PGS-TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Người đàn bà tuổi hổ và mối tình hoa sen

Thứ Tư, 26/01/2022, 11:07

Hổ được coi là chúa tể rừng xanh. Những loài khác ở rừng nhìn thấy hổ e dè, kính nể. Hổ thường nằm một chỗ chờ khi con mồi xuất hiện, nó liền vùng dậy uyển chuyển lướt qua nhanh như tia gió và chiếm trọn con mồi. Người đàn bà tuổi hổ Nguyễn Thị Minh Thái cũng dữ dội không kém. Mỗi khi gặp chị, tôi lại cảm giác như mình đang đối diện người đàn bà chứa ngọn núi lửa ngàn năm chỉ chực chờ bung nổ. Nhưng ẩn sau vẻ sôi cuộn đó lại là những câu chuyện tình ướt đẫm đến mềm lòng.

Những con người đặc biệt thì câu chuyện bí mật của họ luôn có một hấp lực lớn khiến người khác tò mò. Và sau này tôi cũng đã hiểu vì sao hàng chục năm nay, người đàn bà tuổi hổ lại chờ đợi tháng 5 mỗi mùa sen về và có những sáng sớm tinh sương chị ra đầm sen để ôm ấp từng cánh sen thơm nồng, tinh khiết.

Cụ ông thân sinh ra chị vốn là một người chơi đàn măng đô lin có tiếng ở Hà Nội. Thời chống Pháp, cụ chạy tản cư lên Thái Nguyên gặp người con gái Bắc Ninh, hai người nên duyên vợ chồng hạ sinh ra bé gái, lấy mảnh đất kết giao đặt tên con là Minh Thái. Lên 6 tuổi Minh Thái theo cha mẹ về Thủ đô. Ấn tượng nhất với cô bé phố núi là cầu Long Biên bắc ngang dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa và những con phố Hà Nội có những ô gạch màu trắng lát vỉa hè để cô bé chơi lò cò cùng đám bạn.

Hai vợ chồng nhạc công mua một căn nhà lá ở phố Dã Tượng. Xung quanh đấy là kiến trúc của những ngôi biệt thự Pháp với loài hoa móng rồng đổ xuống bám vào bờ tường đẹp như một bức tranh sinh động. Từng hàng cây sấu già xanh rợm rì um tùm trên những con phố của Thủ đô và mùi hoa sữa thơm nồng đã gieo vào cô bé một xứ sở thần kì của câu chuyện cổ tích.

PGS-TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Người đàn bà tuổi hổ và mối tình hoa sen -0

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, những người dân của Hà Nội đi sơ tán, Minh Thái cùng gia đình trở lại Đại Từ (Thái Nguyên), mảnh đất khi xưa mình cất tiếng khóc chào đời. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, người dân của Hà Nội phải đi sơ tán khắp nơi, cô bé con ngày nào cũng đã trở thành thiếu nữ từ Đại Từ về Hà Bắc rồi sang La Khê, dừng chân ở Thượng Đình (khu tập thể Khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp). Bàn tay vô tình của tạo hoá khiến định mệnh được sắp đặt một cách hoàn toàn tự nhiên, sau này Minh Thái trở thành cô sinh viên Khoa Văn của Đại học Tổng hợp.

Cách đây 6 năm, vào một buổi chiều đông buốt giá, lúc đó cũng vào dịp giáp Tết, chúng tôi có buổi ăn tối tại nhà của nhà báo Phan Đăng. 5 giờ chiều, Phan Đăng quay sang hỏi tôi: "Đố Hiền biết tí nữa cô Thái đến sẽ mặc màu gì?". Tôi hiểu ý của Phan Đăng, đó là bữa ăn cuối năm để đón chào năm mới, tôi mặc đồ màu đen nên cậu muốn có một màu sắc rực rỡ hơn đến nhà. Tôi đoán bừa: "Chị ấy sẽ mặc váy màu xanh thiên thanh".

Mấy phút sau có tiếng gõ cửa, chị bước vào, chị không mặc màu đen u tối, cũng không phải màu xanh hy vọng mà là bộ váy tím hoa cà xoè bung lụa rất đàn bà. Người đàn bà tuổi hổ xách một cái làn nhựa trong đó có bánh chưng, miến và mộc nhĩ. Chị bảo: "Tết là phải thấy những cái này mới ra không khí Tết". Cành hoa đào nhà Phan Đăng dưới ánh đèn vàng càng thêm lung linh.

Sau bữa ăn tối, chị mở gói chè Thái được bọc cẩn thận trong từng cánh sen hồng, ở ngoài được bọc bởi lá sen, vui vẻ bảo: "Cả mùa sen sáng nào cũng lên Tây Hồ để ngắm sen và tự tay hái sen, còn được cả gia đình nghệ nhân ở đấy dậy cách ướp trà sen. Mọi người thử thưởng trà xem có khác hơn không?!". Phan Đăng cười nói: "Có hôm 5 giờ sáng cô còn gọi điện bảo đưa cô đi ngắm hoa sen ở Tây Hồ". Chúng tôi cùng cười nắc nẻ, chả hiểu duyên cớ vì sao mà người đàn bà tuổi hổ này lại yêu sen đến điên cuồng "khùng dại" như vậy.

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Minh Thái là sinh viên năm thứ nhất Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp, do nhà xa nên cô gái xinh đẹp ở lại khu kí túc xá của nhà trường. Bao quanh khu kí túc xá là một hồ sen rộng, chiếc giường của Minh Thái kê cạnh cửa sổ, kì lạ thay buổi sáng sớm khi Minh Thái mở mắt dậy đã thấy bó sen hồng thơm mát được cuộn trong lá sen để đầu giường. Cô gái ngạc nhiên hỏi các bạn cùng phòng, nhưng không ai nhận. Sự việc cứ như thế diễn ra hơn 1 tháng. Đêm nằm, hương sen toả ra thơm ngát ru cô gái vào giấc ngủ, chính vì lẽ đó mà Minh Thái không biết "kẻ chủ mưu" trong vụ tặng sen này là ai cho đến một ngày.

PGS-TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Người đàn bà tuổi hổ và mối tình hoa sen -0

Từ con đường đất hôm ấy có một bác nông dân dẫn thêm hai cán bộ vào khu kí túc xá. Một người cất giọng nghiêm túc: "Chúng tôi ở hợp tác xã trồng sen và bán sen, mùa sen năm nay đầm sen thường xuyên bị mất trộm hoa, chúng tôi theo dõi và biết ở Khoa Văn có kẻ cắp suốt ngày lấy hoa sen của chúng tôi. Chúng tôi đề nghị lớp tìm và giao người đó ra". Một bạn cán bộ lớp bước ra nói: "Minh Thái, bạn là người nhận hoa, bạn có biết ai là người tặng hoa cho bạn không?". Minh Thái thật sự ngạc nhiên pha chút bối rối: "Tôi thề không biết người đó là ai cả, thật ra tôi cũng đang rất muốn biết người đó là ai?!". Một tiếng quát lớn: "Ai hái trộm hoa sen tặng Minh Thái thì đứng dậy đi". Cả lớp im lặng. Một bạn nam trong lớp bước ra cất lời: "Tôi đề nghị nhận bằng một truyện ngắn của Pauxtốpxki".

Có một người nông dân nhà rất nghèo, khi vợ ông qua đời để lại cho ông một cậu con trai. Người nông dân làm việc cho một gia đình quý tộc, một hôm nghĩ đến cảnh con trai bé bỏng ở nhà không có đồ ăn nên ông đã lấy trộm một cái thìa bằng vàng của chủ nhà. Nhiều năm sau, người nông dân trong phút lâm chung vẫy cậu con trai lại, thở thều thào, yếu ớt, ông nói: "Con đi tìm cha xứ đến cho cha để cha xưng tội. Có xưng tội xong cha mới ra đi thanh thản được". Cậu bé ngây thơ quay ra hỏi cha: "Cha xứ trông như thế nào, thưa cha?". "Đó là người mặc áo choàng dài màu đen...". Chưa kịp để cha nói hết lời, cậu bé liền chạy ra ngoài đường, thấy có một người đàn ông mặc áo choàng đen, cậu bé vội vàng chạy đến, mếu máo: "Ông có phải là cha xứ không?". Người đàn ông thấy những giọt nước mắt của cậu liền nói: "Ta có thể giúp gì được cho con không?". Cậu bé vội vàng bảo: "Thưa cha, cha con đang hấp hối ở nhà và ông cần xưng tội".

Người đàn ông liền theo cậu bé bước vào nhà. Trong căn phòng tồi tàn đấy có chiếc đàn dương cầm cũ. Người đàn ông ngồi xuống bên cây đàn rồi cất tiếng: "Ta sẽ rửa tội cho con bằng một bản nhạc". Một bản nhạc du dương được cất lên, bác nông dân nghe xong bản nhạc liền kể câu chuyện mình đã ăn cắp chiếc thìa vàng của nhà chủ, khuôn mặt đau khổ hỏi cha xứ: "Cha có tha tội cho con không?". Người đàn ông mặc áo choàng liền nói: "Tha ngay, đó không phải là ăn cắp, đó là chiến công của tình yêu". Nghe cha xứ nói xong, bác nông dân ra đi thanh thản với một nụ cười. Cậu bé hỏi là ông đã nói gì để cha mình được mỉm cười trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Người đàn ông bảo: "Cha con đã lấy chiếc thìa bằng vàng để nuôi nấng con trưởng thành như thế này, ta đã nói: "Đó không phải ăn cắp, đó là chiến công của tình yêu". Người đàn ông mặc áo choàng đen đó chính là nhà soạn nhạc thiên tài Mozart.

Sau khi kể xong câu chuyện, người bạn đó dõng dạc tuyên bố: "Tôi cho rằng đây không phải là ăn cắp hoa sen, đây là chiến công của tình yêu". Trong lớp bắt đầu có tiếng xì xào, sau đó một bạn trai đứng dậy thú nhận: "Tôi, chính tôi là người lấy hoa sen tặng Nguyễn Thị Minh Thái".

Năm 1970, chiến tranh với Mỹ càng trở nên khốc liệt, sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học tổng hợp lên đường ra mặt trận vào Nam chiến đấu, có nhiều người ra đi và mãi mãi không trở về. Vào một buổi tối trước giờ phút tiễn người bạn học lên đường, Minh Thái hát cho người bạn trai ấy nghe: "Người chiến sĩ trong giờ phút xuất chinh/ Nửa trong đêm chiếc thuyền đá xanh/ lòng lưu luyến anh giã từ...". 

 Minh Thái đã yêu sen từ thủa ấy, hoa sen là loài hoa yêu thích gắn với mối tình tinh khiết đẹp trong và chị cứ mong mỏi tháng 5 về đến mùa sen nở...

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.