NSƯT Nhật Thuận: Từ cô thợ may trở thành người lính - nghệ sĩ
Là một giọng ca nội lực, NSƯT Nhật Thuận có thể hát được nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Vai mang quân hàm Trung tá, chị hiện là giọng ca chủ lực của Đoàn nghệ thuật Quân khu 3 và cũng là một cái tên không thể thiếu khi nhắc đến những ca sĩ nổi bật trong quân đội hiện nay.
Mộc mạc, chân thành như chính phẩm chất lính, phẩm chất của một người con Hải Phòng, nữ ca sĩ chia sẻ những kỷ niệm cảm động trong cuộc đời làm nghệ thuật gắn bó với màu xanh áo lính. Nhật Thuận cũng là một trong những nghệ sĩ của quân đội có tên trong danh sách xét duyệt NSND sắp tới.
- NSƯT Nhật Thuận thân mến, chị vốn được biết đến là một ca sĩ sớm nổi tiếng, được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội và Học viện Âm nhạc quốc gia. Không ít ca sĩ cùng thế hệ chị đã chọn ở lại thủ đô để lập nghiệp vì có nhiều cơ hội phát triển hơn. Còn chị, vì sao chị chọn quay làm nghệ thuật trên quê hương?
+ Tôi vốn đam mê ca hát từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1995 khi còn là học sinh trung học phổ thông tôi giành Huy chương Vàng Liên hoan tiếng hát Hoa phượng đỏ. Giấc mơ trở thành ca sĩ luôn cháy bỏng trong tôi, nhưng tôi đành phải gói ghém giấc mơ đó lại, vì bố mẹ tôi không ủng hộ. Tôi đã đi học nghề may và dự định trở thành một cô thợ may trong tương lai. Nhưng, như người ta thường nói, nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề, tôi vẫn may mắn được trở lại đắm đuối trong ước mơ ban đầu của đời mình.
Trong một lần tình cờ gặp gỡ vị Trưởng đoàn Văn công Quân khu 3, nghe tôi hát, ông đã thổi bùng ngọn lửa âm nhạc trong tôi một lần nữa bằng cách thuyết phục gia đình đồng ý cho tôi theo đuổi nghệ thuật. Ông khiến tôi tin tưởng rằng tôi sẽ trở thành một nghệ sĩ bằng chính năng lực của mình. Tôi đã miệt mài học tập dưới mái trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội để không phụ lòng tin tưởng của những người yêu quý mình.
Ra trường, tôi quyết định về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 3, dù cho có một số lời mời mọc khác. Tôi trở về quê hương vì đây là tuổi thơ, nơi nuôi dưỡng niềm khát khao âm nhạc trong tôi. Hơn nữa, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 3 giống như ngôi nhà của tôi, nơi tôi được phát hiện và nuôi nấng tình yêu với âm nhạc. Tôi xác định sẽ gắn bó cả cuộc đời mình tại đây. Sau này tôi tiếp tục theo học Học viện âm nhạc Quốc gia và học xong tôi cũng chỉ tâm niệm một điều sẽ mang những kiến thức âm nhạc mình đã học được về cống hiến cho quê hương.
- Đó có phải là lý do chị yêu thích và thể hiện thành công nhất những ca khúc chủ đề tình yêu quê hương đất nước và người lính?
+ Tôi là một người nghệ sĩ sinh ra từ vùng đất Châu thổ sông Hồng. Cái đặc tính châu thổ ấy ngấm sâu trong từng tế bào cơ thể tôi, trong giọng nói, giọng hát, trong cách ứng xử với cuộc đời. Tôi rất yêu những nét văn hóa trong âm nhạc của vùng đất châu thổ. Chính vì thế mỗi khi gặp một ca khúc hay viết về quê hương tôi như thả hết tâm hồn mình vào đó. Quê hương và người lính là những mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ trong tôi, là món nợ cuộc đời tôi mang theo và trả bao nhiêu cũng chưa thấy mình hết nợ.
- Là một người nghệ sĩ mặc áo lính thì có điều gì đặc biệt so với một ca sĩ khác, thưa chị?
+ Phải nói rằng, môi trường dành cho những người lính là môi trường mang tính kỷ luật cao, nhưng cũng là nơi đầy ắp sự sẻ chia, tình người. Là môi trường cho ta bản lĩnh, sức mạnh sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn không lùi bước.
Tôi nghĩ rằng, với một người lính nghệ sĩ, nghệ thuật mình mang tới chắc chắn không chỉ là giải trí đơn thuần, mà còn là tiếng nói sâu thẳm của lòng yêu nước, của tinh thần sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì Tổ quốc. Nói thế không hề to tát đâu, bởi chỉ khi là một nghệ sĩ mặc áo lính, thường xuyên lênh đênh trên những chuyến đi mang nghệ thuật đến với những đồng đội đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương, không chỉ tôi đâu mà nhiều nghệ sĩ của quân đội sẽ cảm nhận rất rõ điều này.
Tôi nhớ những gương mặt người lính dạn dày sóng gió, nước da sạm màu nắng và đôi mắt ánh lên niềm tin tưởng trên một trạm hải đăng. Những gian nan vất vả của người lính nơi biên cương hải đảo khiến cho tôi cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của mình. Âm nhạc có thể lộng lẫy ở những sân khấu lớn, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, nhưng âm nhạc còn cần hơn ở những nơi đơn sơ, giản dị như chiếc sân của một đơn vị bộ đội. Tôi thấy đời nghệ sĩ của mình thật giàu có nhờ những chuyến đi như vậy.
- Có phải vì miệt mài đi, biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ mà tận sau 25 năm làm nghề chị mới phát hành MV và album đầu tiên?
+ Tôi quan niệm rằng, mình ra sản phẩm cách nào cũng được, miễn là đóng góp thực sự cho nghệ thuật, và những gì mình mang đến thực sự có giá trị cho người nghe. Những năm tháng đã qua lúc nào tôi cũng bận rộn với những chuyến đi biểu diễn, vì mình muốn đến nhiều nơi hơn với đồng bào chiến sĩ. Là nghệ sĩ có kinh nghiệm của đoàn, tôi cũng dành thời gian tâm huyết cho các em thế hệ sau, chỉ dạy, uốn nắn để các em vững vàng hơn khi mới bước chân vào nghề.
Tôi ít khi có một khoảng lặng đủ dài để thực hiện một album. Đấy là lý do tôi ra mắt album đầu tay rất muộn. Bạn bè giục mãi, hỗ trợ nữa, tôi mới quyết tâm làm đấy. Album “Quê hương và người lính” và MV “Chiếc khăn của Mẹ” tôi phát hành nhân kỷ niệm 25 năm theo nghề ca hát, như một sự tri ân với quê hương, với những khán giả của tôi nhiều năm qua đã luôn chờ đợi, lắng nghe Nhật Thuận.
- Những ai có ảnh hưởng lớn đến chị trên con đường nghệ thuật?
+ Trên con đường tôi đi những năm tháng qua, có nhiều người thầy ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Không chỉ là vị Trưởng đoàn Văn công Quân khu 3 năm nào, người có “đôi mắt xanh” phát hiện ra khả năng ca hát của tôi, vận động gia đình để tôi được đi học nghệ thuật, còn có những người thầy vô cùng đặc biệt khác. Đó là nhạc sĩ Phó Đức Phương. Chính ông đã viết riêng cho tôi ca khúc “Vũ điệu con cò” để tôi tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quân năm 2008. Ca khúc “đo ni đóng giày” cho giọng hát của tôi đã đành, nhạc sĩ còn nhiệt tình xuống tận Hải Phòng để thị phạm cách hát, truyền động lực cho tôi, nhờ vậy tôi đã giành Huy chương vàng hội diễn.
Những người thầy khác tôi mang ơn suốt đời là nhạc sĩ An Thuyên, nhạc sĩ Đức Trịnh, NSUT Ma Bích Việt. Các thầy, cô đã luôn khích lệ, tạo điều kiện để tôi được tham gia vào các chương trình khác nhau để vừa học hỏi kiến thức vừa rèn nghề. Những người thầy đặc biệt ấy người còn người mất nhưng trong tim tôi luôn mãi mãi một tình cảm trân trọng, mến thương và biết ơn vô cùng.
- Đời sống âm nhạc nhờ công nghệ đang trăm hoa đua nở, từ sân khấu thực đến sân khấu mạng. Những người nghệ sĩ làm nghề ở địa phương, trong một đơn vị nghệ thuật đặc biệt như chị rõ ràng phải chịu không ít thiệt thòi, ít có cơ hội về truyền thông, đôi khi rất tài năng nhưng lại bị “khuất lấp”. Chị có cảm thấy “chạnh lòng” đôi chút về điều này?
+ Tôi chỉ biết làm nghệ thuật bằng cả tình yêu và tấm lòng chân thật của mình. Khi đã chọn là một người lính-nghệ sĩ, tôi nguyện cống hiến hết mình cho khán giả. Khán giả của tôi đang sống ở những vùng xa trung tâm, biên giới hải đảo, không thường xuyên tiếp xúc mạng xã hội và có thể xa lạ với cái gọi là PR hay truyền thông. Họ đến với những nghệ sĩ mặc áo lính như chúng tôi cũng bằng tấm lòng chân thật, thế là quá đủ để tôi thấy hạnh phúc. Nghệ thuật có muôn ngàn lối và tôi nghĩ, những giá trị thật dù lúc nào đó bị khuất lấp nhưng vẫn luôn tồn tại với thời gian.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nghệ sĩ ưu tú Nhật Thuận sinh năm 1976 tại Hải Phòng;
Hạng nhất Huy chương Hoa phượng đỏ năm 1995;
Hạng nhất Giọng hát hay trên sóng PTTH Hải Phòng năm 2001;
Huy chương Vàng Đơn ca nữ Hội thi biểu diễn múa và âm nhạc toàn quân năm 2003;
Huy chương Vàng Liên hoan ca múa nhạc các trường văn hóa nghệ thuật năm 2008;
Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2008, 2014, 2018
Huy chương Bạc Liên hoan nghệ thuật 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma và Thái Lan năm 2016
Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2013
Nghệ sĩ Nhật Thuận được phong danh hiệu NSUT năm 2012