NSND Kim Cương: Thương một mối tình, giữ gìn tâm đạo

Thứ Bảy, 14/09/2024, 07:56

 Với tài năng, danh xưng “Kỳ nữ Kim Cương” được ký giả Nguyễn Ang Ca - Báo Tiếng dội dành tặng NSND Kim Cương vào giữa thập niên 1950. Danh xưng này đã theo bà cho đến hôm nay. Giới sân khấu phía Nam vẫn gọi bà là “Chị Hai”, như một người chị cả của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này. GS.TS Trần Văn Khê từng nhận định Kim Cương là “Trăm năm chỉ có một” của sân khấu Nam bộ.

Xứng danh “kỳ nữ” trong giới mộ điệu

Thời điểm những năm trước 1975, Kim Cương được xưng tụng là một trong “tứ đại mỹ nhân” của Sài Gòn, cùng với Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kiều Chinh. Bà sinh năm 1937, là ái nữ của ông bầu Nguyễn Phước Cương và NSND Bảy Nam. Ngay từ nhỏ, vì NSND Bảy Nam phải theo gánh hát rày đây mai đó nên Kim Cương được nuôi dưỡng và lớn lên ở Sài Gòn bởi bàn tay của nghệ sĩ Năm Phỉ - người được giới mộ điệu phong tặng danh xưng “Phượng hoàng cải lương”, là chị ruột của NSND Bảy Nam.

nsnd kim cương.jpg -1
NSND Kim Cương.

Mới 18 ngày tuổi, Kim Cương đã lên sân khấu với vai em bé trong vở “Quan Âm Thị Kính” - biểu diễn cho Đức Tiên Cung Dương Thị Thục - mẹ của Vua Khải Định xem. Nhưng, vai diễn chính thức đầu tiên của Kim Cương là vai Na Tra trong vở “Na Tra lóc thịt” vào năm lên 7 tuổi. Năm 19 tuổi, Kim Cương bắt xe đi Châu Đốc tìm mẹ. Như duyên trời sắp đặt, bà được diễn vở "Giai nhân và ác quỷ". Với vai diễn đầu tay, Kim Cương đã tạo nên một cơn sốt trong giới ký giả, khán giả thời bấy giờ. Để rồi sau đó, bà trở thành đào chính và gánh vác đoàn hát của gia đình.

Giữa những ngày cải lương cực thịnh, nghệ sĩ Kim Cương đã quyết định rẽ hướng con đường nghệ thuật của mình. Đoàn kịch Kim Cương ra đời vào năm 1956 và Kim Cương trở thành một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho nền thoại kịch miền Nam. Không chỉ nổi tiếng với các vai đào thương đầy số phận, Kim Cương còn thể hiện tài năng của mình bằng việc chắp bút cho các kịch bản dưới những bút danh khác nhau. Rất nhiều vở diễn của Đoàn kịch Kim Cương đã ghi dấu ấn không thể nào quên với khán giả khi ấy như: “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo”, “Về nguồn”, “Trà hoa nữ”, “Hai mùa Giáng sinh”, “Người mua hạnh phúc”,...

Năm 1974, tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 20, bà vinh dự đoạt cú đúp với giải Nữ diễn viên xuất sắc và Lời thoại xuất sắc nhất. Với những đóng góp bền bỉ cho sân khấu, bà được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ nhân dân năm 2011. Năm 2006, nghệ sĩ Kim Cương được nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam là Nữ nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất. Đầu năm 2024, NSND Kim Cương được ban tổ chức Giải Mai vàng vinh danh ở hạng mục Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng.

Sau khi giã từ ánh đèn sân khấu, NSND Kim Cương dành hết thời gian cho các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ cho những mảnh đời khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, đi đầu trong các cuộc cứu trợ thiên tai, lũ lụt và bà đã góp phần lớn công sức vào việc an cư cho các nghệ sĩ già neo đơn, cũng như quỹ học bổng mang tên NSND Bảy Nam - má bà, đã giúp đỡ rất nhiều cho con em các nghệ sĩ nghèo được tiếp tục ước mơ đến trường. NSND Kim Cương từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh. Đến nay, khi đã 87 tuổi, nghệ sĩ Kim Cương vẫn bền bỉ với những hoạt động thiện nguyện và không ngừng lan tỏa hạnh phúc đến những mảnh đời kém may mắn. Bà bảo cuộc đời bà sống hay làm nghề đều nhớ kỹ lời má bà là NSND Bảy Nam dặn dò: “Sân khấu là đạo”.

Nhưng, nhắc đến Kim Cương, giới mộ điệu còn phải nhắc đến một thi nhân tài hoa mà câu chuyện 40 năm yêu đơn phương của ông đã tạo nên những giai thoại đến tận hôm nay vẫn khiến công chúng tò mò.

Giai thoại một chuyện tình

Thi sĩ Bùi Giáng gặp NSND Kim Cương tại đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy, khi ấy ông là một giáo sư của Văn khoa, xuất thân từ gia đình danh giá, có anh làm bác sĩ rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Cả đời thơ Bùi Giáng, ông có khá nhiều người yêu ảo và thật chiếm ngự trong tâm thức. “Ảo” là những Nam Phương hoàng hậu, Thích nữ Trí Hải, ca sĩ Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot... còn “thật” là kỳ nữ Kim Cương và một người ít ai biết: “Hoa hậu Lambretta”. Trong thơ ông, "kỳ nữ" được gọi trìu mến là nàng, nương tử, Hằng Nga, tiên nữ, hay... mẫu thân.

Giai thoại về cái sự "điên" và thăng hoa của Bùi Giáng thì nhiều không kể xiết. Nhưng, Kim Cương kể, có hôm đang giảng cho sinh viên nghe về thơ Kiều, Bùi Giáng xúc động quá khóc nức nở, sinh viên nghe ông giảng hay và cảm động quá cũng khóc theo ông. Ông vô nhà vệ sinh rửa mặt, học sinh nghĩ ông sẽ vào dạy tiếp nên cứ ngóng ông, sau mới biết là khi ông vô nhà vệ sinh rửa mặt xong ông bỏ về nhà và... ngủ!

Cách yêu của thi sĩ điên cũng rất kì lạ, khiến người chung quanh và chính Kim Cương cũng “dở cười, dở mếu”. Một hôm ông trịnh trọng cầu hôn nhưng bà từ chối. Vài lần sau, ông thở dài nói: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”. Tưởng ông nói chơi, ai dè làm thiệt. Ông đùng đùng dắt ngay đứa cháu tới, mà đứa cháu đó chỉ mới... 8 tuổi. Ngày nào Bùi Giáng cũng đến tìm Kim Cương, với hình hài kì dị như tóc đầy rơm rác, vòng hoa, quần áo xộc xệch, vỏ chai, vỏ lon xủng xẻng theo sau.

nsnd kim cương và thi sĩ bùi giáng.jpg -0
NSND Kim Cương và thi sĩ Bùi Giáng.

Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay làm “chim bay, cò bay” la hét làm kẹt xe. Công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Mẫu thân của tôi là Kim Cương, ở số... Hoàng Diệu, điện thoại 844...”. Thế là công an réo gọi Kim Cương đi lãnh ông ra. Một lần nọ, Bùi Giáng ngẫu hứng làm “chim bay, cò bay” giữa đường để hướng dẫn giao thông, ai nói gì cũng không nghe, tình cờ nhà báo Đoàn Thạch Hãn ngang qua thấy thế liền đến gần Bùi Giáng bảo Kim Cương mời ông tới nhà chơi kìa. Lập tức, Bùi Giáng vội vã tới nhà Kim Cương. Có khi ông té bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy. Có lần ông quậy cả đám cưới nhà người ta, thế là Kim Cương lại bị gọi đến đưa ông về.

Có một giai đoạn Bùi Giáng dường như ra khỏi “cõi điên” của ông mà hơi tỉnh tỉnh, đó là khoảng năm 1978-1992 khi ông về trú ngụ tại nhà người cháu tên Hoài ở Gò Vấp, gọi Bùi Giáng bằng bác. Một lần nhà thơ Trụ Vũ ghé chơi, nói đùa Kim Cương hẹn ngày mai tới nhà thăm anh đấy. Suốt đêm đó Bùi Giáng gần như không ngủ, sáng ra ông sốt ruột chờ “nương tử Kim Cương” tới thăm.

Người cháu của Bùi Giáng có lần tiết lộ chuyện Bùi Giáng mượn rượu giả bộ say để “nhõng nhẽo” với Kim Cương. Sáng hôm đó, cứ nghĩ là Kim Cương đến thật, Bùi Giáng đã uống một tí rượu để giả bộ say đi đứng ngả nghiêng, nếu Kim Cương tới thăm thấy thế sẽ dìu đỡ ông cho... nó sướng. Chính vì Bùi Giáng giả say nên có lần say thật. Một lần nọ biết Kim Cương tới thăm, Bùi Giáng cũng uống tí rượu để giả bộ say, nhưng trong khi chờ đợi Kim Cương, ông uống mãi, uống đến lúc... say bí tỉ lăn ra ngủ khò thì Kim Cương đến. Bùi Giáng cứ tiếc mãi. Có nhiều cô gái yêu thơ, ái mộ nhà thơ và tìm tới nhà thăm hỏi Bùi Giáng thì đều bị ông đuổi đi, kèm theo lời tuyên bố: “Chỗ này chỉ để dành cho Kim Cương được tới mà thôi”.

Khi Bùi Giáng ở ngưỡng 60 tuổi, một lần ông tới nhà thăm Kim Cương, nhìn bà bằng cặp mắt nheo nheo. Thấy tội, Kim Cương dẫn ông đi mua cặp kính đeo cho nhìn thấy rõ. Độ tháng sau gặp lại, một bên tròng đã bị bể vì ông ra đường chọc ghẹo ai đó bị người ta đánh. Kim Cương lại thấy tội, bà nói sẽ mua cặp mắt kính khác cho ông thì Bùi Giáng lắc đầu nói mình nhìn đời bằng... một con mắt là đủ rồi. Và, bài thơ "Con mắt còn lại" của thi sĩ Bùi Giáng ra đời từ đó là dành cho Kim Cương.

Trong khoảng 10 cuốn sổ tay đầy ắp chữ nghĩa của Bùi Giáng để lại cõi trần gian cho Kim Cương có một bài thơ xúc động với lời lẽ tuyệt đẹp nhưng cũng rất mực thâm sâu: “Vô ngần tao ngộ đầu tiên/ Em bao giờ biết anh phiền ưu sao/ Yêu em từ những kiếp nào/ Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ”.

Tống Phước Bảo
.
.