng cùng với nhận về vô vàn lời chê vì "chất lượng thảm họa" rồi cũng không trụ lại được ở rạp. Tương tự như vậy, "Trò chơi tử thần" cũng gây thất vọng về nội dung. Dù sự có mặt của những gương mặt được đông đảo khán giả yêu quý thời gian qua như Hoàng Yến Chibi, Ngô Kiến Huy… cũng không giúp phim có kết quả tốt hơn. Sau 4 ngày chiếu, phim có được doanh thu chỉ gần 500 triệu đồng.
Tháng 10 này, điện ảnh Việt ghi nhận sự có mặt của "Memento Mori: Đất", "Cô gái đến từ quá khứ", "Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái" và "Mười: Lời nguyền trở lại"… Nhìn vào danh sách những bộ phim này thì hy vọng doanh thu phim Việt tăng đột biến là khá mong manh. Bởi, "Memento Mori: Đất" là tác phẩm do Marcus Mạnh Cường Vũ viết kịch bản và đạo diễn lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật trong cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Kịch bản lấy bối cảnh hiện đại tại một rẫy cà phê vùng cao nguyên. Một người mẹ trẻ tên Vân đang nằm liệt giường và sống những ngày tháng cuối cùng. Cô tìm cách để lại những lời nhắn gửi cho hai con gái nhỏ là Nguyệt, Nga cùng ước nguyện sau khi mất được hiến tạng cho y học. Cô muốn nhờ chồng là Hoàng truyền tin này tới cha mình - một người nông dân thuần hậu và bảo thủ. Phim có sự góp mặt của các diễn viên như Red, Kim, Thạch Kim Long, Hữu Thanh Tùng… Một bộ phim khá thiên về nghệ thuật liệu như vậy vẫn là một ẩn số.
"Cô gái đến từ quá khứ" thuộc thể loại phim lãng mạn - giật gân do cặp đôi Bảo Nhân - Nam Cito đạo diễn. Phim kể câu chuyện về Hoàng Quyên đang chuẩn bị cho đám cưới với Jack thì bất ngờ gặp lại Quỳnh Yên - người em mất liên lạc đã lâu. Một loạt những rắc rối ập đến kéo theo những bí mật được hé lộ… "Mười: Lời nguyền trở lại" và "Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái" đều là phần tiếp theo của 2 phim kinh dị từng gây tiếng vang trước đó. Tuy nhiên, sau 2 năm cuộc sống ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thì thị hiếu phim có như trước không vẫn phải chờ kết quả khi phim ra rạp. Như vậy, điểm qua một vài phim ra rạp vào tháng 10 thì thấy chưa có những đột phá để có thể hy vọng tạo nên sự bùng nổ cho rạp chiếu.
Đến thời điểm này, nếu tính từ đầu năm thì điện ảnh Việt đã có tới gần 30 bộ phim chịu cảnh thua lỗ. Đó thực sự là con số đáng buồn và khiến các nhà làm phim phải giật mình. Điều đó cũng có nghĩa nhiều tỷ đồng làm phim cùng rất nhiều công sức của nghệ sĩ đã bị lãng phí. Nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều phim Việt thua lỗ khi ra rạp vì chất lượng phim thấp, thậm chí rơi vào thảm họa. Hầu hết những phim có doanh thu thấp đều là những phim kịch bản yếu, cách làm phim không có gì đột phá, hấp dẫn. Thậm chí, nhiều kịch bản phim bị đánh giá là tẻ nhạt, phi lý. Đề tài không mới, kịch bản thiếu chặt chẽ, logic, thông điệp không rõ ràng, diễn xuất hời hợt, không tới… là những lý do chính khiến các bộ phim kể trên bị thua đau trên sân nhà.
Đã từng thành công với "Cua lại vợ bầu" nhưng Nhất Trung lại chưa tạo được cơn sốt phòng vé với "Cù lao xác sống". Bộ phim Việt đầu tiên về zombie bị chê là tạo hình sơ sài, thiếu đầu tư phần hóa trang. Mặc dù trào lưu phim về zombie khá ăn khách trên thế giới và nhiều bộ phim của dòng phim này khiến khán giả toàn cầu "phát sốt". Nhưng, theo nhiều khán giả, zombie phiên bản Việt bị lỗi vì hóa trang quá đơn giản, tạo hình zombie chưa thực sự ấn tượng, việc đeo áp tròng không mang lại hiệu ứng gì... Tương tự, với "Vô diện sát nhân", diễn xuất của Phương Anh Đào khá ổn nhưng phim vẫn thất thu vì cốt truyện cũ, kịch bản nhiều lỗi...
Khách quan mà nói, dù không phải cạnh tranh với quá nhiều bộ phim bom tấn Mỹ nhưng phim Việt thời gian vừa qua lại phải so tài với một loạt bộ phim châu Á như của Hàn Quốc, Thái Lan… trên sân nhà. Ngay sau đại dịch, những nền điện ảnh này cũng đang cố gắng lấy lại vị thế cũng như doanh thu từ một lĩnh vực của ngành công nghiệp không khói này. Thị trường phim ảnh ngày càng khắc nghiệt, điện ảnh thế giới cũng không ngừng thay đổi để chinh phục công chúng với thị hiếu ngày càng cao. Trong khi đó, thời điểm này, phim Việt dường như bị dậm chân tại chỗ với chất lượng còn yếu, tư duy làm phim cũ mòn, thiếu tính đột phá. Khi phim không đủ sức hấp dẫn thì phía nhà rạp xếp vào những khung giờ "oái oăm" để dành giờ vàng cho những phim ăn khách. Khó càng thêm khó là vì thế.
Có ý kiến cho rằng, liệu có thể giải cứu cho phim Việt giống như chúng ta đã từng giải cứu cho một số mặt hàng nông sản, gia dụng khác… khi rơi vào thế bị cạnh tranh quá khốc liệt. Nhưng với những mặt hàng tiêu dùng kia thì những chiêu thức như hạ giá, truyền thông tập trung vào thói quen tiêu dùng của người Việt… có thể khiến người mua xuống tay chi tiền. Nhưng phim ảnh là một mặt hàng đặc biệt. Khán giả sẵn sàng bỏ ra thời gian, tiền bạc có được những giây phút thư giãn giải trí hoặc nhận được thông điệp gì đó khiến họ hài lòng. Nên, nếu phim đã "dở" thì dù có "hạ giá" cũng khó thu hút khán giả tới xem. Không dễ để thuyết phục khán giả chi tiền, dù ít để xem xong không có được cảm giác mãn nhãn, hài lòng. Nên việc giải cứu chỉ có thể từ chính thay đổi của những người làm phim.
Nếu như thời gian trước đây, khi dịch bệnh vừa mới được khống chế thì còn có ý kiến cho rằng, phim Việt có doanh thu thấp vì khán giả chưa quay lại thói quen ra rạp xem phim. Tuy nhiên, khi thực tế có những bộ phim ngoại "cháy vé" tại phòng chiếu nội thì đây không phải là lý do nữa. Thậm chí, điều đó còn cho thấy, thị trường phát hành phim ở Việt Nam sôi động và đầy tiềm năng với điện ảnh thế giới như thế nào. Khán giả cũng chưa khi nào quay lưng với điện ảnh trong nước mà chỉ có thể nói "không" với phim dở, phim kém chất lượng mà thôi.
Ngoài "Avatar" là phim chiếu lại (mà vẫn thu hút) thì 2 đại diện còn lại đến từ Thái Lan và Hàn Quốc không hẳn là tác phẩm xuất sắc hay có sự góp mặt của những tên tuổi nổi tiếng. Nhưng theo các nhà chuyên môn thì các phim này thu hút khán giả nhờ kịch bản thú vị, hài hước, mang tính giải trí cao. Câu chuyện phim chặt chẽ, logic. Đặc biệt là phần phụ đề sử dụng khá nhiều trend của giới trẻ. Đây là một trong những yếu tố mới lạ, độc đáo để thu hút khán giả trẻ tới rạp. Đây có lẽ cũng là một gợi ý quan trọng cho các nhà làm phim Việt trong việc tìm cách chinh phục khán giả trong tương lai, để hy vọng tiếp tục có những bộ phim đứng vào CLB trăm tỷ.