Nhạc "rác" vẫn réo tên dòng "ráp"

Thứ Bảy, 20/01/2024, 13:30

Kể từ khi nổi lên như một dòng chảy chủ lưu của nhạc Việt, rap ghi dấu với nhiều thành tích ngoạn mục. Nhưng so với loạt bản hit đặc sắc, dòng nhạc được giới trẻ vô cùng ưu ái này thường xuyên ầm ĩ với bài hát dung tục, chợ búa, khắc sâu vào định kiến: rap là rác!

Năm 2024 mở đầu với việc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt rapper Bray. Trước đó, ca khúc "Để ai cần" bị khán giả la ó vì nội dung sống sượng, phản cảm. Thật không thể chấp nhận những lời thóa mạ, trù ẻo người yêu cũ lại tồn tại trong một sản phẩm âm nhạc như: "Anh mong em qua đời thanh thản ở trên giường ngủ và thức giấc là ở dưới địa ngục/ Anh mong những ngày tệ nhất sẽ đến với em mỗi khi trời trong xanh…/ Anh mong em sún nguyên hàm răng cửa/ Anh mong em đánh bại được ung thư chỉ để bị ung thư thêm lần nữa". Trước mắt, cơ quan chức năng buộc tác giả phải gỡ bài hát khỏi mọi nền tảng nghe nhạc trực tuyến.

1 bray.jpg -0
Rapper Bray bị xử phạt vì ca khúc "Để ai cần" phản cảm.

Trước "Để ai cần", nhạc rap đã có "số má" với loạt ca khúc gây sốc, thậm chí độc hại. "Mua cho con chiếc còng tay" của rapper Chị Cả từng khiến ai nghe qua cũng phải dựng tóc gáy vì cổ xúy chuyện tình cảm loạn luân bệnh hoạn. Bình Gold thì sở hữu loạt MV khai thác chuyện giường chiếu dung tục hay tán dương lối sống ăn chơi đập phá như "Lái máy bay", "Ông bà già tao lo hết", "Bốc bát họ", "Quan hệ rộng", "Trơn"… 

Đỉnh điểm khiến dư luận phẫn nộ là bài rap "Thích Ca Mâu Chí" của nhóm "Rap nhà làm" có nội dung báng bổ đạo Phật. Xa hơn, các ca khúc  "Áo mưa", "Phiếu bé ngoan" … của Yanbi, Mr T hay "Như cái lò" của Khắc Hưng và Huyền Sambi đều bị ví như sản phẩm kích dục không hơn không kém. Nhìn lại số ca khúc bị liệt vào hàng nhạc rác, nhạc nhảm, thể loại rap luôn đứng đầu bảng. Các thể loại như pop, RnB… cũng có ca khúc thảm họa như "Nói dối", "Da nâu", "Ừ, em xin lỗi", "Tất cả đứng im", "Quan trọng là thần thái", "Quăng tao cái boong"… song độ bẩn bựa, dung tục thì phải chào thua dòng rap

Nhạc rap có mặt ở Việt Nam từ đầu những năm 2000. Thế nhưng một thời gian dài, nó vẫn bị coi là dòng nhạc kén người nghe, là dòng phụ lưu chứ không chính thống. Trong các sản phẩm âm nhạc, rap xuất hiện chớp nhoáng vài câu với tư cách là nhân tố phụ để điểm trang cho bài hát chính thêm hấp dẫn. Vì thế rap vẫn bị mặc định là âm nhạc của giới underground (dòng chảy ngầm) chứ hiếm có cơ hội biểu diễn ở sân khấu lớn.

Từ năm 2020, với sức nóng của hai gameshow "Rap Việt" và "Ông hoàng nhạc rap", rap chuyển mình ngoạn mục, ngày càng khẳng định vị trí trong thị trường âm nhạc Việt Nam bằng những ca khúc ăn khách, chất lượng. Hàng loạt rapper ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ và được vinh danh ở các giải thưởng uy tín như Đen Vâu, Binz, Suboi, Karik, Wowy, Pháo, Rhymastic, JustaTee, BigDaddy, nhóm Lộn Xộn… Mới đây, hai album "99%" của MCK và "Ái" của Tlinh liên tục khuấy đảo các bảng xếp hạng.

Sở dĩ rap được yêu thích bởi đây là thể loại âm nhạc phóng túng, bộc trực, thể hiện cái tôi cá nhân và phản biện, đả kích xã hội. Nhưng cũng chính điểm đặc trưng này khiến dòng nhạc ấy sản sinh ra vô số ca khúc bất cần, chợ búa. Thời kỳ mới du nhập vào nước ta, rap Việt đầy rẫy ca từ thô lậu, suồng sã. Nhưng thời điểm đó, nhạc rap và các rapper chưa nổi đình nổi đám như bây giờ nên những bản rap này không mấy khán giả chú ý. Bây giờ rap lên ngôi thì "rap rác" theo đó được dịp lan truyền.

Trong số đó, sự lên ngôi của rap diss (dùng để đả kích, chê bai, hạ bệ ai đó) - một nhánh của rap, tạo ra vô số sản phẩm thảm họa. Giới rapper vốn có cái tôi cá nhân lớn, lối sống tự do, phóng đãng nên họ hay gây hiềm khích với đồng nghiệp. Mỗi khi có hiềm khích, họ chọn giải quyết mâu thuẫn bằng những bản rap diss. Làng nhạc liên tục nháo nhào với trận "so găng" giữa Viruss và Bình Gold, Rhymastic và Torai9,  ICD và Tage…

Trên lý thuyết, những bản rap diss không chỉ để đả phá, châm chích đối thủ mà còn thể hiện tài năng ngôn từ sâu cay, thâm thúy, trình độ âm nhạc điêu luyện của chủ nhân bản rap. Nhưng lý thuyết là vậy, thực tế lại hoàn toàn khác. Hầu hết bản rap diss của giới rapper Việt vẫn chỉ dừng lại ở mức "chửi thề cho đã miệng" với ngôn từ chợ búa, hằn học và tục tĩu. Trong bài "Overrated", Tage dùng lời lẽ nhục mạ, đầy khiêu khích ICD: "Mặt mày dày đi chê người khác suốt bao tháng ngày qua/ Giờ tao chê nhạc nghe chán hay dở vẫn chọc được vào lòng tự ái mày à/ Gáy bẩn là có người viết hộ à/ Danh dự tao nó không rẻ như mày…".

2 binh gold.jpg -1
Bình Gold thường xuyên xuất hiện với MV dung tục, ăn chơi sa đọa.

Điều đáng lo ngại là những ca khúc kiểu này lại được lan truyền với tốc độ chóng mặt nhờ kênh phát hành trực tuyến. Dưới bài hát "Để ai cần", nhiều bạn trẻ mặc sức tung hô, cho rằng tác giả chửi đã tai, hả dạ. Số khác bảo rằng mình chẳng quan tâm đến lời ca, quan trọng là nhạc nghe cuốn là được. Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn phân tích: "Tâm lý con người luôn tò mò trước những điều mới lạ, đặc biệt điều đó càng mạnh với các bạn trẻ, thiếu nhi. Những gì càng lạ lẫm, độc dị thì chúng lại càng ấn tượng. Nhưng về lâu dài điều đó sẽ ảnh hưởng đến gu thẩm mỹ, nhận thức, hành vi của giới trẻ vì bộ lọc của họ còn yếu".

Vụ xử phạt Bray chỉ là hạt muối bỏ biển so với vô số nhạc "rác", MV nhảm đang tràn lan trên mạng. Khoảng 10 năm nay, số vụ xử phạt của cơ quan chức năng với nhạc "rác" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau vụ Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính Yanbi và Mr T vì ca khúc "Phiếu bé ngoan" thì sau đó chỉ có rapper Chị Cả và nhóm "Rap nhà làm" bị xử lý hành chính. Nhưng số tiền phạt vài chục triệu không đủ sức răn đe nên tình trạng rap rác vẫn nhan nhản. Đa số khi bị dư luận lên án, các rapper tìm cách ẩn sản phẩm hay tạm gỡ khỏi các trang nghe nhạc. Sau một thời gian yên ắng, số ca khúc này lại âm thầm trở lại như chưa có chuyện gì.

Theo dõi sát sao dòng chảy của thị trường nhạc Việt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không ít lần lên tiếng bức xúc trước tình trạng nhạc "rác". Anh thừa nhận mọi cung bậc của đời sống đều có thể trở thành chất liệu cho âm nhạc. Nhưng không phải vì thế mà đưa chuyện giường chiếu, thù ghét cá nhân, ăn chơi trác táng… vào khuôn nhạc một cách sống sượng rồi gọi đó là nghệ thuật.

"Với tôi, âm nhạc phải có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật là phải đẹp, có nghĩa là mỗi nhạc sĩ khi viết ra mỗi bài hát đều phải vươn tới sự hoàn mỹ của cái đẹp, đẹp từ nội dung, giai điệu, ca từ, ý nghĩa đến cái tên. Âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn mang tính định hướng, gieo trồng cảm xúc tích cực tới khán giả, ươm những mầm thiện và nuôi dưỡng cái đẹp. Một bài hát có thể hay hoặc chưa hay, có thể dở hoặc không hợp thời, có thể mang tính thị trường hay mang chất học thuật, sao cũng được nhưng tuyệt đối không được vô sỉ, vì đó là đứa con tinh thần của mỗi người nhạc sĩ, là đại diện cho tâm hồn và phông văn hóa của người nhạc sĩ đó" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm tình. 

Sở dĩ vài năm gần đây dòng rap bùng nổ vì những cá tính âm nhạc mới lạ và văn minh như Đen Vâu, BinZ, Suboi, Wowy, Pháo… Chất phóng khoáng, bụi bặm của rap vẫn đấy, nhưng qua góc nhìn của những nghệ sĩ đa năng trên, rap đã đa dạng đề tài, được trau chuốt vần điệu và giàu chất đời, chiêm nghiệm. Nhạc phẩm truyền tải nhiều thông điệp tích cực, giúp khán giả yêu đời, lạc quan và hướng tới một cuộc sống có ích. Nói như rapper Wowy, nếu muốn khán giả đón nhận, rap Việt buộc phải văn minh hơn. Còn mãi chạy theo bản năng thấp hèn mà không quan tâm đến nghệ thuật, thì đường về của rap ai cũng biết rõ.

Mai Quỳnh Nga
.
.