Nơi lưu giữ "kho báu" sử liệu

Chủ Nhật, 20/04/2025, 21:58

Việc quản lý kho hồ sơ, tài liệu đồ sộ của các cơ quan thuộc chế độ cũ trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác lưu trữ quốc gia. Đây là nguồn sử liệu rất có giá trị, phản ánh quá trình hình thành lịch sử dân tộc và quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước...

Những phông tài liệu lưu trữ chứa đựng nguồn thông tin quá khứ quý giá

Không nhiều người biết đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, nơi lưu trữ các tài liệu, hồ sơ, hình ảnh… hết sức phong phú, phản ánh đời sống xã hội Việt Nam trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán và đời sống nhân dân qua nhiều thế kỷ… Đây thật sự là một kho báu!

1 (3).jpg -0
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại số 2Ter Lê Duẩn.

Trung tâm hiện nằm ở hai địa điểm trên đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1. Tại số 17A là khối văn phòng, phòng tiếp bạn đọc. Còn bên kia đường, tại số 2Ter là phòng thu thập, chỉnh lý, khu bảo quản tài liệu và một không gian là tòa nhà phía trước được xây dựng mới, hiện đại dành cho trưng bày, triển lãm (khánh thành vào tháng 4/2025). Đây là nơi tổ chức các sự kiện của Trung tâm nhằm giúp quảng bá, phát huy giá trị tài liệu hiện có tại đơn vị…

Ông Vũ Văn Tâm, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, cho biết hiện nay đơn vị đang quản lý hơn 14.000m giá tài liệu lưu trữ, qua gần 50 năm hình thành, với sự cần mẫn, lao động thầm lặng, tập thể cán bộ Trung tâm đã từng bước xử lý khoa học - kỹ thuật, để từ những “núi tài liệu” thu gom từ nhiều nơi trong các tỉnh, thành phía Nam của Tổ quốc từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) hình thành nên các hồ sơ, các phông tài liệu, để đưa ra khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu đất nước, công chúng và xã hội.

Đa phần tài liệu đầy đủ từ thời phong kiến (nhà Nguyễn) đến gần 100 năm Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa (VNCH) phản ánh toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của khu vực Nam Bộ. Tại đây có một bộ tài liệu vô giá từ thế kỷ XIX là toàn bộ Địa bạ Nam kỳ của nhà Nguyễn viết bằng chữ Hán - Nôm. Hay hồ sơ, giấy tờ của các cơ quan chính quyền từ cấp trung ương đến tỉnh, thành, từ thời Pháp thuộc (Thống đốc Nam Kỳ) đến VNCH (Phủ Tổng thống và các bộ, cơ quan hành chính…).

Tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1858-1945) đang được lưu giữ tại Trung tâm tuy không trọn vẹn nhưng cực kỳ có giá trị về mặt lịch sử. Đó là những tài liệu của thời kỳ Pháp đô hộ miền Nam, bên cạnh những tài liệu in ấn còn có nhiều tài liệu viết tay, chữ vẫn rõ ràng. Bên cạnh còn có nhiều tài liệu liên quan đến dải đất Đông Dương và các cường quốc Pháp, Mỹ, các cuộc chiến tranh và bang giao. Đặc biệt, về lịch sử của Sài Gòn, Trung tâm có nhiều bản đồ gốc về quy hoạch thành phố, bản vẽ thiết kế và hình ảnh dinh thự, cảng, công trình công cộng từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX...

Đơn cử như cuốn “La Naissance et les premières années de Saigon ville Francaise” - “Sự hình thành và những năm đầu của Sài Gòn đô thị kiểu Pháp” của Jean Bouchot, giúp bạn đọc khắc họa được hình hài buổi ban đầu của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh hôm nay, đặc biệt là khu trung tâm.

Trong số các tài liệu của “Phông phủ Thống đốc Nam kỳ”, có những tài liệu với nội dung khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từng do chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam quản lý hành chính. Điều này có nghĩa bấy giờ chúng thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam… Tất cả bản đồ quy hoạch thành phố hay những công trình biểu tượng như Nhà thờ Đức Bà, UBND thành phố, Bưu điện thành phố... đều được lưu giữ hồ sơ gốc có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu sâu về quá trình xâm lược và quản lý Việt Nam của thực dân Pháp.

Theo đánh giá của Trung tâm, Phông phủ Thống đốc Nam kỳ là kho có nhiều tài liệu và quan trọng nhất trong số phông - kho còn lưu lại được từ thời Pháp thuộc.

Qua 20 năm (1955-1975) tồn tại, hoạt động của bộ máy chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tạo ra khối lượng lớn (với gần 10.000 mét giá tài liệu) tài liệu của các cơ quan trung ương VNCH và các cơ quan của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam. Nội dung tài liệu phản ánh đầy đủ quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Hoa Kỳ; chính sách kìm kẹp, đàn áp phong trào cách mạng và nhân dân miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn; cùng nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội của miền Nam Việt Nam trong hơn 20 năm dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.

Sau ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), khối tài liệu trên được Trung tâm thu thập, đưa vào bảo quản trong kho lưu trữ quốc gia và tiến hành phân loại, chỉnh lý hình thành hơn 70 phông tài liệu lưu trữ trong phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), phần lớn tài liệu là bản gốc, bản chính, có nhiều tài liệu được đóng dấu “mật”, “mật - khẩn”, “tối mật”…

Ngoài ra, trung tâm còn lưu giữ nhiều tài liệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong chiến tranh; khối tài liệu nghe - nhìn với hơn 100.000 tài liệu phim ảnh, hơn 200 giờ phát tài liệu ghi âm… Mặt khác, các tài liệu đương đại của chính quyền sau chiến tranh, của nhiều tỉnh phía Nam cũng được Trung tâm lưu giữ và bảo quản…

Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài liệu lưu trữ

Được chị Bùi Vũ Thùy Dung, nhân viên Phòng Bảo quản của Trung tâm hướng dẫn, vừa mở cánh cửa phòng bảo quản tài liệu, chúng tôi bước vào trong, cảm giác mát lạnh, nhiệt độ 17-18 độ C bên trong phòng cách biệt hoàn toàn với bên ngoài đang những ngày tháng 4 nắng nóng, ngột ngạt.

“Hầu như các phòng bảo quản tài liệu tại trung tâm ở các tầng đều phải bảo quản cẩn thận, sắp xếp khoa học với điều hòa không khí mở cả ngày đêm và tài liệu được khử trùng, kho được lau dọn rất sạch sẽ như thế này”, chị Bùi Vũ Thùy Dung cho biết.

2 (3).jpg -1
Ông Nguyễn Văn Giác, giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một miệt mài tìm tài liệu.

Gần nửa thế kỷ qua, Trung tâm là nơi lui tới của biết bao thế hệ trí thức, nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên trong nước và quốc tế… để tìm tài liệu phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giảng dạy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từng cho biết bộ sách “Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” và nhiều công trình khác của ông ra đời nhờ nghiên cứu nguồn tư liệu quý tại Trung tâm…

Hôm chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Giác, giảng viên chuyên ngành Lịch sử Việt Nam Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) vẫn đang miệt mài tìm tài liệu về dinh điền (ruộng đất), cải cách điền địa… thời VNCH ở các tỉnh miền Đông Nam phần để phục vụ cho việc giảng dạy.

Cho đến nay Phông tài liệu Phủ Thủ tướng VNCH (với khoảng hơn hơn 40 ngàn tài liệu) đã được trung tâm số hóa toàn bộ, giúp cho người đọc có thể dễ dàng tìm kiếm trên hệ thống máy tính. Còn các tài liệu thời Pháp là phông lớn nhất chiếm nguyên một lầu của tòa nhà lưu trữ hiện đang được các nhân viên trung tâm xử lý để phục vụ số hóa. Số sách báo, tạp chí được lưu ở kho tư liệu…

Trong một bài viết, Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đánh giá “Nhìn từ góc độ nghiên cứu lịch sử và văn hóa, hệ thống văn bản, tài liệu hiện còn được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ ở Việt Nam hiện nay vẫn là mảng tài liệu nguyên thủy rất quan trọng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua việc khai thác những tài liệu ấy vẫn chưa được thực hiện rộng rãi và đạt được những kết quả lẽ ra phải có…”.

Theo lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị... của tài liệu lưu trữ cần phải được đưa vào đời sống xã hội và vì sự phát triển của dân tộc, cần được biến thành những “viên kim cương” trong dòng chảy lịch sử. Đó chính là sứ mệnh cao cả nhất và quan trọng nhất của những người làm lưu trữ.

Phú Lữ
.
.