NSƯT Đăng Dương: Khát vọng truyền lửa

Thứ Bảy, 29/07/2023, 09:55

Khi Đăng Dương cất tiếng hát, dường như ở đó những giai điệu đẹp nhất của tâm hồn cũng được ngân rung. Người nghệ sĩ ấy, không chỉ có tài năng, tình yêu với âm nhạc một cách thuần khiết, mà anh còn “bảo thủ” đi con đường độc đạo, hát nhạc thính phòng cổ điển và những bài ca về quê hương đất nước, trong khi những người bạn đồng hành của anh đã đi tắt, rẽ lối sang những dòng nhạc khác.

Đăng Dương có thể nói đã trở thành một tượng đài về âm nhạc cách mạng, như thế hệ các thầy anh đã từng đi, NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ.

1. 30 năm, một hành trình âm nhạc với đủ những hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời, tiếng hát của NSƯT Đăng Dương vẫn vang lên ngân rung với những giai điệu đẹp về quê hương đất nước. Tôi nhớ, khi thưởng thức đêm nhạc của anh cách đây 5 năm “Mặt trời của tôi”, trong khán phòng Nhà hát Lớn sang trọng, với dàn nhạc giao hưởng chơi live, tôi mới hiểu, vì sao âm nhạc đẹp đến thế, rung cảm đến thế. Và vì sao, người nghệ sĩ ấy có thể dũng cảm độc hành trên con đường vắng bóng người đến thế. Đó là vẻ đẹp của âm nhạc đích thực, một thứ âm nhạc thuần khiết, trong lành.

nsut đăng dương luôn muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc cách mạng đến giới trẻ.jpg -1
NSƯT Đăng Dương luôn muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc cách mạng đến giới trẻ.

Và bây giờ, sau hành trình dài 30 năm, vẫn là Đăng Dương của những bài ca đẹp về quê hương đất nước, nhưng sẽ mới mẻ hơn, đương đại hơn trong sự tung tẩy, phá cách, trong những cuộc đối thoại với người trẻ. “Tổ quốc gọi tên mình” là đêm nhạc kỷ niệm 30 ca hát của anh. Nhưng ở đó cũng gói ghém những tâm sự của người nghệ sĩ không thỏa hiệp với số đông để tôn vinh âm nhạc cách mạng, nghệ thuật truyền thống - những loại hình nghệ thuật mang tâm hồn của người Việt.

Liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp của Đăng Dương, không chỉ kỷ niệm 30 năm ca hát mà còn khẳng định một hướng đi mà Đăng Dương đang theo đuổi: lan tỏa tình yêu nhạc đỏ đến những thế hệ kế cận và làm tươi mới, tạo nên sức sống mới cho dòng nhạc mà anh yêu, đam mê và đắm đuối trong suốt sự nghiệp của mình.

Đăng Dương cho biết: “Liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” có những yếu tố hơi đặc biệt so với một Đăng Dương quen thuộc. Lần này, tôi lựa chọn những bạn đồng hành trẻ là cách để tôi truyền lửa đến thế hệ kế cận, những ca khúc cách mạng tiếp tục được gìn giữ, lan toả. Tôi mong muốn nhà nước và khán giả quan tâm nhiều hơn đến dòng nhạc này vì nó gắn với một phần lịch sử hào hùng của dân tộc, minh chứng cho những năm tháng đau thương mất mát và tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Tôi yêu nhạc đỏ và tôi muốn làm được nhiều nhất cho dòng nhạc mình yêu. Tôi ao ước tình yêu nhạc đỏ luôn bất diệt với mọi thế hệ khán giả Việt”.

Tên gọi “Tổ quốc gọi tên mình” của liveshow xuất phát từ kỷ niệm đặc biệt và thiêng liêng của Đăng Dương khi được đến Trường Sa. Đến giờ, anh vẫn còn nguyên xúc cảm tự hào khi được dự khánh thành lá cờ gốm ở đảo Trường Sa lớn. “Phải nói, khi đặt chân lên Trường Sa, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng, tự hào về hai tiếng Tổ quốc. Hơn bao giờ hết, chúng tôi thấm thía rằng mỗi chiến sĩ đã phải trải bao vất vả, thậm chí hy sinh máu xương của mình để bảo vệ từng dặm biển đảo. Mình là nghệ sĩ, chỉ biết cống hiến bằng tiếng hát để ngợi ca quê hương, đất nước, biến nó thành vũ khí tinh thần. Từ cảm xúc ấy, tôi quyết định lấy tên liveshow là “Tổ quốc gọi tên mình”, cũng như một lời tri ân đến các thế hệ cha anh, những người chiến sĩ đã và đang dành cuộc đời mình để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc. Đồng thời, tôi cũng mong, bằng âm nhạc sẽ khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất hình chữ S này”. Đăng Dương tâm sự.

2. NSƯT Đăng Dương mê hát từ khi còn nhỏ dù gia đình không có ai làm nghệ thuật. Hàng ngày, anh ôm chiếc radio của bố để nghe những bài hát trên sóng phát thanh. Gia đình phát hiện ra thiên hướng của Đăng Dương nên gửi anh lên Hà Nội theo NSND Thanh Tâm học đàn bầu từ năm 12 tuổi. Nhưng niềm đam mê của Đăng Dương vẫn là thanh nhạc nên sau đó anh được chuyển sang học thanh nhạc với cô Diệu Thủy, thầy Quang Thọ khi đủ tuổi.

NSND Quang Thọ nhớ lại: “Ngày đó, tôi thấy có cậu bé cứ thập thò ngoài lớp tôi, tôi hỏi cô Thanh Tâm thì cô bảo cậu bé đó rất ham học nên nhận Đăng Dương, dạy Đăng Dương trong 4 năm. Sau khi Đăng Dương vượt qua “ải” Trung cấp, tôi cho đi thi trong Sài Gòn và đoạt giải Nhất thính phòng bảng sinh viên năm 1996. Sau đó, Đăng Dương chuyển sang học GS.NSND Trung Kiên và thầy chỉ nhận một học sinh thôi. Đăng Dương nhận rất nhiều thành tựu, lớn dần lên như thế đến tận bây giờ”.

ca sĩ đăng dương và người thầy lớn của anh, nsnd quang thọ.jpg -0
Ca sĩ Đăng Dương và người thầy lớn của anh, NSND Quang Thọ.

Còn với Đăng Dương, đó là 3 người thầy lớn trong cuộc đời anh, đã truyền lửa và định hướng cho anh một con đường rõ ràng. Vì thế, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, dù gu âm nhạc biến chuyển theo thời gian và những người bạn đồng hành của anh đều có phần thỏa hiệp với thị hiếu để tiếp cận rộng rãi công chúng, thì Đăng Dương vẫn kiên định đi con đường của mình. Có thể, con đường ấy không phủ đầy hoa hồng, thậm chí khá cô đơn và lặng lẽ, nhưng anh vẫn bình thản đi, với niềm tin vào âm nhạc đích thực sẽ luôn sống và chạm đến trái tim mỗi người.

Đăng Dương nói, sự nghiệp của anh có 3 mốc son, đầu tiên là anh học đàn bầu, bén duyên nghệ thuật với đầy đam mê và háo hức. Nền tảng kiến thức đó góp phần quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của anh. Sau đó, anh giành giải nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 1995. Giai đoạn 2 là khi anh giành giải Nhất cuộc thi Thính phòng toàn quốc, bảng sinh viên năm 1996, đây là sân chơi có tính hàn lâm, góp phần định hình con đường “chính ca” và anh quyết tâm theo đuổi đến tận bây giờ. Sau đó, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời là anh được tham gia những vở opera kinh điển là “Orpheus và Eurydice” và “Cây sáo thần” năm 2006, khẳng định tài năng và sự chuyên nghiệp của anh trong âm nhạc thính phòng, được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Quyết liệt và đầy nội lực trong âm nhạc, nhưng ngoài đời Đăng Dương hiền lành, ít nói. Anh nói, anh hạnh phúc vì có một mái ấm bình yên, ở đó người vợ hiền của anh, ca sĩ Kim Xuyến đã luôn yêu thương, tận tụy với chồng. Kim Xuyến cũng từng là một ca sĩ, nhưng vì yêu anh, yêu gia đình, chị lựa chọn lùi lại phía sau làm hậu phương cho Đăng Dương. Vì thế, để có thành quả hôm nay, Đăng Dương luôn biết ơn người vợ của mình đã hy sinh, chăm sóc và là hậu phương bình yên để anh toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp.

Đó cũng là may mắn lớn trong cuộc đời của Đăng Dương. Họ có thể chia sẻ với nhau từng câu hát, từng lời thơ, có mặt bên nhau trên những cung đường mà Đăng Dương đi diễn. Vì hơn ai hết, Kim Xuyến hiểu được tình yêu và những khát vọng lớn trong trái tim người chồng - người nghệ sĩ mà chị yêu – hiểu sự tận hiến cho những vẻ đẹp của âm nhạc để giữ lửa và truyền lửa cho thế hệ sau này những giai điệu đẹp về đất nước quê hương.

Đăng Dương mong muốn, thế hệ trẻ kế cận sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa mà anh được trao truyền từ những người thầy lớn của anh. Vì thế, với concert lần này, Đăng Dương mạnh dạn thay đổi, không còn những gương mặt quen thuộc trong hành trình âm nhạc của anh là Trọng Tấn, Việt Hoàn, mà thay vào đó là những gương mặt mới, Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, Oplus, với đạo diễn âm nhạc là một người trẻ, nhạc sĩ Dương Cầm. Vì thế, liveshow “Tổ quốc gọi tên mình”, hơn cả câu chuyện của một đêm nhạc cá nhân nghệ sĩ thông thường, mà còn là sự “truyền lửa” đến mọi tầng lớp khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.

Tôi hỏi, mong muốn lớn nhất của anh khi tổ chức liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” là gì, anh cười hiền: “Tôi muốn khán giả ngồi dưới hát theo mình, từ đó khơi gợi thêm tình yêu với âm nhạc cách mạng và khiến họ ngày càng yêu đất nước, con người Việt Nam”. Tôi tin, những khán giả đến với anh đều bị chinh phục bởi không gian âm nhạc của Đăng Dương đã vẽ ra bằng tình yêu của mình. Đó là một tình yêu chân thành và thuần khiết, không vướng màu thị trường.

Linh Nguyễn
.
.