Nhìn lại văn chương 2023: Tôn vinh cống hiến của người trẻ

Thứ Bảy, 03/02/2024, 07:13

Năm 2023 là một năm khá sôi động của văn chương với nhiều tác phẩm mới ra đời và nhiều tác giả - tác phẩm được tôn vinh bằng các giải thưởng đang được “trẻ hóa”. Đây thực sự là những tín hiệu hết sức đáng mừng, bởi có nhiều người trẻ đến với văn chương sẽ đem đến một không khí sáng tác tươi mới và ngày càng tiệm cận hơn với đời sống hiện đại.

1. Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác văn học năm 2024 và kết nạp 66 hội viên mới, trong đó chuyên ngành thơ có 29 tác giả, văn xuôi có 24 tác giả, 6 tác giả lý luận phê bình, 2 tác giả văn học dịch và 5 tác giả văn học thiếu nhi. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đây là các nhà văn được lựa chọn từ 900 hồ sơ xin vào hội. Ông Thiều cũng kỳ vọng, từ 66 nhà văn mới này sẽ mang đến cho Hội Nhà văn “thêm những gương mặt, những giọng nói mới, những vẻ đẹp riêng trong sự sáng tạo, những ý chí mới và những trách nhiệm mới…”.

11.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao quyết định kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.

Có thể nói, năm 2023 là một năm sôi động của Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều hoạt động nghề nghiệp được tổ chức sau một thời gian gián đoạn vì dịch bệnh như: “Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21” tại Hoàng thành Thăng Long trong 3 ngày; tổ chức Hội thảo “Thơ hiện nay với hôm nay”; tổ chức thành công Hội nghị các nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ Nhất tại Hải Phòng tháng 9/2023; tiếp tục tổ chức đi trao tặng sách trong dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước như Thái Nguyên, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hà Tĩnh...; tổng kết và công bố giải thưởng cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi giai đoạn 1… Trong đó, dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa được khởi động từ năm 2021 đến nay đã tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã chuyển gần 7 vạn sách cho trẻ em ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2024, sẽ có 3 vạn cuốn sách nữa sẽ được chuyển đến cho các em thiếu nhi. Đây là hoạt động của hội mong muốn gieo xuống những đứa trẻ tri thức và văn hóa đọc bởi không có gì cụ thể hơn việc chấn hưng văn hóa bằng cách mỗi đứa trẻ đợi chờ những cuốn sách, để chúng đọc và lớn lên trong những cuốn sách đó…”.

Điều đặc biệt là, để Hội Nhà văn Việt Nam có được nhiều hoạt động và kinh phí để duy trì các hoạt động ý nghĩa này, phần lớn là nhờ vào việc Hội đã tổ chức được “xã hội hóa” thành công. Trong đó, Giải thưởng cuộc vận động viết cho thiếu nhi, Giải thưởng tác giả Trẻ và dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa đều đã được Hội Nhà văn xã hội hóa 100%.

Trong năm 2024 này, các hoạt động thường niên và các dự án vẫn được Hội Nhà văn Việt Nam tiếp nối như “Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22” với tên gọi “Bản hòa âm đất nước”; trao các giải thưởng Văn học đã được công bố như Giải thưởng Hội Nhà văn, giải thưởng Tác giả Trẻ, giải thưởng “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi” (đợt 1)...

Ngoài ra, dự kiến vào tháng 10/2024, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị văn học sông Mekong với thành phần là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch hội nhà văn các nước thành viên trong tổ chức “Giải thưởng văn học sông Mekong” tại Hà Nội. Hội nghị cũng nhằm đánh giá hoạt động của tổ chức này sau 16 năm hoạt động và hoạch định chương trình hoạt động cho giải thưởng này trong xu thế mới.

2. Đầu tháng 1/2024, Giải thưởng thường niên của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 đã được trao cho các tác giả với một bất ngờ lớn là tác giả Minh Anh mới 16 tuổi (sinh năm 2007) là hội viên Hội Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh đã được trao giải A với tập thơ “Một ngày từ bên trong”. Tác phẩm được đánh giá cao vì sự sáng tạo mới mẻ và chưa từng có trước đây trong thơ Việt Nam từ nội dung đến phong cách thể hiện rất hiện đại, ngôn ngữ lôi cuốn.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố các giải thưởng văn học năm 2023, trong đó nhà văn Lê Quang Trạng (sinh năm 1996) giành giải thưởng ở hạng mục văn học thiếu nhi với truyện dài “Cá linh đi học” (NXB Kim Đồng) và nhà văn Đức Anh (sinh năm 1993) được tôn vinh ở Giải thưởng Tác giả Trẻ với tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” (Linh Lan Books & NXB Phụ nữ).

Bên cạnh giải thưởng của các cuộc thi, các hội nghề nghiệp, việc một số trường đại học trong nước tổ chức các cuộc thi văn chương không chỉ tạo ra một sân chơi bổ ích mà còn khích lệ người trẻ đến với văn chương, lan tỏa tình yêu đối với văn chương trong giới học sinh, sinh viên.

Mới đây, tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng đã trao giải thưởng Văn học trẻ với chủ đề "Khởi nghiệp văn chương" lần thứ 2 và phát động giải thưởng lần thứ 3. Ở lần tổ chức thứ 2 này đã thu hút số lượng lớn bài vở tham gia, trong đó thí sinh Trần Văn Thiên vừa tốt nghiệp bác sĩ răng hàm mặt, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã đoạt cùng lúc 2 giải: giải Nhất cho truyện ngắn và giải Nhì cho tản văn. Trong 24 tác giả được vinh danh giải thưởng Văn học trẻ của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lần này, tác giả nhiều tuổi nhất sinh năm 1999 còn tác giả ít tuổi nhất sinh năm 2007.

2.jpg -1
Tác giả Minh Anh sinh năm 2007 là tác giả trẻ nhất dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 (2022) tại Đà Nẵng vừa được trao giải A - Giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023.

Hiện nay, trong đời sống văn chương xuất hiện nhiều cây bút trẻ triển vọng, có sức sáng tạo và bứt phá như: Nhật Phi, Đinh Phương, Lý Hữu Lương, Văn Thành Lê, Lữ Mai, Lê Quang Trạng, Đức Anh, Huỳnh Lê Triều Phú, Võ Đăng Khoa, Hiền Trang, Mộc An… Trong đó có thể nhắc đến một số tác giả như Đức Anh với các tiểu thuyết “Tường lửa”, “Thiên thần mù sương”, “Đảo bạo bệnh”, “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời”; Nhật Phi với “Người ngủ thuê”, “Thị trấn mùa đông”; Hiền Trang với “Tại sao ta yêu”, “Quán bar trong bụng cá voi”, “Chơi Jazz ở Việt Nam”; Mộc An với “Ở nơi có rất nhiều rồng”, “Nếu một ngày chúng tớ biến mất”, “Cây cầu lấp lánh”…

Đáng chú ý là tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 (năm 2022) tại Đà Nẵng đã có sự tham gia của tác giả Minh Anh (sinh năm 2007). Và đến năm 2023, Minh Anh có lẽ đã trở thành tác giả trẻ nhất trong lịch sử các hội văn học nghệ thuật Việt Nam được trao giải thưởng khi mới 16 tuổi. Điều này cho thấy, chủ nhân của các giải thưởng văn học đang được “trẻ hóa” và ngày càng có nhiều hoạt động tôn vinh những đóng góp cho văn học nghệ thuật của người trẻ.

3.Thời gian gần đây, có nhiều cuộc tọa đàm về văn học trẻ được tổ chức như: Tọa đàm “Sức sống mùa xuân trong văn học trẻ Hà Nội” do CLB Văn trẻ Hà Nội phối hợp với Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tháng 4/2023; Tọa đàm “Tiềm lực văn chương và người viết trẻ” do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP. Cần Thơ tổ chức tháng 12/2023; Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ”...

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ” do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ông Hữu Việt - Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng có 138 đại biểu tiêu biểu cho lực đội ngũ những người viết trẻ tuổi đời dưới 35 đã được lựa chọn. Đây là số lượng đại biểu đông nhất nếu so sánh với 2 hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Tỉ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam nếu tính đến tuổi 40 chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu tính tuổi từ 35 trở xuống thì chỉ được khoảng 1,7%. Chính vì thế, sự quan tâm của các hội nghề nghiệp hướng về giới trẻ và sáng tác của người trẻ là điều rất cần thiết để những người trẻ ở lại lâu bền và cống hiến cho văn chương nhiều hơn nữa...”. 

Nguyệt Hà
.
.