Phan Đăng: "Thơ rơi lên tôi - kìa, trời đang chuyển dạ"
“Ba mươi chín tuổi tôi nhận ra: “người” chỉ là một khái niệm, nên bắt đầu buông khái niệm. Buồn cười nhỉ, mấy chục năm cuộc đời, tôi di chuyển trong khái niệm mà cứ tưởng mình đi về trong cõi thực”.
Lời thưa của Phan Đăng trong tập thơ hoàn toàn vắng bóng con số 39 như một cách để giải đáp cho câu hỏi: Tại sao con số 39 luôn được dùng để bắt đầu cho nhan đề những cuốn sách: “39 đoản thiền để thấy”, “39 câu chuyện cho tâm an”… Trả lời cho những thắc mắc của độc giả, hay chính Phan Đăng lần này đang tự giải thoát mình khỏi ràng buộc của những khái niệm, những định đề, để từng bước đi vào thế giới thi ca, trở về con người chính mình.
“Tôi ngỡ tôi là người” (NXB Hội nhà văn) được Phan Đăng trình hiện với bốn chương, mỗi chương chỉ một chữ: Nhập, Biến, Mình, Vô, nhưng sẽ gánh vác toàn bộ trạng thái cảm xúc, tư tưởng, mong muốn, cả những loay hoay xoay trở khi tác giả của nó muốn chất lên đôi cánh vốn mỏng manh của ngôn ngữ những tham vọng trên hành trình thi ca của mình.
Bài thơ duy nhất của Chương I mang tên “Mưa tỉ năm”: “Một người đi vào đời/ Một người ra khỏi đời/ Một người đi vào trời/ Một người ra khỏi trời” - chút thoáng luận đề có trong cách mà tác giả thể hiện sự quan sát và nghiền ngẫm về cõi sống. Thật may, sau thoáng chốc bối rối, bước chân trữ tình cũng tìm thấy một chút gì đó trên thế gian để bớt đi sự e dè: “Những dấu chân thế gian như ảo ảnh/ Những hình vẽ thế gian như vết xước…”. Và rồi, lại cũng thật may: cái được tìm thấy đã có bóng dáng của thơ khi tác giả hạ một nốt trầm cho câu cuối: “Vũ trụ mấy tỉ năm nay/ Mưa mỗi ngày”.
Vậy là, “Nhập” đã xác lập bước chân trữ tình đầu tiên đưa Phan Đăng vào vũ trụ ngôn ngữ, để đi tìm những vảy màu lấp lánh của vỉa thơ. Sang Chương II, Biến, với bài mở đầu “Games cuối”, ý tứ, mạch nghĩ, sự diễn ngôn, vẫn hiển thị một hành trình đi tìm: “Socrates rồi cũng chết/ Dù nhà cầm quyền chẳng đưa ra chén thuốc nào/ Bruno cũng chết/ Dù chẳng có giàn thiêu/ …/ Trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn xoay/ …/ Đức Thế Tôn bảo:/ Tự ngươi phải cứu lấy chính mình!…/ Buông dần đi anh bạn/ Cuộc chơi này chẳng ghi lại tên anh!”.
Tôi hình dung ở đây vừa có một hướng dẫn thực hành thiền được thơ hóa. Nhưng tiếp theo là ùa ập những luận đề thơ khởi từ hiện thực tàn khốc: của chiến tranh trong bài thơ “Trái đất - Túi đạn”; từ những con ma, những cơn đói và sự rách nát trong bài thơ “Thuốc mê”: “Thuốc mê nhiều như một dòng sông…/ Những con ma nằm trên bàn phẫu thuật”. Và rồi, “Trên bầu trời nước Nga một chiếc máy bay rơi”.
Nhà thơ run rẩy khi những hiện thực tàn khốc ập đến tàn phá cuộc sống con người. Trong căn hộ chung cư, một đêm tăm tối: “Người đàn bà đang chửa/ Bàn tay bê bết máu/ Bàn tay đặt lên bụng mình/ Nơi một nhân loại mới rồi sẽ được sinh ra?/ Đấy là người đàn bà trong cuộc chiến Ukraine/ Anh nhìn thấy và anh đã khóc”.
Nhưng “anh” vẫn tiếp tục dấn thân vào trong hiện thực. Đi cho đến ngõ cụt là khi nhà thơ vấp phải những “Lọ người”: “Họ đổ gió vào trong lọ/ Đóng chặt nắp, vặn thời gian/ Mưa vắt qua vài thế kỷ/ Lũ lụt tộc người”.
Phan Đăng khiến người đọc nhiều lần rùng mình trong những sự Biến tàn khốc của Chương II với đói nghèo, chết chóc, chiến tranh, thiên tai ngập tràn mặt đất. Chợt gai người liên tưởng đến trận bão lũ lịch sử do cơn bão Yagi gây ra... Bằng vào Chương II, Phan Đăng cảnh báo những thảm họa để nhắc nhở con người (bước vào Chương III) hãy nhìn lại chính mình, hãy trở về với con người bên trong vốn sinh ra để sống hài hòa trong vũ trụ:
“Khi ta cười/ Trời xanh cười/ Trong đáy tim ta cuộn đỏ/ Khi ta bay/ Trời xanh chìa tay/ Đám mây chiều lướt qua tầng óc” (Con bọ).
Và cứ thế, sống trong vòng tròn giữa trời và đất, nhà thơ “Di trú” trong “những nỗi buồn” “tan trong như vô ảnh”. Nhà thơ nhìn thấy “chú bé ổn thương” ở trong một “chú bé kiêu hãnh”. Để rồi, “Một buổi sáng như bao buổi sáng/ Chú vươn mình trở dậy/ Xui khiến tôi trở lại là tôi”, và nhìn thấy một loạt những thứ cần phải được chôn đi “Trong cùng ngày chôn tôi”. Nhà thơ quả quyết: “Đừng khóc tro cốt con/ Đừng khóc tro cốt người/ Rồi mấy trăm năm nữa/ Anh người hay con?”. Đoạn triết luận này khiến tôi nghiêng hẳn về phía Phan Đăng, nhất là khi tác giả tiếp tục lật lên những nấm mồ qua bài thơ “Bốc mộ tiền”, để thêm một lần quả quyết, sẽ chẳng còn lại gì hình dáng người thân đã khuất trong một ngôi mộ, ngoài “núi tiền” mà người ta nhét vào đó!
Trong cõi sống này: “Người ta bỏ người ta vào mê/ Mê bỏ đói người ta vào thực/ Những vùng trời tối đen hơn mực/ Được bỏ vào ánh sáng” (Einstein đã chết).
Một nhận thức vừa nhói lên, giữa thực và mê, giữa vùng tối và ánh sáng, tức là vẫn còn trong nhập nhọa nhưng đã có thể lờ mờ gọi tên. Đến đây, tôi cảm thấy lại phải hít vào một hơi thật sâu, thở ra thật chậm, nhưng không phải là một cách để lấy đà bước vào vùng luận đề nặng nề khối tai ương thảm họa của Chương II, mà là, được bước một chân ra khỏi vùng nhập nhọa tối - sáng của Chương III, để chỉ còn một bước nữa, với bài thơ “Đêm”, là tôi bắt đầu thấy mình được chạm vào thứ ngôn ngữ có sự lấp lánh, bí ẩn, dẫu vẫn là cái luận đề “đêm” dắt tôi đi tìm cảm xúc:
“Đêm/ Mắt em dẹp xuống/ Câu thơ lặn cuối mùa đông/ Đêm/ Tiếng em bặt gió/ Ngoài hiên mưa đi theo chồng/ Đêm/ Tóc em bạc nắng/ Gió tan trong lòng người dưng/ Đêm/ Tiếng rao màu trắng/ Vỡ tôi sương em không lời” (Đêm).
Rồi, dìu dặt, là những cung bậc của “Đàn trời”: “Hôm nay trời gọi con chim ấy/ Cánh xanh xao tơi tả rủ xuồng lồng/ Trên đỉnh núi trời gọi con chim ấy/ Cứ lặng im, từ chối được không” … “Đi về với trời không?/ Tiếng nỉ non thúc giục/ Tiếng trong và tiếng đục/ Tiếng bàng hoàng tỉnh thức/ Tiếng du dương bi ai”.
Một chút luận đề còn rơi rớt lại, nhưng thanh âm, lời vọng đã rõ nét dần lên trong những thầm thì rủ rê của câu chữ. Cái ý tứ trình hiện của hành trình Nhập, Biến, Mình, Vô đến đây đã rõ. Nhập mình vào cuộc đời, di và trú trong cuộc đời, chứng nghiệm sự chuyển mình, nhận thức lại mình cũng như nhận thức về thế giới, để cuối cùng (Chương IV: Vô), là có thể cất tiếng của riêng mình, trong cuộc đời, trong những giấc mơ, trong mường tượng về Thượng Đế và cả những mùa xuân chết chóc, trong hư vô, và trong không…
Đến đây tôi chợt liên tưởng đến hành trình nhập vào thế giới tâm linh để đi tìm chân lý của nhân vật Tất-đạt trong tiểu thuyết “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse, mà cuối cùng thì chân lý không phải đâu xa, nó nằm trong chính cuộc sống thực tại muôn màu.
Phan Đăng là một người thông minh, làm gì cũng đều logic. Nhưng ở chương Vô này, tôi nhận thấy Phan Đăng đã có thể rời xa những luận đề đè nặng lên con người lý trí. Thơ đã dắt Phan Đăng đi vào lối mới. Có thể trích dẫn ra đây những câu thơ tôi thích nhất:
“Người thiếu nữ ngỡ mình là thiếu nữ/ Người thiếu nữ ngỡ tôi là tôi/ Tàn rơi/ Mây đóng cổng trời… Cánh đồng khô như tôi/ Buồn như một trăm tiếng cười/…Tôi ngỡ tôi là người!” (Ngỡ);
“Ông bảo tôi nghĩ về áng mây/ Sau cơn chuyển dạ đầu núi/ Những miền không tăm tối/ Trong cơ man tộc người” (Thượng Đế thoáng chốc);
“Tôi rạch một hơi thở/ Tìm tôi/ Bỗng thấy môi trời/ Cười/ Mây ngang qua tôi/ Thơ rơi lên tôi/ Kìa/ Trời đang chuyển dạ!” (Chuyển dạ);
“Trong hoa cỏ của mùa xuân tử vong/ Người ta đi tìm trái tim mùa hạ” (Mùa xuân tử vong).
Phan Đăng hai lần nhắc đến “chuyển dạ” - như một thức ngộ nội tâm của chính mình - trong hành trình sống, hành trình tâm linh và cũng chính là trên con đường Phan Đăng đến với thơ. Đầu tiên, có vẻ như thơ khởi lên từ những cái nghĩ rất già nua, từ tâm tư nhiều day trở nhưng có phần ôm đồm, đôi khi vặn vẹo sự đời trong những bài thơ luận đề dẫn dắt, khiến tác giả phải vận dụng đến nhiều sự thông minh để xử lý vấn đề mình đặt ra. Người thông minh thì dễ sa vào những cuộc tranh luận nhưng hay nhất và may mắn nhất của Phan Đăng chính là rơi vào cuộc tranh luận, cãi cọ với chính mình. Vậy nên, mạch thơ Phan Đăng cứ thế trở nên nhuần nhị, tự nhiên, nhẹ nhõm dần đi, song hành với con người từ chứng kiến, chứng nghiệm đến chứng ngộ; trải qua những cuộc vật lộn âm thầm, để chối bỏ, để “chôn”, để “vứt”...
Và rồi trong một “Mùa xuân thụ thai”, khi Phan Đăng khẳng định: “Tôi ấp!/ Đất trời giêng hai”, tôi cũng lại hít vào thật sâu, thở ra chậm… nhẹ. “Cơn sinh nở không hẹn giờ” mà tự nhiên như hơi thở, có “Hoa cỏ làm bà đỡ”..., một Phan Đăng của thi ca đã chào đời!
Đến đây, cái hình dung ban đầu của tôi về cuộc thơ hóa một hành trình tâm linh trong Phan Đăng đã được minh định. Điều thật hay là, trong ý đồ định mượn thơ để diễn giải hành trình tâm linh, thì Phan Đăng may mắn được thơ “cảm hóa”, được “chứng ngộ” thơ để tự thắp lên ngọn nến chính mình trong cuộc đời và trong thơ: “Thơ rơi lên tôi/ Kìa/ Trời đang chuyển dạ”.