Phim tiểu sử về nghệ sĩ nổi tiếng: Cuộc chơi của kẻ đi trên dây

Thứ Năm, 02/06/2022, 09:06

Từ khi hé lộ tạo hình nhân vật cho đến lúc tung trailer chính thức, “Em và Trịnh” liên tục vấp phải tranh cãi. Lời bàn tán chủ yếu xoay quanh diện mạo, thần thái dàn diễn viên khi hóa thân thành những nhân vật nổi tiếng có thật. Đây là thách thức lớn nhất với ekip làm phim tiểu sử.

Phim tiểu sử là dạng phim tái hiện cuộc đời một nhân vật có thật, nêu bật tính cách, số phận và những bước ngoặt trong đời người đó. Những nhân vật này thường là văn nghệ sĩ, chính khách, doanh nhân, vận động viên… nổi tiếng và cuộc đời họ mang đậm dấu ấn thời đại. Đây là dạng phim phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn là thể loại mới mẻ ít người mạnh dạn khai thác.

Đa số phim tiểu sử ở nước ta chỉ khai thác các anh hùng lịch sử để làm nổi bật bối cảnh thời đại, hoặc lấy nhân vật có thật làm cảm hứng hư cấu cho phim chứ chưa có một bộ phim tiểu sử nhân vật đúng nghĩa. Trong khi đó, theo nhận định của giới chuyên môn, đây là mỏ vàng tiềm năng rất cần được khai phá. Chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật, chúng ta đã có hàng loạt huyền thoại đáng để đưa lên màn bạc chứ chưa nói tới các nhân vật nổi tiếng ở lĩnh vực khác. Những bộ phim thuộc thể loại tiểu sử luôn thu hút sự tò mò, chú ý của công chúng ngay từ khi ekip rục rịch bấm máy.

Hiểu được điều này nên thời gian gần đây, nhiều dự án phim tiểu sử bắt đầu xuất hiện. Có phim chuẩn bị ra mắt, có phim đang rục rịch lên ý tưởng kịch bản, tuyển diễn viên. Sắp ra rạp giữa tháng 6 tới là “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Phim xoay quanh cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các “bóng hồng” đi qua đời ông, tạo cảm hứng cho loạt nhạc phẩm của ông. Tái hiện một huyền thoại của âm nhạc Việt Nam từ thời ông còn trẻ đến khi về già nên phim quy tụ dàn diễn viên và bối cảnh hùng hậu.

1 em va trinh.jpg -0
Bùi Lan Hương (vai ca sĩ Khánh Ly) và Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn) trong phim “Em và Trịnh”.

Cũng gây chú ý khi mới công bố dự án là bộ phim làm về cuộc đời ca sĩ Ái Vân. Tác phẩm được chuyển thể từ cuốn hồi ký “Để gió cuốn đi” mà bà xuất bản năm 2016. Phận má hồng truân chuyên, tài sắc vẹn toàn mà hôn nhân vùi dập, để rồi bà phải bôn ba nơi đất khách quê người… Số phận của Ái Vân cũng là số phận của bao mảnh đời nghệ sĩ Việt chật vật tìm chỗ đứng ở trời Âu, đất Mỹ. Tất cả đều là chất liệu hấp dẫn để nhà làm phim đưa lên màn ảnh rộng.

Không chỉ cuộc đời nghệ sĩ gạo cội được đưa lên màn bạc mà giờ đây, nhiều nghệ sĩ trẻ có chút danh tiếng (lẫn tai tiếng) cũng muốn kể đời mình bằng phim. Đàm Vĩnh Hưng ấp ủ từ lâu một bộ phim kể về cuộc đời thăng trầm của anh: từ chàng trai cắt tóc vô danh đến con đường trở thành “ông hoàng nhạc Việt”. Đến nay, anh vẫn đang cật lực hoàn thiện phần kịch bản. Diễn viên - MC Quyền Linh lẫn hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp cũng bận rộn lên ý tưởng cho bộ phim kể về hành trình gian nan, những nỗ lực trong sự nghiệp lẫn cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, ngoài Trịnh Công Sơn, Ái Vân thì những tên tuổi nghệ sĩ nêu trên đều không đủ chuẩn để xếp phim của họ vào dòng tiểu sử. Bởi những nhân vật của phim tiểu sử phải là người có tầm vóc, có sức ảnh hưởng sâu rộng và là đại diện tiêu biểu cho thời đại họ sống. Loạt dự án của những nghệ sĩ trẻ trên na ná với kiểu làm phim “Vòng eo 56” của Ngọc Trinh một thời. Năm 2016, bộ phim do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn vừa ra rạp đã gây náo loạn làng nghệ thuật thứ bảy. Khán giả có cảm giác Ngọc Trinh làm phim về chính mình chỉ để cố giải thích cho vô số thị phi bủa vây. Để đặt một cái tên cho đúng với dạng phim về chính mình của giới showbiz Việt, có thể tạm gọi đó là kiểu phim tự truyện. Phần nhiều các phim dạng này thỏa mãn tính tò mò, nhu cầu giải trí của khán giả là chính chứ không đóng góp bao nhiêu cho nền điện ảnh. Do vậy, có thể coi “Em và Trịnh” là tác phẩm mở màn cho thể loại phim tiểu sử ở Việt Nam.

Dấn thân mở đường, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thừa nhận quả thực mình hơi liều. So với các thể loại khác, dòng phim tiểu sử gặp rất nhiều thách thức vì làm về nhân vật có thật. Tác phẩm sẽ bị khán giả soi xét rất kỹ. Khác với phim chuyển thể từ tác phẩm văn học (mỗi độc giả sẽ có một nguyên mẫu cho riêng mình, và nhà làm phim cũng thế), phim tiểu sử có nguyên mẫu là người thật được nhiều người biết đến nên đòi hỏi diễn viên vào vai phải giống từ diện mạo, giọng nói đến thần thái. Việc tìm diễn viên vì thế khó khăn gấp bội.

Khi chọn được diễn viên có diện mạo na ná nguyên mẫu rồi, ekip vẫn không thôi đau đầu vì khán giả liên tục so sánh và đặt câu hỏi. Từ khi hé lộ tạo hình một số nhân vật như Bích Diễm, Dao Ánh, đã có lời ra tiếng vào. Rằng Bích Diễm ngoài đời không đẹp như Bích Diễm trong phim, diễn viên đóng vai Dao Ánh không thể hiện đủ nét trong sáng, ngây thơ. Đến khi dàn diễn viên đảm nhiệm nhân vật nổi tiếng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Thanh Thúy, Khánh Ly xuất hiện, tiếng bấc tiếng chì nhiều không đếm xuể.

Vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ giao cho diễn viên Avin Lu. Anh có diện mạo khá giống nhạc sĩ thuở thanh xuân và nói được giọng Huế. Tuy vậy, khán giả lại chê giọng ca anh không hay, ngoại hình chỉ được vẻ thư sinh chứ không khắc khổ nên họ hoài nghi anh khó làm nên tầm vóc nhân vật. Tương tự, vai ca sĩ Khánh Ly của Bùi Lan Hương cũng bị chê là “sắc” và “chuốt” quá trong khi nguyên mẫu thì “mộc và lạ”. Có cảm giác khán giả muốn diễn viên phải giống 100% nguyên mẫu mới hài lòng, trong khi họ thừa biết đó là điều không thể.

untitled-5.jpg -0
Cuộc đời sóng gió của ca sĩ Ái Vân dự kiến sẽ được dựng thành phim.

Trước phản ứng trái chiều của khán giả, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thẳng thắn: "Làm phim tiểu sử thì phải sẵn sàng chờ khán giả ném đá. Tôi bắt tay quay “Em và Trịnh” với tâm thế của kẻ đi trên dây. Tôi phải chọn lọc câu chuyện và cân nhắc rất kỹ vì nhiều nhân vật có thật ngoài đời. Tuy vậy điều làm tôi áp lực nhất chính là bản thân mình, làm thế nào để mình kể một câu chuyện chạm đến cảm xúc người xem. Tôi đã làm hết sức mình khi quay, còn sau khi hoàn thiện, bộ phim thuộc về khán giả và họ có quyền thích hoặc không. Một tác phẩm hay vẫn có người khen kẻ chê. Khi nhận nhiều phản hồi, dù trái chiều hay ủng hộ, tôi đều coi đó là tín hiệu tốt. Nó cho thấy họ quan tâm tới bộ phim”.

Đồng quan điểm, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước nhận định: “Chuyện mong muốn của nhiều khán giả đại chúng về việc người làm phim phải bám sát nguyên mẫu có thật nào đó, trước giờ vẫn thường xảy ra. Với phim thuộc thể loại phim tiểu sử (Biography), điều này càng được đòi hỏi cao hơn là lẽ thường. Vấn đề là người làm phim muốn gì khi làm phim tiểu sử về một nhân vật nổi tiếng với công chúng. Góc nhìn cùng quan điểm sáng tác của người làm phim có thể khác với hình dung ban đầu từ công chúng, không nhất thiết cứ phải khư khư theo sát nguyên tác, nguyên mẫu đời thật. Dĩ nhiên, khi ấy cách kể chuyện phim hoặc ngôn ngữ điện ảnh của người làm phim cũng phải đủ sức thuyết phục và lôi cuốn người xem”.

Ở trường hợp “Em và Trịnh”, mặc dù được gia đình Trịnh Công Sơn giúp đỡ nhiệt tình về khâu tư liệu nhưng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vẫn được họ tôn trọng khi anh tung tẩy sáng tạo riêng. Một số nhân vật được anh biến thành nhân vật hư cấu để truyền đạt ý đồ nghệ thuật. Các diễn viên trẻ chưa nhiều trải nghiệm như Avin Lu, Bùi Lan Hương, Hoàng Hà… đều tích cực tìm hiểu về nhân vật mình hóa thân để truyền tải hồn cốt nhân vật chứ không chăm chăm làm bản sao minh họa. Việc chăm chút kỹ lưỡng của ekip bước đầu đã thuyết phục được chính gia đình nhạc sĩ khi họ xem suất chiếu đặc biệt đầu tiên. Sự ủng hộ đó là một bảo chứng để “Em và Trịnh” tự tin chinh phục công chúng khó tính.

Giới chuyên môn dự đoán phim tiểu sử là xu hướng tương lai của điện ảnh Việt. Ngoài các nghệ sĩ nổi tiếng, hiện đang có một dự án khác cũng đình đám không kém là bộ phim về cuộc đời nhà tình báo lừng danh Phạm Xuân Ẩn do đạo diễn Charlie Nguyễn cầm trịch. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, thể loại phim tiểu sử ở Việt Nam đang còn non trẻ và giàu tiềm năng. Do vậy, nhà làm phim không nên vì rào cản bị khán giả soi xét mà không dám thử sức với thể loại này. Có mạnh dạn bước đi thì bụi rậm mới thành đường. Nhờ đó, điện ảnh Việt sau này mới có một thế hệ đạo diễn “cứng cựa” với những bộ phim tiểu sử để đời.

Phan Thi Uyên
.
.