NSƯT Bạch Vân: "Cơm áo không đùa với khách thơ"

Thứ Năm, 28/04/2022, 10:47

Nhắc đến ca nương - NSƯT Bạch Vân, nhiều người nhớ ngay tới một người nghệ sĩ tâm huyết đã dành cả cuộc đời đắm đuối với ca trù, vì yêu ca trù mà một đời vất vả lênh đênh. Thật khó lý giải được vì đâu mà NSƯT Bạch Vân lại yêu say đắm, yêu "quên đường đi lối về", chấp nhận nhiều thiệt thòi để theo đuổi loại hình nghệ thuật này đến thế. Chính bản thân Bạch Vân cũng cho rằng, đó chỉ có thể là do "duyên nghiệp" mà thôi...

Gặp ca nương - NSƯT Bạch Vân khi bà vừa trải qua một trận ốm nặng nhất từ trước tới giờ, thậm chí bà đã phải nằm một chỗ, không đi lại được do căn bệnh thoái hóa cột sống, dù vẫn vui vẻ nói cười. Nhưng từ đáy mắt bà, dường như chất chứa nỗi u buồn.

Bà kể, những ngày qua, nằm trong căn gác này, chỉ ngửa mặt nhìn trần nhà mà nước mắt cứ thế lặng lẽ lăn. Bà ngẫm thấy tủi cho phận mình, suốt thanh xuân mải mê theo đuổi con đường nghệ thuật đầy gập ghềnh sóng gió, quanh năm đi sớm về khuya, phung phí sức khỏe vào đam mê ca trù, để giờ đây tuổi già ập đến, bệnh tật hỏi thăm cùng với nỗi cô đơn vời vợi. Chia sẻ với Bạch Vân nỗi hờn tủi ấy, tôi hỏi bà, có khi nào ân hận vì đã lựa chọn con đường chông gai này để đi không, thì bà ngậm ngùi nói rằng: "Nhiều lúc chạnh lòng lắm chứ, buồn tủi nữa, nhưng ân hận thì không!".

untitled-6.jpg -0
NSƯT Bạch Vân.

Nếu được chọn lại, có lẽ bà vẫn chọn ca trù, vẫn dấn thân, đam mê như thế cho đến hết một kiếp tằm tơ này, như là một kiếp người sinh ra được an bài để phục hồi và chấn hưng ca trù. Dường như đối với Bạch Vân, chỉ khi cất tiếng hát, bà mới thấy mình được sống trọn vẹn, sống có ý nghĩa và quên hết mọi nỗi mệt nhọc âu lo, quên tuổi tác và nỗi cô đơn hiện hữu trước mặt, quên cả cái nghèo túng vẫn đeo bám suốt bao nhiêu năm.

Từ cuối năm 2020, khi không còn được biểu diễn ở đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - là sân khấu đã gắn bó với hoạt động biểu diễn liên tục hàng tuần của bà gần chục năm nay - khiến bà cảm thấy rất hụt hẫng.

Dù đã 65 tuổi - cái tuổi đối với nhiều người phụ nữ đã lên chức bà, vui vầy với cháu con - nhưng đối với NSƯT Bạch Vân, ca trù vẫn là niềm vui sống, là khát khao được tận hiến với khán giả. Chính vì thế, một lần nữa rơi vào tình cảnh không còn địa điểm biểu diễn khiến bà rơi vào nỗi buồn sâu sắc. Có những thời điểm bà cảm thấy mất hết niềm tin, vì những gì bản thân dành tâm huyết cố gắng bươn chải, tạo dựng trong nhiều năm, cuối cùng lại tan đi như một áng mây trắng cuối trời... Y như cái tên của bà - Bạch Vân có nghĩa là Mây Trắng!

Là người đầu tiên thành lập một CLB Ca trù tại Hà Nội và Việt Nam vào năm 1991, sau nửa thế kỷ biến động của lịch sử khiến ca trù gần như biến mất. Trước đây, ca nương Bạch Vân đã từng lâm vào tình cảnh này khi không được biểu diễn tại địa điểm "Bích Câu đạo quán" - nơi bà là người tạo dựng, gắn bó và biểu diễn trong suốt 20 năm trên phố Cát Linh. Nhưng sau đó, bà lại may mắn nhận được lời mời của Ban quản lý phố cổ Hà Nội về biểu diễn tại Đình Kim Ngân.

Tuy nhiên, dù là biểu diễn ở đâu bà đều phải tất tả vừa lo diễn xuất, tổ chức cho các ca nương, kép đàn từ các nơi về biểu diễn, vừa lo công tác hậu cần, trả tiền cát-xê cho các nghệ nhân. Vậy là một mình bà phải sắm mấy vai: vừa là nghệ sĩ, vừa là bầu sô, vừa kiêm hành chính kế toán. Việc gì cũng đến tay, nhất là trong bối cảnh vẫn liên tục phải bù lỗ để duy trì các buổi biểu diễn với lượng khán giả chủ yếu là khách du lịch ít ỏi.

NSƯT Bạch Vân tâm sự: "Nhiều người cũng hỏi tôi rằng, theo đuổi ca trù vất vả như thế, nghèo như thế thậm chí còn phải bỏ tiền túi ra bù lỗ thì theo đuổi làm gì? Tôi chỉ có thể trả lời rằng, giống như "đã mang lấy nghiệp vào thân" ấy, tôi vẫn cứ làm như có sự dẫn dắt của tâm linh. Nghề chưa bao giờ nuôi được tôi, tôi toàn đem tiền nhà đi nuôi nghề đấy chứ! Nhưng mỗi lần cất lên tiếng hát, tôi lại thấy lòng mình hân hoan, tôi thấy tôi được là chính mình, cháy hết mình, tan vào câu hát ấy!".

untitled-7.jpg -0
CLB Ca trù Hà Nội là tâm huyết mà NSƯT Bạch Vân đã dành cả cuộc đời để gây dựng.

Sở dĩ NSƯT Bạch Vân nói bản thân toàn mang tiền nhà đi bù lỗ cho ca trù là vì, bà có căn nhà trên phố Ngọc Khánh với tầng 1 dùng để cho thuê, tầng 2 dùng làm nơi ở khá chật chội, thậm chí là tồi tàn. Với đồng lương hạn hẹp, bà cố gắng đủ trang trải cho những nhu cầu tối giản của mình, còn tiền cho thuê nhà hầu như được bà dùng để trang trải các chi phí để duy trì hoạt động biểu diễn CLB Ca trù Hà Nội như tiền điện nước, tiền thù lao biểu diễn cho các nghệ nhân... Chính vì thế, cũng không ít lần bà lâm vào cảnh nợ nần.

Thật đúng là "cơm áo không đùa với khách thơ", thế mà chưa một lần bà nghĩ tới việc từ bỏ ca trù. Thậm chí bà nói rằng, căn nhà bà đang ở nếu mà có sổ đỏ, chắc có lúc đã bị bà đem đi cầm cố để nuôi ca trù rồi. Có những lần bị ốm phải vào bệnh việc điều trị, bà vẫn trốn về để biểu diễn theo lịch đã định rồi lại vào nằm viện tiếp. Lần khác, bà chở người đi từ Hưng Yên về Hà Nội bị tai nạn giao thông khá đau phải vào bệnh viện điều trị, nhưng nghĩ đến buổi diễn vẫn muốn lao về thật nhanh để còn kịp biểu diễn mà quên cả vết thương còn chưa cầm máu.

Cũng vì quá đam mê nghệ thuật ca trù, lúc nào cũng đắm say với câu hát mà bà chấp nhận một đời sống riêng tư nhiều lận đận, thiệt thòi khi thanh xuân lặng lẽ rời xa, đến tuổi xế chiều vẫn "đi sớm về khuya một mình".

NSƯT Bạch Vân kể rằng, khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, Bạch Vân nhận được nhiều lời mời gọi về tỉnh phía Nam công tác, nhưng lúc đó đã "bén duyên" với ca trù nên quyết định không đi mà ở lại Hà Nội để học ca trù. Vậy là trong nhiều năm, Bạch Vân gõ cửa nhiều nghệ nhân còn sót lại của "Phố cô đầu Khâm Thiên" để xin học hát. Nhưng ở thời điểm đó, hầu hết các nghệ nhân đều không nhận lời truyền nghề, thậm chí còn bị đuổi vì họ muốn quên đi, muốn "chôn vùi quá khứ" từng gắn bó với cái nghề vẫn đang bị xã hội kỳ thị.

Sau nhiều lần tìm đến các nghệ nhân năn nỉ xin học không được, cuối cùng chỉ có cụ Chu Văn Du là phó quản ca của giáo phường Khâm Thiên nhận lời dạy Bạch Vân, còn cụ Phó Thị Kim Đức thì chị đã đi lại nhiều lần đến "mòn đường chết cỏ", năm 1996 cụ Đức mới nhận lời dạy. Nhưng phải mất 3 năm cụ mới dạy cho được 1 bài và mất 5 năm mới học được 2 bài. Trong suốt những năm tháng đó, Bạch Vân vẫn không hề nản lòng.

Bà đã nhiều lần đi xe máy về tận Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc để tìm gặp các nghệ nhân cao tuổi, từ đó có những ghi chép, kết nối để đến năm 2000, lần đầu tiên "Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng" được tổ chức và thành công rực rỡ. Vốn có lợi thế là chuyên viên văn hóa của Sở Văn hóa Hà Nội, cho nên Bạch Vân đã có công lao to lớn trong việc mời gọi, động viên, khích lệ để các nghệ nhân một thời trở lại với nghề và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Họ chính là những trụ cột quan trọng để thành lập nên các CLB Ca trù ở Hà Nội cũng như một số tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nam Định... để ca trù có cơ hội tái sinh, sau đó được UNESCO công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" vào năm 2009.

Điều khiến tôi ám ảnh nhất và cũng là điều ca nương Bạch Vân trăn trở nhất, đó chính là ngay trong lúc ốm đau bệnh tật, bà vẫn nuôi dưỡng mong muốn được khôi phục hoạt động biểu diễn chính thức của CLB Ca trù Hà Nội. Bạch Vân luôn mong mỏi rằng, biểu diễn ca trù trở thành một nét văn hóa đẹp của Thủ đô, là loại hình âm nhạc đặc thù có thể tự hào giới thiệu đến với khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam và đi ra thế giới. Bà mong sẽ sớm khỏe lại, để có thể tiếp tục "gõ cửa" cơ quan chức năng cũng như một số lãnh đạo ngành văn hóa của Hà Nội để có thể "xin" được một địa điểm biểu diễn cho ca trù, để hoàn thành sứ mệnh văn hóa của mình.

Tôi ngỏ ý rằng: "Hay bây giờ có phố đi bộ quanh Hồ Gươm, nếu CLB của chị biểu diễn vào dịp cuối tuần trên phố đi bộ thì có được không?", thì Bạch Vân cười buồn mà rằng: "Như thế thì tội nghiệp cho nghệ sĩ, nghệ nhân quá. Vì ca trù xưa nay gắn với cửa đình, gắn với nơi tôn quý và các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa tốt đẹp trong đời sống mà. Tôi tin Hà Nội cũng không thiếu những địa điểm có thể "cho mượn" để chúng tôi được biểu diễn, được giới thiệu nét đặc sắc văn hóa đến với công chúng và khách quốc tế!".

Nguyệt Hà
.
.