Nhịp phố bốn mùa hoa
Đường Phan Đình Phùng có hàng cây cổ thụ đẹp nhất trong các phố mới xây dựng cuối thế kỷ 19 ở Hà Nội. Phố nằm trên con hào lớn thẳng tắp chạy dọc phía Bắc Hoàng thành cũ và được kéo dài 1,5km. Nhiều biệt thự trên phố đẹp tựa tranh vẽ bên vườn cây ríu rít chim ca. Cố thi sĩ Phan Vũ đã mê mẩn: “Ta còn em rì rào hạt nhỏ/ Cơn mưa chợt đến trong chùm lá/ Vòm trên cao chuông hồi đổ/ Nhà thờ Cửa Bắc/ Tan chiều lễ/ Kinh cầu còn mãi ngân nga” (Em ơi! Hà Nội phố).
Những ký ức nõn xanh
Phan Đình Phùng là con phố thuộc tới ba phường của hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, Hà Nội. Đường rộng tới 20 mét (kể cả vỉa hè) được trồng xà cừ, sấu và sưa trắng (hai hàng cây mỗi bên) tạo thành vòm lá xanh mát. Đây là con phố hiện lên những bức tranh thú vị và thơ mộng. Phần đầu phố tính từ Hàng Bún tới đầu phố tiếp giáp Hàng Giấy (rẽ vào chợ Đồng Xuân) có nhiều cửa hàng ăn, giải khát mọc lên san sát.
Dòng người đi lại như mắc cửi qua những con phố chợ Hòe Nhai, Hàng Bún, Quán Thánh và Hàng Than. Thêm đó vườn hoa Vạn Xuân cũng là điểm thu hút du khách bên tháp nước cổ chính là nơi hẹn hò của những chuyến đi về phương bắc (qua cầu Long Biên). Đầu phố còn có tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân (số 7 Phan Đình Phùng), vẫn giữ nguyên ngôi nhà với kiến trúc cổ tạo nút nhấn độc đáo nơi kẻ chợ đông vui.
Đoạn đường giữa phố Phan Đình Phùng nổi bật là Di tích quốc gia Cửa Bắc thuộc Hoàng thành Thăng Long xưa. Đây là công trình lịch sử được nhà Nguyễn xây dựng từ năm 1805. Thành Cửa Bắc cao khoảng 9 mét, có chiều rộng hơn 17 mét còn bề dày tường thành khoảng 2,5m. Đây là cung đường luôn phủ dầy rêu xanh thời gian lịch sử cùng nét bi tráng của những người anh hùng chống Pháp. Trên cổng thành còn in dấu hai vết lõm do đạn đại bác của Pháp từng bắn phá khi tấn công xâm chiếm Hà Nội xưa.
Thời gian không phai nhòa lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Rêu phong có phủ kín tường thành nhưng ngọn lửa chiến đấu của những chiến binh do hai danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và Hoàng Diệu (1829-1882) luôn rực cháy huy hoàng. Câu nói của Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương âm vang từ vòm Cửa Bắc với khí phách hiên ngang khi dính đạn trọng thương. Ông bị giặc Pháp bắt trong cuộc tấn công Hà Nội lần thứ nhất (1873) và đã nói to với binh sĩ: “Bây giờ ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa”. Nguyễn Tri Phương đã tuyệt thực tới lúc hy sinh vì dân tộc.
Khi vào cuộc đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai (25/4/1882), thực dân Pháp đã bắn vào thành Hà Nội (dấu tích hai vết đạn hiện nay). Tổng đốc Hoàng Diệu kiên quyết tử thủ, dũng mãnh đánh trả giặc Pháp không chịu đầu hàng. Ông trực tiếp chỉ huy đội quân tại Cửa Bắc tiêu diệt một tên thiếu tá và ba lính Pháp bị thương. Khi lính Pháp đánh tràn vào thành từ các cửa khác, Tổng đốc Hoàng Diệu quyết treo cổ tự vẫn (tại Võ miếu) không chịu sa vào tay giặc. Những con chữ bằng máu của Hoàng Diệu dâng biểu tạ tội với vua vẫn còn lưu giữ trong sử thành Thăng Long.
Ông đã thảo rằng: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ thẹn với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thần chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng…”. Lòng người thật ai oán khi triều đình Huế sớm đầu hàng, bỏ mặc thành Hà Nội tang thương trong lửa đạn. Thật đúng là: “Sa cơ cái thế đành bất lực/ Cái chết bi hùng sáng sử xanh”.
Những ngôi nhà bên hàng cây lá rụng
Tiếp theo di tích thành Cửa Bắc là nửa phố Phan Đình Phùng từ Hoàng Diệu tới đại lộ Hùng Vương (bên công viên Mai Văn Thưởng) đi ra Hồ Tây. Đoạn phố này tập trung những ngôi nhà công sở, công vụ. Đó là những biệt thự với phong cách kiến trúc khác nhau luôn thu hút sự chú ý của những người đi qua.
Thật dễ nhận ra ngôi nhà số 80 và 57 Phan Đình Phùng (Di tích cách mạng - kháng chiến), nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Tổng Bí thư Đảng ta từ năm 1938) hoạt động bí mật vào những năm 1936-1939. Sau đó là những địa chỉ của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và Đảng ta đã từng ở như số 59 (Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh); hay số nhà 74 (Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương); hoặc đó còn là những ngôi nhà của ông Lê Thanh Nghị và nhà thơ Tố Hữu… Riêng quang cảnh ngôi biệt thự số 76 rất quen thuộc với giới văn chương nghệ thuật mỗi khi đi qua. Tại đây nhà thơ Tố Hữu (1920-2000) luôn mở cửa đón khách và thường đàm đạo văn chương ở ngay khu vườn cây trước nhà.
Có lẽ ai cũng nhớ đến bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu viết ngay sau khi trở về thủ đô (tháng 10 năm 1954). Đây là dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, minh chứng sự thắng lợi của Đảng và nhân dân ta sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Có thể nói bài thơ “Việt Bắc” (gồm 150 câu) là một trong những tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp thi ca của Tố Hữu. Với cấu trúc theo phong cách dân gian (đối đáp giao duyên) bài thơ “Việt Bắc” có sức truyền cảm sâu sắc tới bạn đọc.
Mỗi lần qua ngôi nhà đầy kỷ niệm thơ ca trên phố Phan Đình Phùng, tôi luôn rạo rực với hồn thơ thương nhớ: “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?/ Phố đông, còn nhớ bản làng/ Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?...”. Một cảm giác trong veo của núi rừng Việt Bắc luôn ẩn hiện trong hàng cây bên phố. Bởi gió luôn rì rào và những cánh chim thường bay về trú ngụ mùa đông tránh rét. Và khi hè sang thu tới, lòng thi nhân luôn thầm nhớ: “Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình/ Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” (Việt Bắc). Dường như nhà thơ đã đem cả núi rừng Việt Bắc về với hàng cây và những mái nhà rêu phong trên con phố này vậy.
Sự biến hóa lạ lùng của đường phố Phan Đình Phùng vào thời khắc giao mùa là nhờ vào hàng cây quanh năm tỏa bóng. Đó là vẻ đẹp u trầm mỗi khi mùa đông quay về cùng những cơn gió ù ù từ phía sông Hồng. Lá rụng bay xao xác. Thành Cửa Bắc càng trở nên thâm nghiêm với những lời rao bỏng ngô trên con đường vắng. Và khi đó hồn thơ mang mang: “Ta còn em hàng cây khô/ Buồn như dẫy phố” (Phan Vũ).
Thế rồi bỗng dưng xuân về, không gian trở nên trong vắt với dàn hoa sưa trắng dịu dàng khoe sắc. Đồng thời những hàng cây trổ búp nõn nà dưới ánh nắng long lanh. Phố lấp lánh với muôn hồng ngàn tía mộng mơ. Và còn đó khi hạ về, hàng cây xanh mướt reo vui trong cơn gió nam cùng ngọn cờ bay lồng lộng trên cửa thành. Còn nữa, khi cây rùng mình rụng lá thu sang, mặt trời trải những chùm tia nắng soi qua kẽ lá tạo nên những mành tơ mộng mị bên hè phố. Gió heo may mơn man trên những môi son má hồng dạo bước: “Ta còn em cô hàng hoa/ Gánh mùa thu qua cổng chợ/ Ngát/ Mùa thu” (Phan Vũ).
Những gót son dập dìu đại lộ
Những năm tháng gần đây, phố Phan Đình Phùng xuất hiện nhiều xe hoa bên thành Cửa Bắc hoặc dọc hè đường. Mọi người có thói quen hội tụ vào những ngày cuối tuần để chụp ảnh đẹp. Bên thành Cửa Bắc nhộn nhịp những tà áo dài muôn sắc màu bên các quầy hoa. Đôi khi cũng có người gánh hàng hoa như hồi xưa tạo nên cảnh thơ mộng cho những cô bé học trò cấp hai. Phải nói một chợ hoa hình thành tự nhiên với hàng chục xe chở những giỏ hoa đủ loại. Bất ngờ hơn, một số cửa hàng giải khát đã trở thành nơi dịch vụ cho những người đẹp trang điểm và thay trang phục. Chợ hoa xuất hiện từ sáng tới chiều tối bên thành cổ.
Con đường Phan Đình Phùng lúc nào cũng tươi sắc như mùa xuân trẩy hội. Nhiều ngày cuối tuần đường còn bị nghẽn tắc giao thông một đoạn dài vì những nam thanh nữ tú tới chụp ảnh. Đúng là một không gian của “Những gót son dập dìu đại lộ/ Bờ môi ai đậm đỏ bích đào” (Phan Vũ). Tôi bị thôi miên và trôi đi trong hồn phố rêu phong. Những đóa sen hồng trên tà áo dài như sóng sánh trên mặt hồ ảo mộng. Giai điệu quê hương luôn ngân vang: “Áo bay trên đường như mây xuống phố/ Áo tung sân trường tựa cánh chim câu/… Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi!”. ("Một thoáng quê hương" - Từ Huy và Thanh Tùng).