“Nhảy lửa” - Những vũ điệu kỳ bí?

Thứ Ba, 13/02/2024, 13:29

Chỉ xét trong tiếng Việt, "lửa" là một tín hiệu thẩm mỹ luôn bập bùng óng ánh những sắc màu đa dạng về nghĩa: lửa tình yêu, lửa tâm hồn, lửa nhiệt tình, lửa chiến tranh, lửa căm hờn, lửa tàn ác... Dễ hiểu, hầu hết các ngôn ngữ đều khuôn "lửa" vào hai nhóm: tái sinh và huỷ diệt.

Gắn với nghĩa tái sinh là câu chuyện về Prômêtê thần thánh. Đang sống trong bóng tối và đói rét, nhờ Thần Prômêtê lấy trộm lửa từ trên thiên đình xuống mà loài người sống văn minh hơn hẳn. Để ghi công Thần, loài người gọi đó là "Ngọn lửa Prômêtê", thậm chí chỉ việc gì vĩ đại mang tính khai sáng, khởi đầu, con người cũng gọi là "Tinh thần Prômêtê", "Thời đại Prômêtê"…

Thế nên, với mọi dân tộc, lửa luôn mang nghĩa biểu tượng hai mặt đối nghịch: cực kỳ quý giá và cực kỳ tàn bạo. Bây giờ vẫn thế, cuộc sống vẫn cần lửa. Tuy có điện nhưng xét đến cùng cũng là lửa, vì điện tạo nhiệt, tức tạo lửa để đun nấu. Đối lập lại thì lửa mà làm cháy thì khốc hại vô cùng. Trong văn hoá Ấn Độ, Thần lửa Agni luôn mang sắc vàng đỏ, có hai đầu, bảy lưỡi là người chủ lễ trong mọi lễ cưới (hạnh phúc nhất) và lễ tang (đau đớn nhất). Lửa trở thành thiêng, ngày nay lễ rước đuốc chẳng qua cũng là rước lửa. Còn ngày xưa người ta tắm lửa, nhảy vào lửa…

1a092758-d1b6-4479-a134-f5dad9d5bfcc.jpg -0
Nhảy lửa của người Pà Thẻn.

Thực ra "tắm lửa" không hề xa lạ, nhất là với những ai từng là bộ đội ở Trường Sơn thời chống Mỹ và chiến trường biên giới Tây Nam làm nghĩa vụ quốc tế. Vì rét, vì không có nước tắm, mà củi lửa thì sẵn, nên lính ta đốt lửa rồi cười đùa, nhảy múa chung quanh cho ra mồ hôi… rồi kỳ cọ. Ghét ra hàng mảng…!!! Đấy là chuyện thật. Xin nói về "tắm lửa" trong nghi lễ thiêng… Gần đây báo chí nói nhiều đến lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn (Tuyên Quang) là một sinh hoạt văn hóa đậm tính tâm linh, rất khó lý giải bằng khoa học bởi hàm chứa những yếu tố mang tính thần bí nguyên thủy. Vậy có thể cắt nghĩa bằng cách nào?

Xin giới thiệu về khoa nhân học văn hóa - một ngành học mới, quan niệm văn hóa có hai tầng, bề nổi, cái thấy được và bề chìm (tức chiều sâu) không thấy được. Bề nổi là những hiện vật, di sản, truyền thống lịch sử… ai cũng thấy. Quan trọng hơn, cái làm nên sức mạnh "mềm" văn hóa - tức sức mạnh tinh thần của cộng đồng, là ở bề sâu, mà cho đến nay chưa nhà nghiên cứu nào khái quát được vào các phạm trù, vẫn gọi chung là "vô thức cộng đồng" chưa rõ ràng về ngoại diện và nội hàm khái niệm.

Người Mỹ thành thực thú nhận họ thua Việt Nam là do chưa hiểu văn hóa Việt Nam tức là chưa hiểu cái phần chìm này. Thực ra không phải chỉ người Mỹ mà hầu hết đều chưa hiểu. Có người đi tìm ở phía tâm linh, như Cụ Nguyễn Trãi viết trong "Cáo bình Ngô": "Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ". Có người tìm trong phong thủy, hình núi thế sông… Nhảy lửa là nhảy vào lửa đang cháy thật (400 - 500 độ) mà không bị bỏng. Lại đi chân trần trên than lửa (600 - 700 độ) mà không việc gì. Vẫn có thể giải thích dưới cái nhìn khoa học, nhưng chưa đủ, cần được bổ sung từ cách hiểu về "bề chìm", "không thấy được" như ở trên đã đề cập (!?).

Lễ hội nhảy lửa Pà Thẻn được tổ chức vào cuối năm, mùa Đông, mà ai đã từng sống trên vùng núi cao thì thấy ở đó rét thấu xương đúng nghĩa. Lễ hội này, ngoài sự vui, sự hấp dẫn, còn góp phần xua tan cái giá lạnh nên rất đông người tham gia. Càng đông người, sự cộng hưởng tiếp nhận càng lớn, càng tạo ra tinh thần phấn khích cho tất cả.

Thầy mo là chủ lễ - không thể thiếu, ngồi trên một chiếc ghế để cúng mời thần linh về mang sức mạnh để con người nhảy vào đống lửa đang rừng rực cháy ở giữa sân. Các thanh niên theo nhịp gõ của thầy mo càng lúc càng gấp gáp mà cúi gập người, nhảy lò cò quanh đống lửa. Rồi thần linh nhập vào, họ đưa tay bới đống lửa. Rồi nhảy hẳn vào đống lửa. Rồi lại nhảy ra… Tiếng hò reo cổ vũ càng lúc càng cuồng nhiệt. Than đỏ rừng rực văng ra tứ tung, từ xa nhìn lại cứ như hoa lửa... Liên tục như thế chừng 40, 50 phút…

Như vậy thầy mo mang tính cầu nối, trung gian giữa người và thần thánh. Không có thầy mo không có nghi lễ này. Thầy mo chính là chìa khóa mã mở ra cái thế giới tâm linh kỳ diệu cũng đầy kỳ bí ấy. Cũng tự biết thế nên chính các thầy mo chưa cho phép nhà nghiên cứu nào "thân" với mình để được "truyền mã". Vì "mã" chưa thể "giải", và chắc không thể "giải" nên càng hấp dẫn, mời gọi…

Người Dao ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) cũng có nghi lễ tương tự. Những thanh niên Dao đỏ cường tráng, khoẻ mạnh (phải "thanh tịnh" 1 tháng trước) cùng nhảy múa theo tiếng trống của thầy cúng (khác với người Pà Thẻn là tiếng gõ kim khí) dồn dập, mà tung mình vào lửa, dùng tay bốc từng vốc than hồng. Người nọ nối tiếp người kia, quyện mình vào lửa và cùng tắm trong lửa…

Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Hà Giang thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, từ mồng 2 đến mồng 5 tháng giêng âm lịch hoặc vào những ngày đẹp. Đầu tiên chủ lễ cầu khấn, xin phép thần linh cho buổi lễ bắt đầu… Sau đó thầy cúng đưa cho mỗi người một đoạn dây vải màu đỏ để buộc vào trán, là cách để nối cõi âm và cõi dương, nhờ vậy thần linh mới truyền sức mạnh cho người nhảy lửa.

Các lễ hội nhảy lửa luôn mang tính cộng đồng rất cao, ngoài sự cầu khấn thần linh những điều may mắn, tốt lành thì là sự nối kết cộng đồng một cách dân chủ và hòa hợp nhất. Ai cũng như ai, không phân biệt, ai cũng vui vẻ, hồ hởi để hô hào, cổ vũ… quên đi mọi thứ…

4cc59fb7-5ff0-459a-9fe8-42c47ecdacfe.jpg -1
Lễ nhảy lửa đặc sắc của người Pà Thẻn Việt Nam.

Không chỉ có ở Việt Nam, lễ hội này đã xuất hiện trong nhiều nghi lễ tôn giáo hàng nghìn năm trước. Văn hóa Ấn Độ tự hào cộng đồng mình có sớm nhất, từ khoảng 1.200 năm trước Công nguyên. Ngày nay ở Sri Lanka, tháng 8 mỗi năm lễ hội tế Thần Khatalaza "đi trên lửa" của đạo Hindu được tổ chức ở trước đền thờ Thần Khatalaza. "Đường lửa" chạy thẳng đến cửa đền dài 910m, rộng 3m được làm từ những vỏ quả dừa khô có chêm đá nhỏ cho phẳng. Người ta tưới dầu và đốt. Lửa cháy bừng bừng. Người chạy trước đó 3 ngày chỉ uống nước thánh ở sông, cứ 3 giờ lại tắm một lần. Họ cởi bỏ quần áo, chân trần, thắt một mảnh vải ở eo, rồi bước vào… đường lửa. Tùy ý, có thể bắt đầu là đi, sau đó là chạy hoặc ngược lại. Thậm chí có người lăn… hết 910m. Tuyệt nhiên không ai bỏng. Kết thúc, một vị cao tăng sẽ kiểm tra toàn thân họ, rồi tôn vinh những người chiến thắng.

Lễ hội lửa Yoshida (tỉnh Yamanashi - Nhật Bản) tổ chức vào ngày 26-27/8 hàng năm tại đền Fuji Sengen, có lịch sử hơn 500 năm. Nguồn gốc có từ câu chuyện Nữ thần núi Fuji mang thai nhưng bị chồng buộc tội ngoại tình. Để minh oan, bà bước vào giàn thiêu tại Đền Fuji Sengen. Ngọn lửa rừng rực bùng cháy thiêu đốt sự nghi kỵ ghen tuông hèn kém (của người chồng) vừa tái sinh cái kỳ vĩ, lớn lao, cao thượng, trong sáng (của người vợ). Trong ào ạt bập bùng lửa đỏ với sức nóng ngàn độ, vang lên tiếng khóc của một sinh linh thần thánh: Một con người bất tử ra đời được ngọn lửa thiêng "tắm" trong sự tinh khiết đến vô cùng!

 Hàng năm người dân đưa Nữ thần núi Fuji ra khỏi ngôi đền Fuji Sengen rồi rước Bà với những nghi lễ trang trọng, thành kính nhất cầu mong Nữ thần sẽ ngăn ngọn núi lửa không cho phun trào trong năm tới. Đoàn diễu hành quanh thành phố với những ngọn đuốc cao gần 100 mét cùng màn biểu diễn trống taiko đặc sắc. Một không khí cổ xưa đích thực bản sắc Nhật Bản mời gọi mọi người khám phá, thưởng thức.

Theo tục lệ người Slavơ cổ, lễ hội Slavơ Ivan Kupala (Belarus) biểu trưng cho sức mạnh thiên nhiên xua đuổi cái ác, cái rủi ro được tổ chức vào dịp hạ chí hàng năm. Đêm hội, các nam thanh nữ tú đốt những đống lửa lớn rồi cùng nhau nhảy chung quanh, sau đó nhảy qua lửa với mong muốn tẩy sạch những điều không may mắn, đón chào những tốt đẹp, hạnh phúc. Cuối tháng sáu lễ hội lại được lặp lại. So với các nơi, lễ hội này "hiện đại" hơn, người nhảy cả gái, cả trai, vẫn để trang phục. Vì nhảy qua nhanh nên lửa không bén vào vải…

Giải thích hiện tượng này thế nào, tâm linh hay khoa học? Có mấy hướng lý giải: Một là, yếu tố tinh thần - con người phải thật tin vào một điều gì đó, tự nhiên sẽ tạo ra một sức mạnh mang tính siêu nhiên. Hai là, tạo ra thời gian tiếp xúc với than lửa sao cho ngắn nhất, cái nóng chưa ảnh hưởng tới cơ thể. (Nhưng tại sao có người lăn trên than hồng, tốc độ chậm mà vẫn không bị bỏng?). Ba là, tâm linh có thật, có sự giúp đỡ của thần linh…(!?). Xin mời bạn thêm lý giải mới!

Tú Thanh Nguyễn
.
.