NSND Đoàn Thanh Bình: "Đường trường duyên phận"
Nhắc đến NSND Đoàn Thanh Bình, khán giả nhớ đến một giọng hát chuẩn chỉnh, tròn vành rõ chữ và những vai diễn vào hàng mẫu mực. Bà cũng có nhiều năm tháng gắn bó với công việc giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh, truyền dạy cho học trò những ngón nghề căn cốt của chèo và tình yêu sâu đậm với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Ngay cả khi đã nghỉ hưu, bà vẫn cùng với người bạn đời của mình là NSƯT Vũ Ngọc luôn song hành bên nhau, cùng nuôi dưỡng ngọn lửa bền bỉ với nghề...
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, NSND Đoàn Thanh Bình sớm đắm mình trong những tiếng hát lời ca. Bà là cháu nội của cụ Cả Tam - một nghệ nhân chèo nổi tiếng bậc nhất chốn Hà Thành những năm đầu thế kỷ XX và có bố mẹ là nghệ sĩ cải lương. Lại nói về cụ Cả Tam, thời gian sau Cách mạng Tháng Tám, cụ theo dòng người đi tản cư lên chiến khu Việt Bắc rồi tham gia Đoàn Chèo Trung ương (nay là Nhà hát chèo Việt Nam) và là người có công lớn trong việc lưu giữ, khôi phục nghệ thuật chèo cùng với các nghệ nhân tài năng như Trùm Thịnh, Dịu Hương, Năm Ngũ…
Cụ Cả Tam với tên thật là Trịnh Thị Lan cũng là một trong những nghệ nhân chèo đầu tiên được truy tặng danh hiệu NSND ngay từ đợt phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ lần đầu tiên (năm 1984). Được bà nội dạy cho một số làn điệu chèo từ năm lên 10 tuổi như “Đường trường duyên phận”, “Vãn cầm”… và được bà khen chất giọng “màu”, vang, trường canh tốt. Lúc ấy, chính cô bé Thanh Bình cũng không biết rằng, bà nội mong muốn có một đứa cháu sẽ theo nghề của mình và sau này đã “gửi gắm” NSND Trần Bảng dìu dắt cô bé Thanh Bình vào làng chèo.
NSND Đoàn Thanh Bình kể rằng, khi đó bố mẹ bà là nghệ sĩ cải lương, công tác tại Đoàn Cải lương Bắc Thái. Tiếp xúc sớm với cải lương nên lúc đó cô bé vốn thích cải lương hơn chèo và cũng từng gia nhập đoàn cải lương Bắc Thái cùng với bố mẹ. Nhưng đến khi bà nội mất (năm 1971), GS. NSND Trần Bảng cùng một số nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam lên viếng, rồi động viên cho cô bé Thanh Bình đi theo nghiệp chèo như bà nội vẫn trăn trở, gửi gắm. Và có lẽ, đó cũng là cái “duyên phận” với chèo như trong làn điệu “Đường trường duyên phận” mà bà nội từng dạy cho người cháu gái mà bà nhiều kỳ vọng, Thanh Bình đã từ cải lương rẽ lối sang với chèo và gắn bó sâu nặng với nghiệp chèo từ đó.
Về Nhà hát chèo Việt Nam, Thanh Bình được gửi sang học Trường Trung cấp Sân khấu & Điện ảnh (nay là Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh) và được học nghề với những bậc thầy của làng chèo khi đó là cô Trần Thị Xuân, cô Dịu Hương, cụ Lê Hiền, Năm Ngũ, Thúy Lan…
NSND Đoàn Thanh Bình chia sẻ rằng: “Đó là may mắn lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi vì đã được học từ những thầy cô mẫu mực, chuẩn chỉnh với những “khuôn vàng thước ngọc” của chèo như cô Trần Thị Xuân là vợ của NSND Trần Bảng đã dạy cho bà vai mẫu thị Kính, cô Dịu Hương đã dạy cho bà vai mẫu thị Màu… Những câu hát được các thầy cô “chuốt” cho từng câu từng chữ; những điệu múa cũng được các cô huấn luyện làm đi làm lại từ cách bước đi đến cái phẩy quạt, đến ánh mắt… bao giờ nhuần nhuyễn mới thôi. Các thầy cô cũng kể nhiều câu chuyện về người bà nội đáng kính của tôi với những vai diễn để đời, sắc sảo mà tinh tế như Thị Phương, Châu Long, đào Huế, Thị Màu, Điềm Thị… đã cho tôi nhiều bài học sinh động và đáng nhớ!”.
Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, thêm học hành chăm chỉ lại thêm mong muốn được là người kế truyền của bà nội, nghệ sĩ Thanh Bình đã dần tỏa sáng trên sân khấu của Nhà hát Chèo Việt Nam và trong các kỳ hội diễn chuyên nghiệp của ngành chèo như: Huy chương Vàng vai chị Chúc trong vở “Sông Trà Khúc” (1985), Huy chương Vàng vai Lã Thị trong vở “Từ Thức” (1990), Huy chương Vàng giọng hát hay nhất hội diễn Chèo năm 1992…
Trở thành NSƯT với nghệ sĩ Thanh Bình không chỉ là dấu mốc cá nhân trong sự nghiệp, mà còn khiến bà cảm thấy phần nào bù đắp mong mỏi của bà nội - người đã dành cả cuộc đời tận hiến cho chiếu chèo. Sau 20 năm gắn bó với sân khấu biểu diễn, nghệ sĩ Thanh Bình đã chuyển sang làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh cho đến khi nghỉ hưu. Ý thức được tầm quan trọng của công việc giảng dạy khi chuyển từ công việc của một diễn viên sang công việc của người thầy, bà không ỷ vào những gì sẵn có mà đã dành rất nhiều thời gian để nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn.
NSND Đoàn Thanh Bình tâm sự: “Tôi đã lựa chọn cách là nghe đi nghe lại đến hàng ngàn lần các băng đĩa của NSND Minh Lý để học bằng được các kỹ thuật, cách “nhả chữ”, bẻ chữ sao cho rõ nét tròn vành mà vẫn phải đảm bảo giai điệu chèo gốc thật chuẩn chỉnh. Tôi nghe băng đĩa bất cứ khi nào, lúc nấu cơm, rửa bát, làm việc nhà hay trên đường đi công tác. Những giai điệu tự sự đằm sâu của chèo, nghe nhiều đã ngấm đến thành dòng tâm tưởng đằm sâu trong lòng mà không bao giờ thấy chán. Lúc nào tôi cũng vẫn muốn học thêm, mở mang thêm kiến thức để làm nền tảng và truyền thụ cho học trò của mình một cách tốt nhất!”.
Tham gia giảng dạy 4 khóa tại Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh, bà đã đào tạo, nâng đỡ, chắp cánh cho nhiều nghệ sĩ thành danh, trong đó có thể kể đến những tên tuổi như: NSND Tự Long, nghệ sĩ Thanh Tuyết (Nhà hát Chèo Quân đội), NSƯT Bá, NSƯT Ngọc Bích (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Hồng Tươi (Nhà hát Chèo Hải Dương). Tuy nhiên, gặp bà sau khi Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 ở Hà Nam vừa kết thúc, cũng thấy bà có nhiều tâm tư, trăn trở.
Bà cũng thừa nhận rằng: “Cái thời của chúng tôi nó khác, rất khó khăn thiếu thốn nhưng xung quanh mình mọi người đều thế cả nên phải tìm cách khắc phục, vượt qua. Còn bây giờ các em các cháu nhu cầu cuộc sống cũng cao hơn, nên nhiều em có tài năng thực sự nhưng với các em, tài năng ấy phải biến thành tiền bạc để phục vụ nhu cầu chính đáng của cuộc sống. Chính vì thế không thể đòi hỏi các em ấy phải đam mê và tận hiến trong khi thu nhập từ nghề lại không đáp ứng được là điều rất khó. Bởi vậy, nhiều khi nhìn các em có tài năng mà vì lý do cuộc sống không thể toàn tâm toàn ý với nghề, phải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, tôi cũng cảm thấy rất tiếc mà không làm gì được…”.
Khi đã ở tuổi ngoài 50, NSND Thanh Bình lại “bén duyên” với nghệ thuật ca trù. Bà và người bạn đời của mình theo học nghệ thuật ca trù từ NSND Phó Thị Kim Đức trong suốt 6 năm ròng rã. NSND Phó Thị Kim Đức cũng là một người thầy nổi tiếng là kỹ lưỡng và khó tính, nên được nhận làm học trò đã chính là một cơ duyên quý. Bà đã vô cùng trân trọng cơ hội ấy và một lần nữa trở thành học trò, trong nhà lại suốt ngày vang lên tiếng gõ phách. Nếu như trong chèo cách nhả chữ “bay”, thì với nghệ thuật ca trù, cách nhả chữ lại phải đằm sâu với kỹ thuật cao, điêu luyện, tinh tế.
Kiên trì học hỏi, vượt khó, giọng ca trù của NSND Thanh Bình với CD “Ca trù đàn hát khuôn” và đêm nghệ thuật ca trù đàn hát khuôn tại Trung tâm Văn hóa Pháp đã gây ấn tượng đặc biệt, được công chúng quan tâm, chú ý. Bà cũng đã nhiều lần biểu diễn trong các show nghệ thuật múa đương đại của nghệ sĩ Easola Thủy trong các vở “Hạn hán và cơn mưa” (phần 2), “Thế đấy! Thế đấy”. Trong những năm từ 1998 đến 2002, bà nhiều lần được đi nước ngoài biểu diễn. Chứng kiến sự yêu quý, trân trọng của khán giả nước ngoài đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống của nước nhà, bà cảm thấy rất tự hào, có thêm động lực và yêu nghề hơn.
Đúng là “Đường trường duyên phận”, đến và ở lại với nghệ thuật chèo suốt 50 năm qua, dường như lúc nào NSND Đoàn Thanh Bình cũng ăn ngủ cùng chèo. Sau khi nghỉ hưu, bà cùng người bạn đời là NSƯT Vũ Ngọc - người bạn nghề, người thầy của mình vẫn luôn rong ruổi cùng nhau đi dạy hát chèo khắp các tỉnh miền Bắc như Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…
Đi dạy hát cho các đoàn khi dựng vở mới đồng thời NSND Đoàn Thanh Bình còn luôn mong muốn truyền và thắp lên trong lòng các học trò ngọn lửa yêu nghề mà vợ chồng bà đã nâng niu gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Ngoài tham gia dạy hát cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, bà còn tham gia các dự án dạy hát chèo được xã hội hóa như “Dự án Chèo 48h”, “Tôi chèo về quê hương” và các lớp học dạy hát chèo online cho những khán giả yêu thích chèo trong và ngoài nước.