Nhóm nhạc Việt chết yểu: Vì đâu nên nỗi?
Thị trường nhạc Việt hiện nay vô cùng "khát" nhóm nhạc. Nhưng cứ hễ ra đời, một thời gian sau các nhóm nhạc lại giải tán không kèn không trống. Những nhóm trụ lại cũng dần mờ nhạt trên các sân khấu, chương trình giải trí lớn.
Chỉ dăm năm trước, sự ra đời của Cá hồi hoang, Ngọt, Da Lab, Lộn Xộn, P336, Chillies... khiến người ta hy vọng vào sự hồi sinh thời hoàng kim của nhóm nhạc Việt. Giai đoạn những năm 2000-2005, nhạc Việt có vô số nhóm khẳng định bản sắc riêng, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ với loạt ca khúc ăn khách như nhóm Mắt Ngọc, Mây Trắng, 1088, Tam ca Áo Trắng, Tam ca Ba Con Mèo, Tam ca 3A, Trio666, Năm Dòng Kẻ, GMC, AC&M, MTV....
Phải công nhận rằng, các nhóm nhạc của thế hệ 9x ngày nay tạo nên làn gió mới mẻ. Nếu Ngọt là cái tôi tự sự đậm chất hiện sinh của dân Hà Thành thì Cá hồi hoang lại là chất hiện sinh, phóng khoáng của giới trẻ thành thị miền Nam. P336 mang màu sắc tươi vui, sôi động của tuổi teen với bản hit "Đừng ngại ngùng". Trái ngược với Da Lab mang màu sắc thanh xuân của tuổi trẻ nhiều mộng mơ, khát vọng, nhóm Lộn Xộn khiến người nghe phải tủm tỉm cười mà thấm thía bởi loạt ca khúc châm biếm sâu cay. Những nhóm nhạc trên không chỉ được người hâm mộ đón nhận nhiệt tình mà còn ghi danh ở các giải thưởng âm nhạc lớn như Cống hiến, Mai Vàng, WeChoice...
Nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ hai năm sau khi nổi lên, nhóm Lộn Xộn đã đường ai nấy đi. Thành viên Việt Hưng, Thanh Nhàn thỉnh thoảng xuất hiện ở các chương trình giải trí trong vai trò ca sĩ solo. Nhóm Ngọt, Cá hồi hoang, Da Lab, P336... vẫn còn trụ nhưng hoạt động của họ gần như chững lại. Sản phẩm mới ra ít gây tiếng vang như các sản phẩm cũ. Họ cũng dần vắng bóng trên các chương trình âm nhạc lớn nhỏ. Nội bộ của các nhóm này thì liên tục có sự thay đổi khi không ít thành viên quan trọng rời nhóm.
Kết cục của những nhóm nhạc là bản sao xứ người càng dễ đoán. Hàng loạt nhóm đi theo mô hình K-pop như Lip B, CZB, Uni5, 365, The Air, Lime, Monstar, D1Verse... nhanh chóng giải tán dù họ lặn lội sang tận xứ sở kim chi học hỏi. Khác hơn một chút, SGO48 là phiên bản Việt của AKB48 - nhóm nhạc đình đám nhất Nhật Bản hiện nay. Ngay từ khi ra đời, nhóm đã gây chú ý với đội hình có đông thành viên nhất V-pop: đến 29 thành viên! Nhưng dù mới, dù lạ, SGO48 cũng tan rã vào năm 2021 sau lần ra mắt rầm rộ hồi năm 2019.
Riêng nhóm nhạc thời hoàng kim còn tồn tại đến bây giờ có MTV, Mây Trắng và Mắt Ngọc. Nhưng nếu MTV, Mây Trắng chỉ hoạt động cầm chừng thì nhóm Mắt Ngọc gần như rút vào hoạt động "bí mật" với các chương trình ca nhạc mang tính cộng đồng, phong trào. Trong khi đó, tên tuổi ca sĩ solo liên tục xuất hiện và thay phiên nhau "đại náo" làng nhạc. Không ngoa khi nói rằng những bài hát ăn khách nhất bây giờ đều nằm trong tay ca sĩ solo.
Sau một thời gian tạm hoãn bởi đại dịch COVID-19, Liên hoan Ban nhạc - Nhóm ca TP Hồ Chí Minh trở lại với người yêu âm nhạc. Liên hoan sẽ kéo dài từ ngày 1-10 đến ngày 30-10 với vòng sơ khảo tại phim trường Today TV, vòng chung khảo tại Làng Đại học Quốc gia và đêm chung kết dự kiến diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Khỏi phải nói những nhóm nhạc - thí sinh của Liên hoan - vui mừng như thế nào khi rất lâu rồi họ mới có một sân khấu lớn để trưng trổ tài năng. Liên hoan năm nay không chỉ bó hẹp với các ban nhạc, nhóm ca của nhà văn hóa các cấp mà còn mở rộng ra với đội nhóm tự quản của giới học sinh, sinh viên, giới công chức... Chất lượng tiết mục cũng được nâng cao khi ban tổ chức yêu cầu các bài hát phải có bản phối khí hòa âm mới, chứ không được chơi lại bản hòa âm đã có sẵn trên thị trường. Những sáng tác mới cũng được khuyến khích, bởi qua đó, tài năng và bản sắc của từng nhóm nhạc mới có cơ hội lộ rõ.
Nhưng điều làm nhiều người băn khoăn chính là "đầu ra" của các nhóm nhạc tiềm năng sau Liên hoan. Họ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động nhóm hay sớm tan đàn xẻ nghé như bốn kỳ liên hoan trước là câu hỏi mà nhiều phóng viên đặt ra cho ban tổ chức.
Ông Lê Cao Đạt, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức, cho biết việc phát huy thành quả cuộc thi là điều rất quan trọng bởi đó là cách nuôi dưỡng tài năng, không uổng phí công sức của cả mùa giải. Do đó, những nhóm nhạc đoạt giải cao tại Liên hoan sẽ được Trung tâm tạo điều kiện biểu diễn thường xuyên ở các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn của thành phố.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Hoài Sa, thành viên ban giám khảo, thẳng thắn chia sẻ: "Từ Liên hoan, các nhóm nhạc chất lượng được phát hiện là điều rất đáng vui mừng. Nhưng việc anh có thành danh hay không sau một cuộc thi là điều không ai dám hứa chắc, ngay cả ban tổ chức. Không phải chúng ta đoạt giải trong một cuộc thi là chúng ta có ngay tờ giấy bảo chứng rằng: mình sẽ tồn tại được với nghề, sẽ thành công trong thị trường âm nhạc".
Có thể thấy, nội lực chính là chìa khóa giúp nhóm nhạc đi đường dài. Bất kỳ cuộc thi hay liên hoan nào cũng chỉ là bàn đạp bước đầu để họ vươn xa hơn. Điều này dễ dàng nhận thấy ở các nhóm nhạc bắt chước theo kiểu K-pop. Những nhóm này sớm chết yểu bởi họ là bản sao của các nhóm thần tượng Hàn Quốc, Nhật Bản… Đa phần các nhóm đều rập khuôn y chang từ phong cách, hình thức đến âm nhạc của các nhóm nhạc K-pop nổi tiếng đời đầu, chỉ khác một chút là họ hát tiếng Việt. Là bản sao nhưng họ lại là bản sao lỗi, bắt chước không tới, bản sắc riêng không có nên họ không làm nên nổi một bản hit.
Nhưng lý do nội lực không phải đúng với tất cả. Ngọt, Da Lab, Lộn Xộn.... đều là những nhóm đậm bản sắc Việt, có cá tính âm nhạc riêng, đã tạo được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Nhưng đến nay hoạt động của họ khá trầm lắng. Phải thừa nhận rằng dù cố gắng đưa ra những sản phẩm âm nhạc mới nhưng sức hút của nhóm nhạc luôn không bằng những giọng ca solo.
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương từng tiết lộ chị từng cố công thành lập một số nhóm nhạc có thành viên chất lượng nhưng không thể đi được đường dài bởi thị trường nhạc Việt hiện nay không mấy ưa chuộng mô hình nhóm nhạc. Nhìn nhận thực tế, đại diện nhóm MTV cho hay sự thay đổi của thị trường, mong muốn phát triển của mỗi cá nhân chính là những nguyên nhân khiến nhóm nhạc khó trụ lại lâu dài. Làng nhạc bây giờ trăm hoa đua nở, nên để cạnh tranh, chất lượng sản phẩm của nhóm nhạc là chưa đủ. Họ phải có chiến lược PR, phát hành... làm sao để tiếp cận được đông đảo khán giả. Khổ một nổi, nếu các nhóm kiểu K-pop có công ty quản lý và tiềm lực tài chính dồi dào nhưng lại ít sản phẩm chất lượng thì những nhóm nhạc như Ngọt, Cá Hồi Hoang... lại là nhóm hoạt động độc lập, không có công ty quản lý hậu thuẫn. Sản phẩm chất lượng nhưng họ ít có chiến lược phát hành mà đều theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương".
Bàn thêm về nguyên nhân khiến các nhóm nhạc "sớm nở, tối tàn", NSƯT Trần Vương Thạch cho rằng: "Rõ ràng bây giờ mình quá thiếu sân khấu cho các ban nhạc. Tình trạng hát nhép, chơi nhạc bằng đĩa trên các sân khấu, chương trình ca nhạc... khiến các ban nhạc chơi nhạc live, hát live khó trụ lại".
Điều này càng khiến các ông bầu ngại mời ban nhạc. Nếu được mời biểu diễn, tiền catse của nhóm nhạc cũng chỉ bằng ca sĩ đơn, trong khi công sức đầu tư lại lớn hơn. Bởi nhóm nhạc phải có sự đồng đều về trang phục, vũ đạo... nên việc đầu tư, tập luyện mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Thu nhập chia ra cho mỗi thành viên khá ít ỏi nên chỉ một thời gian, khi cảm thấy "đủ lông đủ cánh", một số thành viên tìm cách rời nhóm để đi hát solo.
Theo tiết lộ của ông bầu Tăng Nhật Tuệ thì chỉ khi đi hát solo, ca sĩ mới dễ tạo nên danh tiếng và có thu nhập ổn định. Thành ra, về lâu về dài, nhiều người mặc định nhóm nhạc chỉ là bước đệm để mình bước vào con đường nghệ thuật chứ không mặn mà gắn bó lâu dài.