Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Trọn một đời “Hát cho đồng bào tôi nghe”

Chủ Nhật, 06/08/2023, 14:52

Ở tuổi 81, ông vẫy tay từ biệt cõi tạm. Lão nhạc sĩ tóc trắng như cước, nụ cười hiền lành với giọng Huế chậm rãi, đôn hậu vẫn in đậm trong tâm trí người ở lại. Cả một đời, nốt nhạc bay lên từ cuộc sống cần lao, tranh đấu cho hòa bình, yên vui như chính bài hát để đời của ông: “Hát cho đồng bào tôi nghe”.

Mỗi dịp 30/4, tôi thường được gặp lại nhạc sĩ Tôn Thất Lập cùng các nhạc sĩ lão thành của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở TP Hồ Chí Minh. Tái ngộ để ôn lại và hát vang những ca khúc sôi sục khí thế đấu tranh, đòi tự do dân chủ của sinh viên đô thị ngày nào. Ông hay ngồi lặng lẽ một góc, quan sát mọi người đàn hát, trò chuyện bằng ánh mắt trầm tư, trìu mến, thỉnh thoảng mới góp chuyện bằng giọng Huế nhỏ nhẹ. Qua mỗi năm, những gương mặt quen thuộc thưa dần, còn mái đầu người ở lại điểm thêm sợi bạc. Nay, nhạc sĩ Tôn Thất Lập - một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào ấy, đã mãi mãi vắng bóng.

1 nhac si ton that lap.jpg -0
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập.

Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tên tuổi Tôn Thất Lập đã được biết đến ở miền Nam qua ca khúc “Tiếng hát về khuya”. Ca khúc nối dài loạt nhạc phẩm của các nhạc sĩ tài danh thuở ấy dành tặng nữ ca sĩ Thanh Thúy như “Ướt mi” (Trịnh Công Sơn), “Thúy đã đi rồi” (Y Vân)… Lời ca dành tặng một người nhưng vẫn lãng đãngnỗi u hoài của một thế hệ nước mất nhà tan. “Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em/ Trút hơi sau cùng giải thoát nhân gian...”.

Lớn lên trong chiến tranh, lại có cha là cán bộ Việt Minh, Lập hiểu thế nào là nỗi đau mất nước. Từ nhỏ ông sớm thuộc làu câu chuyện về vị vua yêu nước Duy Tân mà cha thường răn dạy: “Tay nhớp, lấy nước mà rửa. Rứa nước nhớp, lấy chi mà rửa? Lấy máu mà rửa!”. Chiến tranh lan rộng. Gót giày Mỹ giày xéo khắp nẻo quê hương. Lòng chàng sinh viên xứ Huế đau xót trước khói lửa điêu linh. Yêu văn chương Tự Lực Văn Đoàn, yêu Thơ Mới và truyện võ hiệp Trung Quốc từ thuở cắp sách tới trường nên ở Lập, lẫn những ước vọng lãng mạn thanh xuân còn là khí khái kẻ sĩ thời loạn. Lời người kiếm khách trong bài thơ “Tống biệt hành” thôi thúc bước chân chàng sinh viên rong ruổi về phương Nam.

Ca khúc “Hát cho đồng bào tôi nghe” ra đời năm 1966 tại Huế trong những ngày binh biến lan tràn. Nhưng phải đến mùa xuân năm 1968, tại Đêm Hội Tết Quang Trung Sài Gòn do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức, ca khúc này mới lan tỏa rộng rãi.

Ông nhớ lại: “Mùa xuân ấy, dòng người hối hả sắm Tết đều đổ xô về Trường Quốc gia Hành chánh, hướng lên ngọn cờ hồng đang kiêu hãnh bay trên nền trời xanh ngát. Đó là cờ Quang Trung. Giữa ngọn cờ có hình tròn màu vàng, nhìn xa không khác lá cờ đỏ sao vàng là mấy. Đêm đó, hàng vạn người đã vượt hàng rào cảnh sát phong tỏa, đe dọa, kéo nhau về dự đêm hội. Bên ngoài, cảnh sát càng siết chặt vòng vây. Bên trong, hàng vạn ánh đuốc càng bừng lên trên nền bức tranh hoành tráng dài hàng chục mét vẽ lại hào khí Thăng Long. Tiếng hát dàn đồng ca vang lên bài hát của tôi. Tôi như run lên khi đến đoạn điệp khúc, hàng ngàn tiếng vỗ nhịp bên dưới hòa điệu và ca vang: “Ngày nao thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ/ Ngày nao hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào/ Giành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/ Giành lại thành phố đó bàn tay nâng cao hòa bình”. Đến năm 1969, phong trào đấu tranh của chúng tôi mới ra mắt chính thức với tên gọi “Hát cho đồng bào tôi nghe” và ca khúc trở thành nhạc hiệu của phong trào, nối kết triệu con tim yêu hòa bình, thôi thúc bao thế hệ sinh viên xuống đường đấu tranh”.

Ngày ấy, Tôn Thất Lập làm Trưởng Đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn kiêm Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác. Là cánh chim đầu đàn của phong trào, Tôn Thất Lập tập hợp các nhạc sĩ sinh viên, chính thức dùng âm nhạc như vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, hòa chung với phong trào xuống đường, tuyệt thực, đốt xe tăng Mỹ... đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam. Ngoài Tôn Thất Lập, đội ngũ nòng cốt của phong trào còn quy tụ nhiều gương mặt ưu tú như Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Phú Yên, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng...

Mỗi lần xuống đường, mỗi lần lên sân khấu, những người trẻ hừng hực dòng máu nóng không run sợ trước dùi cui, họng súng quân thù.Tiếng hát vang lên cả trong lao tù tăm tối. Bị đày đọa ở chốn tù ngục, Tôn Thất Lập vẫn sáng tác bài “Hát trong tù” động viên tinh thần anh em. Những bài hát “Đồng lúa reo”, “Người đợi người”, “Đỉnh non cao”, “Đêm hồng”… của ông lan tỏa đến mọi ngõ ngách, hun đúc tinh thần yêu nước của nhân dân.

Năm 1973, Tôn Thất Lập cùng một số đồng chí được phân công sang Pháp nhằm đưa phong trào đi sâu vào sinh viên Việt kiều cũng như bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình. Sáng 30/4/1975, ông đón nhận tin Việt Nam thống nhất từ sơ Francoise Vandermeersh. Trong niềm hân hoan nghẹn ngào, ông sáng tác ngay bài "Hướng về quê hương độc lập": "Chúng ta hướng về Tổ quốc thân yêu/ Và sáng nay ta thấy lòng phơi phới/ Phút giây rộn ràng Tổ quốc hoàn toàn độc lập/ Từ bao năm bao anh hùng nằm xuống/ Nhớ ơn Người từ thuở khai sinh...".

Sau ngày thống nhất đất nước, Tôn Thất Lập công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh. Ông từng giữ chức Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bận rộn với công việc như vậy nhưng ông vẫn miệt mài dệt nên những bài ca mới. Khúc ca giữa thời bình vẫn gắn chặt với bóng hình đất nước, nhân dân cần lao. Đó là ca khúc cổ vũ công cuộc kiến thiết quê hương giàu đẹp như “Trị An âm vang mùa xuân” hay tâm sự người lính trở về từ chiến trường như “Tình anh”…

2 nhac si ton that lap bieu dien.jpg -1
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập thời trẻ.

Và ở Tôn Thất Lập, không chỉ có những bài ca tranh đấu, cổ vũ mà còn có những sắc màu lãng mạn, tha thiết của tình yêu đôi lứa. Bóng hồng trong “Tình ca mùa xuân” chính là người vợ dịu hiền, đảm đang của ông - ca sĩ Liên Hương. Màu hòa bình tô thắm non sông, tiếng ca khắp nơi như bừng rộ khiến trái tim người nhạc sĩ rạo rực khi mùa xuân về. “Mùa xuân đến thật lâu/ Mới hay tình ban đầu/ Như mùa hoa vừa nở/ Cánh én tung trời cao/ Xuân xanh tình kết nụ/ Xuân hồng giấc em ngủ/ Đời vui khoác áo mới/ Phố phường hát tình ca…”.

Đầu thập niên 90 thế kỷ XX, Tôn Thất Lập gia nhập nhóm “Những người bạn” cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Thanh Tùng, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên. Nhóm ra đời với mong muốn định hướng thị hiếu âm nhạc bằng những tác phẩm âm nhạc mới, trữ tình và đầy sức sống trước sự lấn át của nhạc ngoại quốc. Trong nhóm, ông được gọi là “anh Ba” sau “anh Hai” là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Âm nhạc của nhóm tươi mới, trẻ trung, đậm chất pop, rock…

Loạt nhạc phẩm của “anh Ba” Tôn Thất Lập như “Tình ca tuổi trẻ”, “Mưa thì thầm”, “Oẳn tù tì”, “Cô bé dễ thương”, “Tình yêu mãi mãi”, “Nụ hôn”… được nhiều ca sĩ nổi tiếng biểu diễn và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ. Không chỉ sáng tác, bảy nhạc sĩ còn dẫn dắt, nâng đỡ nhiều ca sĩ trẻ mới vào nghề. Không ít trong số đó sau này trở thành những giọng ca nổi tiếng như Quang Dũng, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng… Với người trẻ, Tôn Thất Lập luôn dành cho họ sự quan tâm, chỉ bảo tận tình.

Cuối đời, khi mái đầu đã trắng xóa như mây, ông vẫn theo dõi sát sao đời sống âm nhạc đương đại, nhất là dòng nhạc trẻ. Vậy nên không ngạc nhiên khi một lão nhạc sĩ đã ngót 80 tuổi nhưng vẫn có thể nhịp chân theo điệu EDM sôi động hay bản hit của Sơn Tùng M-TP. Ông trân trọng tài năng trẻ, khen họ biết nắm bắt công nghệ hiện đại, biết bám xu hướng thời thượng để sáng tác nên ca khúc bắt tai, ăn khách. Họ có khác gì ông thời trong nhóm “Những người bạn”.

Điều ông mong mỏi là những ca khúc ấy đừng “sớm nở tối tàn”, mà hãy đọng lại một điều gì đó ý nghĩa cho đồng bào, nâng tầm lên với thời đại, với thế giới. Bởi như ông tâm sự: "Âm nhạc là chiếc cầu nối trái tim của con người. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, âm nhạc như một binh đoàn đặc chủng đưa con người đến gần nhau hơn, hướng đến những điều cao cả".

Mai Quỳnh Nga
.
.