Nhìn lại một năm lan tỏa và kết tinh những giá trị văn hóa
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024. Bên cạnh các sự kiện nổi bật như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua hay lần đầu tiên xúc tiến quảng bá du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ... thì sự lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa xuyên suốt trong năm qua là điều mà người viết ấn tượng nhất.
Đó không phải là cao trào của xu thế nhất thời mà là sự tích lũy có chiều sâu.
Nhìn vào tháp dân số Việt Nam hiện nay bạn sẽ thấy số lượng người ở độ tuổi từ 70 trở xuống đang chiếm số đông. Như thế có nghĩa là, những nhân chứng của chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) còn lại không nhiều. Hơn nữa, những tư liệu về hình ảnh, phim ở giai đoạn này cũng chưa thể phong phú bằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ấy vậy mà thông qua sự giáo dục tinh thần yêu nước trong cộng đồng, từ tình cảm thiêng liêng, người dân Điện Biên (nói riêng) và cả nước (nói chung) đã góp phần làm sống lại một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sau 70 năm như thế.

Bí quyết để đem lại sự lan tỏa những giá trị lịch sử sau gần 3/4 thế kỉ có lẽ đến từ văn hóa. Các thế hệ hôm nay đã mang trong mình tinh thần Điện Biên, vẻ đẹp Điện Biên đến với tương lai. Mỗi người dân hôm nay tự nhủ phải sống sao cho thật lớn lao, tốt đẹp, phải sẻ chia, gắn kết mật thiết... mới xứng đáng với những người lính đã hy sinh cho ngày toàn thắng.
Bên cạnh những hình ảnh nghi thức trang trọng và sức mạnh của quân đội là những ấn tượng được khắc ghi mãi trong lòng: Nhiều nhà cộng đồng ở Điện Biên phục vụ miễn phí khách du lịch; người dân mang nông sản đến tặng bộ đội, hay một cậu bé đứng bên đường ngắm đoàn kị binh đi qua và làm động tác high five (đập tay) với một chiến sĩ. Những khoảnh khắc ấy được lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội nhưng tuyệt đối không vì mục đích câu like mà cho chúng ta thấy: Tình yêu Tổ quốc là một dòng chảy bất tận, được kết tinh trong văn hóa.
Chúng ta đều biết, văn hóa đâu chỉ hiện diện ở hội hè, đình đám, ở các hoạt động sôi nổi mà còn ở cả sự sâu lắng. Chính những sâu lắng ấy tạo nên sức sống bền lâu, cho thấy giá trị nhân văn. Còn nhớ, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Nhìn lại một năm qua, bản sắc ấy đã phát huy trong cuộc sống bằng những việc làm cụ thể. Giá trị văn hóa tốt đẹp không nằm im trong sách vở mà biểu hiện sinh động trong cuộc sống, trở thành nguồn sinh khí, động lực của từng người dân.
Đã mấy tháng trôi qua, nhưng kí ức về cơn bão số 3 Yagi và hoàn lưu của nó vẫn ảm ảnh chúng ta. Bên cạnh sự vào cuộc khẩn trương, hiệu quả của các lực lượng chức năng để ứng cứu và khắc phục là hình ảnh người dân cưu mang đùm bọc. Những chiếc ô tô đã che chắn cho người dân gặp gió lớn trên cầu, là thông tin người phụ nữ muốn chia sẻ căn chung cư 18 phòng ở phố Vũ Ngọc Phan để người dân đến tá túc. Khi Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái bị ngập lụt, có nhiều người dân ở Hương Sơn, Mỹ Đức, (Hà Nội) lập tức đưa thuyền lên hỗ trợ... Và, còn biết bao nhiêu tấm lòng nhân ái, hào hiệp, minh chứng cho tinh thần đoàn kết dân tộc.
Những hành động đẹp đã giúp chúng ta nhận ra: khi người dân tin tưởng, đồng lòng với chính quyền, họ thực sự đã trở thành chủ thể văn hóa, tạo ra giá trị văn hóa mới từ những nghĩa cử đẹp. Những câu chuyện không phải trong cổ tích mà hiện hữu giữa cuộc đời. Những câu thành ngữ đúc rút bài học về lòng tốt, giá trị nhân văn đã được thực hành trong cuộc sống hôm nay.
Sau những mất mát và thách thức, chúng ta càng ý thức được không có lựa chọn nào tốt hơn là hãy làm thật tốt, phát huy cao độ tinh thần thời đại. Trong số đó, phải kể đến nền công nghiệp văn hóa, du lịch trong năm 2024 đã có những bước đi vững chắc, tạo nên sức hút với bạn bè quốc tế. Khi đọc con số thống kê năm 2024 đã có khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế, 120 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Có thể ai đó sẽ đặt câu hỏi: Đâu là sức hút của ngành công nghiệp không khói này? Nguyên nhân đến từ chính sự chuyển biến tích cực của du lịch Việt, chúng ta đã và đang sáng tạo các sản phẩm theo nhu cầu đa dạng của du khách thay vì chỉ cung cấp những gì sẵn có. Việc du khách được trải nghiệm thu hoạch lúa chín, trồng rau, hái quả; hay tham gia các tour: Du lịch xanh ở Hội An; "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", "Đêm thiêng liêng" tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội... giúp họ cảm thấy chi phí mà mình bỏ ra tương xứng với sản phẩm du lịch mà mình nhận được. Thay vì chỉ được xem, được nghe, được ăn... du khách được hiểu, được sống lại trong bối cảnh lịch sử văn hóa của quá khứ, của thời khắc thiêng liêng, hào hùng và thực sự là một người Việt Nam đúng nghĩa.
Sự lan tỏa và kết tinh của giá trị văn hóa Việt Nam năm 2024 còn được cảm nhận qua quyết tâm đột phá về một số lĩnh vực như: công nghệ, năng lượng và cải cách thế chế... Cùng với sự kiện khai trương mạng 5G, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; hoàn thành công trình 500 KV mạch 3 và những đột phá về cải cách, hoàn thiện thể chế để đưa đất nước bước vào "Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Những đột phá này đã được người dân đồng lòng hưởng ứng và thụ hưởng thành quả.

Trong bài báo có nhan đề "Chuyển đổi số: Người dân được thụ hưởng thành quả" của Nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, cho chúng ta thấy ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” của tỉnh Bắc Ninh trên thiết bị di động đã đạt kết quả đáng quý như thế nào: “Ứng dụng được triển khai đến 252 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, với 1.500 tài khoản; tiếp nhận hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị ở 30 lĩnh vực; tỷ lệ xử lý đạt trên 95%. Công tác giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm đẩy mạnh, cung cấp 1.385 dịch vụ công trực tuyến/1.817 thủ tục hành chính” (theo: Báo Tin tức).
Ngẫm ra, hiệu quả của việc triển khai ứng dụng đâu chỉ giúp chính quyền nhận được phản hồi, người dân được phản ánh, kiến nghị mà còn tạo ra một thói quen mới trong văn hóa ứng xử, giao tiếp, giảm thiểu những nguy cơ phát sinh các luồng dư luận sai trái, phản bác luận điệu bóp méo, xuyên tạc từ các thế lực thù địch.
Người dân tại các vùng sâu, vùng xa đã vận dụng công nghệ vào việc tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Họ đã lồng ghép các câu chuyện văn hóa truyền thống vào sản phẩm mới như một cách giúp khách hàng nhận diện thương hiệu ấn tượng hơn. Chưa bao giờ chúng ta được tiếp cận với nông, lâm, thổ sản... dễ dàng và đầy đủ thông tin như với nền tảng số hiện nay. Sự minh bạch trong kết nối giữa người bán và người mua trên các sàn giao dịch đã xóa đi ấn tượng xấu về việc dễ mắc lừa, về khả năng khó nhận diện sản phẩm...
Nhìn lại một năm qua, văn hóa Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện các sự kiện, đón nhận những tín hiệu vui và đối mặt với những thách thức. Tuy nhiên, với một tinh thần lan tỏa và kết tinh sâu lắng các giá trị, trước thềm xuân mới Ất Tỵ 2025, chúng ta có quyền hy vọng vào những chuyển động tích cực và tin tưởng vào những thành công trong mùa xuân này...