NSND Hồng Lựu trăn trở với nghiệp dân ca

Thứ Tư, 10/01/2024, 16:14

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hồng Lựu, là một trong những tên tuổi được khán giả cả nước quan tâm, yêu mến. Chị là người có công mang thương hiệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vươn xa, không chỉ trong nước mà cả thế giới, đồng thời có nhiều nỗ lực, bảo tồn các làn điệu dân ca cổ, sáng tạo những làn điệu phù hợp thời hiện đại.

Trong suốt những năm theo nghề, trên sân khấu, dù vào vai chính hay phụ, đào thương hay đào lệch, công chúa, hoàng hậu, hay cô gái quê mùa… chị đều để lại những dấu ấn đặc biệt với giọng hát ấm áp, truyền cảm.

Trong cái nôi dân ca ví, giặm

Nói chuyện với Trịnh Thị Hồng Lựu, lúc nào cũng thấy ở chị toát lên nguồn năng lượng dồi dào. Đặc biệt, với dân ca ví giặm, chị luôn luôn cho thấy một khát khao, tiếp tục làm cho các làn điệu dân ca thấm vào cuộc sống. NSND Hồng Lựu chia sẻ: “Dân ca ví, giặm xuất phát từ sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, thể hiện chất trữ tình, nhân văn. Mỗi câu dân ca, làn điệu ví, giặm luôn là sự lắng đọng của một triết lý sống, chất chứa yêu thương… Người dân xứ Nghệ vừa đi cấy, dệt vải, trèo núi, chèo đò, kéo lưới, ru con… tùy vào hoàn cảnh sinh hoạt và cuộc sống mà có cách đặt tên các làn điệu khác nhau như: ví phường rèn, ví đò đưa, ví phường củi cỏ, giặm Đức Sơn, giặm kể, giặm ru, giặm khuyên… Bởi thế, trong cuộc sống hôm nay, nếu ví giặm càng thấm vào đời sống, càng có giá trị hơn”.

nsnd hồng lựu luôn cháy bỏng một tình yêu với dân ca.jpg -1
NSND Hồng Lựu luôn cháy bỏng một tình yêu với dân ca.

Hồng Lựu sinh năm 1967 tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) trong gia đình có truyền thống hát dân ca. Từng làn điệu dân ca của mẹ, của bà và những người phụ nữ ở quê như dòng nước thấm vào tâm hồn. Mạch nguồn dân ca chảy mãi, chảy mãi trong huyết quản, thôi thúc chị dành cả cuộc đời mình để sáng tạo, cống hiến, đưa dân ca xứ Nghệ vươn xa, lan tỏa. Mẹ của Hồng Lựu kể, từ nhỏ, con gái đã đam mê và tỏ rõ năng khiếu ca hát. Năm 1985, chị vào Nhà hát Dân ca Nghệ An (sau đó đổi thành Trung tâm bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Nghệ Tĩnh), được cử đi học tại Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Sau hai năm học tập, chất giọng của Hồng Lựu ngọt sắc hơn nhưng vẫn giữ được nét chân thành trong từng câu hát.

Năm 1987, chị bước lên sân khấu chuyên nghiệp với vai Thảo trong vở “Vua hóa hổ” của đạo tác giả Lưu Quang Vũ. Những năm tháng làm việc, được các anh chị đi trước truyền nghề, cộng với sự học hỏi không ngừng của bản thân, Hồng Lựu đã dần đứng vững, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, góp phần mang lại cho chị danh hiệu NSƯT năm 2001.

Những tưởng với Hồng Lựu, con đường sân khấu dân ca sẽ luôn êm thấm, thế nhưng chị đã gặp phải nhiều trắc trở trong cuộc sống. Có nhiều lúc tưởng không trụ vững, chị đã từng lựa chọn những ngã rẽ khác, nhưng rồi vì quá yêu nghề và cũng vì tiếng gọi của tình yêu với người bạn diễn, bạn đời sau này là NSND An Ninh, chị đã quay lại Nhà hát Dân ca Nghệ An trong sự hân hoan của những người yêu quý, ủng hộ. “Chính những làn điệu dân ca quê nhà như những bậc thang để tôi “níu” lấy, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống. Có những lúc sau buổi biểu diễn, hai vợ chồng phải nấu cháo đi bán, chụp ảnh dạo, hay bắn khuyên tai… để có tiền sống, duy trì niềm đam mê”, NSND Hồng Lựu tâm sự.

Có một niềm động viên lớn cho những cố gắng của chị, vào ngày 19/5/2012, Hồng Lựu vinh dự là một trong 74 nghệ sĩ cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND. Danh hiệu cao quý này đã đánh dấu một chặng đường phấn đấu vì nghệ thuật đưa câu ca xứ Nghệ bay xa hơn nữa. Nghệ sĩ trẻ Thanh Phong, ngưỡng mộ chị Hồng Lựu, cũng là người được lan tỏa ví, giặm, chia sẻ: “NSND Hồng Lựu có giọng hát mượt mà đằm thắm, khả năng diễn xuất tự nhiên, có hồn và giàu chất sáng tạo. Không chỉ là một diễn viên xuất sắc, Hồng Lựu còn là một đạo diễn tâm huyết và có tài, một người nghệ sĩ hết lòng với thế hệ đàn em, đã góp phần giữ lửa di sản dân ca xứ Nghệ”.

Khẳng định bản sắc

Còn nhớ, để có được hồ sơ Di sản Dân ca xứ Nghệ trình UNESSCO, Hồng Lựu cùng các đồng nghiệp trong cơ quan, cùng chồng dày công trong việc sưu tầm điền dã để làm nên kịch bản phim “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tiếng nói từ cộng đồng”. Khỏi phải nói hết những sự nhọc công tận tụy của Hồng Lựu trong hành trình này, nơi đâu có dấu tích của những trò diễn xướng dân ca cổ, nơi đó có dấu chân của Hồng Lựu. Đêm đêm, chị cùng anh, chị, em cơ quan miệt mài biểu diễn trên sân khấu. Ban ngày, chị tranh thủ về những miền quê, hỏi thăm địa chỉ những nghệ nhân cao tuổi để trò chuyện, tích lũy tư liệu. Chị còn cùng chồng cần mẫn đi về các làng quê để phục hồi diễn xướng phường nón; men theo miền sông Lam phục hồi ví phường chài; đi các huyện Yên Thành, Diễn Châu để phục hồi ví phường cấy… Năm 2014, nỗ lực của nhiều người, trong đó có đóng góp của Hồng Lựu đã được đền đáp khi UNESCO chính thức công nhận ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

So với dân ca Huế hay quan họ, thì ví, giặm không có được lời dài và khó khăn trong tiếp nhận hơn. Nhiều người có thể học và hát được quan họ, nhưng với ví, giặm thì chưa chắc. Cụ thể, ví, giặm gồm những câu đối đáp ngắn, với sự ứng tác súc tích của người đối diện nên không phải ai cũng có thể tham gia, nếu không phải là người Nghệ An, Hà Tĩnh, với phương ngữ đặc trưng. Nghệ sĩ Hồng Lựu cho hay: “Bản sắc riêng của ví, giặm là chất bác học, với lời hay, lời đẹp, nhưng khó “chơi”. Để tham gia cuộc chơi, giao lưu tốt, thì người chơi ví, giặm phải có sự thông minh, nhanh nhạy với khả năng ứng đối nhạy bén, có vốn liếng văn chương. Chỉ như thế thì cuộc giao lưu ví, giặm mới tạo được sức hút, gay cấn và bổ ích”.

Một điều nữa, ví, giặm là hai kiểu hát khác nhau, song đều có không gian diễn xướng gắn liền các hoạt động sản xuất trong các làng nghề truyền thống, hoặc những lúc chèo thuyền, thả lưới, kéo sợi, đi cấy, dệt vải… Nhưng thời hiện đại không còn hoặc rất hiếm cảnh lao động trong không gian đồng ruộng, sông nước, làng nghề... nữa. Máy móc đã thay phần nhiều công việc chân tay của người nông dân.

Hồng Lựu bày tỏ: “Vợ chồng tôi cũng khá ăn ý trong việc phục dựng một số làn điệu ví phường vải, ví phường cấy… Hình thức đưa dân ca ví, giặm lên sân khấu vừa làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị gốc được tái hiện trên sân khấu, đồng thời, vừa làm nhiệm vụ cải biên, phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc sống của thời hiện đại. Thật mừng là từ đó, những buổi biểu diễn đã trở thành các buổi sinh hoạt thường xuyên trong cộng đồng, lan tỏa đến nhiều huyện ở Nghệ An. Ở nhiều vùng quê, ví, giặm đã được trở về “không gian sinh tồn” của nó”.

nghệ sĩ nhân dân hồng lựu.jpg -0

Vào năm 2020, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca Nghệ Tĩnh, Đoàn ca múa dân tộc tỉnh. Chị Hồng Lựu được bổ nhiệm là quyền Giám đốc, sau đó là Giám đốc Trung tâm. Ở cương vị quản lý, với tình yêu và đam mê mãnh liệt dành cho dân ca, chị đã cùng các đồng nghiệp trong cơ quan “thắp lửa” ví, giặm. “Những năm gần đây chúng tôi đã tích cực xây dựng nhiều vở diễn hay có sức lay động tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt hướng đến đông đảo mọi đối tượng trong xã hội. Đồng thời luôn chú trọng về cách tiếp cận với khán giả từ trực tiếp đến gián tiếp. Nhiều vở diễn được biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn hàng chục lần mà vẫn được khán giả yêu cầu diễn lại”, Hồng Lựu bày tỏ.

Thật mừng là, từ 10 năm qua ngành giáo dục Nghệ An đã đưa dân ca vào trường học theo chương trình ngoại khóa và được học sinh rất nhiệt tình ủng hộ. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đưa dân ca trở thành môn học chính thức, đã dạy thử nghiệm tại một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh, tiến tới nhân rộng mô hình. Hằng năm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An phối hợp các câu lạc bộ dân ca tập huấn cho các giáo viên dạy môn âm nhạc của các trường, để từ đó dạy lại cho học sinh. Vui nữa là hai năm một lần, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức Liên hoan hát dân ca trong các trường phổ thông toàn tỉnh. Điều này đã tạo thành phong trào hát dân ca rộng khắp, góp phần không nhỏ trong bảo tồn và phát huy giá trị dân ca xứ Nghệ. 

Hơn 30 năm đứng trên sân khấu với hơn 60 vai diễn, 8 lần tham gia Liên hoan, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Hồng Lựu đã gặt hái được 8 Huy chương Vàng và 3 giải nghệ sĩ xuất sắc, đồng thời đóng góp công sức để đơn vị đạt được nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Hồng Lựu có những vai diễn “đóng đinh” trong lòng khán giả như vai diễn bà Hoàng Thị Loan trong vở “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”; vai đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trong vở “Sáng mãi niềm tin”; vai Nghệ trong vở “Cô gái Sông Lam”; vai Nụ trong “Giá đời phải trả”…

Mỹ Trân
.
.