Nhiều hoạt động tôn vinh “Ngày Sách và Văn hóa đọc”
Theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 hàng năm sẽ trở thành “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc. Chính vì thế, ngày 21/4/2022 tới đây, “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ Nhất sẽ được Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với các đơn vị, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tôn vinh Ngày Sách và Văn hóa đọc.
Diễn ra tại hầu khắp các địa phương trên cả nước với quy mô và phạm vi khác nhau, “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất sẽ đánh dấu sự trở lại sôi động của các hoạt động cộng đồng tôn vinh Ngày Sách và Văn hóa đọc sau 2 năm các hoạt động truyền bị gián đoạn vì dịch COVID-19.
Theo thông tin chính thức từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, lễ khai mạc “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất 2022 và công bố quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” sẽ diễn ra tại sân khấu chính đường Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh vào hồi 20h00, ngày 19/4/2022.
Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động của Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.
Tại đường Nguyễn Huệ, hội sách chào mừng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất 2022 được xây dựng trên 3 không gian. Trong đó, “Không gian chuyển đổi số” bao gồm: Triển lãm, trưng bày, giới thiệu mô hình sách nói, sách điện tử, những mô hình, giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo để giới thiệu với người dân Thành phố.
Đây là một trong những nội dung trọng tâm góp phần xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; Trưng bày, triển lãm không gian sách nói, sách điện tử với các đầu sách đa dạng phong phú trên nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, kỹ năng sống… phù hợp với mọi lứa tuổi; Tổ chức không gian trải nghiệm, khu vực tương tác dành cho bạn đọc, thiếu nhi và người dân thành phố tiếp cận với sách nói, sách 3D thực tế ảo…; Giới thiệu những mô hình, giải pháp hay về ứng dụng chuyển đổi số gắn với ngành xuất bản như: hệ thống thư viện số (thư viện sách nói), công cụ hỗ trợ rà soát, biên tập dành cho ngành xuất bản bằng giọng nói…; Hoạt động giao lưu với các giọng đọc trong công nghệ sách nói...
Không gian thứ hai là “Thành phố sách” bao gồm: Triển lãm, trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích với đa dạng thể loại, chủ đề phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc sách của bạn đọc; Tổ chức giao lưu tác giả, giới thiệu sách, tọa đàm với các chuyên đề về sách, tổ chức các hoạt động tìm hiểu nội dung về sách. Triển lãm, trưng bày tranh nghệ thuật; Tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, âm nhạc các bài hát của nhạc phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học.
Ngoài ra, “Không gian tổ chức giới thiệu các mô hình Văn hóa đọc” sẽ giới thiệu các không gian văn hóa đọc đặc trưng của Thành phố đến người dân và bạn đọc phù hợp với nhiều lứa tuổi; Triển lãm các mô hình tiêu biểu về Ngày hội văn hóa đọc như: Tủ sách cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, trường học, tủ sách cộng đồng, thư viện thông minh… Nếu những mô hình như thế này liên tục được duy trì và nhân rộng, thì việc phổ cập và tôn vinh văn hóa đọc thực sự đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Đặc biệt là thời gian gần đây với sự tham gia của những cá nhân trong việc khơi mở và truyền bá văn hóa đọc như “người bán sách rong” Nguyễn Quốc Vương, Nguyễn Quang Thạch, Nguyễn Bích Lan..., câu chuyện xây dựng văn hóa đọc bắt đầu từ nền tảng gia đình đã bắt đầu được các bậc phụ huynh chú trọng, quan tâm, bồi đắp.
Tại Hà Nội, các hoạt động giới thiệu sách, quảng bá văn hóa đọc chào mừng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất sẽ diễn ra tại Phố Sách Hà Nội từ ngày 21/4 đến ngày 1/5/2022. Ngoài ra, “Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”; “Tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc được Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức.
Năm nay, Hội sách trực tuyến chào mừng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất vẫn tiếp tục được tổ chức tại địa chỉ Website book365.vn từ ngày 19/4 đến ngày 20/5/2022 với sự hỗ trợ của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Phát hành báo chí Trung ương, các cơ quan liên quan và sự ủng hộ của các đơn vị xuất bản tham gia. Theo kế hoạch, Hội sách trực tuyến năm nay sẽ có sự tham gia của gần 100 Nhà xuất bản và đơn vị phát hành trên cả nước với hơn 40 ngàn đầu sách và kỳ vọng đạt 30 ngàn cuốn sách được cung cấp đến tay bạn đọc, thu hút tối thiểu 5 triệu lượt truy cập.
Để lan toả thông điệp “Thắp lửa tri thức” và khuyến khích văn hoá đọc trong cộng đồng, lần đầu tiên Hội sách sẽ tổ chức một cuộc thi “Tìm 100 nhà thông thái khắp Việt Nam” tổ chức theo hình thức thi trực tuyến, với giá trị giải thưởng lên đến 50 triệu đồng. Hội sách trực tuyến trên sàn book365.vn cũng sẽ triển khai một số chương trình khuyến khích độc giả mua và đọc sách, như: giảm giá sách cho mọi khách hàng; miễn, giảm phí vận chuyển sách cho khách hàng trong nước; có các phần thưởng, quà tặng khác cho bạn đọc là người giới thiệu sách bán chạy hoặc sách được nhiều người quan tâm...
Theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm:
- Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
- Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông):
“Năm 2020, Hội sách trực tuyến Quốc gia được tổ chức trong bối cảnh cả nước bùng phát dịch COVID-19 đã trở thành sự kiện tinh thần bổ ích, sân chơi tri thức cấp quốc gia đầu tiên và đầy ý nghĩa cho bạn đọc cả nước, đặc biệt là bạn đọc ở các tỉnh thành xa ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năm 2021, với chương trình khuyến đọc được sự ủng hộ của nhiều nhà tài trợ, sự tham gia tích cực của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành toàn quốc, Hội sách đã triển khai thành công nhiều sự kiện trợ giá sách đầy ý nghĩa cho bạn đọc ở khắp các tỉnh thành. Năm nay, tiếp nối những thành quả đã đạt được, Ban tổ chức cố gắng mời được những văn nghệ sĩ nổi tiếng tham gia vào các chương trình giao lưu, nói chuyện, tọa đàm và tôn vinh văn hóa đọc. Sự có mặt của những người nổi tiếng cũng là đóng góp quan trọng cho thành công của các hoạt động khuyến đọc trực tiếp, trực tuyến.
Chào mừng “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất, Ban tổ chức hội sách trực tuyến sẽ cố gắng tiếp tục “giữ lửa” phong trào đọc sách trong cộng đồng, hướng nhiều hơn đến đối tượng là trẻ em vốn sau 2 năm dịch bệnh đang bị máy tính, điện thoại thu hút mà lãng quên mất thói quen đọc sách. Tại hội sách trực tuyến quốc gia, sẽ có nhiều hoạt động “khuyến đọc” bổ ích diễn ra liên tục trong khuôn khổ chương trình như: Tọa đàm kiến giải thông điệp sách hay và giao lưu với khách mời nổi tiếng; chương trình “Nhà thông thái”... Ban tổ chức Hội sách trực tuyến cũng có những nỗ lực hết sức để tạo không gian thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiều hoạt động giao dịch bản quyền, hợp tác xuất bản trực tuyến, mà còn có thể thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu đạt được 10 triệu lượt truy cập trong thời gian diễn ra Hội chợ, tăng sự tương tác với độc giả trực tuyến, tăng hiệu quả kinh tế cho các đơn vị tham gia.