Phim tiểu sử: "Mỏ vàng" đầy thách thức

Thứ Sáu, 11/10/2024, 14:27

Lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật, phim tiểu sử dần xuất hiện nhiều hơn trên màn bạc Việt. Những bước đi chập chững ban đầu tuy vấp phải nhiều khó khăn nhưng trước “cơn khát” của khán giả, không ít nhà làm phim mạnh dạn dấn bước với thể loại này.

Phim tiểu sử là dạng phim tái hiện cuộc đời một nhân vật có thật, nêu bật tính cách, số phận và những bước ngoặt trong đời người đó. Những nhân vật này thường là văn nghệ sĩ, chính khách, doanh nhân, vận động viên… nổi tiếng.

Đây là thể loại quen thuộc với các nhà làm phim phương Tây. Số tác phẩm “làm mưa làm gió” trên thế giới có thể kể đến “Amadeus”, “Oppenheimer”, “Elvis”, “Napoleon”, “The wolf of Wall Street”… Danh sách phim tiểu sử được vinh danh ở các giải thưởng, liên hoan phim danh giá như Oscar, Cannes… không ngừng tăng lên.

Với nền điện ảnh Việt Nam, phim tiểu sử vẫn là thể loại mới mẻ kén nhà sản xuất. Hồi năm 2022, “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được coi là phát súng mở đường cho dòng phim này trên màn bạc nước nhà. Phim khắc họa cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ thuở đôi mươi tập tành viết nhạc đến khi xế bóng về chiều. Gắn liền với sự nghiệp và hoài bão của ông là những “bóng hồng” nổi tiếng như Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly, Michiko…

1 cong tu bac lieu.jpg -0
 Song Luân đảm nhận vai chính trong phim "Công tử Bạc Liêu".

Trước đó, đa số phim tiểu sử ở nước ta chỉ khai thác các anh hùng lịch sử để làm nổi bật bối cảnh thời đại, hoặc lấy nhân vật có thật làm cảm hứng hư cấu cho phim chứ chưa có một bộ phim tiểu sử nhân vật đúng nghĩa. Chẳng hạn “Chị chị em em 2” lấy cảm hứng từ hai mỹ nhân nức tiếng miền Nam một thời là cô Ba Trà và Tư Nhị nhưng nội dung chủ yếu xoáy vào cuộc đấu đá của các cô với nhiều giả lập đôi khi phi logic. Những thăng trầm cuộc đời của hai cô đều không được soi chiếu rõ.

Một số bộ phim như “Vòng eo 56” tái hiện cuộc đời của “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh hồi năm 2016 hay dự án chưa bấm máy như “Hào quang rực rỡ” (nói về cuộc đời Đàm Vĩnh Hưng) không được giới chuyên môn xếp vào dòng phim tiểu sử mà chỉ coi đó như dòng tự truyện.

Một nhà biên kịch giấu tên cho rằng: “Nhân vật của phim tiểu sử phải là những tên tuổi tầm cỡ, có nhiều đóng góp lớn lao hoặc cuộc đời ghi đậm dấu ấn thời đại, là đại diện tiêu biểu cho thời đại họ sống. Khắc họa cuộc đời họ là dựng lại cả một thời cuộc đầy thăng trầm của dân tộc. Những chân dung như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Ái Vân, điệp viên Phạm Xuân Ẩn mới xứng đáng trở thành nhân vật của dòng phim tiểu sử. Còn phim tự truyện thì hễ nghệ sĩ, doanh nhân nào thích thì cứ bỏ tiền mà thuê người ta bấm máy về chính mình”.

Sau hai năm im ắng, dòng phim tiểu sử trở lại với hai dự án đình đám. “Hoàng hậu cuối cùng” là tác phẩm điện ảnh khai thác về cuộc đời Nam Phương hoàng hậu, đặc biệt xoáy sâu vào mối tình của bà với vị vua cuối cùng của triều Nguyễn - vua Bảo Đại. Những ngày này, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito đang gấp rút tìm kiếm dàn diễn viên cho vai chính.

Trong khi đó vai công tử Bạc Liêu trong phim “Công tử Bạc Liêu” đã có diễn viên Song Luân đảm nhận. Bộ phim của đạo diễn Lý Minh Thắng nhìn lại đời phóng túng, ăn chơi của công tử Ba Huy ở một góc độ khác nhằm lý giải nguồn gốc nảy sinh thói trác táng, chơi ngông của ông. Qua đó những giai thoại “khét tiếng” như đốt tiền nấu trứng được tái dựng trên màn ảnh rộng.

Người thật việc thật là yếu tố quan trọng khiến phim tiểu sử hút khách nhưng cũng trở thành “lưỡi dao” dễ khiến nhà sản xuất “đứt tay”. Là người tiên phong với “Em và Trịnh”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thừa nhận so với các thể loại khác, dòng phim tiểu sử bị khán giả soi xét rất kỹ. Khác với phim chuyển thể từ tác phẩm văn học hay kịch nói, phim tiểu sử có nguyên mẫu là người thật được nhiều người biết đến nên đòi hỏi diễn viên vào vai phải giống từ diện mạo, giọng nói đến thần thái.

2 nam phuong hoang hau.jpg -1
Cuộc đời hoàng hậu Nam Phương được tái dựng trong phim "Hoàng hậu cuối cùng".

Chính sự khó tính của khán giả khiến việc tìm diễn viên không khác gì “bắc thang lên trời”. Công bố dự án đã lâu nhưng đến nay, vai hoàng hậu Nam Phương của đoàn phim “Hoàng hậu cuối cùng” vẫn chưa thể lộ diện. Dù chưa công bố ai ứng tuyển nhưng hàng loạt nhan sắc đã được cư dân mạng đưa lên bàn cân, cả diễn viên chuyên nghiệp lẫn gương mặt nghiệp dư như Tăng Thanh Hà, Hồng Ánh, Bích Phương… Họ bàn tán rôm rả, chỉ ra nét được lẫn chưa được nếu nhan sắc ấy hóa thân thành vị hoàng hậu tài đức một thời. Có cảm giác khán giả muốn diễn viên phải giống 100% nguyên mẫu mới hài lòng, trong khi họ thừa biết đó là điều không thể.

Sau khi “đỏ mắt” chọn được diễn viên có diện mạo, giọng nói na ná nguyên mẫu rồi, ekip vẫn không thôi đau đầu vì khán giả liên tục so sánh với nguyên mẫu hay bị chính nguyên mẫu phản ứng. Những diễn viên vào vai Trịnh Công Sơn, Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly đều bị khán giả chê. Nếu thấy ngoại hình tạm ổn thì họ lại mang khả năng diễn xuất ra để bàn tán. Ai cũng lo sợ diễn viên không thể hiện được cốt cách, khí chất nhân vật, thậm chí lo nguyên mẫu bị xuyên tạc. Khi “Em và Trịnh” công chiếu, tiếng bấc tiếng chì còn nặng nề hơn. Người chê hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị bóp méo thành một kẻ chạy theo tình yêu, rủ rê gái nhà lành. Kẻ bảo Khánh Ly mà Bùi Lan Hương thể hiện quá đanh đá, xéo xắt.

Để phim có tình tiết cao trào và truyền tải dụng ý nghệ thuật, biên kịch thêm thắt khá nhiều vào chuyện tình của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh, Trịnh Công Sơn và Michiko. Dù đã có dòng lưu ý ngay từ phần giới thiệu phim nhưng những thêm thắt này vẫn bị khán giả phản ứng. Căng thẳng nhất là sự lên tiếng của ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy và giáo sư Michiko. Khánh Ly và Thanh Thúy đều cho rằng nhiều tình tiết trong phim không hề giống họ ngoài đời. Còn giáo sư Michiko làm đơn yêu cầu phía nhà sản xuất xin lỗi vì tiết lộ đời tư của bà trong khi chưa xin phép.

Theo nhà truyền thông phim Châu Quang Phước, trên thế giới đã có trường hợp nguyên mẫu phản ứng với ekip làm phim khiến dự án không thể bấm máy như trường hợp của “Blonde Ambition” - dự án phim kể về thuở vào nghề của nữ danh ca Madonna. Năm 2017, dự án này được hãng phim Universal lựa chọn phát triển. Điều trớ trêu là bản thân nhân vật “người thật việc thật” là ca sĩ Madonna lại không được hãng phim thông báo.

Sau khi Madonna phản ứng mạnh trên mạng xã hội với lý do kịch bản viết sai sự thật về cuộc đời cô, hãng phim đã phải tạm dừng dự án vô thời hạn. Trong trường hợp nếu “Blonde Ambition” vẫn được khởi quay, nó ít nhất sẽ phải cố gắng sống sót sau cơn thịnh nộ của chính Madonna chứ chưa nói đến khán giả. Tuy vậy, ông cho rằng: “Góc nhìn cùng quan điểm sáng tác của người làm phim có thể khác với hình dung ban đầu từ công chúng, không nhất thiết cứ phải khư khư theo sát nguyên mẫu đời thật. Vấn đề là nhà làm phim muốn truyền tải điều gì khi chọn kể câu chuyện về nhân vật ấy. Dĩ nhiên, khi ấy cách kể chuyện phim hoặc ngôn ngữ điện ảnh của người làm phim cũng phải đủ sức thuyết phục và lôi cuốn người xem”.

Phim tiểu sử được coi là mảnh đất màu mỡ đầy tiềm năng của điện ảnh Việt. Ngoài “Hoàng hậu cuối cùng” và “Công tử Bạc Liêu”, nhiều dự án khác cũng đang ở giai đoạn tiền kỳ như “Điệp viên hoàn hảo” (kể về cuộc đời nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn) hay “Để gió cuốn đi” (cuộc đời ca sĩ Ái Vân). Không chỉ riêng giới văn nghệ sĩ hay danh nhân lịch sử, các nhân vật kiệt xuất, kỳ lạ ở lĩnh vực khác của nước ta là nguồn chất liệu dồi dào cho nhà làm phim.

Câu chuyện của họ xứng đáng được kể trên màn ảnh để thế hệ hậu bối hôm nay ngưỡng vọng, học những cái hay và tránh những cái dở. Nhu cầu của công chúng với dòng phim tiểu sử là rất lớn. Thực tế, các vụ tranh cãi ầm ĩ nổ ra chứng tỏ công chúng rất chú ý, quan tâm đến dự án ngay từ khi ekip rục rịch bấm máy. Thế nên không ngạc nhiên khi “Em và Trịnh” vẫn trở thành bộ phim ăn khách nhất mùa hè 2022 dù vấp không ít “sao quả tạ”.

Mai Quỳnh Nga
.
.