Nhạc sĩ Mai Trâm: Tuổi trẻ viết tiếp khúc quân hành
Ít nói, hay cười và tràn đầy nhiệt huyết - đó là ấn tượng với những ai từng gặp gỡ Mai Trâm. Nhựa sống tuổi trẻ dạt dào và sôi nổi trong từng ca khúc của chị. Giai điệu ấy hát về quê hương, ngợi ca Tổ quốc với những con người chân trần chí thép, tiếp bước lời ca hào hùng của một thời cha ông “Dậy mà đi”...
- Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước đang đến gần. Là người con của TP Hồ Chí Minh, những ngày này cảm xúc của chị như thế nào?

+ Tròn 50 năm - một chặng đường không chỉ đánh dấu sự thống nhất đất nước, mà còn là hành trình phát triển mạnh mẽ, bền bỉ của TP Hồ Chí Minh - TP mang tên Bác. Là người con sinh ra và lớn lên tại đây, tôi cảm nhận rất rõ nhịp đập đổi thay từng ngày của thành phố này - nơi hào sảng mà nghĩa tình, năng động mà đầy bản sắc. Những ngày này, cảm xúc trong tôi vừa rộn ràng, tự hào, vừa xúc động khó tả. Thành phố không ngừng lớn mạnh, hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được cái hồn quá khứ của một thành phố anh hùng, một trung tâm văn hóa - kinh tế - xã hội hàng đầu cả nước. Tôi tin rằng, thành phố sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa, là nơi tụ hội của trí tuệ, sáng tạo, là nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm nghệ thuật như tôi.
- Những cảm xúc và niềm tin yêu đó có phải được chị gửi gắm trọn vẹn trong ca khúc “Chào 50 năm thành phố rạng rỡ tên Người” - ca khúc đoạt Giải Nhất trong Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chủ đề “TP Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”?
+ Vâng. Những cảm xúc đó đã được tôi gửi gắm trọn vẹn vào ca khúc “Chào 50 năm thành phố rạng rỡ tên Người”. Bài hát ra đời vào năm 2023, trong khuôn khổ lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh. Khi ấy, lễ kỷ niệm 50 năm vẫn còn ở phía trước, nhưng đạo diễn chương trình đã có tầm nhìn xa, muốn hướng đến ngày trọng đại này với tinh thần chuẩn bị từ sớm. Bài hát mang trong mình tinh thần hào hùng, niềm tự hào sâu sắc, cũng là lời tri ân của tôi gửi đến thành phố - nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn, lý tưởng và cả âm nhạc của tôi.
- Nhắc đến Mai Trâm, người ta lại nhớ đến một nữ nhạc sĩ trẻ trung, nhiệt huyết với loạt ca khúc đậm dấu ấn phong trào thanh niên, đoàn hội, ngợi ca Tổ quốc... Chị dấn thân vào con đường sáng tác này như thế nào?
+ Tôi bén duyên với âm nhạc từ rất sớm, trong môi trường nghệ thuật mà gia đình là nền tảng quan trọng. Nhưng, con đường đến với dòng nhạc gắn bó với phong trào thanh niên, đoàn hội lại đến rất tự nhiên - từ những chuyến đi thực tế, những lần tham gia các hoạt động tình nguyện, từ những điều giản dị mà đầy cảm hứng trong đời sống người trẻ.
Nơi tôi đang công tác là Nhà Văn hóa Thanh niên - một điểm hẹn sôi động, gần gũi của tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Chính không gian ấy, với những chương trình, sự kiện gắn liền với lý tưởng sống đẹp của thanh niên đã giúp tôi thêm hiểu, thêm yêu và gần gũi hơn với âm nhạc dành cho thế hệ trẻ. Có lẽ vì thế mà tôi gắn bó với dòng nhạc này như một điều rất tự nhiên. Tôi nhận ra rằng, âm nhạc không chỉ để thưởng thức, mà còn là phương tiện truyền lửa, truyền cảm hứng. Từ đó, tôi chọn đi cùng con đường ấy - nơi mỗi ca khúc không chỉ mang giai điệu, mà còn mang tâm huyết, lý tưởng, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ hôm nay.
- Hiện nay, những nhạc sĩ trẻ sáng tác bài hát truyền thống cách mạng, ca ngợi quê hương, đất nước không nhiều. Có người cho rằng thể loại này khô cứng, dễ rơi vào hô hào khẩu hiệu. Chị nghĩ sao về định kiến này?
+ Tôi hiểu vì sao có định kiến ấy. Dòng nhạc truyền thống cách mạng, nhạc cổ động thường bị gắn mác là "hô khẩu hiệu", thiếu tính nghệ thuật hoặc không bắt kịp thị hiếu trẻ. Nhưng, tôi luôn tin: không có thể loại nào lỗi thời - chỉ có cách thể hiện chưa phù hợp. Với tôi, khi viết về Tổ quốc, về lực lượng vũ trang, về lý tưởng sống, tôi không bắt đầu bằng tư tưởng mà bắt đầu bằng cảm xúc. Tôi không đặt ra “thông điệp” trước, mà để cảm xúc dẫn dắt - như khi viết “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Như ngọn hải đăng” hay “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”. Mỗi tác phẩm phải thực sự chạm đến người nghe, kể cả người trẻ, bằng sự chân thành, bằng hơi thở đương đại trong hòa âm phối khí, nhịp điệu và cả hình ảnh truyền thông sau đó.
- Chị là “cây giải thưởng” khi liên tục đoạt giải cao ở các cuộc vận động sáng tác âm nhạc. Chị có trăn trở việc phải làm sao để ca khúc của mình không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà phải lan tỏa đến đông đảo người nghe?
+ Đây là điều tôi suy nghĩ rất nhiều. Một ca khúc được giải thưởng là điều đáng quý nhưng nếu nó chỉ “sống” một lần trên sân khấu thì rất tiếc. Vì thế, tôi luôn cố gắng kết nối với các đơn vị nghệ thuật, đoàn thể, các bạn trẻ để đưa bài hát vào đời sống - biểu diễn trong lễ hội, lan tỏa qua mạng xã hội, thậm chí phối hợp làm video, MV để “định dạng” hình ảnh cho ca khúc. Tôi tin rằng, âm nhạc phải có “đời sống thứ hai” - đời sống ngoài khuôn khổ cuộc thi. Và, khi nó được cộng đồng hát lên, lan truyền thì mới thực sự hoàn thành sứ mệnh.

- Trong các bài hát đã sáng tác, chị tâm đắc hay có kỷ niệm với bài hát nào nhất?
+ Có lẽ, tôi tâm đắc nhất với ca khúc “Chào 50 năm thành phố rạng rỡ tên Người”. Không chỉ vì bài hát đoạt giải cao mà bởi nó mang dấu ấn đặc biệt. Đó là sự kết tinh giữa cảm xúc cá nhân, niềm tự hào với thành phố và trách nhiệm của người nghệ sĩ khi viết về những mốc son lớn của dân tộc.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi” cũng là một ca khúc đặc biệt với tôi. Đây là sản phẩm được tôi viết từ chuyến đi Trường Sa đầy ý nghĩa. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc phấp phới trên biển khơi - tất cả đã hóa thành một khúc hát về tình yêu đất nước, vươn xa trên mọi miền Tổ quốc, đến tận hải đảo xa xôi.
- Qua những ca khúc của chị, người ta nghe như có bước quân hành của lớp trẻ hôm nay tiếp bước cha anh. Có phải đó là ảnh hưởng từ cha chị - nhạc sĩ Trần Xuân Tiến - người vừa được vinh danh "Nhạc sĩ trọn đời vì âm nhạc Việt Nam"?
+ Đúng vậy, ba tôi là người đã gieo vào tôi tình yêu với âm nhạc và tinh thần hướng về đất nước, về con người. Ông là nhạc sĩ gắn bó với phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn, từng tham gia “Hát cho đồng bào tôi nghe” - một phong trào âm nhạc vô cùng đặc biệt của miền Nam trước năm 1975. Ngọn lửa yêu nước ấy từ ba đã thắp trong tôi một tình yêu lớn dành cho đất nước. Tình yêu ấy sâu sắc, bền bỉ và luôn thôi thúc tôi phải cống hiến.
Hai cha con từng có ca khúc đồng sáng tác như “TP Hồ Chí Minh - Niềm tin ngời sáng”. Ba không chỉ là người thầy trong âm nhạc, mà còn là người truyền cảm hứng để tôi sống hết mình với từng nốt nhạc, từng lời ca. Được học từ ba, tôi luôn mang trong mình khát vọng học hỏi, kế thừa những giá trị nghệ thuật mà ba để lại. Nhưng, đồng thời, tôi cũng mong muốn tìm ra con đường riêng, sáng tạo những giá trị mới mẻ để góp phần làm phong phú thêm bức tranh âm nhạc Việt Nam.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Nhạc sĩ Mai Trâm tên đầy đủ là Trần Xuân Mai Trâm, sinh năm 1980. Chị từng đoạt các giải thưởng:
- Ca khúc “Chào 50 năm thành phố rạng rỡ tên Người” - Giải Nhất, cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chủ đề “TP Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”.
- “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” - Giải B, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật về đề tài Hải quân nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
- “Những bông hoa thép” - Giải A, cuộc vận động sáng tác ca khúc “80 năm - Vinh quang CAND Việt Nam” .
- “Em là nữ chiến sĩ Cảnh sát cơ động” - Giải B, trại sáng tác “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”.
- “Tự hào thanh niên Việt Nam” - Giải Nhất, cuộc thi sáng tác ca khúc về thanh niên tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX.
- “Hát về thành phố tôi yêu” - Giải Nhì, cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” 2025.
- “Khát vọng sinh viên Việt Nam” - Giải Nhất, cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.