NSND Lệ Ngọc: Sân khấu là lẽ sống của đời tôi!
Có thể nói, gần chục năm trở lại đây, sự xuất hiện liên tục của các vở diễn mang thương hiệu “Sân khấu Lệ Ngọc” đã đem đến cho sân khấu Thủ đô sự sôi động đáng kể. Có được điều đó chính là nhờ NSND Lệ Ngọc - “bà chủ”, “linh hồn” của Sân khấu Lệ Ngọc cùng niềm đam mê bất tận với sân khấu của mình đã nỗ lực tận hiến mỗi ngày. Bởi vì, với NSND Lệ Ngọc thì “Sân khấu chính là lẽ sống của đời tôi!”.
Tôi ấp ủ viết bài về NSND Lệ Ngọc đã lâu, nhưng dường như luôn cảm thấy những điều tôi nghe, xem, đọc và cảm nhận về bà luôn là chưa đủ. Đôi lúc tôi cũng tự hỏi, không biết người nữ nghệ sĩ đã bước qua tuổi lục tuần này lấy đâu ra sức lực, tâm tư để dựng hết vở kịch này sang vở kịch khác, đi biểu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc và cả nước ngoài.
Hơn nữa, với một sân khấu ngoài công lập vốn phải tự chủ hoàn toàn về kinh phí và các hoạt động, thì dựng vở diễn đồng nghĩa với việc “đổ tiền chẵn” trong túi mình ra và thu về “tiền lẻ” từ mỗi tấm vé bán ra. Nhưng, NSND Lệ Ngọc đã lặng lẽ làm công việc đó suốt gần 10 năm và khi nhìn lại cả chặng đường, thấy những gì bà làm được thật cảm động và đáng khâm phục.
Năm 2013, nhóm kịch xã hội hóa của Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam được thành lập do NSND Lệ Ngọc khởi xướng bắt đầu những bước đi chập chững đầu tiên. Sau khi nghỉ hưu, niềm đam mê và khao khát được tiếp tục cống hiến vẫn thôi thúc NSND Lệ Ngọc.
Tháng 9/2016, Sân khấu Lệ Ngọc chính thức ra mắt và trở thành mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội. Thực sự mà nói, với một đơn vị sân khấu có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, hằng năm có các vở diễn được Nhà nước đặt hàng còn gặp phải rất nhiều khó khăn, thì một đơn vị sân khấu xã hội hóa như Lệ Ngọc còn khó khăn hơn nhiều.
NSND Lệ Ngọc chia sẻ: “Khi đó tôi vừa mày mò tìm kiếm, đặt hàng người viết kịch bản, vừa tìm kiếm gương mặt diễn viên phù hợp với vai diễn từ các nhà hát để mời cộng tác, vừa tìm kiếm khán giả. Thật đúng là “song kiếm hợp bích”, vừa phải lo vấn đề tài chính cơm áo gạo tiền, vừa phải chăm chút cho vở diễn cho thật chỉn chu từ khâu phục trang của diễn viên đến thiết kế sân khấu sao cho thật gọn nhẹ, phù hợp với những chuyến lưu diễn dài ngày mà vẫn phải đảm bảo yếu tố nghệ thuật. Có nhiều khi tôi cảm thấy mình làm việc đến kiệt sức và chồng tôi rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của tôi. Nhưng rồi, với quyết tâm cao độ, lại được tổ nghề thương nên việc gì rồi cũng qua...”.
Sân khấu Lệ Ngọc tạo được dấu ấn với khán giả khi ra mắt vở “Chí Phèo và Thị Nở” vào năm 2019, vở diễn này đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả với hơn 100 đêm diễn bán hết vé. Sau đó, vở diễn tiếp tục được công diễn tại Nhà hát Ghione của Ý, đánh dấu hành trình đưa nghệ thuật kịch Việt Nam đi lưu diễn ở châu Âu. Dịch COVID-19 bùng nổ, trong khi hầu hết các sân khấu đều “tắt lửa tối đèn” vì giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh thì Sân khấu Lệ Ngọc vẫn âm thầm chuẩn bị cho ngày mở cửa trở lại với “Dế mèn” và “Làm vua”, “Tình bạn và công lý”, “Hoa sen lửa”, “Vang bóng một thời”... với nhiều đêm diễn liên tục không còn ghế trống.
Năm 2003 là năm Sân khấu Lệ Ngọc có nhiều vở diễn được lưu diễn, dự thi hoặc tham gia các hoạt động nghề nghiệp ở nước ngoài như: "Ngũ biến" và "Dế mèn" tham gia Tuần lễ Liên hoan văn hóa phi vật thể Trung Quốc - ASEAN (diễn ra tại Nam Ninh); vở "Đám cưới con gái chuột" tham dự Liên hoan Văn học thiếu nhi châu Á (AFCC) 2023 tại Singapore; vở diễn "Lá đơn thứ 72" và "Lôi vũ" tham gia kỷ niệm 10 năm Tuần lễ Văn hóa ASEAN - Trung Quốc diễn ra ở Nam Ninh và giành được Huy chương Vàng.
Trong vòng 5 năm qua, các tác phẩm của Sân khấu Lệ Ngọc đã được mời tham gia nhiều liên hoan sân khấu quốc tế ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Monaco, Bangladesh, Pháp, Ý và Bhutan... Trong đó, công lao hàng đầu thuộc về NSND Lệ Ngọc là người luôn quảng bá tích cực các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài.
NSND Lệ Ngọc cho biết, trong quá trình làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam, được làm việc với đạo diễn - tiến sĩ người Singapore rất có ảnh hưởng trong khu vực châu Á là ông Chua Soo Pong, đã cho Lệ Ngọc nhiều bài học quý, trong đó có việc chú trọng thực hành giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chính vì thế, ngay từ đầu NSND Lệ Ngọc đã “điều phối” sân khấu của mình đi theo một con đường xuyên suốt là khai thác mạch nguồn văn hóa dân gian đặc sắc của Việt Nam. Vì thế, vở diễn của Sân khấu Lệ Ngọc không những nhận được sự yêu mến của công chúng trong nước với những suất diễn liên tục như “Lá đơn thứ 72” đã vượt 150 suất diễn, mà còn được công chúng quốc tế hưởng ứng nhiệt liệt như “Ngũ biến”, “Dế mèn”, “Đám cưới con gái chuột”...
NSND Lệ Ngọc kể rằng, bà thừa hưởng tình yêu sân khấu từ cha là nhà giáo, nhà văn, nhà viết kịch Việt Hoài. Năm 16 tuổi đánh dấu mốc quan trọng khi bà quyết định đi theo con đường chuyên nghiệp bằng việc đăng ký thi tuyển vào cả 4 đơn vị nghệ thuật hàng đầu ở Hà Nội khi đó là Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối và Xưởng phim để thực hiện ước mơ được làm diễn viên.
Điều ngạc nhiên là bà đã trúng tuyển ở cả 4 nơi, nhưng quyết định đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Lệ Ngọc lên sân khấu bắt đầu từ những vai nhỏ, nhưng nhờ việc ham học hỏi mọi lúc mọi nơi, sau này Lệ Ngọc có thể sắm nhiều vai: từ già trẻ lớn bé, từ nữ đến nam, từ một vai đến nhiều vai trong một vở diễn với giọng nói biến hóa và có thể nói được tiếng vùng miền địa phương Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tây...
Trong vở “Ngũ biến”, NSND Lệ Ngọc đã biến hóa thành Ông Hoàng Mười, quan Đệ ngũ Tuần Tranh, Đệ Nhị Mẫu, Cô Bé và Cô Bơ với khả năng hát, múa điêu luyện, nên khi đi lưu diễn ở các nước trên thế giới, bạn bè đồng nghiệp rất ngạc nhiên và thích thú. Trong vở “Người đẹp khách sạn” - vở diễn tham dự Liên hoan quốc tế kịch độc diễn tại Bangladesh - NSND Lệ Ngọc một mình đảm nhận tới 7 vai là: ông đại tá, nhà thơ, thương nhân, người hầu, bà chủ khách sạn, đệ tử, người lính.
Trong vở “Chí Phèo và Thị Nở”, NSND Lệ Ngọc cũng gây ấn tượng khi cùng lúc đảm nhiệm 2 nhân vật có tính cách trái ngược hoàn toàn đó là vai Thị Nở và vai bà Ba vợ Bá Kiến. Ở dạng vai nào, NSND Lệ Ngọc cũng diễn xuất linh hoạt, hết mình, lột tả đến tận cùng nội tâm, tính cách nhân vật. Đây cũng là cách bà vượt qua giới hạn của bản thân, đem đến những trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho chính mình và công chúng.
Với NSND Lệ Ngọc, sân khấu là duyên và cũng là nghiệp, mà bà đã sớm nhận ra đó là cái nghiệp không dễ gì buông bỏ hay dừng lại. Bà đã lựa chọn nó làm lẽ sống của đời mình, bởi vì khi được làm việc, bà không chỉ cảm thấy hạnh phúc mà còn thấy mình có thêm sinh lực, khỏe hơn và quên đi nỗi lo bệnh tật. Bí quyết để sân khấu luôn sáng đèn, theo NSND Lệ Ngọc là luôn phải vận động với một kịch mục phong phú để khán giả có lựa chọn. Và, đặc biệt là, không bao giờ đứng yên đợi khán giả tìm đến mình mà phải chủ động đi tìm, quảng bá, tiếp cận khán giả. “Trong đầu tôi luôn thường trực câu hỏi là: làm thế nào để sân khấu thu hút khán giả và làm thế nào quảng bá sân khấu, quảng bá văn hóa Việt. Tôi làm gì, dựng vở nào cũng phải xoay quanh hai câu hỏi đó, vì thế mà Lệ Ngọc có được sự yêu thương của khán giả!”.
Với niềm đam mê và ân tình sâu nặng với sân khấu, NSND Lệ Ngọc cho biết thêm: "Sở dĩ bản thân tôi đã cùng các cộng sự của sân khấu nỗ lực nhiều như vậy bởi tôi ngoài mong muốn được làm nghề, còn là mong muốn sân khấu kịch nói miền Bắc tiếp tục tồn tại và phát triển. Tôi cũng có nỗi buồn là một mai sẽ không còn khán giả đi xem kịch nữa thì sân khấu sẽ chết! Tôi cũng có tham vọng được tiếp lửa, truyền lửa cho thế hệ trẻ, để họ sẽ tiếp nối chúng tôi, sống được với nghề và đã dấn thân với nghề không mất hi vọng, không bỏ cuộc!”.