Nhìn từ triển lãm triệu đô "Hồn xưa bến lạ": Bước tiến nâng tầm thị trường tranh Việt

Thứ Năm, 28/07/2022, 16:12

Triển lãm "Timeless Souls: beyond the Voyage - Hồn xưa bến lạ" đã khép nhưng để lại rất nhiều dư âm đáng suy ngẫm, đưa thị trường mỹ thuật Việt Nam lên những nấc thang mới. Đây không chỉ là triển lãm tranh Đông Dương quy mô nhất từ trước đến nay mà còn là cột mốc đánh dấu sự dấn thân của sàn đấu giá quốc tế vào Việt Nam...

Ngay từ khi mới có thông tin, triển lãm "Hồn xưa bến lạ" (diễn ra từ ngày 11 đến 14/7 tại TP Hồ Chí Minh) đã thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của giới truyền thông lẫn dư luận. Rất nhiều cái nhất và lần đầu tiên hội ngộ ở triển lãm này khiến nó gây tiếng vang đến vậy. Về mặt lịch sử mỹ thuật, "Hồn xưa bến lạ" là một trong những triển lãm tranh Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam về cả giá trị lẫn số lượng. Lần đầu tiên những kiệt tác được định giá triệu đô của bộ tứ danh họa tốt nghiệp những khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương gồm họa sĩ Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm cùng hội ngộ trong một triển lãm tại Việt Nam.

1 thieu nu vuot toc.jpg -0
Bức "Thiếu nữ vuốt tóc" của Lê Phổ được trưng bày tại triển lãm.

Trong không gian sang trọng của khách sạn năm sao Park Hyatt Saigon, hơn 50 bức tranh trải dài theo hành trình sự nghiệp của bốn danh họa được giới thiệu đến người yêu hội họa. Lần lượt di cư sang Pháp trong các thập niên 30 và 40 thế kỷ trước, họ gửi gắm lòng hoài nhớ cố quốc vào những nét cọ. Bằng trường phái hội họa Tây phương, hồn cốt Việt hiện ra qua con người, cảnh vật, phong tục tập quán trong các bức tranh lụa, sơn dầu, sơn mài... Họ mượn những gì đau đáu trong ký ức để thể hiện các lát cắt khác nhau về đời sống và văn hóa Việt trong tranh, thông qua các chủ đề quen thuộc. Dù vẽ hoa cỏ hay cảnh quan, gia đình hay phong tục, văn hóa hay kiến trúc, bộ tứ Phổ-Thứ-Lựu-Đàm đã tạo dựng được những biểu quan thị giác bắt nguồn từ cội rễ Việt, thu hút đông đảo khán giả quốc tế. Kết tinh trong thực hành của họ là một hòa âm giữa truyền thống và văn hiến phương Đông với những kỹ thuật mỹ học mới mẻ trong phong trào hậu ấn tượng phương Tây.

Tên tuổi của Sotheby's - sàn đấu giá hàng đầu thế giới - cũng là một trong những thỏi nam châm truyền thông cho triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Đây là lần đầu tiên Sotheby's tổ chức sự kiện ở Việt Nam, lại là một triển lãm phi thương mại, chuyện chưa có tiền lệ. Bởi lâu nay các nhà đấu giá quốc tế chỉ mở triển lãm thương mại cho nhóm khách thượng lưu đến mua tranh. Chưa từng có nhà đấu giá nào mở triển lãm dành cho khách đại chúng để ai cũng có thể vào xem. Quả thực nếu không có những buổi triển lãm như "Hồn xưa bến lạ" thì công chúng Việt khó có thể tiếp cận trực tiếp đối với các thành tựu của mỹ thuật Đông Dương đang "làm mưa làm gió" trên sàn đấu giá quốc tế.

Trong lời giới thiệu triển lãm "Hồn xưa bến lạ" của Sotheby's, họ viết: "Sotheby's tự hào giương cao lá cờ tiên phong trong một dự án nhằm nâng cao nhận thức về Việt Nam như một nôi văn hoá nghệ thuật quan trọng. Chúng tôi trân trọng giới thiệu dự án triển lãm phi thương mại tại Việt Nam, cũng là triển lãm đầu tiên của Sotheby's hay bất kỳ nhà đấu giá quốc tế nào khác tại đây. Trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam đang nhận được sự quan tâm sôi nổi từ các kinh viện và cộng đồng sưu tập, Sotheby's xin cam kết tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của thị trường khu vực Đông Nam Á".

Lần đầu tiên một sàn đấu giá quốc tế mời chuyên gia người Việt thẩm định tranh. Đồng giám tuyển của sự kiện lần này là nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập Ace Lê. Anh đánh giá: "Đây là một sự kiện cần thiết để mở rộng sự tiếp cận tới công chúng cho các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương, nhất là trong bối cảnh giá tranh tăng phi mã và tình trạng thẩm định tranh còn nhiều tồn tại, cần tham vấn của các học giả người Việt. Thiết nghĩ, đây sẽ là một bước tiến tích cực trên con đường xây dựng một thị trường tranh Việt minh bạch, giúp nâng tầm thị trường mỹ thuật trong nước".

Lâu nay, vấn nạn tranh giả luôn khiến giới chuyên môn lẫn cơ quan quản lý đau đầu, nhất là dòng tranh của các họa sĩ Trường mỹ thuật Đông Dương (gọi tắt là tranh Đông Dương). Tranh Đông Dương ngày càng hiếm nên giá trị của nó ngày càng cao trên các sàn đấu giá. Tính đến nay, tác phẩm có giá trị cao nhất đã chạm ngưỡng ba triệu đô la (bức "Chân dung cô Phượng" của Mai Trung Thứ). Tuy con số này chưa sánh bằng thị giá của thị trường mỹ thuật khác trong khu vực nhưng các tay chơi tranh đều thừa nhận Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng giá nhanh, mạnh, kéo theo biên lợi nhuận hấp dẫn. Món lợi nhuận béo bở đã khiến dòng tranh Đông Dương của Việt Nam bị làm giả rất nhiều. Ngay cả những nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby's cũng dính phốt.

4 ban tre.jpg -0
Nhiều bạn trẻ đến xem tranh tại triển lãm "Hồn xưa bến lạ".

Từ trước đến nay, tranh Việt toàn do giám tuyển người Malaysia hay Thái Lan, Indonesia... thẩm định chứ không phải người Việt - mấu chốt của mọi lùm xùm tranh thật - tranh giả trong chục năm qua. Người nước ngoài làm sao am tường tranh Việt, văn hóa Việt hơn người Việt được dù trình độ chuyên môn của họ rất cao. Có lẽ nhận thấy điều bất cập trên, phía nhà Sotheby's đã hợp tác với giám tuyển người Việt ở triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Hợp tác với chuyên gia bản địa trong triển lãm quan trọng này là một động thái xóa tan đi thành kiến của công chúng rằng: các nhà đấu giá chỉ quan tâm tới lợi nhuận, không quan tâm đến chuyên môn, nghiên cứu, di sản văn hóa địa phương và không tôn trọng con người cộng đồng bản địa. Nước cờ của Sotheby's đồng thời cũng giúp các nhà giám tuyển Việt tự nâng mình lên để sẵn sàng bắt tay với các nhà đấu giá nước ngoài trong tương lai.

Sotheby's hiểu chỉ có người Việt mới hiểu sâu sắc văn hóa Việt. Để đảm bảo độ tin cậy, đa số các bức tranh đều được mượn từ bộ sưu tập của các nhà sưu tập trong nước. Giám tuyển Ace Lê cố gắng để thẩm định chặt chẽ danh tính, nguồn gốc từng bức tranh. Anh cho biết: "Sau khi liên hệ các nhà sưu tập để mượn tranh, tôi chọn ra 56 bức từ 200 bức ban đầu. Đây đều là những bức có lai lịch rõ ràng nhất. Từng tác phẩm đều đi kèm với các loại chứng từ lai lịch xác tín, như ảnh hoặc vựng tập triển lãm thời Đông Dương, chứng chỉ từ gia đình họa sĩ hoặc những học viện nghệ thuật uy tín. Ngoài thông tin thu thập từ các nhà sưu tập, tôi thẩm tra độc lập lại từ nhiều nguồn khác rồi kết hợp với đánh giá về mặt thị giác. Ngoài ra, tôi còn tham khảo ý kiến chuyên gia trong nước hay những người thân quen với gia đình họa sĩ". Việc triển lãm được mở phi thương mại để đại chúng Việt Nam có thể tham gia, sẽ giúp Sotheby's có cái nhìn đa chiều, mời gọi chuyên gia người Việt giúp họ nhận biết, sàng lọc tranh thật.

Theo đánh giá của Ace Lê, sự có mặt của Sotheby's ở Việt Nam khẳng định họ muốn dấn thân vào thị trường Việt Nam, và "Hồn xưa bến lạ" là bước thăm dò đầu tiên nhằm khuếch trương tên tuổi. "Họ là những người làm kinh doanh nên rất khôn khéo. Thấy nơi nào có tiềm năng thì họ mới mạnh dạn đầu tư vào. Điều đó cho thấy thị trường mỹ thuật Việt Nam trong tương lai sẽ có nhiều đất phát triển và thể hiện sự quan trọng của thị trường Việt Nam trong các thị trường mà họ đặt chân đến. Từ đây, Sotheby's mở đường cho các nhà đấu giá quốc tế khác nhảy vào thị trường nước ta".

Qua triển lãm lần này, các nhà đấu giá trong nước cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản của Sotheby's. Tất cả đều theo chuẩn quốc tế. Chẳng hạn như tranh được vận chuyển bằng xe tải kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm. Phòng trưng bày chuẩn không gian, ánh sáng để thưởng tranh, và phải có camera an ninh truyền 24/7. Tranh phải được đội vệ sĩ hộ tống và bảo vệ xuyên suốt triển lãm. Vấn đề bảo hiểm cho tranh - điều chưa từng có ở Việt Nam - được làm kỹ lưỡng vì đây là một quy trình hết sức cần thiết cho tác phẩm.

Trong suốt quá trình thực hiện dự án, điều mà Ace Lê và đội ngũ của mình trăn trở đau đáu nhất đó là quyền và trách nhiệm của người Việt được tự kể và tự nhìn văn hóa của mình, từ cả phía thực hành và thưởng lãm. Hơn 5.000 khán giả ghé thăm triển lãm, quan trọng nhất là có rất nhiều người trước đó chưa tiếp xúc nhiều với nghệ thuật. Rất nhiều bạn trẻ háo hức tham dự. Đây là tín hiệu đáng mừng để các nhà chuyên môn tin tưởng và hy vọng vào tương lai của thị trường mỹ thuật Việt trên bản đồ quốc tế khi chúng ta nắm rõ luật chơi một cách bình đẳng với thái độ cầu thị song phương.

Phan Thi Uyên
.
.