Ông “thủ đền” ở ngôi nhà kiến trúc

Thứ Tư, 01/01/2025, 11:14

Thật không quá khi gọi nhà báo, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng là “thủ đền” ở Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Không chỉ bởi ông là Chánh Văn phòng hội, có tổng cộng 20 năm công tác tại đây, mà còn bởi sự nhiệt tình, gợi mở, kết nối, góp phần để trụ sở hội là ngôi nhà chung của giới kiến trúc sư, nơi mà các nhà báo đến để được tiếp đón, chia sẻ.

Chất nghệ sĩ trong con người kiến trúc sư

Cảm nhận đầu tiên của tôi đối với KTS Phạm Thanh Tùng là người dễ gần, thân thiện dù tiếp xúc với người trẻ. Ở ông, chất kiến trúc và kinh nghiệm nghề nghiệp tạo nên bản lĩnh của một chuyên gia kiến trúc đô thị có uy tín. Ngoài là chuyên gia kiến trúc, ông còn là nhà báo, nghệ sĩ. Điều đó được thể hiện ở cách sống, nghĩ, làm việc của ông. Điều đó cũng thể hiện trong từng tác phẩm báo chí, tản văn, thơ ông đã viết.

ki%3fn trúc su ph%3fm thanh tùng.jpg -0
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng.

KTS Phạm Thanh Tùng bảo rằng, mình được thừa hưởng tinh thần dấn thân, sống đẹp, trách nhiệm, luôn nhiệt thành của cha - nhà thơ Xuân Thiêm. Tìm hiểu ra, nhà thơ Xuân Thiêm là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2023, nhà thơ Xuân Thiêm vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Cả đời nhà thơ Xuân Thiêm cống hiến, làm việc tận tụy, là “thủ đền” ở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, với tư cách là Tổng thư ký.

Là Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ông Tùng cũng luôn đóng vai trò “người mở cửa” nhiệt thành. Bởi xã hội đã phát triển, Việt Nam hội nhập với thế giới, kiến trúc và quy hoạch đô thị thay đổi, vai trò và trách nhiệm của mỗi kiến trúc sư ngày càng lớn. Mỗi kiến trúc sư càng phải giữ tinh thần cống hiến, đạo đức nghề nghiệp. Và bởi thế, ông luôn muốn giữ lửa, truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trẻ, để mỗi người có cơ hội cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.

KTS Phạm Thanh Tùng là hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Xây dựng; Phó tổng biên tập Phụ trách Báo Xây dựng; Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (Bộ Xây dựng). Ông hiện là Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

KTS Phạm Thanh Tùng tâm sự: “Hành nghề của kiến trúc sư liên quan đến xã hội. Nó làm cho thành phố đẹp lên hay xấu đi. Nó làm thay đổi nhận thức của con người, làm con người tốt hơn, hạnh phúc hơn nếu được sống trong những ngôi nhà có kiến trúc đẹp, thoáng đãng, mát mẻ, có môi trường trong lành, nhiều cây xanh, mặt nước, hài hòa với thiên nhiên”.

Cùng phải nói thêm, từ nhỏ KTS Phạm Thanh Tùng đã được sống trong bầu không khí văn chương ở “Nhà số 4” - Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được tiếp xúc, lắng nghe những câu chuyện của nhiều nhà thơ, nhà văn cùng thời với cha mình, như Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng…, các họa sĩ Mai Văn Hiến, Huy Toàn… Chất văn nghệ “ngấm” vào ông và hun đúc niềm đam mê mạnh mẽ với lĩnh vực kiến trúc, đô thị và văn chương.

“Ngày nhỏ tôi thường được họa sĩ Mai Văn Hiến cho bóc vỏ trứng để ông làm tranh sơn mài. Một lần, cha tôi hỏi họa sĩ Mai Văn Hiến, cháu Tùng có học mỹ thuật được không? Họa sĩ Mai Văn Hiến bảo, đã học thì phải học Mỹ thuật Yết Kiêu, nhưng phải là người tài năng về hội họa. Thanh Tùng nên học kiến trúc”, ông Tùng nhớ lại.

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, ông vào học Khoa đô thị - Trường đại học Xây dựng, và năm 1969, chuyển sang học Trường Đại học Kiến trúc (lúc này mới thành lập). Nhờ tâm huyết truyền thụ của các kiến trúc sư thế hệ đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, như Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Trần Hữu Tiềm, Khổng Toán… Phạm Thanh Tùng có được nền tảng tốt để có cái nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn về kiến trúc.

Ra trường năm 1972, ông lăn lộn, dấn thân vào nghề, tham gia thiết kế, phục hồi Nhà máy điện Hàm Rồng (Thanh Hóa), Nhà máy điện Bến Thủy (Nghệ An)… và một số công trình kiến trúc khác. Trong quá trình làm việc, ông nghiệm ra nhiều vấn đề. “Tôi hiểu rằng, kiến trúc không đơn thuần là việc vẽ nhà, công trình mà còn là câu chuyện xã hội. Tôi luôn tâm niệm, muốn làm gì thì làm, kiến trúc sư phải trân trọng những giá trị, di sản văn hóa của dân tộc”, ông Tùng nêu quan điểm.

Một lòng với Thủ đô

KTS Phạm Thanh Tùng sinh năm 1949, quê gốc ở Hưng Yên, sống và làm việc tại Hà Nội. Ông tự hào và hãnh diện vì được làm việc về kiến trúc, sống và viết về Hà Nội với tâm hồn rộng mở. Chẳng thế mà, có lần, Thanh Tùng gặp nhà văn Băng Sơn (khi Băng Sơn còn sống), lão nhà văn bảo: “Mình là nhà văn, mình thích lang thang, Thanh Tùng là kiến trúc sư cũng thích lang thang. Tùng cũng như người hát rong về kiến trúc”.

Mới đây, KTS Phạm Thanh Tùng xuất bản cuốn sách “Kiến trúc, một góc nhìn”. Cuốn sách gồm 61 bài được lựa chọn trong hàng trăm bài mà tác giả đã viết trong khoảng 15 năm trở lại đây và được bố cục thành ba chương: Chương I - Hà Nội trong tôi, Chương II - Kiến trúc và Xã hội, Chương III - Kiến trúc và Phê bình kiến trúc. Nhiều bài đã được đăng trên các báo, tạp chí. Có thể nói, cuốn sách chắt lọc 50 năm làm việc, hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc.

Ở chương I, tác giả dành tình yêu nồng nàn cho Hà Nội. Ông viết về những điều giản dị. Từ những con phố, những hàng cây, những ngôi nhà cổ, gánh hàng rong đến những tòa nhà có kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, và cả thành phố bên sông, thành phố trong thành phố. Theo ông, kiến trúc không phải là cái gì cao siêu, tháp ngà. Nó là một lĩnh vực thật giản dị.

Ở Chương II - Kiến trúc và Xã hội, tác giả tập trung vào những đổi thay của đô thị, từ đó kiến trúc cũng phải thay đổi để ăn nhập thực tế. Trong mỗi bài viết, ông đều có cái nhìn cụ thể nhưng giản dị, đồng thời đề cao giá trị văn hóa, truyền thống cũng như đưa ra kiến nghị phát triển đô thị ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn.

KTS Phạm Thanh Tùng chia sẻ: “Là kiến trúc sư - nhà báo, tôi phản ánh kiến trúc bằng trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và tình yêu đối với Hà Nội, với quê hương, đất nước. Qua đó, tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc một khát vọng cháy bỏng là kiến trúc nước nhà sẽ ngày càng phát triển bền vững, hội nhập nhưng không hòa tan. Để kiến trúc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh luôn rạng rỡ, tự hào sánh vai cùng kiến trúc thế giới với vị thế riêng, độc đáo, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa dân tộc”.

Chương III, tác giả đưa ra những luận giải, phản biện, giúp ý và xây dựng cho Thủ đô. Nhưng bạn đọc vẫn thấy nhẹ nhàng, tình cảm, bởi trong đó không phải là những bài phê bình lý luận mang tính học thuật, hàn lâm mà là những bài viết mang tính trực quan của kiến trúc sư nhìn sự việc thực tế.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh, đã viết trong lời giới thiệu: “Phải là người yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội, có thời gian sống lâu năm và trăn trở với Hà Nội... thì mới hiểu được cái hồn Hà Nội, sự phát triển thăng trầm của từng thời gian để có được Hà Nội như ngày hôm nay. 61 bài viết trong tập sách cho ta cảm nhận được cái đẹp của Hà Nội xưa, văn hóa của Hà Nội xưa... đã in sâu vào lòng tác giả, để bất kể sự thay đổi trong sự phát triển của Hà Nội ngày nay hay những cái tồn đọng của Hà Nội cũ đều làm tác giả có những suy nghĩ, trăn trở để có những góp ý, phê bình, phản biện và xây dựng thông qua những bài viết với một góc nhìn của người kiến trúc sư yêu Hà Nội”.

Song hành với kiến trúc, đến nay đã hơn 40 năm, với “thủ đền” Phạm Thanh Tùng, dù có nhiều thăng trầm nhưng ông không thôi đam mê. Ông đã làm việc hết mình nên chẳng có gì phải hối tiếc. Cái được nhất với ông là bản thân được đóng góp cho xã hội, cho nền kiến trúc nước nhà. Tuy đã có tuổi, ông vẫn hăng say làm việc, tham gia các hội đồng của nhiều bộ, ngành. Ông vui vì các cơ quan, đồng nghiệp vẫn coi trọng và ông vẫn có cơ hội cống hiến.

Hơn 20 năm trở lại đây, ông viết nhiều hơn về kiến trúc, quy hoạch. Mỗi khi có báo, tạp chí đặt bài ông đều nhận lời và viết với tinh thần trách nhiệm cao. Ông quan niệm, khi người khác đặt viết bài là họ đã kỳ vọng vào chất lượng bài viết và vốn sống của người được đặt bài. “Mỗi bài tôi đều viết bằng trách nhiệm của một kiến trúc sư, và cố gắng nói những điều cần nói, vấn đề được đưa ra kịp thời”, ông Tùng bày tỏ.

Văn Học
.
.