Những cô giáo được nhiều người biết đến nhờ văn chương
Chục năm qua, vùng đất xứ Đông (Hải Dương) xuất hiện lực lượng viết văn chương khá hùng hậu. Họ là những nữ giáo viên say mê sáng tạo, cũng đã gặt hái được những mùa quả thơm trên cánh đồng văn chương. Có người đang tiếp tục bồi đắp tình yêu văn chương, lịch sử cho các em học sinh để các em tiếp nối con đường sáng tạo.
Mỗi người một vẻ
Sẽ không ngoa khi nói rằng, vùng đất xứ Đông đang "phất" bởi văn chương, mà nhiều cô giáo đang tạo dựng bản sắc cho con đường sáng tạo. Rất nhiều cô giáo hiện vừa đang giảng dạy, vừa viết và góp phần rất đáng kể vào dòng chảy văn chương nước nhà. Phải kể đến các gương mặt như Nguyễn Hải Yến, Trần Thùy Linh, Nguyễn Thu Hằng, Trần Thúy Lành, Vũ Thị Thanh Hòa… Mỗi gương mặt lại có nét riêng, tạo nên các tính sáng tạo của nhà văn.
Chị Nguyễn Hải Yến, với tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn "Quán thủy thần" để lại dấu ấn đáng nể. Hầu hết các truyện được đưa vào chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam, có truyện được chuyển thể thành kịch nói. Tập truyện cũng được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau giải thưởng này, chị tiếp tục đoạt giải Nhất trong cuộc thi truyện ngắn (2018-2020) của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, với hai truyện ngắn "Hoa gạo đáy hồ" và "Cửa sông thiên đường". Ngay sau đó, tập truyện "Hoa gạo đáy hồ" gồm 10 truyện ngắn của chị cũng được in và phát hành. Hải Yến viết truyện thường theo hai lối hiện thực và huyền ảo, các trang viết của chị cũng luôn đậm đặc không khí làng quê.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Minh Thái, từng chia sẻ: "Có thể coi Nguyễn Hải Yến là một cây bút viết truyện ngắn trẻ trung, hiện đại, trên một căn cơ vững bền của lòng nhân ái, luôn rưng rưng thương cảm nhân vật, truyền nhiễm sang người đọc rưng rưng theo. Tuy nhiên, nhà văn trẻ này đủ tỉnh táo, không muốn ru người đọc lịm người trong thú đau thương hoặc sự vô minh trong nhận thức...".
Đến với văn chương bằng đam mê và sự khao khát, song cũng rất đỗi chân thành, cô giáo, nhà văn Nguyễn Thu Hằng vừa vinh dự nhận giải 3 - Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII, do NXB Trẻ tổ chức, với tập truyện ngắn "Chuồng cọp trên cao". Trước giải thưởng này, chị cũng đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi do Báo Văn nghệ tổ chức, với truyện ngắn "Mùa rươi' viết về đời sống thân phận phụ nữ miền quê xứ Đông, cùng nhiều giải thưởng khác, xuất bản gần 10 đầu sách và đều đặn có truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí.
Sống giữa làng quê vùng châu thổ Bắc bộ, giữa thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng nên đề tài sinh thái cũng là nguồn cảm hứng cho Nguyễn Thu Hằng sáng tác rải rác ở các tác phẩm. Trong "Chuồng cọp trên cao", thiên nhiên được xây dựng thành chi tiết hình tượng với mật độ khá dày. Truyện ngắn "Chuồng cọp trên cao" dùng làm tên cho tập truyện là câu chuyện của một giò lan phi điệp - Mây trắng Thượng Ngàn bị nhốt trong chuồng cọp lặng im quan sát, kể chuyện mình bị gả bán vào nhà giàu được sống trong "chuồng cọp" là mơ ước của bao giò lan khác nhưng lại là nơi giam hãm, tù ngục với lan.
Lời của nhành lan phi điệp: "Chính anh ấy đã bứt tôi ra khỏi thân cây cổ thụ trong rừng Thượng Ngàn năm nào. Cũng đôi mắt cương nghị ẩn chứa mầm lửa kia đã từng nhiều đêm đứng lặng ngắm tôi dưới trăng. Ánh mắt đắm đuối, bàn tay mơn man nồng nàn kia đã từng làm tôi nôn nao". Truyện "Chuồng cọp trên cao" thể hiện sự quan sát tinh tường, giàu cảm xúc của tác giả, đặc biệt là cách chăm lan, kể cả lan đột biến.
Cũng làm nghề dạy học, viết văn, nhà văn Trần Thúy Lành có thế mạnh ở mảng đề tài gia đình, thân phận của người phụ nữ. Văn của chị gần gũi, phù hợp với nhiều độc giả, dễ đi vào lòng người với những hình tượng nhân vật chân thực, giọng văn và cách viết giàu lòng trắc ẩn. Chị bảo mình sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh và tìm tòi hướng đi riêng để góp phần làm nên những sắc màu đa dạng cho văn chương xứ Đông.
Nhà văn Lê Hoài Nam nhận xét về văn của Trần Thúy Lành: "Truyện ngắn của Trần Thúy Lành thường rất giàu cảm xúc bởi dường như tác giả chỉ đặt bút viết tác phẩm khi nguồn cảm xúc dâng lên mãnh liệt và vốn hiểu biết đã thấu đáo. Ngay cả khi chị viết về những chuyện quái gở, hay kẻ phạm tội thì người đọc vẫn nhận thấy giá trị nhân văn cứ lan tỏa trong từng câu văn, con chữ".
Song, Trần Thúy Lành cũng tự thấy, chị không viết khỏe. Chị viết chậm và cũng ra sách rất chậm bởi Lành thường viết những gì mình tâm đắc và thực sự có cảm hứng chứ "không ép mình viết bao giờ". Tập truyện ngắn "Lồng son" đã được tái bản, dù trước đó số phận cũng khá long đong vì dịch bệnh COVID-19.
Nhà thơ Trần Thùy Linh (huyện Cẩm Giàng) cũng luôn đau đáu với nỗi niềm nhân tình thế thái, với lòng ham muốn tìm nét riêng cho mình. Trần Thùy Linh chia sẻ: "Tôi vẫn luôn khao khát tìm cho mình một con đường thơ riêng mà chưa thấy được. Thật sự tôi chưa khi nào thỏa mãn với những gì mình đã làm được, đã cống hiến cho nghệ thuật. Với tôi học hỏi anh em, bạn bè là điều cần thiết với mỗi người cầm bút nhưng tránh đi theo lối mòn, tránh việc sao chép, và nhất là không được "đạo" của người khác, đó chính là mình đã giữ được giá trị đạo đức của người cầm bút".
Trần Thùy Linh đến với thơ trước khi đến với nghề giáo. Mẹ của chị là một phụ nữ say mê đọc sách và bà đã truyền cái đam mê đọc cho anh em chị. Bố của Thùy Linh đã nhiều lần đốt sách của mẹ vì với ông thời đói kém ấy việc đọc sách thật xa xỉ, nhưng mẹ vẫn đọc, tới tận lúc mẹ chị bị tai biến liệt cả chân, bà vẫn không rời quyển sách.
"Tôi say mê đọc và tập tành viết từ khi là một cô bé con học cấp 2, nhưng nghề giáo đã cho tôi đủ tin yêu để viết nhiều hơn, có cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn để có thể viết đến tận bây giờ. Có thể nói, mẹ tôi đã cho tôi đam mê đọc và ham muốn viết, còn nghề nghiệp đã nuôi dưỡng cái đam mê và ham muốn ấy của tôi. Và khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi may mắn được học nhiều cô giáo dạy văn yêu nghề, yêu học sinh, chính các cô đã khuyến khích, động viên tôi cầm bút viết", Trần Thùy Linh chia sẻ.
Mảnh đất văn hiến
Xứ Đông là một miền quê giàu truyền thống văn hiến, hiếu học, có "làng tiến sĩ" Mộ Trạch và Văn miếu Mao Điền nổi tiếng. Đất và người Hải Dương đã trở thành nguồn cảm hứng để các cây bút khai thác, cảm nghiệm, sáng tạo.
Nhà văn Trần Thúy Lành tâm sự: "Được sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, xa quê đi học rồi lại trở về quê hương làm việc, tôi cảm thấy may mắn vì mình có điều kiện gắn bó với quê hương. Mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có dòng sông Kinh Thầy bồi đắp phù sa, có đặc sản vải thiều Thanh Hà, có những làng nghề truyền thống (làm gốm, làm hương…) ít nhiều đã đi vào sáng tác của tôi. Nhưng trải nghiệm và vốn sống còn hạn chế nên tôi vẫn cảm thấy ngòi bút của mình vẫn mắc nợ với quê hương bởi văn học cần xây dựng được những điển hình thực sự, những nhân vật có cá tính, mang đậm dấu ấn của một vùng, một quê".
Cô giáo, nhà văn Trần Thùy Linh và Trần Thúy Lành cũng đã và đang động viên rất nhiều học sinh viết văn. Rồi Báo Hải Dương là nơi tích cực đăng tải các sáng tác của các em học sinh trên mục "Bút xanh", từ đó góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp cho khả năng sáng tác của các em. Nhiều em đã khẳng định mình như Đặng Hải Yến, Ngô Quỳnh Thư, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Hữu Chuyên, Vũ Thị Thanh Anh... Các em có năng khiếu, có tâm hồn nhạy cảm và tình yêu đối với việc sáng tác.
Cô giáo Trần Thúy Lành chia sẻ: "Phải nói rằng các em đã được phát hiện, bồi dưỡng, khích lệ rất tốt và có động lực khi tác phẩm chất lượng đã được in. Tôi tin các em sẽ là lớp trẻ kế cận chúng tôi sau này. Tôi đã và sẽ tiếp tục làm công việc bồi dưỡng, động viên và định hướng cho các cây bút học trò để góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn truyền thống sáng tác thơ văn của xứ Đông".
Trong niềm tự hào về quê hương, mảnh đất địa linh nhân kiệt, các nữ nhà văn thường về thăm cố trạch Tự lực Văn đoàn ở huyện Cẩm Giàng, nơi sản sinh ra dòng văn học vang bóng một thời. Nơi cố nhà văn Thạch Lam đã viết nhiều tác phẩm nhân văn để đời: "Gió lạnh đầu mùa", "Hai đứa trẻ", "Dưới bóng hoàng lan"… Đó cũng là một trong những cách tự bồi đắp cảm hứng, lòng say mê để có thêm nhiều sáng tác hay cho nền văn chương Việt Nam nói chung, và Hải Dương nói riêng.