Nhạc Tết vắng thưa dần

Thứ Tư, 07/02/2024, 11:48

Nhạc Tết có thể được xem là một dạng đặc sản Tết của người Việt. Theo thông lệ, mỗi năm vẫn thường có những ca khúc đón chào năm mới được tung ra thị trường và vang lên trong nhiều căn nhà, qua nhiều kênh phát thanh khác nhau.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, dường như nhạc Tết đang thưa vắng dần. Thậm chí, có nhiều ca sĩ còn không có bài nhạc Tết nào mới và vẫn chỉ quanh đi quẩn lại với những “Ly rượu mừng” hay “Khúc giao mùa”…

Trang 3 VN TẾT - Nhạc Tết vắng thưa dần -0
Ảnh minh họa

Thực tế, các ca khúc kể tên ở trên đã có một đời sống mạnh mẽ trong lòng khán giả và việc nó được hát đi hát lại mỗi dịp Tết đến, xuân về là minh chứng cho sức sống ấy. Nhạc sĩ sáng tác ra một ca khúc cũng mong được vang lên nhiều lần chứ không chỉ cho một năm cụ thể rồi thôi. Những ca khúc thời vụ chắc chắn không có đất sống khi nó khó được đón nhận bởi khán giả và cả chính nghệ sĩ trình diễn. Song, nhu cầu tìm kiếm cái mới của người nghe lẫn người trình diễn là có thật. Họ vẫn sống vui cùng những tác phẩm cũ nhưng luôn mong được nghe thêm các sản phẩm mới, nhất là trong không khí muôn sự đều mới như dịp đầu năm.

Nếu nhìn lại Tết 2023 vừa qua, chúng ta sẽ thấy rõ số lượng nhạc Tết mới thưa vắng hẳn và chủ yếu chỉ tập trung vào các cái tên như Đen Vâu, Bùi Công Nam, Sơn Tùng - MTP… Ở Tết 2024 này, cũng vẫn là những cái tên ấy làm chủ đạo trong thị trường nhạc Tết mà thôi. Và chính họ là kiến giải hay nhất cho sự thưa vắng nhạc Tết mới hôm nay.

Việc họ duy trì xuất bản các sản phẩm nhạc Tết mấy năm qua đến từ cơ sở chính bản thân họ là người sáng tác kiêm trình diễn. Khi họ là nghệ sĩ sáng tác - trình diễn, việc đầu tư cho một sản phẩm âm nhạc là nghĩa vụ tự thân và không bị chi phối quá nhiều bởi các yếu tố khách quan khác. Trong khi đó, các ca sĩ không có khả năng sáng tác lại đứng trước những toan tính chi tiết hơn, đặc biệt là ở cân đối đầu tư - doanh thu. Do đó, việc không có các sản phẩm nhạc Tết mới mẻ được hát bởi các ca sĩ trong khi sản phẩm tương tự chủ yếu đến từ các ca sĩ, nhạc sĩ là điều tất yếu.

Một ca sĩ ngôi sao (xin giấu tên) tiết lộ rằng, “Để ra một ca khúc dạng đĩa đơn hiện nay đầu tư cho hiệu quả là rất tốn kém. Nếu chỉ ghi âm phát hành thông thường thì không hiệu quả. Mà đầu tư hình ảnh (MV) đi kèm thì khả năng thành hit phải chắc chắn. Và ở một thị trường ngắn ngày như Tết, mua một ca khúc của nhạc sĩ rồi đầu tư sản xuất mạnh tay là không hữu hiệu”. Chính vì lẽ này, nhạc sĩ cứ sáng tác nhạc Tết còn ca sĩ thì lại vẫn chỉ tìm hát các bài cũ. Thị trường nhạc Tết “sang tên” luôn cho các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ tuổi với chất liệu trẻ trung và đề tài quanh đi quẩn lại cũng chỉ là “về nhà với mẹ” hoặc “đám cưới mùa xuân” là cùng.

Cái thời cứ trước Tết 2-3 tháng, ca sĩ đôn đáo đi đặt bài nhạc sĩ để hát Tết gần như đã không còn. Sự thay đổi của thị trường âm nhạc đã làm biến dạng luôn công thức nhạc Tết cũ. Trong khi đó, các nhà đài, các nhà sản xuất chương trình sân khấu Tết cũng không dám mạnh tay đầu tư cho nhạc Tết mới nữa. Nếu cần cái mới, họ mời luôn các sản phẩm có sẵn của các ca sĩ, nhạc sĩ, vừa đảm bảo đúng xu hướng quan tâm, vừa đỡ tốn tiền đầu tư.

Thôi thì các nhạc sĩ đành ngồi lại với nhau, trong các buổi tất niên riêng tư, ôm đàn hát cho nhau nghe sáng tác mới về Xuân và Tết vậy. Như thế, âu cũng là không khí Tết rồi.

Văn Đoàn
.
.