NSƯT Diệu Hương: Khoác áo mới cho ca Huế

Thứ Năm, 03/03/2022, 12:50

Ở miền Bắc, NSƯT Diệu Hương là ca sĩ duy nhất theo đuổi ca Huế - một món ăn vẫn còn xa lạ với xứ Bắc bộ vốn có rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Đơn độc nhưng quyết liệt, chị vẫn trên hành trình chinh phục và lan tỏa tình yêu ca Huế đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ bằng những sản phẩm âm nhạc thử nghiệm đầy mới mẻ.

- Chúc mừng Diệu Hương với MV ca Huế mới “Tình em bến đợi”, một tổ khúc gồm chầu văn, lý qua đèo và lý ngựa ô. Vì sao có cuộc gặp gỡ của ba thể loại âm nhạc dân ca này trong MV mới nhất đầy tâm huyết của chị?

+ Tôi ấp ủ dự án này khá lâu rồi nhưng do dịch bệnh nên mọi việc bị chậm trễ lại. “Mashup Ca Huế - Tình em bến đợi” gồm có 3 làn điệu bao gồm: Chầu văn, lý qua đèo, lý ngựa ô. Đây là 3 làn điệu quen thuộc trong các làn điệu ca Huế, đơn giản, dễ nghe dễ thuộc. Ca Huế không phải là món ăn được nhiều người biết đến nên tôi chủ ý chọn những bài quen thuộc để tiếp cận với khán giả. Khi những giai điệu này cất lên trong một không gian âm nhạc mới, hiện đại, họ sẽ nhận ra nét đặc trưng của ca Huế với những làn điệu quen thuộc.

img_2885.jpg -0

- Ca Huế, những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên khá xa lạ với đời sống, chị làm mới nó như thế nào để mang những món ăn lạ đó thuyết phục khán giả trẻ hôm nay?

+ Ca Huế cũng giống các thể loại âm nhạc dân tộc khác như: chèo, xẩm, quan họ, cải lương… và một số âm nhạc dân tộc của các vùng miền đều có nguy cơ thất truyền do đời sống xã hội đã thay đổi. Ca Huế lại càng xa lạ với khán giả, nhất là ở miền Bắc. Nếu chúng ta cứ bảo thủ giữ nguyên truyền thống thì khán giả sẽ quay lưng vì nó không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Một mặt, những người làm nghiên cứu cứ làm công tác bảo tồn nguyên dạng truyền thống, nhưng những nghệ sĩ như chúng tôi, muốn đưa âm nhạc cổ truyền vào đời sống đương đại buộc phải làm mới nó, để truyền thống vẫn tiếp tục được phát triển trong dòng chảy hôm nay. Tôi làm mới bằng cách hòa âm phối khí trên nền nhạc điện tử (EDM) nhưng vẫn giữ nguyên lối hát truyền thống để dễ dàng tiếp cận hơn với khán giả trẻ.

- Mix ca Huế với nhạc điện tử để tiếp cận giới trẻ, con đường dễ gặp những định kiến, phản đối vì sợ không gian âm nhạc khác lạ đó sẽ làm hỏng ca Huế. Còn chị, chị nghĩ sao?

+ Không chỉ riêng ca Huế mà với âm nhạc dân tộc hiện nay đều đang có xu hướng điện tử hóa âm nhạc dân tộc để tiếp cận khán giả được nhiều hơn. Mỗi một mảng âm nhạc đều có định hướng phát triển riêng của mình, nhưng nhìn chung ai cũng muốn khán giả đến với mình nhiều hơn, đông hơn và ca Huế cũng không ngoại lệ. Thử nghiệm lần này của tôi nhận được khá nhiều những đánh giá trái chiều, nhiều người hoài nghi rằng âm nhạc điện tử sẽ “phá” không gian đầy niêm luật chặt chẽ của ca Huế. Nhưng khi sản phẩm ra mắt khán giả, tôi nhận được những phản hồi rất tốt, nhất là với những khán giả trẻ, đối tượng mà tôi đang muốn hướng đến. Tôi nghĩ rằng, đó là một cách phát triển ca Huế lên một tầm mới và vẫn giữ được nét đặc trưng của nó.

- Sau album đầu tiên về ca Huế ra mắt năm 2018, đến nay, Diệu Hương vẫn miệt mài theo đuổi con đường của mình, mang ca Huế - di sản âm nhạc được mệnh danh là “opera dân gian” vào đời sống. Chị đã đi đến đâu trong hành trình của mình?

+ Tôi vẫn đang trên hành trình của mình, có nhiều khó khăn và vất vả, nhưng ca Huế đã chọn tôi và càng hiểu về nó, tôi càng yêu. Đó là một di sản quý giá của dân tộc cần được trao truyền lại cho thế hệ mai sau. Điều tôi băn khoăn là làm thế nào để dòng chảy ca Huế không bị đứt đoạn. Việc ra album hay MV cũng là một trong những nỗ lực để đưa ca Huế tiếp cận với đời sống. Nếu không có những thế hệ trẻ kế cận, hiểu và yêu, âm nhạc dân tộc sẽ dần dần biến mất trong đời sống có quá nhiều lựa chọn để nghe nhìn hôm nay. Tôi tự tin cho rằng, nếu ai đã một lần nghe ca Huế, chắc sẽ yêu vì những giai điệu trữ tình, tha thiết và đẹp của nó.

- Cơ duyên nào đưa chị đến với ca Huế để rồi yêu và đắm đuối với nó đến thế?

+ Tôi có duyên đến với ca Huế đến nay đã được gần 15 năm, khi về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được giao phụ trách mảng âm nhạc dân ca Bình Trị Thiên. Càng học càng nghe thì mình càng thấy yêu thêm dòng nhạc này. Ca Huế càng hát càng say, càng ngấm âm nhạc lời ca. Muốn hát được ca Huế đi vào lòng người, người nghệ sĩ phải hát bằng cả tâm hồn, trái tim và sự trải nghiệm của họ. Khó khăn bước đầu khi tiếp cận ca Huế của tôi là tại miền Bắc khán giả chỉ biết đến chèo, xẩm, quan họ… Rất ít người biết đến và yêu thích ca Huế. Bởi vì ca Huế rất khó hát và kén người nghe nên muốn phát triển ca Huế, tôi phải tìm hướng riêng cho mình. Ngoài việc hát trên sóng phát thanh (tôi đã có một lượng khán giả nhất định), tôi ra album, MV, biểu diễn ca Huế tại các sự kiện âm nhạc, các sân khấu âm nhạc đường phố để lan toả và giới thiệu mảng âm nhạc mình đang theo đuổi. Mỗi lần được mời hát tại các sự kiện, tôi luôn tranh thủ hát tặng thêm cho khán giả một bài ca Huế, để họ nghe và biết đến dòng nhạc độc đáo này. Cứ miệt mài như thế 15 năm nay, tôi đã có những khán giả riêng của mình. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ, dù con đường rất chông gai, khó khăn.

untitled-3.jpg -0
NSƯT Diệu Hương cùng ê kíp thực hiện MV ca Huế “Tình em bến đợi”.

- Một con đường khó khăn và chông gai, lại không mang đến tiền bạc, hay sự nổi tiếng dù chị vừa có thanh vừa có sắc. Vì sao chị vẫn chọn nó và chung thủy đến thế?

+ Chỉ có duy nhất một lý do đó là tình yêu của mình với âm nhạc dân tộc. Nếu ai cũng chỉ chạy theo sự nổi tiếng, hào quang thì ai sẽ là người tiếp nối những giá trị cổ truyền của ông cha để lại. Tôi nghĩ, mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều có một sứ mạng nào đó. Với tôi, đó là con đường mang ca Huế đến với khán giả hôm nay. Tôi vẫn hát những dòng nhạc trữ tình để mưu sinh và đáp ứng nhu cầu của khán giả, nhưng điều tôi đau đáu và tâm huyết đó là việc phát triển ca Huế bởi nó là hồn cốt âm nhạc của một dân tộc. Tôi mong muốn sẽ có những học sinh tiếp tục con đường đi của mình để nối dài ca Huế trong đời sống hôm nay.

- Vậy chị sẽ đi tiếp với hành trình với ca Huế như thế nào? Có lúc nào chị thấy mình đơn độc?

+ Ngoài việc thu âm những làn điệu truyền thống của ca Huế, thì hiện tại và trong tương lai tôi sẽ phát triển và làm mới ca Huế bằng cách kết hợp với âm nhạc đương đại, mang đến màu sắc trẻ trung, tươi mới cho ca Huế, để tiếp cận những khán giả trẻ. Đó là con đường đơn độc vì hiện tại ở miền Bắc chỉ có một mình tôi theo đuổi và phát triển loại hình âm nhạc này. Nhiều lúc cũng thấy đơn độc và tủi thân nhưng tôi lấy đó làm động lực để cố gắng lan tỏa và lưu giữ làn điệu truyền thống quý giá này. Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi mới thành đường đó thôi, có một nhà văn đã nói như vậy. Tôi hy vọng những bước chân của mình sẽ dần thành đường và có các thế hệ kế cận tiếp bước trên con đường đó, để cho ca Huế, một di sản quý giá của ông cha không bị mai một.

- Cuộc sống của người nghệ sĩ trong thời điểm này chắc hẳn rất khó khăn, một ngày thời COVID của chị diễn ra như thế nào?

+Không riêng gì nghệ sĩ mà tất các cả ngành nghề đều đang rất khó khăn. Đối với tôi, trong thời điểm COVID như hiện nay, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như đóng băng. Chúng tôi rất nhớ nghề. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, nhiều hoạt động trực tuyến đã diễn ra. Tôi tham gia các buổi biểu diễn livestream trên các nền tảng mạng xã hội để mọi người có thể tiếp cận với âm nhạc dân tộc. Điều thú vị là ở đó, tôi có thể gặp gỡ và lan tỏa đến khán giả khắp 5 châu.

- Cảm ơn ca sĩ Diệu Hương!

Việt Hà (thực hiện)
.
.