Phim huyền sử: Rầm rộ ra mắt, âm thầm rút lui?
Lịch sử là những gì đã được xác tín, còn huyền sử - với bản chất nửa thực nửa hư - là nơi cắm rễ của tâm hồn, văn hóa dân tộc. Có lẽ cũng bởi sự quyến rũ ấy mà điện ảnh Việt từng nhiều lần "vung gươm" bước vào cõi huyền sử. Đáng tiếc, không ít dự án sau màn công bố hoành tráng lại nhanh chóng rã đám hoặc kết thúc bằng loạt thất bại thảm hại nơi phòng vé.
Những dự án đầy hứa hẹn
Nếu phim lịch sử là thể loại bám sát các sự kiện, nhân vật có thật được ghi chép trong chính sử thì phim huyền sử lại lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian, chuyện kể truyền miệng về nhân vật lịch sử hoặc các biểu tượng mang tính linh thiêng. Những cái tên như Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Trọng Thủy - Mỵ Châu... là "tài nguyên nguyên bản" của thể loại này.
Dẫu cũng nhắc tới nhân vật lịch sử hay các mốc thời gian mang tính áng chừng nhưng đặc tính nửa hư nửa thực của huyền sử cho phép các nhà làm phim được thỏa sức sáng tạo, thêm thắt nhiều yếu tố hư cấu. Huyền sử thường được coi là lời giải đáp đa chiều của dân gian về những sự kiện thần bí hay bí ẩn lịch sử chưa được tiết lộ trong sử sách.

Mới đây, làng nghệ thuật thứ bảy vừa đón chào hai dự án quy mô thuộc dòng phim huyền sử là "Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh" và "Huyền tình Dạ Trạch". "Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh" do đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cầm trịch, Johnny Trí Nguyễn phụ trách chỉ đạo võ thuật, hành động.
Nội dung phim kể về bảy tráng sĩ mang trong mình sức mạnh phi thường và tinh thần bất khuất. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, bảy tráng sĩ được giao phó một sứ mệnh tối mật: Chạy đua với thời gian, đối đầu với các thế lực thù địch, đưa 100 quan tài của vua đi theo bảy hướng khác nhau, đánh lừa kẻ thù đang rắp tâm phá hoại lăng mộ - nơi được tin là cội nguồn vượng khí của dân tộc.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cho hay: "Dù được phép hư cấu, chúng tôi vẫn muốn khán giả cảm nhận được phần nào tinh thần và bối cảnh lịch sử chân thực. Chúng tôi đưa vào phim những nét văn hóa đặc trưng như các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian, những hình tượng linh vật, trang phục, kiến trúc mang đậm dấu ấn Việt". Để theo đuổi mục tiêu này, đoàn phim phối hợp cùng các ban ngành tổ chức hội thảo về trang phục thời Đinh. Các nhóm nghiên cứu về cổ phục như Đại Việt Cổ Phong, Kinh Bắc Legacy, Tóc Xanh Vạt Áo, Chiêu Minh Các, Great Vietnam… lần lượt trình bày loạt nghiên cứu mới nhất và triển lãm phục trang về thời kỳ này.
"Huyền tình Dạ Trạch" là bài ca về mối tình tuyệt đẹp của chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Đạo diễn Tôn Nguyễn cho biết, chuyện tình ấy còn khắc họa hành trình khai phá và kiến tạo không gian sống của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, với thương cảng Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) được phục dựng như một biểu tượng giao thương đầu tiên của người Việt cổ, đong đầy khát vọng phồn vinh.
Dự án này cũng khắc họa tinh thần đổi mới, những xung đột giữa bảo thủ và cải cách, giữa tự do và định kiến, cũng như các thách thức chính trị - quân sự từ ngoại bang mà nhà nước Văn Lang gặp phải. Vượt trên tất cả là tinh thần kiên cường, khát vọng hòa bình, phồn vinh và bản lĩnh của dân tộc luôn hướng tới hòa bình, hòa hợp. Tương tự như "Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh", tác phẩm huyền sử của đạo diễn Tôn Nguyễn cũng có sự đồng hành, cố vấn của các nhà sử học, chuyên gia văn hóa, chuyên gia khảo cổ… để phác họa nên bối cảnh và con người Việt cổ đầy sống động.
Dù cả hai dự án đều chưa công bố cụ thể dàn diễn viên cũng như thời gian ra rạp nhưng khán giả nức lòng hy vọng và đón đợi, bởi đã lâu lắm rồi màn bạc thiếu vắng dòng phim này.
Đánh trống bỏ dùi?
Mấy năm trở lại đây, nhất là khi xu hướng trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc ngày càng được đề cao trong điện ảnh Việt, phim kinh dị mang màu sắc dân gian, cổ trang chiếm thế thượng phong ở phòng vé. Phim lịch sử cổ trang thỉnh thoảng vẫn có đất dụng võ thì phim huyền sử thật sự trở thành "của hiếm". Khổ nỗi, nhìn lại những "của hiếm" này, khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Trước "Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh" và "Huyền tình Dạ Trạch", đã từng có nhiều dự án phim huyền sử có màn ra mắt đình đám nhưng sau đó đều bặt vô âm tín. Nổi bật nhất có thể kể đến dự án "Trưng Vương" của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, "Huyết rồng" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và "Quỳnh hoa nhất dạ" của đạo diễn Lý Minh Thắng. Những bức ảnh Trương Ngọc Ánh tung lên fanpage phim cho thấy ekip của cô đã có khâu chuẩn bị phục trang, đạo cụ và bối cảnh khá kỹ lưỡng. Song đến nay, dự án tái hiện cuộc đời hào hùng và chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng cùng các vị nữ tướng vẫn chưa bấm máy.
Tương tự, "Quỳnh hoa nhất dạ" từng tung những hình ảnh đầu tiên về khung cảnh huyễn hoặc dưới trăng của Thái hậu Dương Vân Nga do Thanh Hằng đóng, nhưng sau đó mọi thông tin về bộ phim đều mất hút. Ngô Thanh Vân cũng từng ôm mộng về một vũ trụ phim huyền sử, khai thác loạt nhân vật dân gian như Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Trọng Thủy -Mỵ Châu, Sơn Tinh - Thủy Tinh... Nhưng sau cú "ngã ngựa" đau điếng của "Trạng Tí - phiêu lưu ký", cô đành dẹp vũ trụ điện ảnh này sang một bên.
Cũng giống phim lịch sử cổ trang, phim huyền sử luôn bị coi là miếng bánh khó nuốt của điện ảnh Việt. Ngoài chi phí bối cảnh, nhà làm phim còn phải đầu tư phục trang, đạo cụ, binh khí, võ thuật, kỹ xảo, tìm hiểu kỹ lưỡng tư liệu lịch sử… Thậm chí vốn đầu tư, khâu kỹ xảo của phim huyền sử còn tốn kém hơn phim lịch sử vì yếu tố kỳ ảo, huyền bí. Đa phần các dự án phim huyền sử ra mắt rình rang rồi sau đó thoái lui trong im lặng là do gặp khó khăn về kinh phí.
Nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh tiết lộ nếu bấm máy, "Trưng Vương" ngốn kinh phí không dưới vài chục triệu đô la. Do đó, chị và ekip phải tạm dừng dự án để tính bài toán kinh phí thật kỹ lưỡng, nếu không đó quả là cuộc chơi đi trên dây. Riêng đạo diễn Lý Minh Thắng thì xác nhận mình đã gác "Quỳnh hoa nhất dạ" vì nhận thấy thị trường quá nhiều rủi ro.
Thất bại của "Huyền sử vua Đinh" là bài học nhãn tiền khiến nhiều nhà làm phim e ngại với dòng phim này. Ra rạp năm 2022, "đứa con" của đạo diễn Anthony Võ lập kỷ lục khi dẫn đầu top phim có doanh thu bết bát nhất màn ảnh Việt với hơn 40 triệu đồng! Phim bị giới chuyên môn lẫn khán giả xếp vào "thảm họa điện ảnh" bởi kịch bản ôm đồm, dựng cảnh lẫn hóa trang sơ sài, cẩu thả, tâm lý nhân vật thiếu nhất quán. Trong nhiều phân cảnh, râu của vua quan lộ rõ keo dán như sân khấu tuồng. Thậm chí, một diễn viên quần chúng lộ rõ tóc nhuộm vàng. Kỹ xảo cháy nổ ngô nghê như trò chơi game. Không ai chấp nhận được việc "kể lại giấc mơ tổ tiên" bằng một sản phẩm hời hợt và thiếu trách nhiệm như thế.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thừa nhận việc lựa chọn thể loại huyền sử là một thách thức, bởi số lượng phim Việt thuộc thể loại này còn khá khiêm tốn. Đã vậy, cứ hễ phim có yếu tố văn hóa hay lịch sử ra rạp, khán giả thể nào cũng "soi" rất kỹ. Nhà làm phim mừng khi khán giả quan tâm nhưng khi bị "soi" kỹ quá, họ gặp phải áp lực vô hình khủng khiếp. Nếu phim thất bại khi ra rạp hoặc tệ hơn là đứt gánh giữa đường như rất nhiều dự án đã gặp phải, nhà làm phim lẫn nhà đầu tư đều ngoảnh mặt với thể loại huyền sử. Đó sẽ là thiệt thòi lớn khi màn bạc vắng bóng những thước phim thấm đẫm bản sắc cội nguồn dân tộc.
Với những người giàu đam mê và tâm huyết, họ chọn việc vừa làm hết sức, vừa rút kinh nghiệm. Bởi kho tàng văn hóa, lịch sử nước ta còn có biết bao câu chuyện cuốn hút, những nhân vật đầy hiển hách và thú vị thôi thúc nhà làm phim đưa lên màn ảnh. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh quả quyết: "Nếu ai cũng ngại khó, sợ thất bại mà không liều mình dấn bước thì bụi rậm kia mãi mãi không thể thành đường. Đương nhiên mỗi bước chân không thể hấp tấp, cẩu thả mà phải cực kỳ thận trọng, chăm chút".