Kỷ niệm 35 năm ngày mất của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh:

Những điều còn mãi với thời gian

Thứ Bảy, 19/08/2023, 09:18

Nhân kỷ niệm 75 năm sinh Lưu Quang Vũ, 35 năm ngày mất cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của văn chương - kịch nghệ Việt Nam, ngày 16/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, gia đình hai cố tác giả phối hợp cùng Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức đêm thơ - nhạc - kịch mang tên “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”.

Tròn 35 năm cặp vợ chồng nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh rời xa trần thế, rời xa công chúng, nhưng di sản tinh thần mà họ để lại là những điều còn mãi với thời gian.

Nhiều bất ngờ với “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”

Đêm thơ - nhạc - kịch mang tên “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Chức, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Trang, NSƯT Tạ Tuấn Minh; các nhạc sĩ: Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Tâm, Trần Đức Minh; các ca sĩ Mỹ Linh, Bùi Hà My... Đêm thơ nhạc kịch “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” gồm 4 chương, với tựa đề là những câu thơ và tác phẩm nổi tiếng của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ: Chương I: “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ”, Chương II: “Anh yêu em và anh tồn tại”, Chương III: “Hồn Trương Ba - Da hàng thịt”, Chương kết: “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”.

Những điều còn mãi với thời gian -0
Ông Lưu Quang Định (ngoài cùng bên trái) - em trai nhà thơ Lưu Quang Vũ - chia sẻ thông tin về đêm thơ - nhạc - kịch "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi".

Với việc sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật như: Trình diễn thơ với các thi phẩm “Việt Nam ơi”, “Trung Hoa”, “Người cùng tôi”; Âm nhạc với sự xuất hiện của các ca khúc mới như “Mắt một mí”, “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và “Nhà chật” của nhạc sĩ Lê Tâm (đều phổ thơ Lưu Quang Vũ); kịch với vở kịch kinh điển “Hồn Trương Ba - da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ được thể hiện theo phong cách ước lệ hiện đại của Lucteam...

Chương trình tái hiện lại cuộc đời ngắn ngủi nhưng chất chứa tình yêu và khao khát sống đẹp, sống ý nghĩa của cây bút tài năng Lưu Quang Vũ - người được mệnh danh là nhà biên kịch tiên phong trong nền kịch nghệ Việt Nam ở thời đổi mới.

NSƯT Trần Lực - Tổng đạo diễn của đêm thơ - nhạc - kịch “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” chia sẻ: “Tôi cùng sân khấu Lucteam rất vinh dự và hạnh phúc khi tham gia dự án lần này. Tôi và gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng rất thân thiết, coi nhau như người nhà, bất cứ chương trình nào để tưởng nhớ anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh, chỉ cần gia đình có lời tôi sẵn sàng tham gia. Từ bé, tôi đã xem kịch của anh Vũ rất nhiều, trong đó “Hồn Trương Ba - da hàng thịt” là vở diễn tôi vô cùng yêu thích. Lần này, tác phẩm sẽ được mang lên sân khấu với sự thể hiện mới mẻ theo phong cách của Lucteam”.

Có thể thấy, song hành cùng với thơ và kịch, dường như đời sống của chàng thanh niên nhiều khát vọng Lưu Quang Vũ luôn có sự hiện diện của tình yêu đôi lứa. Trong đêm thơ - nhạc - kịch, với chương II “Anh yêu em và anh tồn tại”, lần đầu tiên trong một chương trình tưởng niệm về Lưu Quang Vũ nhắc tới cả 3 người phụ nữ đã có ảnh hưởng tới cuộc đời, cũng như để lại nhiều dấu ấn trong các sáng tác của Lưu Quang Vũ đó là diễn viên Tố Uyên, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Trong đó, Tố Uyên là tình yêu say đắm, trong sáng của một chàng trai mới lớn. Nguyễn Thị Hiền là tri kỷ, là tình yêu của những năm đất nước chiến tranh, gian khổ được Lưu Quang Vũ gọi là những “năm đau xót và hy vọng” khi lận đận kiếm sống và tìm con đường trong nghệ thuật. Đến khi gặp Xuân Quỳnh vào năm 1973 - người đã cùng ông đi qua những tháng ngày thăng hoa cả về tình yêu và sự nghiệp - thì tình yêu của ông trở nên trọn vẹn, trưởng thành, đằm thắm, với những cung bậc phong phú nhất, từ lãng mạn, đắm say đến giản dị, đời thường…

Chia sẻ về chương trình này, ông Lưu Quang Định (em trai nhà thơ Lưu Quang Vũ) - Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng Ban tổ chức đêm thơ - nhạc - kịch “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” cho biết: “Di sản nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ để lại rất đồ sộ. Những năm vừa qua, gia đình, đồng nghiệp và những người hâm mộ anh đã làm nhiều chương trình nghệ thuật khác nhau, nhưng mới chỉ mang tới khán giả một phần rất nhỏ trong số di sản đó. Người yêu thi ca hay nhắc tới anh với những bài thơ tình say đắm, lãng mạn, nhưng Lưu Quang Vũ còn có một loạt tác phẩm với đầy cảm xúc công dân, tinh thần trách nhiệm của một nhà thơ trước các vấn đề lớn của xã hội, tình thương dành cho những con người nhỏ bé, yếu thế...”.

Chờ đợi một giải thưởng sân khấu mang tên Lưu Quang Vũ

Những điều còn mãi với thời gian -1
Gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ năm 1987. (Ảnh tư liệu gia đình).

Giữa lúc tài năng của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đang vào độ chín và nở rộ thì một tai nạn đau thương đã cướp đi sinh mạng của cả 2 vợ chồng và bé Quỳnh Thơ vào ngày 29/8/1988, để lại niềm xót thương sâu sắc trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và công chúng, khán giả. Với di sản văn chương đồ sộ mà vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ để lại, trong những năm qua đã có rất nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức nhân ngày sinh hay ngày mất của cặp đôi tài hoa bạc mệnh này.

Từ “hiện tượng Lưu Quang Vũ” còn gây nhiều tranh cãi trong những năm 80 của thế kỷ trước, Lưu Quang Vũ đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000. Đến năm 2013, nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cùng Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức “Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ”.

Tại liên hoan, trong số hơn 50 vở diễn mà nhà biên kịch Lưu Quang Vũ để lại, đã có 12 vở diễn được dàn dựng (7 kịch nói, 2 vở chèo, 1 vở cải lương, 1 vở dân ca kịch Huế và 1 vở kịch hình thể). Năm 2018, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam một lần nữa đứng ra tổ chức hội thảo “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam” để làm rõ nét hơn những đóng góp, những thành tựu, những góc nhìn có tính chất “dự báo”, tính nhân văn, tính thời đại và sức sống bền bỉ của kịch Lưu Quang Vũ trong đời sống hôm nay.

35 năm kể từ khi Lưu Quang Vũ ra đi, những tác phẩm của ông được các đơn vị nghệ thuật khai thác, dàn dựng với mật độ khá dày đặc, nhất là trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây khi các nhà hát đối mặt với sự khủng hoảng thiếu kịch bản hay. Chỉ tính “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” năm 2023, hàng loạt các vở kịch đã được các nhà hát biểu diễn trong tháng 7, 8 nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

Riêng Nhà hát Tuổi trẻ đã có chuỗi chương trình biểu diễn gồm các vở diễn đặc sắc được dàn dựng trong những năm qua, đó là: “Ông không phải là bố tôi”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Sống mãi tuổi 17”. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Thói đời - Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời” với 4 vở diễn thể hiện được nhân sinh quan, góc nhìn đặc biệt, đồng thời cũng chứa đựng những “tuyên ngôn” trong nghệ thuật cũng như trong đời sống của Lưu Quang Vũ đó là: “Bệnh sĩ”, “Người tốt nhà số 5”, “Nguồn sáng trong đời”, “Người trong cõi nhớ”.

Với sự xuất hiện trở lại của hàng loạt vở diễn đặc sắc của Lưu Quang Vũ, đâykhông chỉ là dịp tri ân những đóng góp của cố tác giả cho nền sân khấu nước nhà mà còn là dịp khán giả Thủ đô có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm để đời của ông mà còn cho thấy sức sống bền bỉ và những thông điệp nhân văn trong kịch Lưu Quang Vũ chưa bao giờ cũ. Chính vì thế, thông tin từ gia đình cố nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ về ý tưởng có một “giải thưởng sân khấu kịch Lưu Quang Vũ” được rất nhiều đồng nghiệp sân khấu cũng như khán giả ủng hộ. Với những đóng góp to lớn cho nền sân khấu hiện đại, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ hoàn toàn xứng đáng có được một giải thưởng mang tên mình.

Ngoài ra, “Quỹ học bổng Lưu Quang Vũ” và bảo tàng số hóa các tác phẩn của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đang được gia đình nghiên cứu, triển khai. Qua đó thấy rõ, những di sản tinh thần mà Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ để lại vô cùng to lớn. Việc các tác phẩm của họ vẫn tiếp tục được dàn dựng, trình diễn, làm mới, phổ biến... chính là những “Điều không thể mất” trong lòng công chúng, khán giả.

Nguyệt Hà
.
.