Những nghệ sĩ “con nhà nòi” Chắp cánh bay tới khung trời nghệ thuật
Có những đứa trẻ may mắn được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, để bầu không khí ăm ắp cảm xúc, thăng hoa ấy ngấm vào từng mạch máu, lưu trú vào từng hơi thở từ trong trứng nước. Ở một khía cạnh khác, theo phương pháp khoa học người ta gọi là gen, yếu tố di truyền.
Trong nền sân khấu, điện ảnh nước nhà nửa thế kỉ qua đã có vô số cặp đôi con cái đi theo nghiệp nghệ thuật của bố mẹ và thành công rực rỡ, nay đã khoác lên mình danh hiệu NSND, NSƯT, trở thành những tên tuổi được đông đảo công chúng hâm mộ. Trong chuyên đề lần này, chúng tôi muốn giới thiệu đến lớp trẻ gen Z, non tơ, đầy hào hứng, thuộc thế hệ nghệ thuật thứ ba trong gia đình. Những nghệ sĩ trẻ là con của các nghệ sĩ nổi tiếng và vô cùng quen mặt với khán giả.
Mỗi con người đều có những ước mơ, hoài bão, khả năng phát triển, sở thích khác nhau. Có một số ngành nghề đặc thù được cha truyền con nối như ngành nghệ thuật. Trong lĩnh vực đặc thù này đã có biết bao gia đình nghệ thuật rực rỡ, sáng chói khiến nhiều người mơ ước. Nghề nghiệp không chỉ là công cụ để kiếm sống mà còn thể hiện cái tôi cá nhân, khả năng thiên bẩm riêng biệt của mỗi người. Chọn nghề mà mình theo đuổi trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Có rất nhiều những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn nghề, nhưng một trong những yếu tố phổ biến và quan trọng là từ gia đình, môi trường, không khí trong gia đình. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Những người trẻ cảm nhận được sự yêu thương và ủng hộ của bố mẹ sẽ thấy tự tin hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp mà bản thân yêu thích hay hứng thú. Những đứa trẻ luôn luôn tôn trọng bố mẹ mình và cảm thấy ngưỡng mộ nghề nghiệp của bố mẹ thì rất nhiều khả năng đứa trẻ đấy sẽ chọn đi theo con đường của bố mẹ. Những lúc này bố mẹ sẽ là điểm tựa an toàn và hoàn hảo để đứa trẻ thực sự trưởng thành và đeo đuổi thực hiện niềm đam mê. Nghệ thuật lại là bộ môn giàu cảm xúc, dễ thăng hoa nên cũng thật dễ hiểu những đứa trẻ được sống trong nôi nghệ thuật sẽ có ảnh hưởng, tác động đến việc lựa chọn nghề nghiệp, nhất là ngành nghề nghệ thuật đòi hỏi phải có tố chất, năng khiếu, sự say mê.
Nguyễn Vũ, con trai danh hài Vân Dung: Rút ngắn thời gian trải nghề, hạn chế được sai lầm
- Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông ngoại là đạo diễn, bà ngoại là diễn viên đoàn ca múa Tây Bắc, và mẹ là một nữ danh hài vô cùng đặc sắc, điều đó có ảnh hưởng đến sự chọn lựa nghề nghiệp của Nguyễn Vũ hay không?
+ Ngay từ hồi em còn rất nhỏ, nhiều khi ở nhà không có ai trông nên em được mẹ dẫn lên cơ quan là Nhà hát Tuổi trẻ. Em cứ ngồi bên cánh gà xem cô chú và mẹ diễn thành thói quen rồi lúc nó ngấm vào mình tạo thành một sở thích, dần dần thành đam mê. Ngoài công việc tập và diễn xuất ở Nhà hát, mẹ còn tham gia nhiều chương trình như “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp nhau cuối năm”…
Ấn tượng nhất là những năm đầu mẹ tham gia chương trình “Gặp nhau cuối năm”, đó là vào những ngày mùa đông giá lạnh, cách đây gần 20 năm, hồi đấy em bé tí ti, còn chưa biết đánh vần chữ đã đi theo mẹ đến đài truyền hình xem mẹ và các bác, các chú tập hàng tháng trời. Lịch tập cả ngày và có hôm tập xuyên đêm đến sáng, em ngồi đến lúc cảm thấy không trụ được nữa thì xin mẹ về đi ngủ. Lớn lên một chút em đã cảm nhận được cái hay của chương trình nên năm nào cũng vậy vô cùng hào hứng mong những ngày đông đến thật nhanh để được mẹ đưa đi đến nơi mẹ tập chương trình…
Những tháng ngày tuổi thơ lưu dấu ấn đầy những kỉ niệm về nghề diễn của mẹ, về sân khấu, về ánh đèn điện, về tiếng nhạc, về trường quay, rồi bất chợt đến một ngày đứa bé đấy lớn lên, cuối năm học lớp 12 buộc phải quyết định đâu là con đường mà mình thực sự yêu thích để gắn bó. Mình nghĩ xem là mình có điểm mạnh gì?! Chiều hôm đấy, em nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội”. Mẹ tá hỏa lên vì không hiểu chuyện gì xảy ra: “Đã học hành tập tành gì đâu mà thi”. Em trấn an mẹ: “Thì mẹ cứ để con thử đi, vào thì con tính tiếp còn không đỗ được thì coi như là con không có duyên với nghề”. Em mang một cái đầu trống rỗng đi thi, và suy nghĩ phải làm hết mình. Còn có hơn chục hôm nữa là bước vào kì thi, mẹ gửi gắm gấp cho một chú ở nhà hát. Cách chú ấy dạy cũng khác mọi người, đấy là chú ấy không gợi ý gì, chỉ đưa ra bài tập để mình phải tự làm, chú ấy ngồi dưới với cương vị là khán giả xem và nhận xét. Hai tuần đấy em bị kích thích làm việc thật nhiều.
- Tò mò một chút, Vũ có thể chia sẻ là tiểu phẩm gì vậy?
+ Chú ấy đưa cho em một cái gậy, một cái khăn, rồi chú bảo: “Trong vòng 3 phút nghĩ ra một tiểu phẩm cho chú xem”. Em lo lắng: “Chết rồi, một cái gậy, một cái khăn” nhưng đúng mấy phút sau em nghĩ ra mình là thằng ăn trộm, vào nhà người ta bằng cách phá khoá, dùng cái gậy móc vào ngăn kéo tủ để mở ngăn kéo tủ. Dùng khăn để cho những đồ ăn trộm vào, rồi buộc lại. Lấy xong xuôi thì chủ nhà về, chạy vọt ra ngoài mới nhớ túi đồ ăn trộm vẫn để ở trong. Chú xem xong bảo “cũng được”. Thế là em cầm tiểu phẩm ấy đi thi luôn. Tiểu phẩm ấy đến một cách bộc phát, mình cũng bị cuốn theo câu chuyện. Kì thi năm đó, em đỗ vào hai trường, Sư phạm Nghệ thuật, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, em chọn học Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
- Hai mẹ con đã từng đứng chung sân khấu bao giờ chưa?
+ Em có một kỉ niệm, năm 2020 em tham gia “Gala cười” cùng mẹ,mình cứ nghĩ đơn giản, thả lỏng bản thân trên sân khấu nhưng đến khi tới nơi thấy anh chị cô chú diễn, năng lượng lạ, sân khấu quá lớn, lượng khán giả ở dưới khán phòng lại quá nhiều, nhiều máy quay chĩa vào. Đứng ở cánh gà mà run quá, mẹ mới trấn tĩnh bảo: “Trời ơi, không có gì phải sợ cả.” Mẹ càng an ủi thì em càng hoảng. Đấy là lần đầu tiên em diễn chung với mẹ. Buổi hôm đó đúng nghĩa một bài học.
- Em có nghĩ những đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình có nôi nghệ thuật sẽ có sự thuận lợi hơn rất nhiều so với những người bạn khác làm nghệ thuật hay không? Ví dụ tố chất, thừa hưởng gen di truyền…
+ Tố chất chỉ là một phần nhỏ của sự khác biệt thôi, chứ theo em ai học được nhiều, ai cố gắng được nhiều thì người đó xứng đáng được nhận thành quả đấy. Tố chất ở đây là sự khác biệt của cá thể. Tố chất là sự ngấm, ai khai thác được nó thôi. Ai cũng có tố chất nhưng có người khai thác được, có người chưa khai thác được. Còn về cụm từ “con nhà nòi”, may mắn có được điều đó thì mình sẽ rút ngắn được thời gian trải nghề, mình sẽ hạn chế được sai lầm về nghề mà mình mắc phải vì bố mẹ trong nghề sẽ truyền lại kinh nghiệm cho mình, điều đấy cũng rất quan trọng.
Đạo diễn Phạm Bích Phương, con gái diễn viên, đạo diễn Tuấn Quang: “Bố giúp tôi đạt được mong muốn và theo đuổi đam mê”
Niềm đam mê nghệ thuật vốn xuất phát từ chính bản thân tôi và tôi may mắn khi có bố cũng là người làm trong nghề. Mặc dù có tình yêu lớn với nghệ thuật ở nhiều mảng như sân khấu, điện ảnh… nhưng suốt thời gian đi học tôi chưa từng nghĩ một ngày mình sẽ được trở thành đồng nghiệp của bố. Trước khi trở thành sinh viên ngành Đạo diễn truyền hình của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình muốn được học hỏi và trau dồi nhiều đến vậy. Có thể nói không phải là bố ảnh hưởng hoàn toàn đến việc chọn ngành nghề của tôi nhưng bố cũng chính là người giúp tôi đạt được mong muốn và theo đuổi đam mê của mình.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất với tôi trong hành trình theo đuổi đam mê này là lần đầu tiên được đồng hành cùng bố trong một series sitcom của VTV5. Đó cũng là lần đầu tôi được tham gia sản xuất cho một chương trình sau khi tốt nghiệp. 10 ngày cùng làm việc, cùng sinh hoạt với hơn 40 nhân sự của một đoàn làm phim khiến tôi có nhiều trải nghiệm thú vị. Vì thời tiết mưa gió nên đã phải thay đổi lịch quay liên tục, ê kip sẽ phải bắt đầu ngày làm việc từ 5-6h sáng đến 9-10h đêm, riêng cá nhân tôi đã được thử thách về cả sức khỏe và tinh thần khi phải thức đến 3-4h sáng để chuẩn bị mọi thứ cho ngày quay hôm sau. Công việc khá khắc nghiệt nhưng có lẽ tình yêu nghề và hình ảnh bố quần quật làm việc trong sự say mê không chút mệt mỏi đã thúc đẩy tôi rất nhiều. Đi làm với bố, mọi sự áp lực dường như là không có, kể cả đối với con hay mọi người trong ê kip. Bố luôn tạo ra không khí làm việc rất vui vẻ, tích cực và sự điềm tĩnh của bố trong mọi tình huống là điều tôi luôn cố gắng noi theo.
Là con của một nghệ sĩ với tôi thì cũng không khác nhiều lắm với các bạn có bố mẹ làm ngành nghề khác. Tôi thấy mình may mắn khi được sống một cuộc sống rất bình thường, được học, được chơi như các bạn đồng trang lứa, tôi không có áp lực về việc mình phải hành xử thế nào vì mình là con của người nổi tiếng.
Giống như những bậc phụ huynh khác, bố mẹ tôi cũng đã từng nghĩ công việc này khá vất vả và không phù hợp với con gái, tuy nhiên với đam mê của mình, tôi đã và đang cố gắng chứng minh cũng như thuyết phục bố mẹ tin vào nghề nghiệp tôi đã chọn.
Diễn viên Hoàng Triệu Dương, con trai NSND Hoàng Dũng: “Bố là niềm tự hào và động lực cho tôi phấn đấu”
- Hiện nay, Dương đang công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi mà trước đây bố là cố NSND Hoàng Dũng đã từng hoạt động nghệ thuật dưới cương vị là diễn viên và sau này là Giám đốc Nhà hát, cảm giác của Dương như thế nào?
+ Từ nhỏ tôi đã được gặp các cô, chú, anh, chị diễn viên nổi tiếng, được biết con người nghệ sĩ sống rất tình cảm. Một lần bố đưa tôi đi xem vở diễn của anh chị ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật tốt nghiệp. Sau bài thi thì đi liên hoan, đến cuối buổi không hiểu sao các anh chị cứ ra ôm bố khóc, bịn rịn, thương nhớ. Tôi cảm giác giây phút chia tay đấy, mặc dù là thầy trò nhưng rất gắn bó. Bố mình là bố của mình thôi, mà tại sao các anh, các chị lại gọi bố của mình là bố thế, sau đó mới hiểu tình cảm của văn nghệ sĩ dành cho nhau rất ân tình. Điều đó làm cho tôi muốn được sinh sống trong môi trường nghệ thuật, tình cảm gắn kết với mọi người như thế.
Bố mất quá nhanh, đấy thực sự là cú sốc, đến bây giờ tôi vẫn có cảm giác bố đang đi du lịch, đi công tác thôi. Tôi chông chênh, tôi chưa ra trường, hướng đi của tôi chưa biết như thế nào mà người gần nhất ở bên mình để có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm, có thể trao đổi, giúp đỡ rất nhiều về cả tâm lí lẫn con đường đi sau này thì lại không được gần nữa. Và rồi, sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi về đây, các cô chú, anh chị biết tôi từ nhỏ đã bảo: “Cô chú làm việc từ hồi mày còn bé tí như thế này…”. Được gặp lại các cô chú mà tôi đã tiếp xúc từ hồi nhỏ, giờ tôi có cảm giác đây như ngôi nhà của mình…
- Con đường nghệ thuật đến với em như thế nào? Bố có hướng cho em đi theo con đường nghệ thuật không?
+ Ngay từ khi tôi còn nhỏ bố cũng không hướng đâu, phải đến năm lớp 11 thì tôi mới có suy nghĩ chắc là mình cũng hợp đấy. Vì hồi cấp II việc xuất hiện trên sân khấu, đứng trước sân khấu, người này người kia người ta cười cho, tôi thấy ngại. Năm lên cấp III, vào lớp 10 thì các cô giáo biết bố tôi là diễn viên - NSND Hoàng Dũng, nên các cô nhờ làm tiểu phẩm, bắt đầu lúc đó tôi mới chợt nhận ra có một cái gì đấy để theo đuổi, để định hướng cho mình.
Khi tôi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thì thấy bố vui. Trước đó, hồi 6, 7 tuổi, cứ mỗi lần có tổng duyệt vở mới trên nhà hát ông thường dẫn tôi lên nhà hát xem các cô, các chú, anh chị biểu diễn. Tôi thi vào trường phải diễn một, hai tiểu phẩm bố cũng không có tác động nào. Hôm thi sơ tuyển về, bố hỏi: “Hôm nay con thi thế nào, có được vào chung tuyển không?”. Tôi trả lời: “Con không biết có được vào chung tuyển không, mai ngày kia lên mới có kết quả”. Đến ngày tôi đi thi chung tuyển bố mới bảo: “Đâu, mai đi thi gì, đọc thơ, hát cho bố nghe xem nào?”. Tôi diễn qua cho bố xem, chỉ xem thôi chứ bố cũng không đóng góp cho mình cái gì mà chỉ bảo: “Như thế này thì không làm được diễn viên đâu, tốt nhất là nên xem lại, hát như thế này, đọc thơ như thế này thôi thôi tốt nhất là mai không nên đi thi”. Tôi bảo: “Như thế nào thì bố phải chỉ chứ?”. Bố lại nói: “Chỉ như thế nào thì phải tự biết, chứ chỉ thì là của bố chứ không phải của con”. Quan điểm của bố là không muốn áp đặt. Đến sau này, khi tôi đã được vào trường, trước khi đi thi tôi hỏi bố thì bố lại nói: “Bố mà chỉ cho mày thì thành bố diễn, tốt nhất con học thầy con thì con nên diễn theo cách của thầy con dậy cho con”.
Tôi tôn trọng ý kiến của bố, mình học thầy, rồi về mình học bố, sau này mình sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm hơn, được tiếp xúc nhiều với cây đa, cây đề họ truyền đạt nhiều kinh nghiệm. Quy định ở trong trường là bố không được dạy con, năm tôi thi vào trường, bố không được ngồi trong hội đồng chấm thi tuyển sinh, mặc dù hằng năm bố đều có mặt trong hội đồng tuyển sinh của nhà trường. Tôi đỗ vào trường, tôi vào lớp của thầy Phan Trọng Thành, năm sau ông mới nhận làm chủ nhiệm một lớp diễn viên. Những năm học ở trong trường, những kì thi diễn xuất trả bài cho thầy cô, bố tôi đều đặn qua xem tôi diễn. Mình ở trên sân khấu diễn và nghĩ: “Đấy ông không chỉ cho tôi, tôi diễn cho ông xem nhé.” Bố chỉ đóng góp sau cái buổi mình thi rồi. Tối về nhà bố mới nói, hôm nay diễn có điểm này chưa được, điểm kia chưa được và cần phải thay đổi cái gì.
- Được sinh ra và lớn lên trong nôi của nghệ thuật thì cũng thích, nhưng thường thì cái gì cũng có hai mặt, ví dụ như có bố là một nghệ sĩ nổi tiếng có gây áp lực với em không?
+ Có bố như vậy thì tôi cũng tự hào và cũng là động lực để phấn đấu, có đích đến để cố gắng nhiều hơn. Đôi khi tôi cũng bị áp lực vì mọi người kì vọng và nói rằng bố đã thành công như thế rồi thì con phải cố gắng gấp 10 lần, 20 lần lên như thế nữa. Tôi thấy áp lực đấy là cần thiết. Tôi may mắn hơn nhiều bạn nghề vì mình được tiếp xúc nghệ thuật từ thuở bé, có tiền đề để phát triển.
Khi còn sống, thỉnh thoảng hai bố con tâm sự về nghề. Bố có một đặc điểm là rất thích xem phim của tôi đóng. Nhiều buổi tối thấy bố ngồi xem lại chính phim mình đóng trên ti vi, tôi thỉnh thoảng đi qua lại trêu: “Úi giời ơi, NSND diễn, ai người ta diễn thế”. Chỉ nói trêu đùa bố một hai câu thôi rồi đi lên nhà chứ tôi nói nhiều là ông mắng đấy. Bố tôi bảo, tham gia trong lĩnh vực nghệ thuật thì được xem càng nhiều càng tốt, xem những bạn diễn chưa hay, chưa tốt mình sẽ rút ra được kinh nghiệm cho mình, cho những vai diễn sau này của mình không mắc lỗi nữa, còn họ có cái gì hay hơn thì sau này có thể phát triển lên thành những cái của riêng mình.
- Điều nuối tiếc lớn nhất của Dương với NSND Hoàng Dũng là gì?
+ Những năm học ở trong trường, những lần trả bài của tôi, bố đều đi xem, nhưng đấy chỉ là một tiểu phẩm ngắn, một trích đoạn ngắn chứ không phải là một vở kịch dài để mình có thể sống với một nhân vật đi hết một câu chuyện kịch. Tôi mong lắm đến khi tốt nghiệp ra trường được diễn một vở kịch dài để bố xem hết.
Tôi nói với bố: “Nghề diễn khó cũng là khó thật nhưng con cũng muốn theo nghề, muốn bố xem cái ngày con tốt nghiệp, xem con “quậy” trên sân khấu như thế nào, bố cảm giác là con có được không để con biết con có thể theo nghề. Nếu bố thấy con không theo được nghề con sẵn sàng từ bỏ luôn, vì ngay cả bố cũng đã nói với con rồi, mình chọn cái mình không hợp, mình bỏ đi để mình lấy cái khác. Không có gì quá quan trọng cả. Xem con diễn một vở kịch dài 2 tiếng, lúc đấy bố sẽ coi con như một diễn viên hoàn chỉnh thực sự, chứ không phải là con trả bố những tiểu phẩm ngắn 15-20 phút không thể hiện được quá nhiều điều. Đứng sân khấu lớn của trường con sẽ diễn một vở kịch như những diễn viên chuyên nghiệp, con muốn có bố ở dưới cùng với các thầy cô xem để nhận xét toàn thể”. Tiếc lại không được, bố ra đi rất nhanh và bất ngờ khiến cả nhà đều hụt hẫng. Những ước nguyện của bản thân tôi cũng chưa kịp hoàn thành thì bố đã ra đi mãi mãi.