Những điểm nhấn của âm nhạc Việt năm 2021
Năm 2021, cũng như các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác, đời sống âm nhạc Việt chịu nhiều ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID – 19. Tuy nhiên, bên cạnh mảng màu ảm đạm, bức tranh âm nhạc vẫn ghi dấu một số điểm nhấn thú vị, lạc quan...
Kể từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh chung của âm nhạc quốc tế, nhạc Việt đã trải qua gần 2 năm ảm đạm vì dịch bệnh. Để phòng, chống dịch bệnh lây lan, sân khấu biểu diễn gần như đóng băng. Nhiều chương trình ca nhạc đã phải lùi lịch hoặc hủy diễn. Có lẽ, chưa khi nào, những người làm nghề cũng như khán giả yêu nhạc phải trải qua giai đoạn trầm lắng như vậy.
Đặc biệt, làn sóng dịch bệnh thứ 4, bắt đầu từ tháng 4/2021 nghiêm trọng hơn 3 làn sóng dịch trước đó đã khiến cho tất cả các kế hoạch, dự án của các nghệ sĩ bị đảo lộn hoặc đóng băng. Các chương trình biểu diễn không thể tổ chức, các hoạt động ra mắt sản phẩm cũng không thể thực hiện theo cách thông thường.
Cùng với đó, nỗi lo lắng thường trực về dịch bệnh cũng khiến đông đảo công chúng không mặn mà với giải trí. Tình hình này mang đến sự thiệt hại to lớn với các nghệ sĩ khi phải hoãn tổ chức những chương trình có quy mô đầu tư lớn. Chỉ riêng trong tháng 5, đã có 2 show diễn phải hoãn tổ chức đó là liveshow “Tri âm” của ca sĩ Mỹ (ngày 1/5) tại Hà Nội và “Hà show” của ca sĩ Quang Hà (dự kiến diễn ra vào ngày 8/5) với mức đầu tư lên tới 11 tỷ đồng. Kế hoạch ra mắt album “Chúng ta” của ca sĩ Sơn Tùng - MTP cũng đã phải dời lịch liên tục, thay đổi nhiều lần từ ngày 1/5 tới nay là 31/12...
Một số ca sĩ quyết định thực hiện liveshow trên nền tảng số. Tiêu biểu như rapper Đen Vâu đã quyết định trình chiếu liveshow kỷ niệm 10 năm đi hát có tên “Show của Đen” trên nền tảng Netflix và Youtobe như lời cảm ơn dành cho khán giả yêu quý mình. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng đã đăng tải vol3 “Hoàng” lên kênh YouTube riêng vào tháng 8…
Không ra mắt các sản phẩm âm nhạc theo cách thông thường, các ca sĩ chọn nền tảng số để tiếp cận khán giả. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, năm nay tình hình các bảng xếp hạng Vpop khá đìu hiu, không có nhiều dấu ấn đặc biệt. Dù các ca khúc vẫn được ra mắt nhưng không có nhiều sản phẩm tạo được cơn sốt như trong năm 2020. Những điều đó chứng minh sự kém náo nhiệt của nhạc Việt so với các năm trước.
Nếu như năm 2020 là năm ghi dấu nhiều nghệ sĩ với những bản hit đình đám thì năm 2021 nhìn vào số lượng MV ra mắt cũng như số liệu lượt view sẽ thấy trầm lắng hơn hẳn. Không chỉ các ca sĩ trẻ mà các ngôi sao cũng không tạo được sức hút như trước. Một vài sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ tên tuổi cũng không đạt được lượng view như kỳ vọng.
Nguyên nhân chính được chỉ ra đó là do dịch bệnh. Bản thân các nghệ sĩ không ai muốn rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, có thể vì đã đầu tư số tiền khá lớn vào ca khúc, quay MV, nếu ra mắt trong thời điểm này thì nguy cơ lỗ rất cao. Chính vì thế, các nghệ sĩ đành chọn thực hiện những công việc khác như thu âm, chọn bài hoặc “ém hàng” chờ cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới có thể ra mắt sản phẩm.
Đa phần MV của các nghệ sĩ cũng chỉ được thực hiện theo dạng hoạt hình hoặc quay tối giản. MV phòng thu cũng là một cách mà các nghệ sĩ loay hoay làm nghề giữa thời dịch bệnh. Đơn cử như ca sĩ Vũ cùng Lukas Graham ra mắt bản “Peformance Video – Happy for you” hay Bảo Anh với dự án “Mood show” – cover những ca khúc nữ ca sĩ yêu thích…
Vì những lý do khách quan và chủ quan, nhạc Việt đã có một năm tương đối ảm đạm trên bình diện biểu diễn. Tuy nhiên, chính dịch bệnh COVID – 19 lại mang đến cho âm nhạc một số lượng lớn ca khúc mang đề tài này. Một loạt ca khúc, MV ca nhạc được ra mắt ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn đau thương nhất của cuộc sống vì dịch bệnh đã góp phần không nhỏ trong việc động viên những lực lượng tuyến đầu chống dịch và tuyên truyền phòng, chống COVID-19.
Điều đó cho thấy, âm nhạc gần gũi, gắn bó với đời sống con người biết bao nhiêu. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, âm nhạc cũng cất tiếng nói chia sẻ, vỗ về với những nỗi niềm của con người. Với lợi thế riêng có của thể loại, âm nhạc cũng là một trong số ít loại hình nghệ thuật đến được với công chúng ngay trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào. Chính vì thế, âm nhạc đã được tăng cường như một liệu pháp tinh thần quan trọng trong hoàn cảnh đặc biệt này.
Trong đợt vận động đầu tiên về sáng tác ca khúc chống dịch do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đã nhận được hơn 200 tác phẩm. Từ đây đã lựa chọn xuất bản thành tuyển tập “Niềm tin” với 100 ca khúc chất lượng nhất, đồng thời xây dựng chương trình nghệ thuật online “Niềm tin – chúng ta là người chiến thắng” đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng.
Tháng 7 - 2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục phát động đợt sáng tác thứ 2. Chỉ sau hơn 1 tuần, hơn 400 ca khúc về đề tài chống dịch bệnh của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên trên khắp cả nước đã được gửi về. Điều đó cho thấy, dịch bệnh và những tổn thương của đời sống mà nó mang lại đã trở thành nguồn đề tài, thành cảm xúc mạnh mẽ với các nghệ sĩ.
Kể từ vũ khúc “Ghen – Covy” nổi tiếng trong và ngoài nước, đến nay sẽ không thể kể hết được có bao nhiêu sản phẩm âm nhạc được các nghệ sĩ ra mắt nhằm động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chính vì thế, âm nhạc mang đề tài phòng chống COVID – 19 là một trong những điểm sáng của bức tranh Vpop năm 2021. “Rừng” ca khúc, MV về đề tài này đã làm thành một cuốn nhật ký âm nhạc ghi lại sự cống hiến cao cả của những chiến sĩ áo trắng, sự hy sinh đầy trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu và sự đẹp đẽ của tình người trong gian khó. Hầu hết các ca khúc đều được thể hiện đơn giản, không cầu kỳ về hình thức, không sử dụng những kỹ thuật âm thanh hiện đại nhưng vẫn chạm đến trái tim người nghe với sự rung động và đồng cảm sâu sắc.
Trong bức tranh âm nhạc có phần lặng lẽ thời gian qua thì một loại hình âm nhạc vẫn khẳng định được vị trí của mình trong dòng chảy âm nhạc đương đại Việt Nam đó chính là rap. Vì không tổ chức được các show ca nhạc trực tiếp, các công ty giải trí tập trung vào thực hiện các show ca nhạc trên truyền hình.
Chính sự xuất hiện của hai chương trình truyền hình lần đầu về rap cùng chiếm sóng giờ vàng ở Việt Nam là “Rap Việt” và “King of Rap” đã thu hút lượng người xem đông đảo ở mỗi tập phát sóng. Từ đây, công chúng nhận diện rõ nét hơn về một thế hệ rapper với nhiều màu sắc và cá tính nổi bật: Binz, JustaTee, BigDaddy, Suboi, Đen Vâu, Dế Choắt… Từ vị trí chỉ đóng vai phụ, tham gia góp giọng vào những sản phẩm của các nghệ sĩ thuộc dòng chính thống, các rapper đã trở thành nhân vật chính trong các sản phẩm âm nhạc độc lập. Không ít MV của các rapper đã sở hữu vài chục triệu lượt xem trên các nền tảng số.
Nhiều câu hát ở các bài rap nổi tiếng đã được các bạn trẻ sử dụng phổ biến trong đời sống và trên mạng xã hội. Có những bài rap Việt đã làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng trong và ngoài nước. Rap phổ biến tới mức trong nhiều cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi, chất liệu này cũng chiếm số lượng lớn.
Lý giải về sự trỗi dậy mạnh mẽ của Rap, các chuyên gia âm nhạc cho rằng, rap phù hợp với tư duy, cảm xúc thẩm mĩ của giới trẻ hiện nay. Sự tự do, phóng khoáng và sự rộng mở của biên độ sáng tạo đã đã khiến những nghệ sĩ trẻ yêu thích. Tiết tấu nhanh, nội dung mang hơi thở thời đại là những điểm mạnh mà rap ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong lòng công chúng.
Sự phát triển mạnh mẽ của rap thời gian gần đây đã mang đến hơi thở mới cho đời sống âm nhạc, góp phần hoàn thiện hơn diện mạo nhạc Việt trong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng cao. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của công nghệ và truyền thông, các rapper càng có điều kiện tiếp cận và mở rộng đối tượng khán giả.
Nhìn chung, Vpop đã trải qua một năm nhiều khó khăn và thiệt thòi với cả nghệ sĩ và khán giả yêu nhạc. Dù công nghệ có hiện đại, tối tân đến mấy cũng không thể thay thế được cảm xúc khi được thưởng thức âm nhạc trực tiếp. Nghệ sĩ và công chúng đều mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát, cuộc sống sớm trở về trạng thái bình thường để bức tranh âm nhạc thêm đa sắc và sôi động.