Nhạc sĩ Phạm Hải Âu: "Tôi sẽ viết những ca khúc khải hoàn"

Thứ Năm, 05/08/2021, 11:57

Lặng lẽ nhưng quyết liệt, nhạc sĩ Phạm Hải Âu đang nỗ lực đóng góp cho đời sống âm nhạc Việt những giá trị tích cực. Anh hy vọng sẽ làm sống dậy dòng nhạc rock đang bị lãng quên, bởi theo anh: "Tinh thần rock có phải là thứ mọi người cần không? Đó là sự gan lì, gai góc, vượt qua mọi thứ, mỗi người như một hòn đá tảng mà không virus nào có thể chạm vào".  

- Trong những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nơi đang phải cách ly, anh làm gì?

+ Tôi cũng như đa số người dân Việt Nam bình thường khác, tôi ở nhà. Tôi xem tin tức về COVID nhưng với đợt dịch bùng phát rất khủng khiếp chưa từng có tiền lệ này, tôi không xem một ngày có bao nhiêu ca mắc virus mà tôi tìm những cá nhân hay tổ chức uy tín để đóng góp một phần tiền của mình cho các quỹ hỗ trợ người dân trong khu phong toả và cách ly.

Chứng kiến ở ngoài kia, vẫn còn rất nhiều tình nguyện viên, họ sẵn sàng đem đến cho người dân chai nước, kí gạo, ổ bánh mì mà bỏ qua việc nguy hiểm đến tính mạng của bản thân làm tôi thật sự cảm phục. Việc họ làm không phải là nghĩa vụ, trách nhiệm gì hết, họ hoàn toàn có thể từ chối hoặc phớt lờ, nhưng họ không. Họ làm tất cả vì tình yêu thương của con người. Nếu không có tình yêu thương của những tình nguyện viên đó, chắc chắn những người trong khu phong toả, cách ly sẽ rất lo sợ, bi quan trong lúc không còn thể làm chủ cuộc sống của mình. Về phía mình, tôi làm công việc sáng tác, sản xuất âm nhạc...

Nhạc sĩ Phạm Hải Âu:
 

- Tôi và hàng triệu người Việt nghe nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đeo khẩu trang thổi kèn trong bệnh viện dã chiến ở thành phố Hồ Chí Minh đã không cầm được nước mắt. Âm nhạc, có lẽ vẫn là chốn an ủi tinh thần cho con người những lúc tuyệt vọng nhất. Còn với anh, một nghệ sĩ, nghĩ gì về điều đó?

+ Tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ phần trình diễn đó. Nó không chỉ đánh mạnh vào cảm xúc của người nghe mà còn xoa dịu tinh thần của tất cả mọi người, những người đang tự hỏi khi nào sẽ hết dịch, khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác, nếu xuất phát từ một người có tâm hồn nghệ sĩ thực thụ, sẽ chữa lành mọi vết thương. Tôi tin rằng khi mọi người nghe xong bản nhạc "Quê hương" sẽ buồn, sẽ khóc. Nhưng sau những giọt nước mắt đó, con tim mình sẽ đỡ thổn thức hơn, mọi căng thẳng sẽ được trút bỏ, những điều tốt đẹp dần hiện ra. Những giọt nước mắt rơi ra là những muộn phiền vơi đi.

- Hiện tại, anh đang là người góp phần làm sống dậy nhạc rock, đã từng có một lịch sử huy hoàng ở Việt Nam. Anh có thể chia sẻ về điều này? Vì sao anh chọn rock?

+ Rock vẫn luôn ở trong tôi từ bé đến giờ. Từ những năm 1999-2000, khi đó tôi chỉ là cậu bé mười mấy tuổi, cầm cây đàn với chiếc xe đạp, chạy khắp Đà Lạt để học guitar, để mượn ampli, để tập luyện cùng ban nhạc. Tôi tổ chức những rock show đầu tiên ở Đà Lạt, rồi từ đó tham gia những show diễn ở TP Hồ Chí Minh, ở "Rock Storm", thời còn anh Trần Lập. Tôi đã từng sống trong không khí rock một thời huy hoàng.

Khi "Rock Storm" xuống Cần Thơ, rất nhiều rockfan đã chạy đến chúng tôi, lôi kéo, chụp hình, thật không tin nổi. Lịch sử âm nhạc sang trang, âm nhạc điện tử lên ngôi. Không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng thế. Mọi người bắt đầu thấy những ban nhạc như Metallica, Dream Theater, Guns n Roses... dần dần bị thay thế. Họ vẫn có lượng khán giả đông đảo chứ, nhưng so với thời hoàng kim thì không còn thấm vào đâu. Tôi đã ấp ủ mong muốn đưa rock trở lại từ lâu. Sau khi chứng kiến chương trình "Rap Việt" thành công, mong muốn đó lại mãnh liệt hơn. Tôi thấy những rapper trước đây underground nay được tôn vinh vì họ xứng đáng. Họ trở thành những rapstar được mọi người săn đón, có một cuộc sống tốt hơn rất nhiều sau chương trình.

Đối với rock, tôi cũng muốn những rocker Việt Nam có được cảm xúc và sự nghiệp của một rockstar. Họ hoàn toàn có quyền chơi nhạc rock và giàu có, nổi tiếng từ nghề. Họ không cần phải làm những công việc khác fulltime và chỉ tập band vào cuối tuần. Họ không cần phải đi xin việc ở những quán bar nhạc sống và chỉ được chơi cover. Họ không cần phải là kiến trúc sư, phải là nhân viên công nghệ thông tin, phải bưng bê cafe hay start-up bất cứ thứ gì. Họ chỉ cần chơi nhạc rock, làm album, làm ra những bữa ăn tinh thần cho khán giả. Và thậm chí ngay lúc đại dịch COVID này, có phải tinh thần rock là thứ mọi người cần không? Đó là sự gan lì, gai góc, vượt qua mọi thứ, mỗi người như một hòn đá tảng mà không virus nào có thể chạm vào.  

Nhạc sĩ Phạm Hải Âu:
Nhạc sĩ Phạm Hải Âu trong một chương trình biểu diễn. 

- Sau "cơn bão" của rap, theo anh, nhạc rock có làm nên chuyện và chiếm lĩnh thị phần âm nhạc Việt hay không?

+ Tôi sẽ không nói trước là nhạc rock có làm được điều gì trong năm nay hay không. Bản thân tôi đang cố gắng đưa rock trở lại trên mọi phương tiện. Tôi tổ chức một show tên là "Rock Fest". Đáng lẽ diễn ra trong tháng 5 nhưng bị hoãn lại vì dịch. Và sở dĩ đặt tên "Rock Fest" là vì tôi muốn về lâu dài đó sẽ là một festival, một lễ hội thật sự của nhạc rock, không chỉ là rock Việt mà còn là những ban nhạc rock quốc tế. Bên cạnh đó tôi cũng đang thực hiện một chương trình về các ban nhạc rock tên là "Rock Việt". Đây là một chương trình quy tụ rất nhiều các ban nhạc rock khắp Bắc - Trung - Nam. Chương trình sẽ được phát sóng trên HTV. Tôi hy vọng sẽ được khán giả ủng hộ.

- Vậy theo quan sát của anh, chất lượng của những ban nhạc rock  hiện nay thế nào?

+ Chất lượng các ban nhạc rock hiện này vẫn chênh lệch khác nhau. Có những ban chơi rất hay, tiệm cận với khu vực, có những ban vẫn còn khá non nớt nhưng đã vội vàng làm những sản phẩm dài hơi. Nhưng rock là thế, đôi khi cứ phải liều lĩnh muốn chứng minh bản thân. Nếu cứ lấy một quy chuẩn về chất lượng để kìm kẹp tinh thần đấy thì không còn là rock nữa. Tôi đã nhận được hơn 50 ban nhạc gửi hồ sơ về tham gia rock Việt. Điều đó khiến tôi rất vui vì biết rằng ở khắp nơi dọc dài đất nước vẫn còn rất nhiều ban nhạc, rất nhiều những người yêu rock. Có lẽ họ cũng đang chờ đợi một chương trình hay một bàn đạp để bật lên. Tôi sẽ luôn là người ủng hộ các ban nhạc, không kể lứa tuổi hay thể loại.

- Lâu nay, Phạm Hải Âu được biết đến nhiều hơn với tư cách là nhà sản xuất, anh làm dự án cho các ca sĩ, phát hiện những gương mặt mới. Điều này rất quan trọng vì nó đóng vai trò định hướng trong đời sống âm nhạc. Anh có nhìn nhận thế nào về những giọng ca  trẻ hiện nay?

+ Đó là điều tôi yêu thích của công việc sản xuất, gặp gỡ những nghệ sĩ tài năng, những giọng ca trẻ và làm được đa dạng thể loại.

Nói về rock nhiều nhưng năm vừa rồi tôi lại thành công khi sản xuất âm nhạc cho một rapper: Wowy. Những ca khúc như: "Thiên đàng", "Hướng dương", "Sống gắt"… hay mới đây nhất là ca khúc "Love you to the moon & back" tôi sản xuất cho Wowy và ca sĩ Mỹ Tâm. Ca khúc đã được trình diễn trong liveshow "Tri âm" ở TP Hồ Chí Minh. Đáng tiếc là liveshow ở Hà Nội bị tạm dừng do dịch phức tạp. Và với vai trò là một nhà sản xuất, tôi có thể tham gia được nhiều thể loại nhạc khác nhau và chắc chắn rồi, tìm được nhiều giọng ca mới mẻ và khác biệt. Những giọng ca trẻ hiện nay tôi đánh giá rất cao, đặt biệt là khả năng tự sáng tác và tự sản xuất tác phẩm của mình. Họ có nền tảng và học thuật tốt. Tôi nghĩ nếu có thể đẩy được cảm xúc mạnh vào giọng hát và ca từ hơn nữa họ sẽ đem lại cho nhạc Việt nhiều tác phẩm để đời.

- Khán giả vẫn chờ đợi những sáng tác mới của anh. Anh có ấp ủ sáng tác mới nào, nhất là về đại dịch COVID- 19?

+ Tôi ấp ủ một album và đã đi được 50% chặng đường. Đó là những sáng tác mới của tôi và sẽ được thể hiện qua nhiều giọng ca. Nhưng cái khó của tôi bây giờ là phong cách sáng tác của tôi đã thay đổi khiến cho việc chọn lựa giọng ca trở nên khó khăn hơn. Tôi vẫn đang tìm những giọng ca phù hợp, nhất là những giọng ca trẻ. Tôi hy vọng có thể sớm hoàn tất album trong năm nay. Về đề tài là đại dịch COVID thì tôi không viết. Trường ca chống dịch của mọi người đã quá dai dẳng và mệt mỏi rồi, giờ tôi chỉ muốn viết khúc khải hoàn ca.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.