Phim tài liệu âm nhạc: Vùng đất hứa của màn ảnh rộng

Thứ Năm, 27/04/2023, 16:12

Sau một tuần ra rạp, “Người giữ thời gian” của ca sĩ Mỹ Tâm chạm mốc doanh thu 12 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng với một bộ phim tài liệu ca nhạc - thể loại khá mới mẻ trên màn bạc Việt khi dấu chân người tiên phong còn rất ít ỏi.

Phim tài liệu âm nhạc là một thể loại lâu đời và quen thuộc với làng nhạc thế giới. Các ca sĩ đình đám như Lady Gaga, Britney Spears, Taylor Swift… hay những ban nhạc Hàn Quốc đều có phim tài liệu ghi lại con đường sự nghiệp, hậu trường liveshow hay góc khuất cuộc sống để làm nổi bật cá tính nghệ sĩ, khuếch trương tên tuổi hay dự án âm nhạc.

Ở Việt Nam, phim tài liệu về nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng không thiếu nhưng chủ yếu tập trung vào lớp nghệ sĩ gạo cội, có nhiều cống hiến và thường phát trên truyền hình. Riêng phim tài liệu về những nghệ sĩ trẻ lẫn hình thức đưa phim ra rạp bán vé như một tác phẩm điện ảnh thì còn khá xa lạ.

1 my tam.jpg -0
Mỹ Tâm trong phim tài liệu "Người giữ thời gian".

Tính đến nay, số phim tài liệu ca nhạc chiếu rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2017, “Chuyện ngày hôm qua” khắc họa chân dung ban nhạc Bức Tường là dấu mốc đầu tiên của phim tài liệu âm nhạc trên màn ảnh rộng Việt Nam. Tuy nhiên, phim vẫn phát hành theo dạng gây quỹ từ thiện chứ không phải một sản phẩm thương mại. Phát súng mở màn thực sự của dòng phim này thuộc về Sơn Tùng M-TP. Năm 2020, chàng ca sĩ gốc Thái Bình khiến dư luận ngỡ ngàng khi ra mắt bản điện ảnh “Sky tour” ghi lại hậu trường chuyến lưu diễn cùng tên. Trong phim, người xem cùng Sơn Tùng trải qua hành trình khó khăn, thử thách khi thực hiện liveshow cũng như nghe lại loạt ca khúc đình đám. Rời rạp, “Sky tour” thu về 10 tỷ đồng.

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà tiếp bước đàn em với bộ phim “Rồi một ngày Hà nói về tình yêu”. Suốt 90 phút, hậu trường dự án âm nhạc “Love songs 2020”; cuộc sống thường nhật của Hồ Ngọc Hà với gia đình, bè bạn; tình yêu đẹp như mơ với diễn viên Kim Lý được phác thảo chân thực trên màn ảnh rộng. Phim “Màu cỏ úa” của đạo diễn Lan Nguyên lại là những nét chấm phá, khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến từ khi là người lính trẻ yêu văn nghệ cho đến lúc trở thành nhạc sĩ nổi tiếng đầy lãng tử, hóm hỉnh nhưng nhiều ưu tư. Tuy vậy, hiệu ứng thương mại của “Màu cỏ úa” chưa cao dù chất lượng chuyên môn khá tốt.

Phải đến đầu tháng 4 năm nay, khi ca sĩ Mỹ Tâm trình làng “Người giữ thời gian”, phim tài liệu âm nhạc mới khuấy đảo rạp Việt một lần nữa. Bộ phim gây chú ý từ những ngày đầu được công bố khi ghi lại quá trình ca sĩ Mỹ Tâm cùng ekip chuẩn bị cho hai đêm diễn “Tri âm” ở TP Hồ Chí Minh năm 2021 và Hà Nội năm 2022. Đây cũng là lần đầu Mỹ Tâm chia sẻ với khán giả về quãng thời gian suy sụp, khó khăn khi liveshow bị gián đoạn vì dịch bệnh COVID lẫn những trải lòng về chuyện tình yêu.

Qua đó, hành trình 20 năm sự nghiệp của “họa mi tóc nâu” được tái dựng với sự biết ơn, trân trọng tình cảm mà khán giả đã dành cho cô. Ngưng chiếu hôm 16/4, “Người giữ thời gian” thu về gần 12 tỷ đồng. So với phim truyện điện ảnh chạm mốc trăm tỷ thì con số này còn quá khiêm tốn. Nhưng với dòng phim tài liệu ca nhạc, doanh thu của Sơn Tùng lẫn Mỹ Tâm là con số đáng mơ ước. Ngay cả khi đặt lên bàn cân với phim điện ảnh - thể loại vốn ăn khách hơn, doanh thu này vẫn vượt xa mong đợi bởi số phim điện ảnh chỉ thu được vài trăm triệu nhiều vô số kể.

Rạp Việt từng ghi dấu ấn với nhiều phim tài liệu xuất sắc như: “Lửa Thiện Nhân”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đoạn trường vinh hoa”… và mới đây nhất là “Những đứa trẻ trong sương”. Địa hạt phim tài liệu âm nhạc vẫn còn là vùng đất mới ít người vun trồng. Trong khi đó làng nhạc Việt vẫn còn vô số tên tuổi nổi bật để có thể thực hiện phim tài liệu âm nhạc đắt giá.

Theo dõi sát sao thị trường điện ảnh, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước hồ hởi: “Trước mắt, cứ có bất kỳ phim tài liệu "made in Việt Nam" nào ra rạp mà trụ rạp khá ổn thì cứ coi như là thắng lợi. Bởi ngay cả với nhiều phim truyện điện ảnh chiếu rạp của Việt Nam, giai đoạn này vẫn “chết” nhiều hơn “sống” mỗi khi ra rạp. Còn kế tiếp, ắt sẽ dần có nhiều phim tài liệu chuyên sâu về thể tài, trong đó dĩ nhiên phim tài liệu âm nhạc sẽ đi đầu do lợi thế liên quan người nổi tiếng là ca sĩ, nhạc sĩ trong showbiz. Điều đó sẽ giúp các dự án loại này dễ được hình thành và phát triển. Cửa thành công ngoài rạp chiếu cũng tốt hơn so với các thể loại, đề tài mà công chúng chưa quen”.

2 son tung.jpeg -0
Sơn Tùng M-TP là ca sĩ tiên phong đưa phim tài liệu âm nhạc ra rạp.

So với phim truyện, dạng phim tài liệu dễ làm hơn vì nó không cần quá nhiều diễn xuất, hư cấu mà chủ yếu ghi nhận người thật, việc thật. Nhiều góc quay trong phim là quay lén để đảm bảo bắt được khoảnh khắc chân thực nhất của nhân vật, chẳng hạn như một số phân cảnh ghi hình ảnh đời thường của nhạc sĩ Trần Tiến hay Hồ Ngọc Hà. Số tiền đầu tư cho dạng phim này cũng “dễ thở” hơn bởi đa số nghệ sĩ đều lưu trữ tư liệu cá nhân trong hành trình làm nghề. Việc của đạo diễn là làm sao kết nối, thêm thắt để tạo nên bộ phim giàu chất điện ảnh, nêu bật được khí chất, cá tính của nhân vật mà không sa đà vào kiểu ngợi ca, đánh bóng. Ngoài ra, bộ phim phải khắc họa được điều mà người ta chưa biết về nghệ sĩ để đánh vào tâm lý tò mò của khán giả.

Ngoài chuyên môn, một thử thách nữa với nhà sản xuất là khán giả. Dễ nhận thấy những nghệ sĩ đông fan như Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà hay Mỹ Tâm không khó để kéo khán giả đến rạp. Chỉ cần lượng fan trung thành đến ủng hộ thần tượng, nhà sản xuất đã có thể thở phào. Tuy vậy, dạng phim này vẫn còn quá mới mẻ nên ngoài fan của nghệ sĩ, việc lôi kéo khán giả đại chúng không hề dễ dàng. Với nghệ sĩ gạo cội không sở hữu lượng fan hùng hậu như ngôi sao trẻ, để phim ghi nhận doanh thu tốt là điều khá khó khăn. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phim tài liệu âm nhạc khẳng định vị thế, hấp dẫn với khán giả đại chúng thì chất lượng là điều tiên quyết. Lịch sử phòng vé đã ghi nhận nhiều bộ phim tài liệu chật vật ra rạp nhưng sau đó “hữu xạ tự nhiên hương”.

Nhìn tổng quan, phim tài liệu âm nhạc ở nước ta chỉ mới phát triển nên số tác phẩm chất lượng vẫn chưa nhiều. Dễ dàng nhận thấy sự lưỡng lự giữa cách làm phim theo lối có kịch bản và không kịch bản. Chất tài liệu và điện ảnh vẫn có dấu hiệu lép vế so với chất âm nhạc khiến bộ phim na ná như một MV hậu trường kéo dài. Để thể loại này góp ý nghĩa tích cực cho nền điện ảnh, bộ phim không nên chỉ dừng lại ở mức kết nối với người hâm mộ hoặc làm kỷ niệm đơn thuần cho nghệ sĩ. Xa hơn, nó phải nói lên những thông điệp ngoài màn ảnh mà người xem suy ngẫm.

Đây là điều mà "Người giữ thời gian" đã làm được. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đánh giá: “Cái quan trọng là bộ phim vượt qua một dự án mà nhiều người nghĩ là sản phẩm ăn theo, tận thu sau hai show “Tri âm”. Không, đó là những thước phim nhiều giá trị, giải mã phần nào lý do Mỹ Tâm luôn đứng vị trí số 1 trong làng nhạc suốt 20 năm qua. Ở đó ta còn thấy một phần lịch sử của showbiz thông qua một ngôi sao có nhiều show nhất, nhiều liveshow nhất, nhiều bài hát ăn khách nhất. Bộ phim giàu cảm xúc và truyền cảm hứng. Khi xem, bản thân tôi cũng suy xét xem mình làm nghề đã thật sự nghiêm túc, chân thành hết lòng chưa”.

Còn nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy thì tấm tắc: “Bộ phim thoát khỏi “lời nguyền tự thuật” của nhiều phim âm nhạc trước đây phạm phải là trang bị micro cho nhân vật chính nói quá nhiều về mình. Một bộ phim “tự biện” nếu dùng toàn câu thoại sáo rỗng để nói về mình thì sẽ là thảm họa, nhưng sẽ trở thành tuyệt tác khi nhân vật chính dùng âm nhạc và hình ảnh trần thuật để “biện” cho nó đẹp hơn. Mỹ Tâm đã dùng hình ảnh và âm nhạc một cách tuyệt vời để che lấp hạn chế trong cách dùng văn nói và cái ngữ điệu “dễ bị đơ” của mình”. Giới chuyên môn hy vọng “Người giữ thời gian” sẽ là cú hích khơi thông dòng chảy cho phim tài liệu ca nhạc trong tương lai.

Phan Thi Uyên
.
.