NSƯT Lò Hải Lam: Múa và viết để trả ơn đời

Thứ Năm, 17/03/2022, 12:31

Tôi biết đến Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lò Hải Lam (công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La) qua những bài viết của anh được đăng rải rác trên một số báo và thấy đằng sau con chữ là sự đau đáu, tâm huyết của anh với văn hóa dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Nhưng rồi khi trò chuyện cùng anh, tôi mới biết anh là một nghệ sĩ múa, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật bậc nhất tại Sơn La.

Một đại gia đình nghệ thuật

Có thể khẳng định, Lò Hải Lam là nghệ sĩ có duyên với các giải thưởng, huy chương. Sinh năm 1974 nhưng cho đến nay anh đã giành rất nhiều huy chương vàng, huy chương bạc tại các kỳ hội diễn, liên hoan ca, múa, nhạc, chuyên nghiệp. Trên vai trò biên đạo múa quần chúng, số huy chương tại các cuộc thi từ Trung ương đến địa phương thì có lẽ không đếm hết nổi. Tuy nhiên khi nhắc đến những giải thưởng, huy chương đạt được, người nghệ sĩ dân tộc Thái luôn tỏ ra khiêm tốn: “Tôi chỉ cố gắng hết sức mình để mong muốn truyền tải được văn hóa của dân tộc Thái nói riêng và của các dân tộc anh em ở Sơn La nói chung đến với công chúng xa gần qua những điệu múa. Bởi Sơn La là tỉnh miền núi, có bản sắc văn hóa độc đáo rất riêng của cộng đồng các dân tộc, trong đó mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng biệt…”.

Đến với múa một cách hết sức tình cờ nhưng rồi bằng nỗ lực, quyết tâm và sự khổ luyện không ngừng của bản thân mà sau nhiều năm gắn bó, anh đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (năm 2019). Có thể nói với một nghệ sĩ múa ở miền núi thì việc được phong tặng danh hiệu là điều khá hiếm. Nhưng có một điều còn hiếm hơn nữa là vợ của anh – ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La cũng được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đặc biệt hiện nay người con trai lớn của anh cũng theo chuyên ngành múa và đang công tác tại một đơn vị danh tiếng tại Hà Nội.

untitled-9.jpg -0
NSƯT Lò Hải Lam.

Theo anh, cả vợ chồng cùng làm nghệ thuật có rất nhiều thuận lợi, rất hiểu và tạo điều kiện cho nhau để phát triển nghề nghiệp. Mặc dù vợ chồng anh khác chuyên môn nhưng có rất nhiều thứ để bổ trợ cho nhau. Nhiều lúc anh dạy vợ múa để có cảm xúc trong lối diễn khi thể hiện bài hát. Ngược lại vợ anh cũng dạy anh cách lấy hơi, nhả chữ để hát cho đúng khẩu hình, tròn vành rõ chữ. Mặc dù là diễn viên múa nhưng khi vào công tác, đoàn thiếu ca sĩ, anh vẫn được đứng hát đơn ca, song ca, tốp ca. Anh và bà xã đã từng hát song ca với nhau trên sân khấu với các ca khúc, như: “Tình ca Tây Bắc”, “Sơn La gọi Sông Đà”, “Trên công trường rộn tiếng ca”, “Người đi xây hồ Kkẻ Gỗ”…

Thực ra gien nghệ thuật trong gia đình nhỏ của anh đã được nhen nhóm từ cha mẹ của mình. Cha anh là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Thái còn mẹ là diễn viên múa, hát Đoàn Văn công khu tự trị Tây Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La). Mẹ của anh - nghệ sĩ Lò Thị Dem đã từng được biểu diễn cho Bác Hồ xem năm 1959 trong lần Người thăm Tây Bắc và cũng chính từ cơ duyên đó mà bà được chọn là một trong sáu diễn viên múa xuất sắc nhất của Đoàn được cùng với các nghệ sĩ Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương biểu diễn ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chưa hết, trong đại gia đình anh có đến gần chục thành viên theo nghệ thuật, trong đó ngoài vợ chồng anh, còn có hai người cháu cũng được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Thuận lợi nhiều và khó khăn cũng không ít

Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, NSƯT Lò Hải Lam đã đi đến với nhiều đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi chuyến đi để lại cho anh biết bao kỷ niệm không thể nào quên. Khi còn là diễn viên múa chuyên nghiệp, anh còn nhớ những chuyến công tác vùng lòng hồ Sông Đà. Đoàn công tác đi đến đâu cũng được bà con nhân dân yêu mến, họ đến sân bãi từ lúc 4 giờ chiều chỉ để ngồi chờ xem diễn viên biểu diễn. Sân khấu chỉ là bãi đất bồi khi nước sông Đà rút, gập ghềnh lồi lõm, diễn viên múa mà chân bước thấp, bước cao. Diễn viên phải khuân vác loa máy từ xuồng lên bến rất xa, rồi những chuyến đi bộ gần 10km quá vất vả.

Theo NSƯT Lò Hải Lam, công tác trong lĩnh vực múa ở Sơn La thuận lợi nhiều và khó khăn cũng không ít. Thuận lợi là Sơn La có 12 dân tộc anh em sinh sống đoàn kết từ lâu đời. Việc nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác các tác phẩm múa của các dân tộc nơi đây là một kho báu lớn, khá dễ dàng để các biên đạo lựa chọn, khai thác. Tuy nhiên hầu hết các nghệ sĩ, biên đạo Sơn La không có điều kiện để học tiếp chuyên ngành, việc tiếp cận cái mới về nghệ thuật đương đại chưa kịp thời thường xuyên.

untitled-10.jpg -0
Gia đình NSƯT Lò Hải Lam.

Cũng theo anh, việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Sơn La đang chú trọng và rất cần thiết, được các cấp, các ngành quan tâm. Là một nghệ sĩ, anh mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình trong việc phát triển và giữ gìn trang phục truyền thống của các dân tộc Sơn La không bị mai một. “Có rất nhiều nhà thiết kế trang phục họ chưa hiểu hết về văn hóa dân tộc đó nhưng họ lại thiết kế những bộ trang phục cách tân không đúng với bản sắc, làm mất đi tính giá trị, sự nghiêm túc trong vấn đề tín ngưỡng, ảnh hưởng một phần đến giá trị truyền thống trong văn hóa trang phục dân tộc đó”, nam nghệ sĩ trăn trở.

Là người luôn đau đáu với văn hóa dân tộc, nghệ sĩ Lò Hải Lam cho rằng, lớp trẻ hiện nay có cái nhìn theo hướng hiện đại, khoáng đạt hơn. Một số bạn trẻ vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vẫn yêu múa, hát, trang phục, lễ hội của đồng bào mình thể hiện trong những dịp lễ, tết hội hè. Thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn tại cơ sở, anh nhận thấy các thanh niên trẻ vẫn miệt mài hăng say luyện tập và rất thích thú, hứng khởi với những động tác, điệu múa dân gian dân tộc.

Viết để tri ân đồng nghiệp

Gần đây, NSƯT Lò Hải Lam tham gia cộng tác trên nhiều tờ báo như: Văn hóa, Tiền Phong, Dân tộc & phát triển, Nhịp điệu và các báo địa phương... Một nghệ sĩ vốn quen với các động tác tay chân nhưng khi viết anh cũng tỏ ra là cây bút khá sắc sảo. Các bài báo của anh tập trung giới thiệu nét đẹp văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc cũng như giới thiệu chân dung các nghệ sĩ đang gắn bó với các đoàn nghệ thuật miền núi, như: NSƯT Ma Thị Nết, nghệ sĩ múa Tải Đình Tinh (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang); biên đạo múa Pờ Nhù Nu, nghệ sĩ Hồng Thắm (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu); NSƯT Đinh Phú Bình (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái); nhạc sĩ Huy Thông (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên); nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Điện Biên), NSƯT Đỗ Văn Hiền, Cao Duy Tùng…

Nói về niềm đam mê viết lách, anh cho biết: “Các nghệ sĩ công tác tại các đoàn nghệ thuật miền núi còn rất nhiều khó khăn, vất vả về điều kiện biểu diễn, trong khi nhiều chế độ còn thiệt thòi và ít được báo chí nhắc đến. Họ cũng không có nhiều show để có thể kiếm tiền ngoài giờ như các nghệ sĩ ở thành phố lớn. Nhưng điều đáng quý, đáng trân trọng là họ vẫn như những chú ong thợ miệt mài, say sưa với nghệ thuật, với sự phát triển của văn hóa dân tộc thiểu số. Bởi thế tôi muốn thông qua những bài báo để kịp thời giới thiệu đến công chúng những nét văn hóa, những gương mặt nghệ sĩ đang âm thầm đóng góp cho nghệ thuật miền núi, qua đó động viên, khuyến khích họ tiếp tục đam mê trên con đường đã chọn”.

Dường như NSƯT Lò Hải Lam đang có một cuộc chạy đua với thời gian khi tuổi nghề đang ở độ “chín”. Hết công việc của nghệ thuật múa, anh lại lao vào những trang viết bằng tấm lòng tha thiết nhất với đồng nghiệp, nghệ thuật múa và đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Với anh múa và viết là để trả ơn đời.

Ngô Khiêm
.
.