NSND Dương Minh Đức - Giọng hát không có tuổi
Có lần tôi đã nói vui: “Em có cảm tưởng như giọng hát của bác là giọng hát không có tuổi ấy. Nghe vẫn thấy trẻ trung, sôi nổi và đặc biệt là nhiệt thành”. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Dương Minh Đức năm nay đã 75 tuổi, nghe tôi nói vậy thì chỉ cười, ông cười rất sảng khoái. Ông bảo: “Thì mình là con trâu mà”.
Tôi có may mắn được ở cùng khu tập thể với ông, khu tập thể số 8 phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Nhà tôi chỉ cách nhà ông chừng năm bảy mét nên hầu như ngày nào tôi cũng được nghe giọng hát của ông. Hôm thì mới đầu buổi sáng đã nghe giọng hát của ông. Hôm thì tôi vừa ngủ trưa dậy đã nghe vọng tới giọng hát trầm vang của ông. Đó là những buổi ông luyện hát cùng học trò. Thường ông chỉ hát mẫu một câu hay một đoạn hoặc hát sửa sai cho học trò. Mà học trò của ông gần như ngày nào cũng có. Đấy là chưa kể thỉnh thoảng lại thấy ông đi hát. Ông hát ở bất cứ đâu mỗi khi có yêu cầu. Mà đã hát thì hát nhiệt tình, hát sôi nổi, hát hết mình. Bấy giờ tôi mới hiểu câu nói: “Thì mình là trâu mà” của ông bữa nào. Hiểu ra vì ông tuổi Kỷ Sửu (1949) cầm tinh con trâu nên thảo nào ông cứ cần mẫn hát và cần mẫn dạy hát.
Tôi lại nói vui: “Sao bác không nghỉ ngơi đi thể dục hoặc đi chơi đâu đó cho vui khỏe. Dạy hát mệt lắm, nhất là luyện cho học trò đi thi hát gì gì đó”. NSND Dương Minh Đức trả lời sau tiếng cười vang: “Nó là cái nghiệp mất rồi”. Đó là hôm tôi có hẹn gặp ông nhưng tôi phải ngồi đợi ngoài phòng khách lâu lâu. Tôi không muốn làm phiền cả thầy lẫn trò đang luyện hát.
NSND Dương Minh Đức sau hồi luyện giọng cùng học trò xong thì bước ra phòng khách, ông xin lỗi vì để tôi đợi lâu. Tôi cười vui “Được nghe bác dạy hát cũng mãn nhĩ lắm ạ”. NSND Dương Minh Đức nói: “Các em, các cháu còn tín nhiệm là vui rồi”. Nói xong ông mời tôi uống nước, nâng chén trà Thái nóng hôi hổi, thơm nưng nức lên chiêu một ngụm xong thì tôi “vào cuộc”, tôi hỏi: “Bác bắt đầu nghiệp làm thầy như thế nào?”. NSƯT Dương Minh Đức cười: “Thì trước khi làm thầy tôi cũng làm trò đã chứ”.
NSND Dương Minh Đức trước khi nghỉ hưu là Đại tá, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Ông bước vào nghiệp làm “thầy dạy hát” cũng như một sự tình cờ, hay nói cách khác là như một duyên nghiệp. Vào trường năm 1976, chàng sinh viên Dương Minh Đức được “đặc cách” học thẳng Đại học thanh nhạc chứ không qua Trung cấp chỉ là bởi “hát rất hay” và cũng bởi năm 1972, anh cựu sinh viên Đại học Kỹ thuật quân sự đã đoạt Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân lần thứ nhất.
Năm 1980, sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp Đại học thanh nhạc loại xuất sắc, Dương Minh Đức khoác ba lô về luôn Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội). Ông làm giảng viên từ dạo đó cho tới khi nghỉ hưu. Hai mươi tám năm tận tụy làm thầy trực tiếp tại trường và tính đến nay là thêm mười sáu năm sau khi nghỉ hưu, NSND Dương Minh Đức đã có “vốn” 44 năm đứng trên bục giảng.
Nhớ cách đây chừng gần 20 năm khi tôi chuyển về khu tập thể số 8 làm hàng xóm của ông, có lần tôi thật thà hỏi: “Sao em thấy bác toàn đi xe ôtô lướt. Những xe ấy hay hỏng hóc vặt, sửa chữa khó khăn lắm”. NSND Dương Minh Đức nói hơi to: “Mình là người có nghề mà. Sợ gì!”. Thì ra hồi học Đại học Kỹ thuật quân sự ông theo học khoa chế tạo máy ngành xe quân sự. Một khoa chẳng liên quan gì đến văn hóa văn nghệ gì chứ nói gì đến ca với hát. Nghe tôi phân vân hỏi vậy NSND Dương Minh Đức cười, lần này ông tủm tỉm: “Mình là con nhà nòi mà”.
NSND Dương Minh Đức vốn quê gốc ở Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ông nội của ông là công chức ngành hỏa xa, ông cụ được điều vào làm Trưởng ga Sài Gòn và thế là cả gia đình “gồng gánh” vô Nam sinh sống. Người cha của NSND Dương Minh Đức là cụ Dương Minh Đẩu lớn lên trên đất Sài Gòn.
Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, tháng 9/1945 anh thanh niên Dương Minh Đẩu gia nhập đoàn quân rút lên rừng để kháng chiến. Ông sôi nổi, nhiệt huyết và trưởng thành trong quân ngũ, làm Chính trị viên Trung đoàn 82 Nam Trung Bộ. Và lời ca hùng tráng của bài hát “Trung đoàn 82 quân hành khúc” do chính ông sáng tác không những được cán bộ chiến sĩ yêu thích mà lời ca ấy còn “đi vào lòng” cô nữ sinh Sài Gòn quê ở huyện Thủ Đức, tên là Bùi Kim Dung, khi ấy cô đang là y tá trong đơn vị. Và ở nơi có những cánh rừng đại ngàn miền núi Bình Thuận ấy họ đã nên đôi lứa.
Cậu bé Dương Minh Đức được sinh ra ở Sài Gòn năm 1949, chả là trước khi sinh mẹ cậu cải trang là thường dân bí mật về thành sinh con. Sinh xong người mẹ trẻ gửi con ở lại cho ba mẹ chồng chăm nuôi còn mình trở lại chiến khu cùng đồng đội. Hai cụ thân sinh ra NSND Dương Minh Đức từng có thời gian công tác ở Đoàn văn công liên khu 5. Cha ông trước khi nghỉ hưu là Giám đốc Xưởng phim Quân đội (nay là Điện ảnh Quân đội).
Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ba mẹ của ông xuống tàu tập kết ra Bắc. Một năm sau, năm 1955, lúc cậu bé Dương Minh Đức vừa tròn 6 tuổi thì được ông bà nội nhờ một thương gia đưa ra Bắc theo đường qua Campuchia. Rồi từ Phnom Penh đi máy bay ra Hà Nội. Tiếng là được đón ra Hà Nội nhưng Dương Minh Đức không được sống cùng ba mẹ. Ông được gửi vào Trại Nhi đồng miền Nam. Sau đó thì học Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Trường tạm trú bên Trung Quốc).
Tôi cười nói vui: “Vậy là bác tuy sống xa ba mẹ nhưng bù lại được học hành tử tế trong môi trường giáo dục tuy nghiêm khắc nhưng đầy đủ”. NSND Dương Minh Đức cười rất to rất vang, đúng như chất giọng tenor trữ tình, khỏe khoắn của mình. Tôi cũng thấy vui lây, nhất là ngắm nhìn ông thư thái ngồi tiếp chuyện. Nhìn bề ngoài, NSND Dương Minh Đức như trẻ hơn nhiều với tuổi hiện tại. Tôi nói vui: “Tròn 75 tuổi bác mới được phong danh hiệu NSND. Có muộn quá chăng?”. NSND Dương Minh Đức chỉ cười, lát sau mới nói: “Quan trọng là mình vẫn còn đi hát và còn được dạy hát”.
Tôi biết, ông là người lạc quan với tâm hồn rộng mở, nhìn đời nhìn người trên lăng kính trẻ trung, lãng mạn. Dù đời người có trải qua vui buồn, sóng gió nhưng đến một lúc nào đó, dòng đời cuồn cuộn kia bỗng lắng lại và cho ông những phút tĩnh lặng thật đẹp làm nên cảm xúc thăng hoa của người nghệ sĩ.
Anh em ngồi chơi nói chuyện vui vẻ nên tôi đề nghị “Hay là hôm nay bác nói chuyện “chuyên đề” làm thầy của mình đi. Em cũng rất muốn biết làm thầy dạy hát khác làm thầy dạy chữ hay dạy nghề ở điểm nào”. Dường như “gãi” đúng chỗ nên NSND Dương Minh Đức chia sẻ: “Dạy hát cho sinh viên tức là đào tạo một người để trở thành ca sĩ nên trong quá trình dạy người thầy phải thị phạm cho học sinh làm theo. Ví dụ như phải chỉ ra hát thế nào là hát sâu, hát thế nào là hát giọng ngực…”.
NSND Dương Minh Đức kể, cái khó của “dạy hát” là ở chỗ do đặc thù của việc đào tạo nên trong suốt quá trình dạy và học chỉ là một thầy với một trò. Khâu này bắt đầu từ ngay khi học trò vào trường cho đến tận khi học trò ấy tốt nghiệp ra trường. Nhưng cái hay ở đây là thầy với trò lại rất gắn bó, rất thấu hiểu nhau về mọi mặt, từ chuyện học hành cho đến chuyện tâm sự riêng tư cũng như những vấn đề nảy sinh trong quá trình đào tạo. Ông cho biết: “Thầy không chỉ dạy chuyên môn mà quan trọng nhất là còn dạy “văn hóa của người nghệ sĩ” nữa”.
Nắng hè lên chói chang, căn phòng nhỏ với “trang thiết bị” đáng giá nhất là cây đàn piano, cây đàn mà hàng ngày NSND Dương Minh Đức thường ngồi đệm đàn cho học trò. Hôm nay ông phá lệ, dường như để chiều tôi thì phải? Ông ngồi trước cây đàn, dạo một khúc nhạc dạo rồi cất tiếng hát. Tiếng hát của ông vẫn thế, vang to và khỏe khoắn. Tôi thầm nhủ: Đúng là một giọng hát không có tuổi.