Những người trẻ ngược về nguồn cội
Họ là những gương mặt đại diện cho thế hệ 9X, cuối 8X. Nhưng hành trình của họ lại ngược về quá khứ, là lang thang dặm đường thiên lý để giữ lại "của hồi môn" của cha ông. Hàng trăm hiện vật in dấu thăng trầm lịch sử là gia tài họ có trong cuộc rong ruổi mang màu thanh xuân.
Hồi còn bé, Thân Việt Hùng (sinh năm 1988) đã mê những món đồ của vua chúa trong phim cổ trang. Khi trở thành chàng sinh viên lên TP Hồ Chí Minh học, cậu lang thang khắp chợ đồ cũ để săn tìm những món đồ trông cũ cũ, hay hay. Đồ cậu mua là đủ thứ linh tinh, hầm bà lằng. Thấy thích và vừa vừa túi tiền là Hùng mua chứ chưa có định hướng sưu tập cụ thể cũng như chẳng biết món đồ nào giá trị, món đồ nào đáng giữ.
Năm 2009, khi mạng xã hội dần phổ biến ở Việt Nam, Hùng tham gia các hội nhóm về cổ vật để học hỏi, giao lưu. Dần dà kiến thức về đồ cổ dày lên, anh xác định thú chơi của mình theo hướng sưu tập những cổ vật bằng kim loại quý của các triều đại xưa như trang sức, kim bài... Anh thích những thứ liên quan đến văn hóa Việt Nam, đại diện cho các triều đại. Đặc biệt tập trung vào triều Nguyễn - triều đại vẫn còn giữ được khá nhiều món đồ quý hiếm gắn với thăng trầm lịch sử.
Cũng giống như Thân Việt Hùng, Huỳnh Việt Anh Khang (sinh năm 1992) mê đồ cổ từ hồi còn nhỏ. Khi bà nội qua đời, hộp đựng mỹ phẩm bằng đồng mà bà gìn giữ từ bao đời được giao lại cho Khang. Chiếc hộp nhỏ đó không chỉ lưu giữ kỷ niệm về người bà thân yêu mà còn mang hồn cốt của dân tộc với những nét chạm trổ nhuốm màu thời gian. Từ đó, cậu gắn bó với hành trình sưu tập đồ cổ và đồng sáng lập nhóm "Vàng son một thuở".
Nhóm là nơi trao đổi kiến thức, thông tin về hiện vật cũng như tư liệu các triều đại Việt Nam trong lịch sử. Chủ đề nhắm đến bao gồm kiến trúc, trang phục, đồ ngự dụng cung đình... "Vàng son một thuở" chủ yếu đào sâu thông tin về đồ vật có gắn liền với phong tục tập quán, gắn với lịch sử nhằm lưu giữ những giá trị cổ xưa mà cha ông để lại thông qua những hiện vật cụ thể. Chính điểm đặc biệt này nên đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh từng ngỏ lời mời nhóm hợp tác trong phim "Phượng Khấu" với vai trò hỗ trợ về cổ vật, cố vấn kiến thức sơ bộ về cổ vật đó.
Ngoài Hùng và Khang, cộng đồng nhà sưu tập trẻ trong thế giới cổ ngoạn còn có những cái tên đáng nể như Nguyễn Đông Nhựt, Huỳnh Chí Thanh, Nguyễn Thị Tuyết... Mới đây, bốn nhà sưu tập trẻ Thân Việt Hùng, Nguyễn Đông Nhựt, Huỳnh Chí Thanh, Nguyễn Thị Tuyết đã có dịp giới thiệu gần 200 món đồ quý giá, đặc sắc nhất trong triển lãm "Thanh ngoạn" diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Triển lãm do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tôn vinh giá trị di sản cha ông và niềm đam mê của giới trẻ với giá trị truyền thống. Các cổ vật đa phần đến từ thời nhà Nguyễn, gồm hộp đựng sắc phong, áo tấc, tráp, chậu, lư trầm, khay, tiền xu, kim khánh… Một số cổ vật khác đến từ thế kỷ XV hay hàng ngàn năm trước như loa, rìu, giáo, mác…
Mỗi nhà sưu tập được dành riêng một không gian trưng bày mang đậm dấu ấn cá nhân. Nếu Thân Việt Hùng yêu thích những món đồ bằng kim loại quý như vàng bạc thì bộ sưu tập của Nguyễn Thị Tuyết nổi bật với đồ pháp lam, phẩm phục triều đình, đồ dùng cung đình... theo tiêu chí "cổ, kỳ, vĩ". Còn nhà sưu tập Huỳnh Chí Thanh (sinh năm 1988) lại sưu tầm theo bốn nguyên tắc "Thanh, Nhã, Lai, Toàn", nghĩa là chọn đồ chất lượng, trang nhã, lai lịch rõ ràng và hiện trạng toàn vẹn.
Tham dự triển lãm, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết ông rất bất ngờ và cảm phục những người trẻ khi thấy xuất hiện không ít hiện vật rất quý được trưng bày, từ đồ vàng, đồ thêu cho đến đồ pháp lam, đồ sứ.... Trong số đó có những cổ vật tại triển lãm rất quý hiếm, có giá trị văn hóa cao được hồi hương sau nhiều năm lưu lạc ở nước ngoài. Đây là điều ông rất vui mừng khi những nhà sưu tập trẻ đã mang di sản của tiền nhân về với quê nhà và lan tỏa giá trị của nó đến với cộng đồng.
Nói về giới sưu tập trẻ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đánh giá: "Là người trong giới sưu tầm cổ vật, tôi cảm nhận rõ rệt sự tiếp nối của thế hệ trẻ trên con đường gìn vàng giữ ngọc. Sau năm 2000 đến nay, nhiều bạn trẻ đi vào lĩnh vực sưu tập cổ vật. Nhờ sự thông thoáng về luật lệ cũng như việc đi lại thuận lợi, giỏi ngoại ngữ nên họ có cơ hội sang nước ngoài đấu giá những cổ vật quý đem về trong nước. Tại triển lãm này, có những cổ vật trở về từ Pháp, từ Mỹ sau nhiều năm bôn ba. Đây là điều rất đáng khích lệ vì nếu chúng ta cứ dựa vào bảo tàng và nguồn kinh phí nhà nước thì rất khó đưa được cổ vật về quê hương.
Ngoài thủ tục nhiêu khê, nếu mức đấu giá được người khác trả cao hơn, các bảo tàng không thể chủ động đấu lại vì nguồn kinh phí nhà nước có hạn mức nhất định. Còn phía tư nhân thì lại khác. Họ đi đấu giá thì chắc chắn họ đã chuẩn bị nguồn tài chính dồi dào và rất yêu thích món đồ đó. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu được món đồ. Qua cuộc triển lãm này, ta thấy rõ ràng cổ vật, di sản văn hóa không chỉ nằm trong các viện bảo tàng mà nó có thể nằm trong bộ sưu tập tư nhân. Do đó tôi rất mong các cơ quan quản lý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tư nhân giữ gìn những bộ sưu tập đó. Bởi đó là di sản của đất nước chúng ta".
So với thế hệ cha anh, những người trẻ bây giờ có nhiều thuận lợi hơn khi họ có nhiều hội nhóm để giao lưu, học hỏi thú chơi cổ ngoạn. Họ dễ xác định dòng đồ mình chơi là dòng nào cũng như dễ dàng tham khảo kiến thức, so sánh giá cả trên Internet và hội nhóm. Thế nhưng để duy trì cuộc chơi cổ ngoạn, các nhà sưu tập trẻ đứng trước rất nhiều đòi hỏi, thách thức. Giá cổ vật hiện nay đều ngất ngưỡng nên túi tiền của người sưu tập cũng phải rủng rỉnh để đủ sức chi. Song không phải ai cũng dư dả. Cái khó thứ hai của họ chính là kinh nghiệm, kiến thức.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thẳng thắn: "Hiện nay nhà sưu tập trẻ gặp nhiều điều khó khăn hơn thế hệ chúng tôi ngày xưa vì đồ giả cổ tràn lan và tinh vi vô cùng. Bằng công nghệ khắc 3D, đo đạc chính xác..., người ta phục chế gần 95% đồ cổ thật. Nhà sưu tập phải thật tinh tế, giàu kinh nghiệm, am hiểu rất sâu mới có thể phát hiện được đó là đồ giả cổ. Thời chúng tôi đồ cổ còn rất rẻ, nếu mua lầm cũng không sao. Còn ngày nay đồ cổ quá đắt, không phải ai cũng dễ dàng sở hữu nên phải rất kỹ lưỡng khi sưu tập. Để tránh những điều này, các nhà sưu tập trẻ phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức từ sách vở, từ thực tế lẫn người đi trước".
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Tuyết tâm niệm: "Gìn giữ cho thế hệ mai sau là tâm niệm của bản thân trong hành trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông. Mỗi cổ vật là một câu chuyện, bằng chứng sinh động nhất cho dòng chảy lịch sử - văn hóa của dân tộc". Đó cũng là tâm niệm chung của những người trót dấn thân ngược về quá khứ. Nhà sưu tập Thân Việt Hùng cho biết, thú chơi cổ vật của người trẻ bây giờ không phải chỉ là trào lưu nhất thời, chơi "lấy le với thiên hạ", mà thực chất nó đã trở thành một niềm say mê ăn vào máu. Hơn hết đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của hậu bối với di sản tiền nhân để lại cho muôn đời.
"Mua được một món đồ quý, chúng tôi sung sướng đến quên ăn quên ngủ. Ở đây không hiểu thực dụng về giá trị kinh tế mà chính là giá trị tinh thần, là cái chất nằm trong cổ vật. Bởi tôi chứng kiến rất nhiều người đến lúc nguy khốn nhất vẫn một mực không bán bất cứ một món đồ nào dù người mua trả giá rất cao. Số anh em giới sưu tập cũng chẳng có ai rời cuộc chơi mà càng ngày họ càng đam mê, dấn sâu thêm vào thú chơi tao nhã mà ý nghĩa này" - anh cho biết.