NSND Thu Hà: Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố

Thứ Năm, 09/12/2021, 11:11

Mang vẻ đẹp mong manh, nhẹ nhàng, đôi mắt to tròn biết nói, nụ cười duyên dáng rạng rỡ, NSND Thu Hà sở hữu nhan sắc làm mê đắm tầng tầng lớp lớp khán giả từ giữa thập niên 80 đến tận bây giờ. Chị được coi là một trong những gương mặt sáng giá của dòng phim thời kì đổi mới.

Khi tôi gặp chị vào một sáng đầu đông, cafe vỉa hè trên con phố sách của Thủ đô, tôi nhận ra “mùi” của nhan sắc toả sáng,  hút mắt người. Theo cảm nhận của tôi, chỉ thật ít những nghệ sĩ có tố chất đặc biệt mới có hương vị này. Nó dễ làm cho người ta say và quên đi thời gian.

Cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết, trong đó sẽ có nhiều chương hồi, trường đoạn, có những trang khắc cốt ghi tâm, nhất là với người nghệ sĩ giàu cảm xúc như chị. Khi nói đến Hà Nội, ký ức cứ ào ạt dội về, tiếp nối nhau. Chị bảo, chị yêu tha thiết mảnh đất này, mỗi mùa mang một phong vị khác, mùa Hè màu đỏ hoa phượng, màu tím của bằng lăng, màu trắng hoa loa kèn, mùa Thu có cúc hoạ mi, hương cốm vàng, và sang Đông, cảm giác lồng ngực như căng tràn lên với hương hoa sữa nồng nàn.

NSND Thu Hà: Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố -0

Chính vì lẽ đó, 10 năm nay gần như ngày nào chị cũng đạp xe trên những con phố của thủ đô để tận hưởng hương vị dịu ngọt ấy. Giữa dòng người hối hả tấp nập thấp thoáng bóng người nghệ sĩ tóc xoã ngang vai đạp xe nhẹ nhàng lướt trên những con phố Hà Thành. Thật khó có thể tưởng tượng, nhiều hôm vào lúc 4h sáng, khi mọi người đang say giấc, chị trở dậy đạp xe lang thang trên những con phố, tận hưởng vẻ đẹp tĩnh lặng, lắng nghe “tiếng của thành phố thở” lúc sang canh.

Không kể ngày nắng gắt hay đêm đông lạnh giá, cứ rảnh rỗi là chị lại đạp xe, xuất phát điểm từ Hồ Gươm đi một vòng Hồ Tây. Gió và nước hồ sóng sánh, cùng ánh trăng đêm xoa dịu tâm hồn người nghệ sĩ bồng bềnh, đa cảm. Một điều đặc biệt, dù con đường đấy có xa, có lâu thì không bao giờ chị quay lại phía sau, vì như thế sẽ rất nản. Đã đi là phải tới đích. Với chị đạp xe là phương pháp hữu hiệu nhất cho tinh thần rèn luyện đức kiên trì và tập thể dục, đồng thời cũng rất tốt cho môi trường.

Trong hành trình đạp xe của mình cả chục năm nay, hàng tuần chị vẫn dành 1 đến 2 buổi dong xe đạp vào phố Tạ Hiền, nán lại trước cửa rạp hát cũ, nơi khi xưa có Nhà hát kịch Hà Nội của những thập niên 80 và đầu những năm 90. Giờ Nhà hát kịch đã chuyển về trung tâm của thủ đô - phố Tràng Tiền, nhưng chị vẫn nhớ đến dạt dào về con phố gắn với một thời tuổi trẻ. Nơi đó có những người anh trong nhà hát, đó là các gương mặt cực kì nổi tiếng lúc bấy giờ: Trần Vân, Tiến Đạt, Hoàng Dũng, Hồng Sơn. Các anh vẫn thường rủ nhau ra quán trà vỉa hè để tán chuyện và bàn luận sôi nổi về vai diễn trong vở kịch mới.

Ba người trong số họ, Trần Vân, Tiến Đạt, Hồng Sơn đều có chung một đam mê sưu tầm vespa cổ, đấy là thú chơi sang của những chàng trai con nhà tư sản phố cổ. Nhưng, định mệnh của số phận, đầu tiên là Trần Vân khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thì anh mắc bệnh ung thư rồi mất, sau đó là Hồng Sơn, và mới đây nhất là Hoàng Dũng cũng từ giã cõi đời vì bệnh ung thư. Bộ tứ khi xưa giờ chỉ còn mình Tiến Đạt.

Rạp cũ giờ đây đã là nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật cho khách du lịch, nhưng mỗi lần chị đạp xe lên đây, đứng trước rạp hát cũ là kí ức xưa lại ùa về khắc khoải, cảnh vẫn còn mà người đã thành thiên cổ.

NSND Thu Hà: Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố -0

Chị sinh ra ở Hà Tây, lên 6 tuổi theo mẹ công tác tới Tuyên Quang, Hà Giang, bước sang tuổi 14 vào Đoàn nghệ thuật quân khu 2. Năm Thu Hà 20 tuổi cũng là lúc Đoàn nghệ thuật gần như giải thể, nhiều người phải quay trở về địa phương. Thu Hà hoang mang lắm, về Tuyên Quang ư?! Không thể được, chắc hẳn mẹ sẽ rất thất vọng, nên một thân một mình cô gái trẻ ra thủ đô tìm việc. Lúc này, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ vừa mới mất, những vở kịch của anh sáng đèn liên tục tại sân khấu kịch Hà Nội, nơi tụ hội nhiều anh tài sáng rực của nền sân khấu kịch nghệ nước nhà: Thanh Tú, Hoàng Cúc, Trần Vân, Hoàng Dũng, Hồng Sơn... Có trong mơ chị cũng không dám nghĩ đến mình có thể về được đây.

Lặn lội đi xin việc tại Đoàn Nghệ thuật CAND, Đoàn kịch Điện ảnh, nhưng lúc đó, để xin vào làm ở đoàn kịch thủ đô là một việc vô cùng khó khăn vì cần phải có hộ khẩu Hà Nội. Câu chuyện xin việc tưởng như vào ngõ cụt, thì may mắn đã đến, sau thành công vang dội của phim "Lá ngọc cành vàng" năm 1989 Thu Hà nổi lên như một gương mặt trẻ đầy triển vọng có một không hai của diễn viên phía Bắc. Vẻ đẹp tha thướt, dịu dàng tiểu thư khuê các trong "Lá ngọc cành vàng" thu hút hàng triệu khán giả đã mang về những lợi thế cho bước đường sự nghiệp của nữ diễn viên trẻ.

Đạo diễn, NSND Hải Ninh lúc đó là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, dẫn Thu Hà đi ra mắt các phòng ban. Mọi người nghĩ: "Con bé kia là ai mà được Giám đốc ưu ái thế." Đang rất khó khăn tìm một chỗ để trụ lại trong đoàn kịch ở Thủ đô, thì đạo diễn Hải Ninh nhắn nhủ: "Cháu có thể về đây, cánh cổng này sẽ đón cháu". Chưa kịp nói lời cảm ơn với người đạo diễn danh tiếng thì trên đường từ hãng phim về nhà, đột nhiên Hà nhận được cuộc điện thoại của Nhà hát kịch Hà Nội, bên đó họ nhận về làm việc.

Mừng lắm, mừng đến rơi nước mắt, như muốn vỡ oà, trong lòng đang chộn rộn những khát khao dâng hiến cho nghề thì có một số lời ngăn cản, mọi người nói: "Hà nghĩ kĩ đi, ở Đoàn kịch quân khu 2, Hà toàn được giao vai chính, giờ về Nhà hát kịch Hà Nội toàn các ngôi sao, Hà chắc chỉ được đóng vai phụ, khó có cơ hội đóng vai chính". Nhưng, có một sự thôi thúc và dẫn dụ đã khiến Hà về đầu quân cho Nhà hát kịch Hà Nội.

Tại thời điểm đó có hộ khẩu Hà Nội vô cùng khó khăn và là cả một vấn đề, vậy mà ban lãnh đạo nhà hát nói với Hà: "Cháu nên tìm một gia đình ở Hà Nội để nhập hộ khẩu và thành phố sẽ cho một xuất hộ khẩu Hà Nội". Ngay sau đấy, nhà hát kịch đã đứng ra bố trí buổi gặp mặt giữa Hà và một cán bộ tổ chức hành chính của thành phố để Hà có được hộ khẩu Hà Nội. Không lâu sau, chị chính thức trở thành người Hà Nội.

Từ giữa thập niên 80 đầu thập niên 90 là lúc dòng phim thị trường miền Nam vô cùng sôi động, cùng với những gương mặt trẻ đình đám như Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương, Y Phụng, Lý Hùng, có thể nói Thu Hà là nữ diễn viên đầu tiên và duy nhất của miền Bắc có thể xâm nhập vào miền Nam và trở thành hiện tượng phòng vé.

Có những lúc cao điểm, trong một tháng Hà đóng ba phim, lịch quay gối nhau. Nhiều phim diễn thông đêm, đến hôm sau không được ngủ bù mà lại phải đi diễn tiếp. Hãng phim tư nhân hướng đến doanh thu nên phải căn giờ diễn viên từng phút một. Hà đang ở trong đoàn làm phim này thì bên ngoài đã có người của đoàn làm phim khác đứng đợi.

Hàng tháng trời làm việc liên tục không ngơi nghỉ, thậm chí không còn thời gian ăn ngủ, trong khi các solist khác có trợ lý hay gia đình bên cạnh để chăm sóc, cưng chiều thì Hà tự phải thân một mình. Cô gái trẻ tranh thủ ăn qua loa cái bánh bích quy, hay tranh thủ ngủ dăm mười phút ở đằng sau tấm rèm của trường quay. Bạn bè chủ yếu là các anh trong tổ điện, tổ âm thanh, hay phó quay, sự giản dị hoà đồng đấy tạo nên mối thân tình để đến khi làm việc vô cùng ăn ý.

Nhiều khi nghĩ lại chị bảo: "Không hiểu sao lúc đó lại có thể có sức làm việc nhiều đến như thế". Động lực chính là khi nghĩ đến gia cảnh của hai mẹ con chưa có nhà, nên Hà làm việc chăm chỉ cần mẫn như một con ong thợ để có tiền mua cho mẹ và mình căn nhà ở Hà Nội.

Chị kể: Cả thời tuổi trẻ bận bịu đi đóng phim như thế chẳng còn thời gian nào để yêu đương, âu cũng là sự thiệt thòi. Giờ sau bao năm chị lại quay lại với phim trường vai nữ doanh nhân sắc sảo Bạch Cúc, chị hạnh phúc khi thấy khán giả vẫn dành cho mình sự yêu thương đặc biệt. Ngày sinh nhật của chị, các bạn trẻ gửi tặng hoa, mỗi bông hoa là một bức ảnh nhỏ của chị từ lâu lắm rồi, mà ngay chính chị cũng không có những tấm hình ấy. Chị trân trọng từng tin nhắn, món quà nhỏ có khi là chiếc găng tay, những bức ảnh xinh xắn của người hâm mộ gửi đến. Chị không chọn cho mình làm quản lý ở nhà hát mà hoàn toàn bằng lòng với sự lựa chọn của mình, chỉ mong suốt đời làm người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố...

Trần Mỹ Hiền
.
.