NSƯT Chí Trung: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”

Thứ Sáu, 03/11/2023, 08:40

NSƯT Chí Trung tuổi Tân Sửu (1961) lúc nào cũng tất bật, rộn ràng với công việc. Hiện nay, khán giả thường thấy anh làm MC cho chương trình "Vui khỏe có ích" trên truyền hình vào dịp cuối tuần. Khi còn tại chức ở Nhà hát Tuổi trẻ, anh không nề hà mọi việc, từ vẽ râu đi bán vé hay loa loa khắp phố loan tin biểu diễn. Có những lúc tưởng tối tăm mặt mũi vậy mà Chí Trung vẫn luôn cười, một nụ cười sảng khoái đem lại niềm vui cho mọi người.

Một cá tính mạnh mẽ

Điều kỳ lạ ở nghệ sĩ này là ý chí vượt lên chính mình không bao giờ vơi cạn. Đúng với nghĩa ở tuổi Tân Sửu rằng "Mệnh tại thiên-Vận tại nhân". Ngay từ lúc bốn tuổi, lúc thì vắng bố khi thì vắng mẹ nhưng cậu bé Phạm Chí Trung luôn tự lo mọi việc. Tuy được bà nội chăm sóc nhưng Chí Trung đã có những chút "cư sĩ" riêng của mình. Thầm lặng sống và chăm chỉ học tập. Cậu luôn lắng nghe bố mình (NSND Quý Dương) hát và đã thuộc từng lời bài ca "Tấm áo mẹ vá năm xưa". Cùng với đó nhiều đêm nhớ đến tiếng đàn viloncello trầm ấm của mẹ (nghệ sĩ Phùng Thùy Lan) mà mơ tới lời hát ru thuở bế bồng. Cứ thế cậu lớn lên trong tiếng mõ kinh cầu nguyện của bà trong ngôi chùa nhỏ ở phố Sinh Từ xưa. Dần dần, cậu trở nên rắn rỏi tự lập và nhập tâm những điều kinh pháp tự thân tự tại.

2-nụ cười ưu tú.jpg -1

Niềm tin và sự kiên trì của Chí Trung ngay từ những ngày học lớp diễn viên của Nhà Hát Tuổi trẻ Việt Nam ngày ấy. Anh học hành chăm chỉ, rèn luyện ngày đêm để trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Học bố ở sự nồng nhiệt cháy bỏng, học mẹ ở sự đam mê và dịu dàng. Chí Trung sớm thể hiện một tư chất nghệ sĩ đã ẩn sâu trong tâm hồn. Do đó anh đã xuất hiện với một hình ảnh ngôi sao khá sớm.

Tài hoa, sắc sảo khi thể hiện các tiểu phẩm và các vai được thầy cô giao trong vở tập. Niềm tin và sự đắm say của Chí Trung còn thể hiện ngay ở mối tình đầu của mình với nghệ sĩ Ngọc Huyền bạn học cùng lớp. Cho dù đó là điều cấm kỵ ngay khi còn đang là sinh viên. Bị kỷ luật không ít lần nhưng Chí Trung vẫn nguyện ''xin chết'' với mối tình của mình. Chưa hết, ngay khi bị gia đình Ngọc Huyền chê nghèo, chê hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly tán nhưng mối tình của anh vẫn sắt son một lòng. Không tự ái không tự ti, Chí Trung tràn đầy niềm tin yêu ở nơi chính mình và sức mạnh nội tại trong con tim.

Cuối cùng, sau 7 năm đeo đuổi hạnh phúc đã đến với anh. Đó là câu chuyện được vào chung kết lãng mạn nhất vào năm 1986. Vậy mà giờ đây sau gần 40 năm hạnh phúc hai người đã chia tay. Tuy có lúc Chí Trung đã tự nhận mình không tốt nên đã xảy ra câu chuyện li tán đôi nơi. Còn nghệ sĩ Ngọc Huyền không một lời trách cứ chồng cũ. Cả hai không ồn ào không biện bạch và thầm lặng.

Nhưng điều thú vị, họ thật khó có thể quên những tháng năm hạnh phúc yêu thương. Chí Trung phải xuống đường mưu sinh vì con cái phải chạy chợ kiếm tiền mua sữa. Anh không ngần ngại chuyện mình là nghệ sĩ mà phải phơi bản mặt trong chốn thị trường hỗn tạp. Từ việc đi ép xăm xe thồ đến việc mua bán xe đạp, xe máy chợ trời. Sau này, có chút vốn liếng anh mở tiệm mua đồ và từ đó anh về các vùng quê xa xôi mua đồ cũ về bán cho dân chơi đồ cổ. Một cuộc phiêu lưu mới không kém phần hấp dẫn như những cuộc đời trên sân khấu vậy.

Điều đặc biệt suốt ba mươi năm buôn bán và sưu tầm đồ cổ, anh đã bộc bạch phơi bày tất cả những câu chuyện lý thú và hai mặt trong nghề. Anh còn tự phán xét, mình không phải là nhà sưu tầm chân chính vì chỉ yêu những đồng tiền bán được chúng. Anh hài hước rằng, mình chỉ thích tiếng soàn soạt của những đồng bạc khi đếm tiền mà thôi. Nhưng có điều đáng nể trọng ở anh là việc nào ra việc nấy, chạy chợ rất cuồng nhiệt hết mình vì gia đình nhưng lên sàn diễn chất nghệ sĩ trong anh lại thăng hoa hơn bao giờ hết. Tâm hồn anh luôn luôn đắm say với tình yêu sân khấu với một Romeo đầy lãng mạn nơi thánh đường nghệ thuật. 

Cuồng nhiệt và đổi mới

Tính cách mạnh mẽ và niềm lạc quan trong anh cũng là một nguồn tiềm tàng trong nghệ thuật sân khấu nơi anh phát triển suốt 45 năm qua. Ngay từ khi vào vai Romeo (ở lứa tuổi 20) nghệ sĩ Chí Trung đã thể hiện những tố chất nghệ thuật đặc biệt trên sân khấu. Riêng về đài từ của anh rất độc đáo cho mỗi nhân vật. Tính nhạc điệu trong câu thoại cùng với những độ dừng ngắt bất ngờ anh luôn tạo sắc màu nhân vật riêng biệt. Có thể nói nghệ thuật chuyển giọng với những tiết tấu phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật là một sản phẩm sân khấu mang thương hiệu Chí Trung.

Khán giả luôn nhớ tới màu sắc của nhân vật của Chí Trung trình diễn trên sân khấu. Từ nhân vật bi kịch cho đến hài kịch. Có thể kể đến những nhân vật đặc sắc của anh như Romeo (Romeo và Juliet); vai Đôn sứt (Lời thề thứ 9); hoặc vai Tạ Quay (Trò đời);…, đặc biệt là Otenlo trong vở cùng tên. Mỗi vai anh có nhịp điệu riêng về ngôn ngữ và màu sắc đậm tính cách nhân vật nên nghệ thuật diễn xuất của Chí Trung luôn luôn mới lạ. 

1-chí trung trong vai táo quân.jpg -0
Chí Trung trong vai Táo quân.

Khán giả vẫn còn nhớ, vào giai đoạn Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức sự kiện nhân 10 năm làm sân khấu hài "Đời cười" (2002-2012). Đó cả là một câu chuyện đầy bươn trải của một thuở sân khấu kịch gặp nhiều cam go. Nói là xuống cấp cũng không đúng, có lẽ đó là bi kịch của một hướng đi mang tính bao cấp cả về nghệ thuật lẫn tác phẩm. Do vậy sản phẩm sân khấu đặc sắc "Đời cười" mới ra đời. Nó như một sự cứu cánh tạm thời cho hoạt động sân khấu kịch và cũng là một cách cứu đói cho nghệ sĩ. Trong đó nghệ sĩ Chí Trung là người có những đóng góp đáng kể.

Nói vậy, bởi sự chuyển động của sân khấu bước sang thị trường không dễ dàng  khi đã mang tính xã hội hóa. Hầu hết các nghệ sĩ khi chuyển sang diễn hài cũng không đơn giản. Bởi tiếng cười trên sân khấu trước đây thường được trao cho những anh hề thực thụ. Do đó Chí Trung là một trong những điển hình cho sự đổi mới với một diện mạo hài hước đúng màu nhất.

Những nghệ sĩ khác như Lê Khanh, Anh Tú, Ngọc Huyền… cùng thời với Chí Trung khi bước sang sân khấu hài cũng không mấy ấn tượng. Những tiểu phẩm họ diễn có ẩn giấu chất triết lý sống và nhiều yếu tố gây cười tự thân. Nhưng nghệ thuật cách điệu với sắc thái nhân vật khó bứt thoát nên họ chỉ trông cậy vào những lời gây cười trong tình huống.

Vậy mà Chí Trung tỏ ra nhập cuộc nhanh nhất. Chất liệu trào lộng tự sẵn nơi anh bởi xuất phát từ cách nhìn cuộc sống được nhập đồng trong từng vai diễn. Do vậy xem anh diễn mà thấy hồn nhiên, cười hồn nhiên, khoái trá hồn nhiên. Khán giả cả nước nhớ đến anh qua nhân vật cuối năm "Táo Giao thông" cũng vì cái nét tươi mới hồn nhiên đó. Mỗi lần xuất hiện anh có những tìm tòi khác nhau và cũng với những ngưng ngắt với tiết điệu bất ngờ và sau đó là những giai điệu hóm hỉnh được dâng trào. Khán giả cười ngất là vì thế.

Ví von mới

Đó là câu chuyện "Quan Thanh tra", một vở hài kịch cổ điển mà NSƯT Chí Trung đã dàn dựng. Tác phẩm sân khấu của anh tạo nên hiệu ứng "Humor" hiện đại. Đó là sự đổi mới về ẩn dụ của tiếng cười nhạo báng. Với ứng dụng dân gian qua tích mèo và chuột, anh đã tạo dựng một bản diễn đậm chất truyền thống giản dị, sắc gọn và trào lộng. Người xem cười cho cuộc đời và cười cho chính mình vì những sự lo toan bị phanh phui tội lỗi trước ánh sáng cho dù đó chỉ là ánh sáng ảo.

Phải nói tiếng cười của NSƯT Chí Trung ngày một thâm thúy. Nhìn lại những vai mà anh đã từng đóng cả bên sân khấu lẫn truyền hình mới thấy anh quả là một kho tàng quý báu nghệ thuật diễn xuất. Có thế nói anh là những kỷ lục MC về trò chơi và chuyên đề trên truyền hình cũng như hàng chục vai diễn trên truyền hình. Ngay ở vai trò đạo diễn, NSƯT Chí Trung luôn dẫn dụ người xem qua những tiếng cười lạc quan nhìn về phía trước. Đó chính là tình yêu cuộc sống với sự đam mê và cuồng nhiệt dâng hiến cho nghệ thuật của người nghệ sĩ chân chính.

Mỹ Hiền
.
.