Những góc nhìn chân thực, đa chiều về người chiến sĩ Công an
Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ V-2025 đã đi được hơn một nửa chặng đường. Những vở diễn của các nhà hát với đa dạng thể loại và phong phú về đề tài cũng như hình thức sân khấu đổi mới, cho thấy sức hấp dẫn của đề tài Công an.
Rõ ràng, qua các tác phẩm sân khấu sinh động và hấp dẫn, hình ảnh người chiến sĩ Công an với những góc khuất, những vẻ đẹp đời thường sẽ đến gần hơn với công chúng.
Đa dạng đề tài
Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ 5 mới đi được một nửa chặng đường nhưng đã để lại những dấu ấn thú vị bởi sự đổi mới và những cải tiến về nội dung, hình thức. Các vở diễn đến từ nhiều nhà hát đã khai thác những “góc khuất, sâu lắng” trong công tác thực tế của lực lượng Công an, đặc biệt là các vở đề tài tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tham nhũng...
Liên hoan không chỉ dừng lại ở giới sân khấu công lập mà còn mở rộng với sự tham gia tích cực của các nhà hát và đơn vị nghệ thuật ngoài công lập từ cả 3 miền. Đây là bước tiến nhằm làm chủ đề Công an tiếp cận gần hơn với khán giả và cộng đồng. Các tác phẩm thể hiện đa dạng về thể loại nghệ thuật: 4 vở chèo, 4 vở ca kịch, 2 vở cải lương, 15 vở kịch nói, phản ánh nhiều khía cạnh của người chiến sĩ Công an - từ cuộc sống chiến đấu, triệt phá tội phạm đến sinh hoạt thường nhật, huấn luyện và đấu tranh tư tưởng.

Các chuyên gia nhận định, liên hoan lần thứ V là một bước phát triển đáng kể trong việc kết hợp nghệ thuật sân khấu truyền thống và hiện đại để khắc họa chân thực, đa chiều về người chiến sĩ Công an. Ở đó, người xem có những góc nhìn chân thực hơn về cuộc sống và những góc khuất của người chiến sĩ Công an.
Nỗ lực đổi mới để thu hút khán giả trẻ
Đề tài người chiến sĩ CAND vốn bị mặc định là khô cứng nếu tiếp cận theo lối mòn tuyên truyền một chiều. Nhưng, trong sự thay đổi của xu hướng nghe nhìn, sân khấu cũng phải đổi mới để tiếp cận khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Các vở diễn không chỉ đơn thuần kể lại chiến công hay xây dựng hình ảnh chiến sĩ Công an một chiều, chỉ ca ngợi chiến công mà cần mở ra những câu chuyện đời thực, khai thác chiều sâu tâm lý, bản lĩnh nghề nghiệp và cả những giằng xé nội tâm của người chiến sĩ trong thời bình.
Nhiều vở diễn đi vào những vấn đề xã hội nóng, liên quan trực tiếp đến cuộc sống giới trẻ như: Tội phạm mạng, lừa đảo sử dụng công nghệ cao, ma túy trong học đường, giới showbiz, các mối nguy ẩn trong livestream, mạng xã hội.
Các đạo diễn đã “trẻ hóa” nhân vật chiến sĩ Công an: không còn khô cứng mà gần gũi, thông minh, bản lĩnh, dùng công nghệ, biết đối thoại với thanh niên. Đó là vở “Đối mặt” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Có thể nói đây là một trong những vở kịch nổi bật của liên hoan lần này. “Đối mặt” đã chạm đến các vấn đề xã hội “nóng” như tội phạm có tổ chức, tham nhũng và xung đột cá nhân, theo cách tiếp cận trực diện, căng thẳng.
Vở diễn dàn dựng hiện đại, với phong cách “film noir” - vừa lôi cuốn, vừa gây tò mò cho khán giả trẻ. Ngoài ra, góp mặt tại liên hoan còn có những vở diễn đổi mới khi đưa vụ án “nóng”, thời sự, đang là vấn đề nổi cộm mà xã hội quan tâm như các vụ lừa đảo trên mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là bước đột phá so với sân khấu truyền thống: kịch tính, hiện đại, chạm đúng mạch quan tâm của người trẻ - quan tâm đến mạng xã hội, livestream, scammer...
Liên hoan lần này cũng chứng kiến sự đổi mới về kỹ thuật, sân khấu hiện đại. Sân khấu không còn cứng nhắc, cũ kỹ mà được ứng dụng kỹ thuật dàn dựng hiện đại như ánh sáng LED, phông nền kỹ thuật số, video mapping..., làm cho sân khấu trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Một số vở sử dụng nhạc điện tử, hình ảnh động, điện ảnh hóa cảnh trí, giúp tạo hiệu ứng thị giác mạnh, phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ.
Khán giả đặc biệt ấn tượng với vở diễn khai mạc của Nhà hát Kịch CAND “Người thứ 3”. Đó là câu chuyện về phong trào đấu tranh của lực lượng văn nghệ sĩ trí thức, học sinh, sinh viên Sài Gòn trước năm 1975 - một đề tài hiếm khi được khai thác. Câu chuyện được dẫn dắt xúc động bằng âm nhạc và một góc nhìn nhân văn về tình yêu, về khát vọng hòa bình của người Việt. Đặc biệt, màn hình LED cũng là một điểm nhấn của “Người thứ 3” tái hiện hình ảnh hoa lệ của Sài Gòn xưa.
Vở kịch “Nhân tình” của Nhà hát Kịch nói Quân đội do tác giả Chu Thơm viết kịch bản, NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn là một trong những tác phẩm chạm đến những vấn đề của người trẻ. Trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh, mạng xã hội hỗn loạn thông tin, người chiến sĩ Công an không chỉ đối mặt với tội phạm mà còn phải vượt qua những áp lực vô hình từ dư luận, định kiến xã hội, thậm chí cả "thuật toán" của mạng xã hội làm lệch hướng nhận thức.
Nhà viết kịch Chu Thơm chia sẻ: “Chính vì vậy, khi viết “Nhân tình”, tôi hướng đến lớp khán giả trẻ, những người nhạy cảm với xu hướng, thích sự mới lạ, quen tiếp nhận thông tin qua công nghệ. Vở diễn không ồn ào, nhưng phải có chất đời, có chiều sâu và gần gũi. Đó là cách đổi mới sân khấu, để truyền tải hình ảnh người chiến sĩ Công an không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn thấu tình, đạt lý, sống giữa dân và vì dân”.
Không khuôn mẫu, không lý tưởng hóa một chiều
Liên hoan sân khấu lần này có những tác phẩm bám sát đời sống, phản ánh những chính sách, đổi mới trong lực lượng Công an một cách đậm nét, thuyết phục. Nhà hát Chèo Quân đội mang đến liên hoan vở chèo “Vùng trời bình yên” do NSND Tự Long làm đạo diễn. Đây là vở diễn được xây dựng từ thực tiễn của chính sách đưa Công an chính quy về xã trong thời gian qua, được NSND Tự Long dàn dựng khá hấp dẫn, mềm mại, từ câu chuyện của một chiến sĩ Công an tốt nghiệp ra trường nhận nhiệm vụ về một xã xa xôi công tác, bắt đầu từ mục đích là tìm ra thủ phạm giết mẹ... và sự dấn thân của anh trên con đường đi tìm công lý.
Liên hoan lần này có duy nhất một vở nhạc kịch do Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội dàn dựng. Vở nhạc kịch mang tên “Trời xanh nơi đáy vực” kể về những chiến sĩ Công an phòng cháy, chữa cháy - những người hùng thầm lặng giữa đời thường. Vở diễn không kể về huyền thoại, mà là hành trình trưởng thành, đấu tranh và hy sinh của những người trẻ mang màu áo lính.
Trước ranh giới của sự sống và cái chết, họ không chỉ chiến đấu với giặc lửa, mà còn đấu tranh với chính mình - để trưởng thành, để đứng vững, để biết yêu thương và hy sinh. Điểm nhấn đặc biệt của vở diễn là hình thức thể hiện: nhạc kịch. Đây là tác phẩm duy nhất trong liên hoan năm nay lựa chọn thể loại này - một ngôn ngữ sân khấu hiện đại, trẻ trung, giàu cảm xúc.
Rõ ràng, sân khấu hôm nay cần thay đổi cách tiếp cận đề tài chiến sĩ Công an: không khuôn mẫu, không lý tưởng hóa một chiều, mà phải chạm đến đời sống, khắc họa người chiến sĩ Công an có nội tâm, có trăn trở, có lựa chọn và cả sự hy sinh. Việc tham gia liên hoan cũng là dịp để các đơn vị nghệ thuật cùng chung tay đổi mới cách thể hiện đề tài người chiến sĩ CAND. Đó không chỉ là bước tiến của sân khấu, mà còn là cây cầu kết nối để thế hệ hôm nay hiểu và yêu quý hơn hình tượng người chiến sĩ Công an giữa thời bình.
Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ V-2025 diễn ra từ ngày 24/6 đến 7/7 tại Hà Nội... Liên hoan hội tụ 21 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với 25 tác phẩm sân khấu. Ngoài các thương hiệu sân khấu lâu năm là các đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội...
Liên hoan thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị sân khấu tư nhân tại TP Hồ Chí Minh như Sân khấu Kịch Hồng Vân, Công ty TNHH Sân khấu Trương Hùng Minh, Công ty TNHH TH Entertainment - Sân khấu Quốc Thảo.
Cả hai trường đào tạo sân khấu - điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng nhiều đơn vị nghệ thuật địa phương như Thanh Hóa, Hưng Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh... đều có tác phẩm dự liên hoan. Liên hoan lần này đa dạng về thể loại như chèo, ca kịch, cải lương và kịch nói.