Văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng:
Nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong thời đại mới
Thứ Hai, 31/03/2025, 16:19
Vừa qua, tại NXB Quân đội nhân dân (QĐND) đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025): Thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.
Qua hội thảo, giới học giả, những nhà nghiên cứu lý luận phê bình tiếp tục khẳng định vị trí đặc biệt của dòng Văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong lịch sử dân tộc cũng như trong đời sống đương đại.
Hội thảo khoa học nhìn lại 50 năm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Hội thảo do Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) phối hợp với NXB QĐND tổ chức đã thu hút 60 tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các văn nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình tên tuổi tham gia như các học giả: Thiếu tướng, PGS.TS.NGND Nguyễn Bá Dương với “Nhà văn viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng với sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày nay”; GS.TS Đinh Xuân Dũng với “Cái giá của chiến thắng và số phận con người - một nét mới trong văn học Việt Nam về chiến tranh sau chiến tranh”; PGS.TS. nhà văn Nguyễn Thế Kỷ với “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn là đề tài lớn, nguồn cảm hứng cao đẹp trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”; PGS.TS Lưu Khánh Thơ với “Sức hấp dẫn của văn chương phi hư cấu về đề tài chiến tranh”; PGS.TS. Phạm Quang Long với “Chiến tranh và người lính vấn đề muôn thuở của văn chương”..
Đông đảo nhà văn, nhà thơ đã từng gắn bó với đề tài người lính trong hành trình trước và 50 năm sau ngày đất nước thống nhất cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến nội dung cuộc hội thảo này và góp tiếng nói như Vương Trọng, Chu Lai, Nguyễn Bảo, Trần Anh Thái, Mai Nam Thắng, Nguyễn Hữu Quý, Bùi Việt Mỹ, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Thanh Khương... Thông qua tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ sẽ góp phần giúp công chúng có cái nhìn tổng kết về chặng đường nửa thế kỷ qua.
Nhìn lại thành tựu của chặng đường 50 năm qua, những tác phẩm văn học, nghệ thuật không chỉ có ý nghĩa trong nước, mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc chiến tranh cách mạng thống nhất đất nước và hình ảnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nêu một số hạn chế, bất cập, nhất là trong công tác quản lý, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Đồng thời, cũng chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó gợi mở những chủ trương, giải pháp, hướng đi mới cho văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Sự quan tâm của giới học giả và người cầm bút đối với hội thảo lần này cũng chứng tỏ đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn có một vị trí nổi bật, có sức hút lớn đối với người đọc, người viết, là nỗi trăn trở suy tư với bao tâm huyết.
Theo Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB QĐND: “Hội thảo lần này là dịp để chúng ta đánh giá sâu sắc, toàn diện những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm của văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng; khẳng định vị trí, vai trò và giá trị to lớn của văn học, nghệ thuật trong Quân đội, góp phần xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong suốt 50 năm qua. Bên cạnh đó, hội thảo còn có ý nghĩa cổ vũ, động viên, phát huy tài năng, tâm huyết của các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật...”.
Có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc gắn với những công cuộc chống ngoại xâm, đã để lại những áng văn thơ bất hủ như “Nam quốc sơn hà” tương truyền của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi... Trong thế kỷ XX, với những tác phẩm tiêu biểu đi cùng năm tháng như “Đồng chí” của Chính Hữu, “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân, “Ông cố vấn” của Hữu Mai, “Huế mùa mai đỏ” của Xuân Thiều, “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai, “Những bức tường lửa” của Khuất Quang Thụy, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh... không chỉ khai thác đa chiều về hình tượng người chiến sĩ trong dòng chảy cách mạng, mà đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo của nền văn học hiện đại của Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, dòng chảy này vẫn còn tiếp tục và đã xuất hiện một thế hệ các nhà văn kế cận sinh ra và lớn lên trong hòa bình như Phùng Văn Khai, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Xuân Thủy, Đỗ Tiến Thụy, Hô Kiên Giang, Phạm Vân Anh...
Có thể khẳng định rằng, trong mỗi giai đoạn với bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng văn học, nghệ thuật (trong đó văn học là dòng chủ lưu) về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn có vị thế và sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, luôn nhận được sự quan tâm của các thế hệ văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu lý luận phê bình cũng như đông đảo công chúng thuộc các tầng lớp nhân dân. Những bài học, kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút qua hội thảo lần này sẽ tạo nền tảng vững chắc, nuôi dưỡng, khích lệ, động viên văn nghệ sĩ nói chung tiếp tục sáng tác nên những tác phẩm có giá trị trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới...”.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội
Từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã trải qua nửa thế kỷ với những cuộc chuyển động ráo riết, mãnh liệt trong những tình thế khó khăn. Văn học nghệ thuật với chức năng phản ánh xã hội cũng có những vận động ráo riết theo. Sau 1975, đất nước thống nhất nhưng hòa bình chưa đến trọn vẹn: một đằng chúng ta vẫn chịu đà quay của chiến tranh bằng 2 cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Bắc và Tây Nam của Tổ quốc cùng những hậu quả tàn khốc về chiến tranh; một đằng là sự phân tán mục tiêu chung của cộng đồng dẫn đến những thay đổi về nhận thức, về quan điểm và cả những rạn nứt trong xã hội.
Đặc biệt là trong thời kỳ mở cửa, những khuynh hướng, những trào lưu, những quan điểm nghệ thuật ùa vào, với sự tiếp nhận có cái tích cực và có cái chưa phù hợp, tạo ra sự đa dạng, nhiều chiều. Trong sự đa dạng ấy, có một dòng văn học bền bỉ, vững chãi, đi từ đầu đến cuối một cách cương nghị, đấy chính là dòng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang.
Dòng văn học ấy trở thành dòng văn học chủ đạo, bởi nó kế thừa truyền thống từ 1945 cho đến tận bây giờ, có được những kết quả tinh túy, làm nền tảng cho văn học, nghệ thuật hiện đại. Sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang không phải để trả nợ quá khứ, không chỉ dừng lại ở việc giãi bày những trải nghiệm thực tế của mình trong chiến tranh, mà cao hơn đó là sự chiêm nghiệm về con người. Cho nên, nó vẫn là đề tài cuốn hút và phổ cập của chúng ta...
Đại tá, NSND Tự Long - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội
“Là đơn vị nghệ thuật biểu diễn chèo duy nhất của QĐND Việt Nam với đặc thù là một “Chiếu chèo chiến sĩ”, trong suốt hành trình lịch sử phát triển của mình, Nhà hát Chèo Quân đội luôn ưu tiên dàn dựng những vở chèo về đề tài chiến tranh cách mạng như “Đường về trận địa”, “Người chiến sĩ ấy”, “Anh lái xe và cô chống lầy”...
Sau năm 1975, những vở diễn mà nhà hát dàn dựng không còn chỉ xoay quanh chiến tranh mà mở rộng ra các đề tài xây dựng đất nước. Các vở chèo như “Lửa thiêng”, “Ánh sao đầu núi”, “Bến nước đời người”, “Rặng trâm bầu”... không chỉ tôn vinh người chiến sĩ trong thời chiến, mà còn phản ánh về hình ảnh những người lính thời bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nếu như trong thời kỳ kháng chiến, các vở diễn chủ yếu được dàn dựng đơn giản, phục vụ lưu động cho chiến trường, thì trong thời kỳ mới, nhà hát đã có điều kiện phát triển chuyên nghiệp hơn, ứng dụng sân khấu hiện đại, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật chèo.