NSƯT Minh Vượng - Sống để yêu thương

Thứ Năm, 23/03/2023, 07:00

Vẫn khuôn mặt hồn hậu tươi tắn, nụ cười rạng rỡ, miệng cười mắt cười, ngoại hình phốp pháp, quần thụng áo rộng, dáng vẻ tự nhiên yêu dấu như thuở nào… NSƯT Minh Vượng đấy, bao nhiêu năm vẫn không có chút đổi thay. Tôi nhìn thấy ở chị là cả một bầu trời thương nhớ, dạt dào xúc cảm, bởi ẩn trong vẻ ngoài mạnh mẽ kia là tâm hồn mong manh đa cảm của người nghệ sĩ, rất dễ buồn vui theo một nụ hoa hé nở hay một chiếc lá rơi.

Chị có sự sắc sảo, chín đằm từng trải của người đã sống qua năm tháng thời gian. Chị có sự đảm đang của một người đàn bà bếp núc cơm nước, vá may. Chị có sự nhanh nhạy, năng động của người phụ nữ hoạt động công tác xã hội. Chị có cả sự hồn nhiên, trong trẻo của bé thơ. Nhưng, trên hết chị đích thị là người nghệ sĩ chính hiệu, không pha tạp, một Minh Vượng rất riêng, không trộn lẫn.

Hàng chục năm nay chị vẫn sống trong một căn nhà nhỏ ấm cúng ở khu tập thể Bách khoa. Chắc độc giả sẽ thắc mắc tại sao một người độc thân sống trong căn nhà nhỏ lại có thể ấm cúng?! Nhưng, với Minh Vượng thì khác, chị giã từ cái gọi là cô đơn, những thứ uỷ mị yếu mềm từ nhiều năm nay để làm một con người bận rộn, như một ngọn nến cứ bùng cháy trong đêm.

img-1433.jpg -0
NSƯT Minh Vượng luôn sống lạc quan, yêu đời.

Chị không có may mắn để trải qua cảm giác lứa đôi ngọt ngào đi với nhau đến đầu bạc răng long, không có con bồng cháu bế như những người bạn cùng trang lứa. Nhưng, bù lại chị có sáu anh chị em ruột thịt và những đứa cháu, chị coi chúng như con. Là một người quảng giao nên chị có nhiều bạn. Bởi sự tốt tính, sở hữu cái duyên rất riêng nên Minh Vượng có được nhiều bạn gái tri âm, tri kỷ cùng những kỷ niệm gắn bó dài theo năm tháng. Ngoài ra, chị sở hữu một lượng fan hâm mộ hùng hậu trên mạng xã hội Facebook. Ngôi nhà luôn có lọ hoa tươi do chính tay chị cắm. Mặc dù cuộc sống độc thân nhưng Minh Vượng không đơn độc, chị chăm chút cho ngôi nhà của mình nguồn sinh khí rất vượng, rất ấm cúng như tên của chị vậy.

Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt trở thành người bạn nhỏ thân thiết của mỗi gia đình, khâu kịch bản cũng được chăm chút lại, kĩ thuật quay càng thêm hiện đại và NSƯT Minh Vượng lại trở thành một nghệ sĩ thân quen của màn ảnh, thành công với nhiều vai diễn tạo dấu ấn trong lòng khán giả. Những căn bệnh tiểu đường, huyết áp, mỡ máu… không làm nhụt chí của người diễn viên yêu nghề. Chị bảo: “Người diễn viên được diễn là hạnh phúc nhất. Tôi không làm gì thì ốm, nhưng đến khi làm việc thì quên hết mệt mỏi, bệnh tật, như mình được tiếp nhận một nguồn sinh lực khác, trở thành một con người khác”. Tuy nhiên, chị vẫn phải lệ thuộc vào thuốc, tiền thuốc tốn kém khá nhiều, những khi đỉnh điểm phải mất 25 - 30 triệu tiền thuốc một tháng, nhưng chị vẫn lo được bao nhiêu năm nay.

Mà kể cũng lạ, lạ lắm! Một người có vô số bệnh như chị mà chưa bao giờ bi quan hay tỏ ra ốm yếu. Có lẽ, chính sự hồn nhiên, tươi trẻ đã làm cho chị băng qua những nỗi ám ảnh, sợ hãi của những cơn bệnh dai dẳng, tai quái.

Sự lạ thứ hai của chị, chị là một người đàn bà của bếp núc, của nội trợ. Chẳng ai ngờ, một người bận trăm công nghìn việc đi diễn, đi dạy, viết kịch bản, dựng vở, tổ chức sự kiện, hoạt động xã hội lại thường xuyên thích vào bếp trổ tài nấu nướng. Thức ăn của chị đậm hương vị Việt, chứa đựng trong đó lối sống, văn hóa, ăm ắp khung trời kỷ niệm.

Chị kể: “Sáng ra chợ vơ vẩn vào ra, chợt thấy mớ tép tươi rói ngồi nép khiêm nhường góc chợ, hỏi ra có năm chục ngàn. Mua một mớ tép nhớ ngày xưa mấy chị em lếch thếch kéo vó te cả sáng. Mua một miếng thịt lợn về rán lấy tóp mỡ lại nhớ ngày xưa cả nhà thích ăn tóp mỡ chấm nước mắm, ớt, tỏi rồi hít hà cái vị bùi béo không lẫn vào đâu. Giữa cuộc sống không thiếu thứ gì nhưng người ta vẫn nhớ về quá vãng. Bảo sao người già vẫn tìm đến quán ăn thời bao cấp nhâm nhi”. Rồi chị tiếp tục say sưa với những món ăn của kí ức: “Rau muống luộc, tép khế rang. Khế cắt hình ngôi sao lấy hạt cho khỏi chát, rồi cho tí mỡ láng chảo, cho tép vào đảo khoảng năm phút, cạn bớt nước rồi cho khế vào. Nước khế chua thấm vào tép, đợi nước vợi bớt cho mắm muối đường, mỡ vào rồi đảo tiếp, khi bắc ra thì cho hành. Con tép đừng khô quá, ăn con tép còn ít nước bên trong ruột mới ngọt. Bát nước sấu, cái bát đôi đũa dọn ra. Bữa chiều ăn thanh đạm”.

2.jpg -0
NSƯT Minh Vượng mang tiếng cười đến cho tuổi thơ.

Món ăn nào qua đôi bàn tay của chị cũng trở nên ngon ngọt đến lạ thường, từ món nem rán ròn rụm, món bún riêu cua thơm lừng, thịt ba chỉ rang cháy cạnh, cá kho thơm nức mà lại mang hồn Việt. Khi mâm cơm dọn ra, ngồi ăn, kí ức cứ ùa về. Càng có tuổi người ta càng nhớ về quá khứ. Chị lại nhớ khi xưa mái rạ ngát hương chiều, khói lam toả, anh cả tay dắt em mũi dãi, căn nhà cứ rộn vang tiếng cười…

Bao nhiêu năm nay chị làm giảng viên của Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, ngôi trường thuở thiếu nữ của chị năm 1974-1978. Đất nước mấy chục năm thay da đổi thịt, Hà Nội nhà cao tầng đèn sáng nhấp nháy, đường phố còi xe ô tô nườm nượp, những nhà hàng quán ăn rực rỡ sắc màu, những thanh nữ Hà Thành ăn vận lộng lẫy… Chị lại nhớ cái thuở khi xưa còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hà Nội khi đấy bé lắm, và cũng mộng mơ lắm. Rất ít gia đình có xe đạp, có xe đạp đã là hạnh phúc. Đường phố yên bình, người thưa thớt. Vào mùa hè, nghe rõ tiếng ve trên các cây sấu cổ thụ. Bạn bè tặng nhau cành phượng hồnghay cánh bướm e ấp được ép trong trang vở. Mùa đông, những cây bàng lá đỏ nhuộm cả trời chiều. Thi thoảng ở dốc đường bắt gặp những cây gạo hoa đỏ một vùng trời thương nhớ. Ngày đó, có bánh kẹo ăn là một sự xa xỉ, chị cùng nhóm bạn trèo lên cây sung, cây khế hái trái chia nhau. Vào mùa, hội bạn lại rủ nhau đi nhặt những quả sấu rụng, hay nhặt quả bàng khô lấy gạch đập, ăn nhân bên trong.

Kí ức cứ ào ạt ùa về trong lòng người nghệ sĩ. Ngày đó, chị thấy yêu sao tiếng tàu điện leng keng ở Bờ Hồ, Cửa Nam, hay thi thoảng nghe tiếng rao lanh lảnh của người bán hàng trong đêm đông. Đêm đông ngày đấy yên tĩnh đến nao lòng, cảm giác như nghe được tiếng thở của đất trời và nhịp đập của trái tim.

Không sở hữu nhan sắc chim sa cá lặn, nhưng chị lại có nét duyên riêng. Vai diễn đầu tiên mới ở tuổi đôi mươi mà Minh Vượng đã hoá thân thành bà lão 80 tuổi trong “Hà Mi của tôi”, kịch bản và đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Vở kịch gây được tiếng vang và sau đó chị cùng bạn diễn đã có những buổi diễn tưng bừng trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội.

Nhắc đến đó, trong chị chợt dâng lên nỗi buồn. Thời gian đã cho tất cả và cũng lấy đi tất cả. Từng người bạn diễn đã lần lượt ra đi. Đầu tiên là Trần Vân, anh là một hiện tượng của sân khấu thời bấy giờ và mất khi còn rất trẻ. NSƯT Văn Hiệp đã đóng cùng chị rất nhiều tiểu phẩm hài. Những ngày đi lưu diễn cùng nhau trên các chặng đường của Tổ quốc, giờ ông đã phiêu diêu về với mây trời ở nơi nào xa lắm. Những năm sau này có “lão nông” Trần Hạnh. Chị đặc biệt yêu quý nghệ sĩ Trần Hạnh, chị nói về ông với những phẩm chất tốt đẹp và đầy tình thương mến thương. Rồi đến sự ra đi của NSND Hoàng Dũng, người đã đồng hành vô số buổi diễn cùng chị ở cả sân khấu cũng như phim truyền hình. Chị giữ trọn những kí ức với Hoàng Dũng, trân trọng, nâng niu từng tấm ảnh.

Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh giới mong manh và nhẹ như hơi thở. Quy luật sinh, lão, bệnh, tử mà đã là con người, ai cũng phải trải qua như một quy luật bất di bất dịch. Chị sống như trao gửi trọn vẹn tình yêu thương vào từng công việc, từ cách chế biến món ăn, đến hết mình trong từng vai diễn truyền hình, sân khấu, và ngay cả sự đối đãi tử tế, trân quý với bạn bè. Chị yêu thương trẻ em, từ những đứa trẻ học ở trường quốc tế được may mắn sinh ra trong gia đình đầy đủ điều kiện, đến những đứa trẻ bệnh tật, ốm o, từng giây phút giành giật sự sống ở khoa ung bướu, những trẻ em khuyết tật, những bạn nhỏ mắc bệnh HIV… Chị có một trái tim nhân hậu, bao dung.

Trời chiều dần buông, mắt xa xăm chị bảo: “Sao cứ thấy chiều là tôi cứ xốn xang trong dạ… Lạ thế! Cứ thấy chiều là mắt tôi lại thấy trung du đồi cọ rừng chè ngày xưa…”.

Trần Mỹ Hiền
.
.