Những cuộc “trở về”của di sản mỹ thuật Việt
Những ngày tháng 3 này, giới mỹ thuật Việt Nam chứng kiến 2 cuộc hồi cố ý nghĩa. “Trời, Non, Nước” là triển lãm thứ hai, cũng là triển lãm lớn nhất của Vua Hàm Nghi tại Huế và một triển lãm mang tên “Nguồn cội” của họa sĩ người Việt sống ở Pháp, Tô Bích Hải... Có thể nói, trong nhiều năm qua, những cuộc trở về của hội họa Đông Dương, tranh của Vua Hàm Nghi hay những họa sĩ Việt ở nước ngoài là cuộc trở về của di sản...
1. Vào những ngày cuối tháng 3 này, tại không gian cổ kính trầm tích của điện Kiến Trung (Đại nội Huế) một cuộc hội ngộ chưa từng có sẽ diễn ra khi 20 tác phẩm của Vua Hàm Nghi được hồi hương. “Trời, Non, Nước” là nỗ lực của những người yêu nghệ thuật muốn đưa di sản của một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho nền mỹ thuật hiện đại Việt trở về quê hương. “Trời, Non, Nước” do Tạp chí Art Republik Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Triển lãm sẽ trưng bày hơn 20 tác phẩm phong cảnh sơn dầu nguyên bản do Vua Hàm Nghi sáng tác trong những năm tháng bị lưu đày, quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân. Các tác phẩm đã được hồi hương, thẩm định, bảo quản và phục chế bởi các chuyên gia đầu ngành và được đồng giám tuyển bởi nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê và Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi.
Theo giám tuyển Ace Lê, công chúng đã biết tới Vua Hàm Nghi như một anh hùng dân tộc, người đã thảo chiếu “Cần vương” với tham vọng giành lại chủ quyền cho dân tộc từ thực dân Pháp. Tuy nhiên, chưa nhiều người biết rằng, ông cũng là một trong 2 họa sĩ Việt đầu tiên (cùng Lê Văn Miến) được đào tạo sáng tác theo phương pháp hàn lâm Tây phương, vì thế có thể xem ông là người đóng vai trò tiên phong trong buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Ace Lê nhận định: “Tranh Hàm Nghi là sự kết hợp độc đáo giữa tài năng hội họa và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương và ẩn chứa cả sự phản kháng ngầm trước những áp bức trong thời gian bị lưu đày. Các bức tranh phong cảnh của ông mang đậm ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng nhưng vẫn phảng phất tinh thần phương Đông, đặc biệt là trong cách sử dụng màu sắc và bố cục. Mỗi tác phẩm là một lát cắt tâm trạng của vị hoàng đế cô đơn nơi đất khách. Núi non, sông nước trong tranh Hàm Nghi không đơn thuần là cảnh sắc thiên nhiên, mà còn là ẩn dụ cho khát vọng tự do, là những ký ức về quê hương Việt Nam luôn hiện hữu trong lòng ông.
Sự “trở về” của những bức tranh Hàm Nghi trong không gian điện Kiến Trung - nơi ở cũ của hoàng tộc nhà Nguyễn, là lời tri ân của hậu thế dành cho vị vua yêu nước. Đây cũng là cơ hội hiếm có để công chúng tại Việt Nam được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tranh Vua Hàm Nghi tại một không gian triển lãm được thiết kế trong di tích nhằm đáp ứng tiêu chuẩn triển lãm của bảo tàng quốc tế.
Bên cạnh việc thưởng lãm các tác phẩm quý, du khách khi đến với triển lãm còn có cơ hội tiếp xúc, giao lưu cùng đội ngũ giám tuyển, chuyên gia để hiểu hơn về quá trình hồi hương tranh Hàm Nghi và thực hiện trưng bày. Đặc biệt, triển lãm còn có sự xuất hiện của Tiến sĩ Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi - tác giả của cuốn sách “Hàm Nghi - hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ tại Alger” vừa ra mắt tại Việt Nam cuối năm 2024, góp thêm góc nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời và thực hành nghệ thuật của vị vua tài hoa trong thời gian lưu đày ở Pháp và Algeria.
2. Cũng trong những ngày tháng 3 này, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam diễn ra triển lãm hồi cố của họa sĩ Tô Bích Hải mang tên “Nguồn cội”. Sự kiện do Lân Tinh Foundation và Lê Bá Đảng Memory Space tổ chức. Đây là triển lãm hồi cố đầu tiên của nghệ sĩ Tô Bích Hải tại Việt Nam.
Nghệ sĩ Tô Bích Hải sinh năm 1947 tại Móng Cái (Quảng Ninh), là người dân tộc Tày với gốc rễ văn hóa từ Cao Bằng và Lạng Sơn. Hơn 60 năm sống và thực hành nghệ thuật ở nước ngoài, nhưng tâm hồn của bà vẫn luôn có những kết nối với nguồn cội. Triển lãm là một không gian đa sắc màu thể hiện bản sắc cá nhân và giá trị dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, gợi mở cho người xem suy ngẫm về nguồn gốc, giá trị của văn hóa dân tộc và tinh thần truyền thống.
Thời trẻ, bà học tại Học viện Mỹ thuật Lausanne, Thụy Sĩ, trước khi định cư tại Pháp vào năm 1968 và thực hành nghệ thuật. Triển làm “Nguồn cội” là chuyến du hành đi theo các bước chuyển lớn trong sự nghiệp của bà khi thử nghiệm với các chất liệu khác nhau như sơn dầu, than chì, điêu khắc gỗ... Trong đó, loạt sơn mài tĩnh vật là một góc nhìn mới của nghệ sĩ khi đặt vấn đề về cội nguồn của thiên nhiên qua lát cắt của các loại quả. Cụm điêu khắc sắp đặt Totem đưa người xem về với những gì đơn sơ nhất của các phong tục thờ cúng truyền thống của người Tày...
Các tác phẩm của bà mang đến một góc nhìn về căn tính, văn hóa, giá trị dân tộc trong mỗi con người. Có thể nói, Tô Bích Hải là người nghệ sĩ của những linh hồn truyền thống và hiện đại. Như bà chia sẻ: “Tôi chỉ là hạt giống nhỏ, loài cây hoang vươn lên tìm ánh sáng, để nghe cây thở dài, để nghe đá thì thầm trong cuộc chuyển mình rạo rực. Tôi như kẻ nhìn trộm vào sự biến hóa và thăng hoa của vật”. Tranh của bà đang có tại nhiều bảo tàng lớn trên thế giới.
3. Cuộc “trở về” của 2 tác giả này cho thấy tình yêu nguồn cội của những người Việt xa xứ. Dù họ sống ở đâu thì tinh thần Việt vẫn thấm đẫm trong các tác phẩm của họ. Với Vua Hàm Nghi: “Các tác phẩm của ông là minh chứng đầu tiên cho việc các nghệ sĩ Việt ở nước ngoài có thể tiếp tục sáng tạo, đổi mới và bảo tồn bản sắc văn hóa thông qua nghệ thuật. Khi xem, tôi cảm thấy các bức tranh không chỉ đơn thuần mô tả phong cảnh mà còn thể hiện sự cô đơn đầy ắp và nỗi khao khát hướng tới một quê hương mà ông không bao giờ có thể trở về” - một nhà phê bình mỹ thuật chia sẻ.

Còn với họa sĩ Tô Bích Hải, tranh của bà là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thiên nhiên và con người. “Tôi luôn dành nhiều tâm tư và tình cảm, cũng như tâm huyết về hai chữ nguồn cội, mảnh ghép về mạch nguồn ký ức, triết lý nhân sinh, về sự sống, sự hồi sinh... Những bản cộng hưởng cho sự phát triển lành mạnh và cảm giác về quê hương qua đời sống sinh hoạt hằng ngày sẽ mang đến những tư tưởng lan tỏa cho công chúng Việt Nam và thế giới”.
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Việc trưng bày và giới thiệu những tác phẩm của Vua Hàm Nghi giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước, qua đó ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản”.
Nhiều năm qua, đời sống mỹ thuật trong nước đã chứng kiến nhiều cuộc trở về có ý nghĩa của các họa sĩ Đông Dương như Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu... Trước đó, vào tháng 1/2024, chuyên đề về họa sĩ Lê Bá Đảng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Các tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng nổi tiếng bởi sự kết hợp độc đáo giữa các kỹ thuật hội họa, điêu khắc và chạm khắc trên chất liệu thiên nhiên. Dù sống và sáng tác tại Pháp, tâm hồn ông luôn hướng về đất nước. Những tác phẩm được trưng bày ở Việt Nam không chỉ mang đậm giá trị nghệ thuật, mà còn mang nhiều âm hưởng quê hương được kết tinh từ chính tình cảm và niềm tự hào dân tộc họa sĩ đã gửi gắm.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt cho rằng, những cuộc “trở về” của các họa sĩ Việt ở nước ngoài cho thấy dòng chảy của văn hóa Việt như một mạch nước ngầm trong tâm hồn mỗi người Việt xa xứ. Đó là sự kết nối về văn hóa giữa quá khứ và hiện tại. Điều này thể hiện tình yêu đất nước, sự gắn kết với cội nguồn của người nghệ sĩ. Đó là những di sản quý giá của văn hóa Việt Nam và cũng là bài học cho nghệ sĩ trẻ trên con đường sáng tạo”.
Có thể nói, đó là những cuộc “trở về” của di sản, gắn liền quá khứ với hiện tại. Hơn thế, đó không chỉ là di sản của nghệ thuật Việt mà còn là minh chứng sống động cho sự kết nối giữa những giá trị nguồn cội với dòng chảy toàn cầu.