Những nghệ sĩ hóa thân xuất sắc vào vai Bác Hồ
Như tên bài thơ nổi tiếng “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ”, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Bằng tài năng, tâm huyết, đặc biệt là sự tôn kính vô hạn với vị Cha già của dân tộc, các nghệ sĩ đã khắc họa thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, điện ảnh, mang đến những vai diễn đầy cảm xúc và dấu ấn nghệ thuật...
NSƯT Tiến Hợi
Kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ trong vở “Đêm trắng” (năm 1987) khi đang là diễn viên Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn, Quân khu 2 cho tới khi trở thành nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát Kịch Hà Nội, NSƯT Tiến Hợi có hơn 40 lần vào vai lãnh tụ kính yêu của dân tộc, với hàng nghìn lần xuất hiện trên sân khấu. Ông cũng là người thể hiện thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các lĩnh vực: phim điện ảnh, phim truyền hình và sân khấu cùng các sự kiện, chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm cấp quốc gia...
Cả cuộc đời phụng sự cho một hình tượng nhân vật duy nhất, NSƯT Tiến Hợi được giới chuyên môn xác nhận kỷ lục “Nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ ở nhiều loại hình nghệ thuật nhất”. Ngoài vóc dáng thư sinh, gương mặt cương nghị, hiền hậu thì có người cha quê gốc Nghệ An đã khiến giọng nói của ông rất gần với giọng của Bác ngoài đời.

Ở lĩnh vực sân khấu, NSƯT Tiến Hợi ghi dấu bằng vai diễn Bác Hồ trong vở diễn “Đêm trắng” (năm 1989), đã từng trở thành “hiện tượng sân khấu” với hơn 300 buổi diễn. Năm 1992, với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở “Xin lãnh án tử hình” đã mang về cho ông Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc.
Những người yêu điện ảnh Việt vẫn nhớ mãi hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân) qua sự hóa thân xuất sắc của nghệ sĩ NSƯT Tiến Hợi. Chỉ nghệ sĩ Tiến Hợi, mới khắc họa được hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành gương mặt khôi ngô, ánh mắt chứa đầy khát vọng tìm đường cứu nước và độc lập, tự do cho dân tộc.
Có lẽ vì thế, năm 1996, khi thực hiện bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã quyết tâm đợi bằng được NSƯT Tiến Hợi đi công tác xa trở về để mời ông đóng vai Bác Hồ. Khi ấy, nghệ sĩ Tiến Hợi mới xấp xỉ 40 tuổi nhưng hóa thân vào Bác Hồ ở tuổi 56, đang lãnh đạo đất nước trong một tình cảnh rất khó khăn. Đây là thử thách không nhỏ với nghệ sĩ Tiến Hợi. Sự kiên định của đạo diễn Đặng Nhật Minh “vai Hồ Chí Minh phải do Tiến Hợi đảm nhiệm, chứ không thể là ai khác” đã mang về cho bộ phim Giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII.
Một điều đặc biệt trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Tiến Hợi là sự đồng hành của người vợ tao khang - nghệ sĩ hóa trang Đạm Thủy. Với tài năng, lòng kính yêu vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự thấu hiểu người bạn đời của mình đã khiến từng nét tô điểm của bà thêm thăng hoa, mang đến sự chân thực về ngoại hình cho mỗi vai diễn của NSƯT Tiến Hợi.
Và, như khi còn sống, ông từng chia sẻ về những vai diễn để đời của mình: “Qua nghiên cứu tôi thấy Bác rất gần gũi, thân thương, phong cách sống rất giản dị, mộc mạc. Vì vậy, khi diễn tôi cố gắng toát lên thần thái ấy”.
Nghệ sĩ Minh Hải
Là diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ Minh Hải dường như sinh ra để đảm nhiệm những vai diễn Bác Hồ, dù ban đầu anh không tránh khỏi áp lực của người đi sau. Kể từ vai diễn đầu tiên hóa thân vào hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch truyền hình “Bác Hồ ra trận”, tới nay, nghệ sĩ Minh Hải đã có gần 20 năm gắn bó với vai diễn đầy tự hào này.

Năm 2010, khi vẫn là một gương mặt mới, nghệ sĩ Minh Hải đã lọt vào “mắt xanh” của cặp đạo diễn Triệu Huấn (Việt Nam) và Phạm Đông Vũ (Trung Quốc) để đảm nhiệm vai Nguyễn Ái Quốc trong dự án phim đình đám “Vượt qua bến Thượng Hải”. Phim tái hiện lại hành trình Bác từ Hong Kong (Trung Quốc) tới Hạ Môn, Thượng Hải và tìm đường sang Liên Xô. Vô vàn thử thách đến với một người lính mới trong vai diễn “nặng ký” như nhiều phân cảnh trò chuyện bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp dài tới 3 trang rưỡi...
Vượt qua mọi khó khăn, thành công của bộ phim mang đến một bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của Minh Hải với một loạt vai diễn về Bác Hồ sau này. Như vai Bác Hồ trong phim truyền hình “Ý chí độc lập” (19 tập) của đạo diễn, NSƯT Bùi Cường, năm 2016. Các vở kịch “Nước mắt giữa rừng Pắc Bó”, “Bác không phải là vua”, “Ông Cụ ở quê ra”, “Đêm Giao thừa”, “Bác Hồ chúc Tết gia đình chị Tín”, “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”...
Đặc biệt, vai Bác Hồ trong vở kịch “Đêm trắng” do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng đã mang về cho anh giải Diễn viên xuất sắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (năm 2020), Huy chương Vàng tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 và Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024. Hiện nay, “Đêm trắng” tiếp tục được nhà hát cho tái diễn trong chương trình nghệ thuật “Tháng năm cùng Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2025).
Là người con của Nghệ An, Minh Hải có thuận lợi về giọng nói khi đảm nhiệm vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, quan trọng hơn, những tháng ngày miệt mài tìm hiểu tư liệu về cuộc đời của Bác, thấu hiểu sự giản dị trong lối sống, những cống hiến của Người cho dân tộc Việt Nam... điều đó giúp anh càng diễn càng tự tin, nhuần nhuyễn hơn. Mỗi lần lên sân khấu, trong anh đều trào dâng niềm xúc động. Có lẽ vì thế, từng nét diễn của Minh Hải luôn ẩn chứa sự tươi mới, tinh tế.
Nghệ sĩ Minh Hải luôn tâm niệm “Tôi học theo đạo đức, lối sống của Người. Vai diễn không chỉ ở sân khấu mà ít nhiều đã đi vào đời sống cá nhân của tôi”. Chỉn chu, tâm huyết tới tận cùng cho từng lớp diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại cho nghệ sĩ Minh Hải thành công trong sự nghiệp nghệ thuật và sự yêu mến của công chúng.
NSND Trần Lực
Khác với NSƯT Tiến Hợi và nghệ sĩ Minh Hải, đạo diễn, NSND Trần Lực không có ưu thế về ngoại hình khi đảm nhiệm vai Bác Hồ nhưng vai Tống Văn Sơ trong bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” đã để lại một dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp diễn xuất của ông. Đây là bộ phim do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc) phối hợp sản xuất năm 2003. NSND Trần Lực chinh phục được khán giả cũng như được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ khả năng diễn xuất nội tâm vô cùng tinh tế.

Trước khi bấm máy, Trần Lực cùng đạo diễn NSND Khắc Lợi xem nhiều bộ phim tài liệu tới Bảo tàng Hồ Chí Minh, tìm gặp những nhân chứng đã có thời gian cạnh Bác như ông Vũ Kỳ - người thư ký thân thuộc - để tìm hiểu về cuộc sống thường ngày, những thói quen, ngôn ngữ, sở thích của Người...
NSND Trần Lực từng chia sẻ “Tôi đứng trước thách thức làm thế nào để làm phim về Bác chính xác, nghiêm túc, chân thật mà vẫn thu hút được người xem, thể hiện được tầm vóc to lớn, vĩ đại của Người ở tuổi tứ thập nhi bất hoặc”... Những trăn trở, tâm huyết cho vai diễn đặc biệt đó đã mang về cho NSND Trần Lực giải thưởng Nam diễn viên được yêu thích tại Giải Mai vàng 2003.
Với bất kỳ nghệ sĩ nào, được đóng vai Bác Hồ là một vinh dự, tự hào và hạnh phúc lớn lao. Hình tượng Bác Hồ còn được khắc họa bởi một số nghệ sĩ như NSND Bùi Bài Bình trong phim “Nhà tiên tri”, diễn viên Mạnh Trường trong “Thầu Chín ở Xiêm”, kể về quãng thời gian hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, khi đó có biệt danh Thầu Chín trong những năm 1928-1929 ở Thái Lan... Hơn cả vai diễn, những lần được hóa thân vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, với các nghệ sĩ đó là niềm hạnh phúc được bày tỏ sự kính yêu vô hạn với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.