Những đôi tay tài hoa

Thứ Sáu, 17/06/2022, 09:46

Vẽ tranh không bằng chất liệu quen thuộc, nhiều người đã tạo ra những bức tranh bằng hạt gạo, khói, lá, hoa, thậm chí bằng bẹ chuối khô... Điều đó tiếp tục khẳng định về sự khéo léo của đôi bàn tay con người, cùng óc tưởng tượng, đã có thể biến những thứ rất bình thường thành tác phẩm nghệ thuật.

Đẹp và ấn tượng

Nói đến sự khác biệt, có lẽ tranh bằng khói bếp là độc đáo nhất. Tác giả của loại tranh này là ông Vũ Quốc Sự ở phường Xuân An, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Các công đoạn làm tranh của ông rất độc đáo. Ông cắt tre, nứa thành từng khúc theo kích cỡ nhất định, chẻ thành từng thanh, ghép vào nhau, đưa lên hun lửa cho ám khói. Khi khói ám đủ, ông cũng không dùng bất cứ loại bút nào, mà chỉ dùng cây kim nhọn, một lưỡi dao nhỏ và một viên đá mài để thao tác, tỉa, cạo, khắc theo ý tưởng của mình.

Thế nhưng ông Sự đã tạo nên những tác phẩm có hồn, được giới trong nghề đánh giá cao, thậm chí đã được mang đi triển lãm, bán rất có giá. Chia sẻ về công việc, ông Sự bảo, đây là sự sáng tạo thật, nhiều người xem tranh, tưởng ông dùng sơn vẽ nên. Phải đến khi họ trực tiếp xem ông làm tranh, họ mới tin.

Không được đào tạo về hội họa, nghề vẽ đến với ông nông dân Vũ Quốc Sự thật tình cờ. Đó là đầu năm 2007, ông đến nhà một người bạn, sửa giúp họ gian bếp. Khi tháo những thanh tre đen bóng ám khói và bồ hóng trên mái thì có một đòn bị va quệt, trầy xước làm lộ ra thân tre màu trắng nhạt. Sẵn có trí tưởng tượng phong phú, ông Sự đã dùng đinh cạo, vẽ lên đó một bức chân dung. Bức tranh được mọi người ở đó khen đẹp và có hồn. Từ đó ông nảy ra ý tưởng làm tranh khói.

Ông sự chia sẻ: "Tre nứa là thứ dễ kiếm. Tôi đã tìm nguồn, mang về chẻ ra, vót đều rồi ghép lại thành phên để làm dần. Để đạt chuẩn màu, phên tranh phải được hun khói liên tục ba tháng. Việc hun khói là phần quan trọng trong quá trình làm tranh. Khi khói phủ một lớp đen bóng trên từng khuôn tre thì mới là lúc có thể vẽ".

Sau 6 năm sáng tạo, ông Vũ Quốc Sự cho ra đời hàng trăm bức tranh với phong cách riêng biệt. Ông Sự cho biết thêm, công việc của ông sẽ không dừng lại ở đây mà sẽ tiếp tục được phát triển, mở rộng. Ông đã thử nghiệm vẽ tranh khói trên các chất liệu như thủy tinh, mi ca, nhựa và bước đầu cho kết quả tốt. Không chỉ độc đáo, những bức tranh khói của ông Sự được giới họa sĩ đánh giá cao về giá trị nghệ thuật.

chị tuyết phượng hướng dẫn bé lâm yến nhi sáng tác tranh gạo. (ảnh trương anh sáng).jpg -0
Chị Tuyết Phượng hướng dẫn bé Lâm Yến Nhi sáng tác tranh gạo. (Ảnh Trương Anh Sáng)

Cũng tạo nên những bức tranh độc đáo, nhưng cô gái Nguyễn Thị Tuyết Phượng ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang lại chọn chất liệu là những hạt gạo, được rang lên để đạt được các màu đậm nhạt khác nhau. Phượng chia sẻ: "Tôi đến với nghề làm tranh cũng tình cờ. Khi lần đầu tiên nhìn thấy một bức tranh gạo trên mạng, tôi đã ấn tượng. Tôi nghĩ, tại sao người ta có thể làm được và làm để làm gì? Rồi tôi tìm hiểu thì thấy đó là cách thể hiện tình yêu quê hương, thiên nhiên rất tốt. Tranh gạo thể hiện sự mới lạ, độc đáo được làm từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường".

Phượng đã mày mò tự học, mày mò cách làm. Sau nhiều lần thất bại, bức tranh gạo đầu tay mang chủ đề "Quê hương" được làm trên bìa giấy cứng, lồng trong khung kính đã hình thành. Ngắm tác phẩm, ấp bức tranh nhỏ đầu tay lên ngực mà chị mừng đến rơi nước mắt. Từ đó, Phượng nghĩ mình đã có thêm nghề mới để kiếm tiền nuôi con. "Để tạo tranh, tôi phải vẽ phác thảo nội dung trên tấm gỗ rồi bôi keo và xếp đặt các hạt gạo rang lên theo ý tưởng. Tùy chủ đề sẽ chọn tông màu rồi tỉ mỉ đặt từng hạt gạo vào bức tranh sao cho có hồn, có chiều sâu, thể hiện được ý tưởng", Phượng nhấn mạnh.

Cũng còn rất trẻ và mong muốn quảng bá "hạt ngọc" quê hương miền gạo trắng nước trong Cần Thơ, anh Khưu Tấn Bửu, Bí thư Chi đoàn khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sáng tạo nên những bức tranh gạo đầy màu sắc, thổi hồn và nâng tầm giá trị cho những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt. Tháng 11/2020, UBND TP Cần Thơ đã chứng nhận sản phẩm tranh gạo của Bửu xếp hạng 4 sao trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Anh Bửu, chị Phượng cùng một số người đam mê đã và đang gây dựng "dòng tranh gạo" độc đáo.

Sự kỳ diệu của tưởng tượng

Nhìn tranh khói, tranh bằng gạo rang đã ấn tượng. Khi chứng kiến chị Dương Hương Nhiên hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh vẽ tranh trên những chiếc lá bồ đề chỉ còn xương, tôi không thể không bất ngờ. Bất ngờ không chỉ bởi sự khéo léo của một người phụ nữ, mà còn bởi sự độc đáo trong cách chọn lựa chất liệu.

Nhiên kể, bắt nguồn từ những chiếc xương lá được người bạn gửi tặng, chị nảy ra ý tưởng mang chúng làm nắp hộp quà tặng và vẽ tranh lên để tạo ấn tượng. Từ đó chị theo đuổi công việc này. Để có xương lá, Nhiên chọn những lá bồ đề có đường gân rõ và khỏe ngâm nước khoảng 1 tháng. Trong thời gian ngâm thường xuyên thay nước cho đến khi phần thịt lá tan ra, lấy bàn chải nhỏ chải nhẹ và thu được xương lá.

Khi vẽ Nhiên gặp nhiều khó khăn bởi xương lá được cấu tạo bằng những mắt lá rỗng, đường gân gồ ghề. Khi thao tác vẽ, nét dễ bị nhòe nên chị phải tô đi tô lại nhiều lần. Kích cỡ của xương lá cũng là trở ngại, bởi lá bồ đề nhỏ, chiếc lớn nhất cũng chỉ dài 17cm. Để thực hiện bức tranh dân gian có hồn trên một phông nền nhỏ xíu người vẽ phải vô cùng khéo léo, tỉ mỉ. Với những bức vẽ lớn, Nhiên làm tranh xếp lá thay vì chỉ thể hiện trên một chiếc xương lá.

vẻ đẹp tranh trên xương lá bồ đề.jpg -0
Vẻ đẹp tranh trên xương lá bồ đề.

Nhiên tâm sự, vẽ tranh dân gian trên xương lá bồ đề có một vẻ đẹp duyên dáng, gợi chất quê thanh bình. Thông qua đó, chị mong muốn có thể góp phần nhắc nhớ về một nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam và giữ gìn môi trường. Chị Nhiên bộc bạch: "Càng vẽ tôi càng thấy thiên nhiên và sự tưởng tượng cũng như khả năng của con người thật kỳ diệu. Tôi rất mong mọi người có thể cảm nhận sức sống từ những chiếc xương lá mỏng manh. Cũng sẽ rất vui nếu tôi có thể góp một phần rất nhỏ truyền cảm hứng sáng tạo cho ai đó".

Trong hành trình tìm hiểu về các chất liệu trong hội họa, tôi cũng ấn tượng với họa sĩ Phan Văn Đắc ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, một người suốt 40 năm qua làm tranh bằng bẹ chuối khô. Ông Đắc cho biết, từ nhỏ ông yêu hội họa, nhưng gia đình không có điều kiện cho học chuyên sâu, nên ông phải tự học. Năm 1965, ông nhập ngũ, ngoài chiến trường ông đã vẽ ký họa chì và tìm một số chất liệu sẵn có. Ở dọc đường hành quân có nhiều chuối, ông đã cắt ghép những mảnh bẹ chuối khô và dán lại, tạo thành những mảng màu khác nhau. Từ đó ông đã tạo nên loại tranh độc nhất vô nhị.

Họa sĩ Phan Văn Đắc cho biết, bẹ chuối phải khô tự nhiên. Dù không sặc sỡ, bắt mắt nhưng bẹ chuối khô lại mang nét mộc mạc, giản dị, rất có hồn. Đến nay ông đã tạo ra khoảng 700 tác phẩm, có nhiều tác phẩm đoạt giải, trưng bày trong các bảo tàng và bán ra nước ngoài. Lão họa sĩ tâm sự: "Tôi thường làm tranh lịch sử, chiến tranh, phong cảnh và chân dung. Càng làm thì càng thấy sự sáng tạo là vô cùng. Và dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ có cách tận hiến cho nghệ thuật.

Ở ngoài đời sống, nhiều người còn có những cách sáng tạo khác, như vẽ tranh cát, vẽ tranh trong chai, vẽ tranh trên vỏ trứng, vẽ tranh bằng hoa cỏ khô… Tất cả đều chứng minh cho khả năng sáng tạo độc đáo và tình yêu hội họa, yêu thiên nhiên, quê hương cũng như văn hóa của con người. Anh Khưu Tấn Bửu, bộc bạch: "Rất nhiều người có sự sáng tạo. Tôi mong muốn sản phẩm của mình có thể chuyển tải được giá trị văn hóa của hạt gạo - hạt ngọc của quê hương, thể hiện tình yêu vùng sông nước miền Tây".

Diên Khánh
.
.