NSND Doãn Hoàng Giang: Gã lãng tử cô đơn
“Cái cây càng lên cao, cái cây càng cô đơn” - NSND Doãn Hoàng Giang đã nói như vậy với chúng tôi từ hàng chục năm trước. Mặc dù ở trước biển người mênh mông, mặc dù được trong giới nghệ thuật tung hô, săn đón, hâm mộ, NSND Doãn Hoàng Giang vẫn luôn “trung thành” với sự cô đơn của chính mình.
Với vẻ ngoài bụi bặm và hầm hố kia có thể đánh lừa ai đó, thực chất ông vẫn tự nhận mình là kẻ ngu ngơ và dễ bị lừa nhất. Có lần, chúng tôi thấy ông trầm mặc, sầu buồn như xảy ra một sự cố nghiêm trọng nào đó. Gặng hỏi, ông lặng lẽ bảo: “Anh chỉ giỏi trên sân khấu thôi còn ngoài đời anh khờ khạo lắm. Mà cuộc đời là một sân khấu lớn, anh lại là diễn viên tồi”.
Gần 20 năm về trước, tôi biết đến ông khi làm ở Tạp chí Sân khấu, khi đó ông trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông có căn phòng nhỏ trên tầng 4, hằng ngày ông đến để đọc duyệt kịch bản. Lúc này ông vẫn đang ở ngôi nhà nhỏ như chuồng chim câu ở phố Huế. Ông thường đến trụ sở bằng chiếc cup 82 màu xanh Cửu Long.
Chỉ có một điều đặc biệt là từ năm 1977, sau khi chia tay vợ là diễn viên Nguyệt Ánh, mấy chục năm sau này ông chưa từng chở ai trên xe máy đấy cả. Chẳng nhẽ người đàn ông mạnh mẽ trong ông đã không còn biết rung động trước cái đẹp, đã không thể thổn thức trước một bóng hồng nào nữa?!
Thực ra không hẳn thế, ông đã tổn thương quá lớn, nên ông tuyên bố với những người đàn bà đẹp đi qua cuộc đời ông sau này: “Em yêu thì cứ yêu nhưng anh sẽ không bao giờ cưới, và cũng không ai được ngồi sau xe anh cả”. Sự bất cần của ông là vậy nhưng vẫn không biết bao nhiêu “con thiêu thân” lao vào ông bởi vì xưa nay vẫn là “Gái ham tài, trai ham sắc”.
Có lần ông kể chuyện về dựng vở chèo cho một đoàn nghệ thuật ở tỉnh, có cô bé diễn viên xinh như mộng 16 tuổi mê ông quá, cứ nằng nặc muốn làm vợ ông, hoặc chí ít được ông yêu. Lúc đấy ông đã gần 60 tuổi và đang thị phạm vở cho đoàn thì có một người đàn bà hùng hổ xông tới. Nhưng sau khi người đàn bà kia nhìn thấy ông đang làm việc liền khựng lại và hạ giọng rồi như van xin: “Xin anh buông tha con bé nhà em, cháu nó năm nay mới 16 tuổi…”. Ông mỉm cười đáp: “Thì anh có làm gì cô bé đấy đâu”. Người mẹ đau khổ nói: “Nhưng nó mê anh, nó bỏ ăn bỏ uống, chỉ muốn theo anh về phố…”.
Những trường hợp say tình với ông như thế nhiều lắm. Nhưng cũng thật lạ, dù có mê đắm điên cuồng ông đến như thế nào, kết cục những mối tình đó chẳng đi đến đâu. Nhưng có một điều chưa người phụ nữ nào giận dỗi, căm hận ông. Họ vẫn giữ ông trong trái tim như một kỉ niệm đẹp, phiêu lãng.
NSND Doãn Hoàng Giang là một tượng đài khó thay thế trong sân khấu, từng có thời kì tung hoành dọc ngang trên khắp các nẻo đường của đất nước. Suốt cả thời kì sân khấu còn là thánh đường, những vở diễn của ông như “Hà Mi của tôi”, “Nhân danh công lý”, “Nàng Si Ta”…làm mê đắm khán giả. Tên tuổi của ông nổi như cồn, bừng sáng cả sàn diễn. Đoàn nghệ thuật nào mời được ông thì hẳn phải là may mắn lắm vì vé hôm đấy sẽ bán chạy như tôm tươi và không còn lại một chỗ trống. Chính vì thế nên ông luôn có quyền kiêu, ông tuyên bố: “Cátsê của anh phải gấp đôi đạo diễn khác”, và đương nhiên yêu cầu của ông luôn được các đoàn nghệ thuật chấp thuận một cách tuyệt đối.
Là một người có vẻ ngoài bụi phủi nhưng cách hành xử của ông lại vô cùng lịch lãm. Hơn 20 năm biết ông chúng tôi chưa bao giờ thấy ông nổi nóng hay có lời lẽ khiếm nhã về ai. Cách cư xử của ông với người trên, kẻ dưới hài hoà và ga lăng. Cứ mỗi kì lấy lương hàng tháng ở Hội Sân khấu, ông đều chia cho cánh lái xe, cô thủ quỹ hoặc bác lao công. Ông vui vẻ cho tiền, và hạnh phúc với việc mang lại niềm vui người khác. Chúng tôi trêu ông: “NSND Doãn Hoàng Giang ngoài dại gái thì còn dại cả trai nữa”. Ông cười hiền lành như một người anh phúc hậu. Mỗi lần đi ăn uống ở đâu, bàn bao nhiêu người, ông luôn hành xử như một người anh cả bằng cách trả một số tiền không hề nhỏ bởi vì chỗ ăn thường là những nhà hàng sang trọng.
Ông có một căn bệnh chung của người nghệ sĩ đó là sợ già, nên ông ăn mặc như những người trẻ. Con người ông toát lên phong thái trẻ trung thật tự nhiên. Mặc dù giữa ông và cánh nhà báo chúng tôi cách nhau hàng chục tuổi, hay đáng tuổi ông, tuổi bố nhưng tôi hầu như không thấy một người giới tính nữ nào gọi ông bằng chú, bằng bác. Tất cả đều gọi ông bằng một từ rất thân thương: “Anh Giang”.
Anh Giang của chúng tôi năm nay đã bước sang tuổi 86, sức khoẻ yếu đi rất nhiều, từ vài ba năm trước đã không còn tự mình điều khiển xe máy mà dùng phương tiện tắcxi để di chuyển. Ông hút thuốc lá nhiều nên có những đợt ho kéo dài triền miên, đến nỗi bác sĩ bảo: “Anh muốn kéo dài tuổi thọ thì phải bỏ ngay thuốc lá”. Bỏ thì ông chưa bỏ được nhưng ông cũng hút ít đi vì nếu ngộ nhỡ chẳng may đổ bệnh lại khổ con, khổ cháu.
Vài ba năm nay, do tuổi cao sức yếu ông không còn dựng vở cho đoàn nghệ thuật nào nữa. Ông lui về ở ẩn trong ngôi nhà của mình nhìn ra sông Hồng lộng gió ở Nghi Tàm. Bốn năm qua ông không bước chân đến sàn diễn sân khấu, không còn thị phạm diễn viên, không tiếp cận với kịch bản, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang chỉ quanh quẩn hằng ngày trong căn phòng của mình trên tầng 2.
Thi thoảng mọi người nhớ ông, đến thăm ông, chụp chung cùng ông những tấm ảnh kỉ niệm. Trong căn phòng đó có nhiều bức tượng Phật. Đó là những bức tượng mà ông đã nhặt về theo đúng nghĩa đen. Thời xưa, có một dạo người ta thấy tượng Phật bị trôi nổi ở bến sông, bến nước nên ông đã đem về nhà. Những bức tượng Phật hiện hữu trong không gian sống của ông đã hàng nhiều thập kỉ, đã chứng kiến biết bao câu chuyện buồn - vui trong cuộc đời nghệ thuật của ông.
Xuất phát điểm ông không may mắn như người khác, lí lịch không “được đẹp” khi gia đình ông ở vùng Phát Diệm, Ninh Bình, một vài người trong họ tộc vào Nam sinh sống trong thời kì chiến tranh. Sau này ông học lớp diễn viên nhưng lại có tố chất của một đạo diễn. Người thầy của ông nói: “với lí lịch này con khó có cơ hội để trở thành đạo diễn tài năng, thôi con cứ yên vị học diễn viên”.
Mặc dù lúc đấy lứa đạo diễn như Phạm Thị Thành, Tú Mai, Lê Hùng, Xuân Huyền được cử đi học đạo diễn ở nước XHCN Liên Xô cũ với một tương lai rực rỡ, thì Doãn Hoàng Giang sau khi học xong Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh trong nước, ra trường đã có thời kì ông phải đi đẩy xe bò ở đường Thanh Niên. Thế nhưng buồn tủi, khát khao và mong ước được làm nghệ thuật vẫn không ngừng cuồn cuộn chảy. Và như một điều thần kì phép màu của số phận, ông đã trở thành đạo diễn nổi tiếng.
Những người thầy ưu tú như NSND Dương Ngọc Đức và NSND Đình Quang đã ra đi. Người bạn một thời trong cùng trụ sở làm việc như NSND Trọng Khôi, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đã khuất núi. Những người bạn thuở mới vào nghề như NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng cũng bay đi hoà vào trời xanh mây trắng. Cả những đàn em một thời gắn bó như NSƯT Anh Dũng (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSND Hoàng Dũng (Nhà hát Kkịch Hà Nội) cũng trở về cát bụi.
Ở tầng trên, cậu con trai của ông, hoạ sĩ Doãn Hoàng Lâm cùng vợ và con gái sinh sống. Ở tầng dưới NSND Doãn Hoàng Giang giờ quanh quẩn trong căn phòng nhìn ra ô cửa sổ với những hoài niệm theo năm tháng không phai. Người gần và hay nói chuyện với ông nhất lại là bà giúp việc. Một điều ước tha thiết của “anh Giang” của chúng tôi chưa thực hiện được đó là ông mong ước được làm việc đến hơi thở cuối cùng, được gục ngã rồi chết trên sàn tập.