Phim Việt hút khách nhờ chất bình dân

Thứ Năm, 08/06/2023, 07:00

Nửa đầu năm 2023, điện ảnh Việt chiến thắng giòn giã với hàng loạt phim hút khách. Trong số đó, những phim đậm chất bình dân, đời thường là ngôi sao dẫn đầu phòng vé. Thị hiếu bình dân lên ngôi và được dự đoán sẽ trở thành trào lưu để phim Việt “hốt bạc” trong tương lai.

Theo thống kê của Box Office Vietnam - đơn vị theo dõi phòng vé độc lập, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu phim Việt đã vượt qua con số 1.000 tỷ đồng với 10 phim ra rạp. Đây là mức tăng kỷ lục, bằng doanh thu cả năm 2019 cộng lại. Con số này cho thấy cú bứt tốc doanh thu ngoạn mục của điện ảnh Việt sau hai năm đóng băng vì dịch COVID (2020 và 2021) và một năm thị trường chạm đáy với hàng loạt phim ngã ngựa (2022).

Thành công vang dội này không phải ăn may nhất thời. Bởi nhìn lại, hầu hết phim sở hữu doanh thu “khủng” đều có chất lượng khá ổn, hơn hẳn loạt phim thảm họa hồi năm 2022. Góp công lớn nhất trong thành tích hơn 1.000 tỷ trên là bốn bộ phim “Nhà bà Nữ” (thu gần 500 tỷ đồng), “Chị chị em em 2” (hơn 120 tỷ), “Lật mặt 6 - Tấm vé định mệnh” (gần 300 tỷ) và “Con Nhót mót chồng” (75 tỷ đồng). Trong đó, trừ “Chị chị em em 2”, cả ba phim còn lại đều mang đậm chất bình dân trong cách khai thác câu chuyện.

1 lat mat 6.jpg -0
"Lật mặt 6 - Tấm vé định mệnh" mang đậm chất bình dân trong bối cảnh lẫn câu chuyện.

Phim về người lao động bình dân ở các thành phố lớn đã được khai thác từ nhiều năm trước và ít nhiều được lòng khán giả như “Nhà có năm nàng tiên”, “Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa”, “Nắng”, “Đêm tối rực rỡ”… Nhưng phải chờ đến khi “Bố già” và tiếp theo là “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành trở thành hai bộ phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại thì đề tài này mới được các nhà làm phim chú tâm. Nếu các phim trước đó, chất bình dân chỉ làm nền để mảng miếng hài hước hơi lố, hay câu chuyện phức tạp, lắt léo, thậm chí có phần phi lý thì ở “Bố già” và “Nhà bà Nữ”, chất bình dân đã trở thành nguyên liệu chính làm nên bộ phim nhân văn, vừa hài, vừa bi mà mộc mạc rất đời.

Ở cả “Bố già” và “Nhà bà Nữ”, nội dung câu chuyện khá giống nhau khi xoáy vào sự xung đột giữa cha mẹ và con cái. Mối xung đột ấy được đặt trong cái hẻm lao động ngập nước hay khu chung cư cũ với những người bà con, hàng xóm lắm chuyện… Nhiều khán giả thừa nhận họ thấy hình bóng mình trong bà mẹ bán bánh canh cua hà khắc, người cha cửu vạn thô mộc nhưng rất mực thương con hay cô con gái bồng bột non nớt, vì muốn chống lại sự áp đặt, quản lý hà khắc của mẹ mà bỏ nhà đi bụi theo trai… Lời thoại chân thật, đi ra từ đời sống nên không bị sượng trân, giáo điều dù mang tính triết lý.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng: “Hai kỷ lục phòng vé chưa từng có của “Bố già” và “Nhà bà Nữ” nói một cách ngắn gọn, là nhờ Trấn Thành khai thác được những chất liệu bình dân của đời sống xã hội Việt Nam đương đại, chạm vào được những vết thương kiểu "vô thức tập thể" rồi tìm cách chữa lành và để lại những bài học vừa vặn. Nói cách khác, phim của Trấn Thành là dòng phim về thị dân và đưa ra được những triết lý bình dân gần gũi. Làm được điều này, tức là anh ta chạm vào được 80% người Việt Nam rồi”.

Việc một đạo diễn tay ngang như Lý Hải liên tiếp làm nên thành công với series mang thương hiệu “Lật mặt” là điều bất ngờ với giới chuyên môn. Bởi ngay những đạo diễn, nhà sản xuất cứng cựa như Charlie Nguyễn và Ngô Thanh Vân còn ngã đau với các dự án nối dài tác phẩm vốn thành công trước đó.

Lý giải về sức hút của chuỗi “Lật mặt”, đặc biệt là thành công ngoài sức tưởng tượng của “Lật mặt 6 - Tấm vé định mệnh”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm cắt nghĩa: “Không phô diễn những màn hành động đẹp mắt và hoa mĩ với sự tham gia của những biên đạo võ thuật quốc tế, phim hành động của Lý Hải bình dân và gần gũi hơn. Những pha hành động trong phim của Lý Hải hơi giống những màn đánh lộn ngoài đời. Các pha dàn dựng, góc máy cũng không quá đặc sắc nhưng lạ là chúng luôn đem lại cảm giác chân thực và khá đã mắt. Một lợi thế khác của Lý Hải là chất hài bình dân được anh đưa vào phim rất duyên dáng”. Chính Lý Hải cũng thừa nhận: “Phim tôi thành công nhờ chất bình dân với cốt truyện đơn giản, lời thoại và bối cảnh đời thường gần gũi”.

Cũng khai thác mối quan hệ xung đột giữa hai cha con ở hẻm lao động nghèo nên ngay khi ra mắt, “Con Nhót mót chồng” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lập tức được dân tình đưa lên bàn cân với “Bố già” và “Nhà bà Nữ”. Trước nghi vấn bị cho là ăn theo phong cách làm phim của Trấn Thành, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lên tiếng: "Thứ nhất, phim này của tôi không nói đạo lý. Thứ hai, mối quan hệ cha con trong “Bố già” ai cũng đúng theo kiểu: khán giả lớn tuổi sẽ đứng về phe ông Ba Sang, người trẻ tuổi sẽ đồng tình với Quắn. Còn trong phim này, hai cha con đều sai hết, tức là cùng yêu thương nhau nhưng dùng sai cách. Sau đó cả hai cùng nhận ra sai lầm, cùng thay đổi để sống hạnh phúc bên nhau”.

Dù vậy, khán giả vẫn thấy tác phẩm do Thu Trang và ngôi sao phòng vé Thái Hòa đóng chính có màu sắc và nội dung na ná “Bố già” bởi câu chuyện gia đình đậm đặc chất đời thường. Phim kể về ông Xỉn suốt ngày say khướt và cô gái ế chồng tên Nhót trong khu lao động nhiều tệ nạn. Để kéo ba ra khỏi men rượu, cô lên kế hoạch kiếm chồng. Từ đây, nhiều tình huống bi hài đan xen về tình phụ tử, lấy tiếng cười và nước mắt khán giả.

2 con nhot mot chong.jpg -1
Thu Trang và Thái Hòa trong phim "Con Nhót mót chồng".

Lâu nay, màn bạc Việt vẫn chuộng dòng phim hài hước - lãng mạn, phim thanh xuân, kinh dị hoặc hành động với nhân vật thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu sang chảnh mà ít để ý đến tầng lớp bình dân chất phác đời thường. Nhà phê bình nghệ thuật Lucas Luân Nguyễn nhận định: "Có một mẫu hình mà khá ít phim hướng tới là mẫu hình "the everyman" - thường dân. Đây là mẫu hình đánh vào những cảm xúc bình thường, đơn giản và gần gũi. Phim Việt cũng đang bắt đầu làm thương hiệu bằng hình ảnh "the everyman" để có khả năng len lỏi vào cuộc sống hơn”. Do đó, mảng đề tài này hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ để các dự án kế tiếp khai thác.

Tuy vậy, theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, sự lên ngôi của thị hiếu bình dân cũng mang lại nhiều lo ngại. “Ở mặt tiêu cực, ta sẽ thấy xu hướng bình dân hóa điện ảnh này khiến cho các phiên bản ăn theo trở nên lười biếng tư duy và rập khuôn mẫu, nếu không tìm lối đi riêng. Chưa kể là thường tra tấn khán giả bằng những màn diễn xuất rất ồn ào, rất náo nhiệt tung hứng kiểu tự nhiên chủ nghĩa và kết phim với một bài học yêu thương đẫm nước mắt rất sến sẩm. Chưa kể, xu hướng “bình dân hóa” điện ảnh này sẽ khiến cho điện ảnh Việt Nam thiếu đi sự đa dạng của thể loại, đề tài và thiếu đi những tìm tòi sáng tạo phản ánh được dòng chảy và tâm thế của người Việt trong giai đoạn hiện tại” - anh phân tích.

Dễ nhận thấy đa số phim khai thác đề tài bình dân khá xôm tụ trên YouTube dưới dạng web - drama (phim chiếu mạng). “Nhà trọ có quá trời phòng” của Nam Thư; “Hẻm cụt” và “Bố già” của Trấn Thành; “Chuyện xóm tui” của Thu Trang… Và khi được đón nhận tích cực, họ mới bắt đầu chuyển thể lên màn ảnh rộng như “Bố già”, “Chuyện xóm tui” (chuyển thành phim “Con Nhót mót chồng”)… Điều đó cho thấy nhà làm phim trước nay còn khá e dè, nhát tay khi đưa thể loại này ra rạp. Do đó việc ồ ạt ăn theo khi hàng loạt phim về đề tài bình dân đạt doanh thu “khủng” càng khiến mối lo về chất lượng tăng lên.

Diễn viên, nhà sản xuất Thu Trang thừa nhận: “Vì chất liệu bình dân quá gần gũi nên để làm nên bộ phim hay, bắt buộc người làm phim phải giỏi quan sát đời sống thường nhật của người dân quanh mình. Từ đó mới nắm được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của họ để biến thành những cái nhìn tinh tế, cảm xúc lắng đọng, hợp với thời cuộc. Nhìn vô tưởng dễ nhưng làm một bộ phim chạm được vào người xem không hề dễ”.

Mai Quỳnh Nga
.
.