Phim truyền hình Việt: Một so sánh nhỏ
Khi thông tin bộ phim truyền hình “Làng trong phố”, phần nối tiếp của “Phố trong làng” sắp lên sóng trên VTV1, nhiều khán giả hâm mộ đã tỏ ra háo hức đón nhận. Những gì mà các nhân vật như Mến, Thương, Hiếu, Hoài… đã thể hiện ở “Phố trong làng” đã tạo ra một ấn tượng rất mạnh với khán giả và việc bộ phim được giải thưởng Cánh diều vàng 2021 cho phần biên kịch chính là bảo chứng cho sức hấp dẫn của bộ phim này.
Thực tế, mấy năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đang tạo ra những làn sóng đúng nghĩa trong dư luận xã hội. Nhiều câu thoại thú vị của phim thậm chí còn trở thành “xu hướng” phổ biến trên mạng xã hội. Khán giả cũng quen mặt nhiều diễn viên mới mà điển hình là Tuấn Anh (vai Bát trong “Cuộc đời vẫn đẹp sao”), Duy Hưng (vai Hiếu trong “Phố trong làng”)… Thậm chí, từ phim truyền hình, nhiều diễn viên như Doãn Quốc Đam, Khả Ngân, Thanh Sơn… đã bật lên thành sao đúng nghĩa.
Nhưng nếu điểm lại tất cả các phim truyền hình thành công suốt mấy năm qua, chúng ta chắc chắn sẽ thấy ngạc nhiên khi hầu như toàn bộ là các sản phẩm được sản xuất ở phía Bắc. Trong khi đó, các phim truyền hình phía Nam lại không gây được tiếng vang. Đây thực sự là một hiện tượng đáng ngạc nhiên khi phía Nam từng là thánh địa của phim truyền hình và thu hút rất nhiều diễn viên phía Bắc vào kiếm tìm cơ hội lập nghiệp trong suốt giai đoạn từ thập niên 90 thế kỷ XX tới khoảng sau năm 2010.
Nhìn vào danh mục các phim truyền hình đang được chiếu trên các kênh sóng của HTV hay THVL, chúng ta sẽ nhận thấy khá rõ là lượng chiếm sóng chủ yếu tập trung vào phim ngoại nhập. Phải chăng, thị hiếu của khán giả phía Nam chuộng phim ngoại hơn nên dẫn tới tình trạng này? Không hẳn là vậy. Rất nhiều khán giả phía Nam vẫn say mê phim truyền hình trong nước và mấy năm qua, họ cũng bắt đầu bị thu hút bởi những phim được sản xuất ở miền Bắc như “Người phán xử”, “11 tháng 5 ngày”, “Làng trong phố”, “Gia đình mình vui bất thình lình”… Như vậy, có thể nói rằng phim truyền hình sản xuất ở phía Nam đang trong giai đoạn chững lại bất chấp năng lực sản xuất và lực lượng diễn viên, biên kịch khá dồi dào.
Vấn đề của phim truyền hình phía Nam nằm ở chỗ các nhà sản xuất đã không thoát được khỏi lối mòn mà họ đã đi quá quen suốt nhiều thập niên. Kịch bản của đa số phim truyền hình phía Nam chuộng mô tả đời sống thành thị tương đối sang chảnh, hào nhoáng. Ngay cả một phim được xem là ăn khách gần đây là “Gạo nếp, gạo tẻ” (mua kịch bản gốc của Hàn Quốc) cũng không thoát khỏi cái hào nhoáng ấy dù có những tuyến nhân vật có thể được lột tả gần gũi hơn nữa với đời sống bình dân.
Trong khi đó, phim phía Bắc lại khai thác rất mạnh đời sống bình dân và chính vì thế, khán giả có thể tìm thấy chính mình trong các bối cảnh phim. Song song với kịch bản, việc lựa chọn diễn viên cũng là một khâu đáng nhắc tới. Phía Bắc lựa chọn diễn viên theo tiêu chí “phù hợp nhân vật” trong khi phía Nam vẫn chuộng tiêu chí “diễn viên phải đẹp”. Chính cái đẹp nhiều khi không cần thiết đó đã tạo ra khoảng cách rất lớn với khán giả bởi họ nhìn thấy sự giả tạo trên màn hình.
Ngày xưa, điện ảnh phía Nam có rất nhiều diễn viên giỏi mà không cần phải đẹp trai, xinh gái. Còn hôm nay, cơ hội thực sự cho những diễn viên có tài diễn xuất nhưng không có ngoại hình hấp dẫn là rất nhỏ. Chính điều đó đã khiến sức hút của phim truyền hình phía Nam mất dần và cũng không có cơ hội cạnh tranh với phim ngoại nhập vốn dĩ đã có ưu thế hơn ở nhiều điểm.
Có lẽ, đã đến lúc những nhà sản xuất phim truyền hình phía Nam cần xích lại gần khán giả hơn nữa, đời thường hơn nữa. Nếu không làm vậy, họ sẽ để lãng phí rất nhiều tiềm năng của một vùng đất vẫn luôn là trung tâm lớn của điện ảnh Việt Nam.