Phan Mạnh Quỳnh: Từ "Vợ người ta" đến nhạc sĩ của màn bạc

Chủ Nhật, 24/03/2024, 16:20

Nổi lên từ "Vợ người ta", giờ đây Phan Mạnh Quỳnh được khán giả xướng tụng là "ông hoàng nhạc phim". Những giai điệu tự sự tưởng chừng như giản đơn mà khiến người nghe phải lặng mình chiêm nghiệm, để rồi vỡ òa với nỗi buồn nhân tình thế thái. Thật ra, phiên bản một Phan Mạnh Quỳnh sâu sắc ấy đã xuất hiện từ hồi nhà nhà người người nghêu ngao: "Giờ em đã là vợ người ta/ Áo trắng cô dâu cầm hoa...".

Nhờ bài hát hiện tượng "Vợ người ta" năm 2015, cái tên Phan Mạnh Quỳnh nổi đình nổi đám nhưng vẫn chưa được giới chuyên môn đánh giá cao. Bởi, "Vợ người ta" là một ca khúc đậm mùi thị trường, ca từ hài hước, bình dân, nặng tính giải trí. Anh tâm sự thật lòng: "Bài hát ấy mang lại cho tôi rất nhiều điều, giúp tôi được khán giả biết đến. Thế nhưng, trong thời gian dài trước đó, tôi sáng tác không ít nhưng chẳng ai nhớ. "Vợ người ta" vô tình phủ nhận nỗ lực, công sức của tôi". Dấu ấn của "Vợ người ta" khiến hàng loạt ca khúc như "Hãy ra khỏi người đó đi", "Tri kỷ", "Con tim tan vỡ"... cũng bị đánh đồng với dòng nhạc mua vui là chính.

3 phan manh quynh.jpeg -1
Phan Mạnh Quỳnh trở thành nhạc sĩ "mát tay" với nhạc phim.

Ít ai biết rằng, trước đó Phan Mạnh Quỳnh đã bộc lộ tư duy âm nhạc sâu sắc trong tác phẩm đầu tay "Nơi ấy con tìm về". Bài hát này trở thành bản hit để đời của ca sĩ Hồ Quang Hiếu với giai điệu mới mẻ, ca từ xúc động: "Cuộc đời con sẽ không quên tình yêu thương mẹ cha đã dành cho con người ơi/ Tình yêu bao la theo như câu ru xưa cho vơi đi nỗi nhọc nhằn trong đời của người...". Một thời gian dài người ta cứ vô tư hát mà chẳng để tâm mấy đến tác giả lạ huơ lạ hoắc ấy là ai. Sau này, tham gia một chương trình truyền hình, nhờ Quỳnh chia sẻ nên người ta mới ngỡ ngàng khi biết "Nơi ấy con tìm về" do chính anh sáng tác hồi học lớp 11.

Năm lớp 6, cậu bé của xứ đạo huyện Diễn Châu, Nghệ An đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Những lần lên nhà thờ, cậu trộm nhìn người đánh đàn, mày mò tự học nốt đồ rê mi. Quỳnh kể: "Tôi tập tành kẻ khuông nhạc vào vở ô ly rồi nhờ bác ca trưởng trong nhà thờ xem. Bác nhíu mày rồi phán một câu: Con viết sai hết rồi. Là tay ngang nên những bản nhạc đầu, tôi viết sai nốt tùm lum. Sau này, hiểu biết hơn, mình mới sửa lại".

Tốt nghiệp cấp ba, Quỳnh vào TP Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội. Cậu bắt đầu sáng tác dòng ca khúc thị trường rồi lên mạng rao bán. Giai điệu, lời nhạc lạ tai khiến không ít ca sĩ nổi tiếng chọn ca khúc của một nhạc sĩ "tân binh". Bán được tác phẩm cho Ưng Hoàng Phúc, Đan Trường, Phan Đình Tùng..., Quỳnh mừng húm. Song, số tiền bản quyền ít ỏi không đủ để Quỳnh trụ lại thành phố phồn hoa này. Năm 2014, cậu đành rời nhà trọ, khăn gói về quê.

Làng yên bình như vòng tay của mẹ, vỗ về khi lòng Quỳnh âm u mây xám. Nhưng, nay làng lạ quá. Đường thôn vắng vẻ bóng người mà nhà mái Thái, mái Nhật mọc lên hoa lệ. Hỏi ra mới biết bạn bè, làng xóm đều đi xuất khẩu lao động. Làng nghèo quá, bám víu vào cát sỏi thì lấy gì nuôi thân. Phải đi. Nước ngoài như giấc mộng xa vời mà đầy lung linh, hứa hẹn về cuộc sống đủ đầy, cơm no áo ấm. Bao nỗi nhọc nhằn, thương nhớ của kẻ tha phương được Quỳnh đem vào ca khúc "Nước ngoài". Nhưng, một năm sau, ca khúc ý nghĩa ấy chìm khuất giữa giai điệu tưng bừng của "Vợ người ta". Mãi đến năm 2019, khi xảy ra vụ 39 người Việt tử nạn trong xe container ở Anh, "Nước ngoài" mới được nhắc đến và trở thành ca khúc nằm lòng của những người con xa xứ.

1 sau loi tu khuoc.jpg -0
Hình ảnh trong MV "Sau lời từ khước" - nhạc phim "Mai", gây sốt trên mạng xã hội.

Năm 2016, Phan Mạnh Quỳnh tham gia gameshow "Sing my song” - Bài hát hay nhất. Khi tiếng vang của "Vợ người ta" khiến Quỳnh bị một nhạc sĩ tiền bối chê thẳng thừng rằng anh chỉ có thể viết được dòng nhạc giải trí hời hợt chứ không kham nổi những nội dung, thông điệp sâu sắc. Nhưng, chính trong gameshow đó, càng về chặng cuối, Phan Mạnh Quỳnh càng chứng minh rằng: trong cậu nhạc sĩ 9x ấy còn có một con người thâm trầm, trăn trở suy tư, nhất là với dòng ca khúc đề tài xã hội, gia đình. Bằng chứng là loạt ca khúc trở thành hit sau này như "Hồi ức", "Có chàng trai viết lên cây"... đã ra đời.

"Hồi ức" kể câu chuyện của những người đã chết với dòng thời gian như cây lá thay màu. Có lẽ, nhận thấy tự sự của "Hồi ức" phù hợp với cốt truyện "Người bất tử" mà đạo diễn Victor Vũ đã chọn lựa ca khúc này làm nhạc phim. Bén duyên với điện ảnh, Phan Mạnh Quỳnh còn được đạo diễn họ Vũ mời viết ca khúc chủ đề. Và "Ngày chưa dông bão" ra đời. Dù "Người bất tử" không thành công như mong đợi nhưng cả "Hồi ức" và "Ngày chưa dông bão" đều trở thành hiện tượng, vượt thoát cái bóng của bộ phim để có một đời sống riêng. Qua giọng hát ma mị của Bùi Lan Hương, ca từ gây ám ảnh của "Ngày chưa dông bão" đã thu về hơn 57 triệu lượt nghe.

Tuy vậy, phải chờ đến khi "Mắt biếc" của Victor Vũ ra rạp năm 2019, công chúng mới nhận ra âm nhạc Phan Mạnh Quỳnh hòa hợp với điện ảnh đến lạ lùng. Hồi Phan Mạnh Quỳnh trình làng "Có chàng trai viết lên cây", nhiều khán giả nhận thấy nó giống câu chuyện tình trong truyện "Mắt biếc" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có người nói vui, biết đâu mai mốt truyện "Mắt biếc" bước lên màn ảnh, bài hát sẽ trở thành nhạc phim chính.

Quả nhiên, lời tiên đoán trúng phóc. Trong trailer, khi giọng hát Phan Mạnh Quỳnh vang lên theo bước chạy vào rừng sim rực rỡ sắc tím của Hà Lan, nhiều người không khỏi bồi hồi vì dường như ca khúc này sinh ra là dành cho mối tình đơn phương đau khổ của Ngạn. Cùng năm, "Có chàng trai viết lên cây" được khán giả bình chọn là "Nhạc phim được yêu thích nhất" tại giải "Làn sóng xanh". Không dừng lại ở ca khúc chủ đề, Phan Mạnh Quỳnh còn được đạo diễn Victor Vũ đặt hàng viết toàn bộ ca khúc phụ trong phim như "Hà Lan", "Tôi chỉ muốn nói", "Từ đó". Bộ ba ca khúc này cũng được khán giả vô cùng yêu mến và có các bản MV riêng.

Kỷ lục phòng vé của bộ phim "Mai" có sự cộng hưởng rất lớn từ nhạc phim. Sau những đắm đuối muộn màng để rồi tình tan vỡ, Mai quay lưng bước đi với nước mắt tủi phận, cũng là lúc lời ca xót xa của "Sau lời từ khước" vang lên: "Đừng buồn, ôi yêu thương ơi/ Vì mình mang đến cho tôi hạnh phúc thật nhiều/ Sẽ dõi ánh mắt trông theo từ xa/ Mong sao tháng năm mang tôi đi khỏi nỗi khắc khoải tiếc thương khi bỏ lỡ danh phận...". Nhạc Phan Mạnh Quỳnh nói hộ tâm tình người con gái, nói hộ bao khắc khoải, day dứt và tiếc nuối khiến người xem nghẹn ngào, xót thương.

Ca khúc phủ sóng ở mọi nền tảng nghe nhạc, khuynh đảo mạng xã hội Facebook và TikTok. MV "Sau lời từ khước" nhanh chóng lọt top 1 xu hướng thịnh hành trên YouTube. Trước đó, ở phim "Bố già", phút cuối được đẩy lên cao trào và lấy nước mắt khán giả nhờ lời ca chân thành, xúc động của ca khúc "Sao cha không" do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và thể hiện. Chỉ sau 12 giờ phát hành, bản audio đã thu hút hơn 1 triệu lượt nghe.

Sở dĩ, nhạc phim của Phan Mạnh Quỳnh cộng hưởng lớn vào thành công chung của tác phẩm điện ảnh bởi ca khúc truyền tải thành công tâm tư của nhân vật, tạo được sự kết nối rất tốt cho mạch phim, nâng cảm xúc khán giả. Để rồi khi phim rời rạp, ca khúc vẫn có sức sống riêng nhờ giai điệu và lời ca giàu chất thơ sâu lắng, man mác buồn. Chất triết lý nhẹ nhàng được gửi gắm qua ca từ giản đơn, dung dị đặc trưng trong phong cách Phan Mạnh Quỳnh, ai cũng có thể thuộc và cảm.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét: "Âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh vừa mang những nét mới mẻ của thời đại, vừa có màu sắc liêu trai, thi vị. Giai điệu trong các sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh cũng rất đẹp đẽ, ca từ luôn chứa nhiều câu chuyện, vừa gần gũi, vừa mang tính tự sự, dễ chạm tới trái tim khán giả nhiều thế hệ".

Hỏi về bí quyết để có một bản nhạc phim thành công, Phan Mạnh Quỳnh tâm niệm rằng ca khúc phải thật sự hay hoặc có sự trợ lực, đầu tư tâm huyết từ chính đạo diễn. Riêng bản thân Quỳnh rất hào hứng với những chủ đề mà mình chưa từng khai phá hoặc ít người để ý. Anh xem mỗi bài hát cũng giống như một bộ phim. Ở đó, anh sẽ là người kể chuyện bằng âm nhạc, để người nghe thấu cảm như xem lại thước phim đời mình.

Mai Quỳnh Nga
.
.