Nhạc Disco - Ma lực với thế giới LGBTQ
Trong các xã hội cũ nơi người đồng tính không được sống thật với mình, họ đành tìm đến nghệ thuật như một cách để thổ lộ tâm tư, tình cảm, khát vọng của bản thân. Âm nhạc không phải là ngoại lệ với những cái tên như nghệ sỹ piano Tony Jackson (Mỹ) và nhà soạn nhạc Dimitri Mitropolous (Hy Lạp). Vậy nhưng khó có thể loại nhạc nào có quan hệ chặt chẽ với người đồng tính (LGBTQ) như disco. Tại sao nhiều người thuộc giới tính thứ ba lại bị thu hút bởi disco với tư cách nghệ sỹ lẫn khán giả đến vậy?!
Để sống thật với mình
Chỉ mới cách đây hơn nửa thế kỷ, luật pháp nhiều nước phương Tây coi người đồng tính như kẻ phạm tội. Ví dụ như Anh Quốc đến năm 1967 mới bỏ luật xếp các hoạt động tình cảm, tình dục đồng giới vào nhóm những hành vi dâm ô, xúc phạm thuần phong mỹ tục. Bất kỳ ai đồng tính muốn sống yên ổn buộc phải giấu giếm bằng được những tình cảm thật trong lòng mà lập gia đình, sinh con đẻ cái như những người khác.
Quá trình đô thị hoá lôi kéo nhiều người đồng tính đến sống tại các thành phố lớn, phần vì người thành thị ít thành kiến hơn so với nông thôn, phần vì dễ tìm được những người giống mình. Một trong những địa điểm để người đồng tính gặp nhau là sàn nhảy. Những người đến sàn nhảy cảm thấy thật sự thoải mái vì tại đây các rào cản, định kiến xã hội được dỡ bỏ và không ai quan tâm xem người khác là nam, nữ hay đồng tính nữa.
Dần dần mhiều người đồng tính trở thành nhạc sỹ chuyên sáng tác, biểu diễn nhạc nhảy. Ngay từ thập niên 20 của thế kỷ trước đã có một số nghệ sỹ đồng tính trong thể loại jazz, funk và soul rồi. Vậy nhưng họ vẫn phải giấu kín giới tính thực của mình trong sáng tác lẫn cuộc sống hằng ngày. Phải đến khi phong trào giải phóng người đồng tính đạt được một số thành công vào thập niên 1970 thì họ mới dám công khai thể hiện ở sàn nhảy. Đây cũng là thời điểm disco bắt đầu “chạm tay” tới những đỉnh cao mới.
Disco xuất hiện vào thập niên 1960 khi các DJ người Mỹ thử nghiệm pha trộn những thể loại nhạc Mỹ Latinh với jazz, blues, go-go, v.v… Một trong những DJ có công định hình nên disco là Frankie Knuckles, đồng thời cũng là một nghệ sỹ hiếm hoi công khai mình là người đồng tính khi đó. Disco nhanh chóng chiếm lĩnh các sàn nhảy ở Mỹ và châu Âu, vậy nên không có gì lạ khi nó cũng trở thành thể loại âm nhạc được nhiều người đồng tính lắng nghe nhất.
Nicky Siano là một trong các DJ và nhà sản xuất âm nhạc huyền thoại của nước Mỹ. Vào năm 18 tuổi, ông lập nên sàn nhảy The Gallery tại Manhattan, New York với mục đích tạo một không gian disco cho những người đồng tính như mình. Nhà sản xuất âm nhạc chia sẻ động cơ của mình khi làm việc này: “Sau khi nhiều người bị hành hung vì dám công khai giới tính thật của mình, cộng đồng thế giới thứ ba trở nên rất hoang mang. Tôi cứ nghĩ rằng chúng ta phải tìm cách mở rộng lòng mình ra để tình yêu lan truyền… Những bài hát disco đều nói về tình yêu, về tình đoàn kết, về việc làm thế giới tốt lên là cách để tôi góp phần giúp mình và những người đồng tính khác!”.
Mặt khác, disco thành công cũng nhờ sự tham gia của các nghệ sỹ không phải người đồng tính. Họ chứng minh cho xã hội rằng, không chỉ có người đồng tính mới thích nghe disco hoặc sáng tác những tác phẩm hay. Điều này lại khiến xã hội ít kỳ thị với disco và khán giả, nghệ sỹ disco đồng tính. Hai cái tên nghệ sỹ đáng kể là nhà sản xuất âm nhạc huyền thoại Giorgio Moroder và ca sỹ Jocelyn Brown. Jocelyn còn là cầu nối giữa người đồng tính, người gia đen với phong trào hoà bình thế giới. Theo lời bà kể: “Nếu như folk và ballad là “tiếng nói” của phong trào phản chiến Việt Nam, thì disco là “tiếng nói” của phong trào hoà bình thế giới sau đó!”. Nghệ sỹ đồng tính đầu tiên trở nên nổi tiếng nhờ disco là Sylvester. Khi còn trẻ ông ở trong một nhóm nhạc hippy nam ăn mặc giả nữ mang tên Cokettes. Ban nhạc đạt được một số thành công nhất định, nhưng đi tour đến đâu họ cũng bị những kẻ ghét người đồng tính gọi điện doạ nạt. Không chịu nổi áp lực, Sylvester rời nhóm nhạc ra hoạt động solo. Album nhạc jazz đầu tay của ông bán rất chạy ở châu Âu nhưng lại lỗ nặng ở Mỹ. Lúc đó một người bạn gợi ý Sylvester thử nghiệm với disco.
Sylvester và nhà sản xuất Patrick Cowley của mình đã tạo thêm chiều sâu cho disco. Họ lấy phong cách disco điện tử của châu Âu và làm cho nó phù hợp với khán giả Mỹ hơn. Người nghe những bản disco của Sylvester có thể cảm nhận một soundscape vô cùng đa dạng và màu sắc, phần nhiều vì Patrick Cowley lấy sample từ tất cả mọi thứ ông gặp trong cuộc sống hằng ngày.
Khi bản hit “You Make Me Feel (Mighty Real)” của Sylvester ra mắt năm 1978, bảng xếp hạng Billboard chưa hề có một tác phẩm nào giống như thế. Các tác phẩm disco theo sau “You Make Me Feel (Mighty Real)” đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của bài hát này, nếu không về âm điệu thì về lời ca mang tinh thần tự do, phá bỏ mọi sự rụt rè trước định kiến.
Sụp đổ!
“Giấc mơ” sử dụng âm nhạc để giải phóng con người của các nghệ sỹ disco rồi cũng “đâm sầm” vào xã hội Mỹ vẫn còn nhiều bảo thủ. Phần lớn người Mỹ, đặc biệt là người Mỹ da trắng trung tuổi trở lên, coi disco như một thứ tệ nạn khiến xã hội đồi bại chỉ vì sự tham gia của giới nghệ sỹ đồng tính. Người ta phản đối disco trên mặt báo, sóng truyền thanh, v.v… Đỉnh điểm của sự căm ghét diễn ra vào tối ngày 12-7-1979 trong trận đấu bóng chày giữa hai đội Chicago White Sox và Detroit Tigers. Để thu hút khán giả, ban tổ chức nghĩ ra trò cho nổ tung một thùng chứa đầy đĩa than nhạc disco. Họ không ngờ rằng sau đó hơn 7000 khán giả trên khán đài ào xuống sân dùng tay, vỏ chai bia hay búa tạ để đập vỡ hết số đĩa còn sót lại.
Sau cái đêm định mệnh đó, các hãng đĩa hiểu rằng “giờ sống” của disco sắp đến hồi kết. Ngoài sự phân biệt đối xử với người đồng tính, rất nhiều người không thích disco còn vì sự bão hoà thị trường - quá nhiều tác phẩm disco ra mắt trong một thời gian ngắn khiến người nghe bị “bội thực”. Theo sự chỉ đạo của các hãng đĩa, nhiều tên tuổi lớn trong làng disco bắt đầu tìm cách “nhảy sang” những thể loại khác. Những nghệ sỹ không chịu bỏ mặc disco đành chấp nhận cảnh rời xa ánh hào quang, biểu diễn tại các sân khấu nhỏ. Disco lui dần vào quên lãng trong khi pop-sync và electronics chiếm lĩnh các sàn nhảy.
Giới nghệ sỹ disco nói riêng và cộng đồng người đồng tính nói chung sau đó còn phải chịu thêm một cú đòn mạnh nữa: Đại dịch HIV/AIDS. Khi đó người dân không hiểu biết gì về căn bệnh này. Họ cho rằng chỉ có những người đồng tính quan hệ tình dục với nhau mới bị mắc HIV/AIDS. Những người thuộc giới tính thứ ba phải chịu sự kỳ thị không kém gì bệnh nhân hủi khi xưa. Khi Sylvester mất năm 1988 sau một thời gian dài chống chọi với HIV/AIDS, nhiều nhà quan sát đã vội vàng tuyên bố “đặt dấu chấm hết” cho disco.
Disco chưa bao giờ chết!
Có một quy luật bất thành văn trong ngành công nghiệp âm nhạc, đó là: “Bất kỳ thể loại âm nhạc nào cũng cần khoảng 20 năm mới lấy lại sự nổi tiếng của mình”. Disco không phải là ngoại lệ. Đến đầu thập niên 2000, một thế hệ nghệ sỹ trẻ “khám phá lại” những tác phẩm disco mà cha mẹ họ đã từng có thể mê mẩn. Họ không có những định kiến kỳ thị người đồng tính như các thế hệ đi trước. Không có gì khó để các ca sỹ, nhạc sỹ trẻ khi đó như Daft Punk và Kylie Minogue tiếp nhận disco để biến nó thành thứ của mình.
Nu-disco, thể loại kế thừa disco, vẫn đang tiếp tục phát triển. Ngôi sao nu-disco lớn nhất hiện nay là ca sỹ người Anh, Dua Lipa. Cô vừa mới được đề cử 6 giải Grammy và thắng một giải cho bài hát “Dont Start Now”. Dua Lipa cũng là một nhà hoạt động vì quyền lợi của người đồng tính. Cô không ít lần tham gia các đoàn tuần hành đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ ở Anh. Khi Brunei đưa ra pháp lệnh sẽ xử tử bất kỳ người đồng tính nào, Dua Lipa dẫn đầu phong trào quốc tế tẩy chay các khách sạn do quốc vương Brunei sở hữu.
Cũng lại là một ca sỹ người Anh khác làm cái việc “kết nối lại” disco với cộng đồng người đồng tính. Sau khi sáng tác hàng loạt bản hit cho các ca sỹ như Alex Newell, Charlotte OC và Kylie Minogue, nhà soạn nhạc đồng tính người Anh Tom Aspaul quyết định thử sức mình bằng việc cho ra mắt album đầu tay “Black Country Disco” vào năm ngoái. “Black Country” chỉ vùng đất Midlands quê hương của ca sỹ. Tom muốn tìm lại một cái gì đó của thời kỳ mà disco thống trị các sàn nhảy vùng Midlands. Mặt khác anh cũng làm mới disco bằng việc pha trộn thêm vào những yếu tố của opera thật phá cách. Vậy nhưng “Black Country Disco” cũng là một album hướng về phía trước với việc đưa tiết tấu của opera vào disco theo một cách không ai ngờ tới. Nhà bình luận người Anh Cameron Adams nói về “Black Country Disco” trên tờ Herald Sun rằng: “Tom Aspaul đang từng ngày làm thay đổi bộ mặt của disco!”. Trong khi đó tạp chí Albumnism viết: “Black Country Disco” đã làm sống lại tinh thần tự do và thân ái của disco giữa một năm 2020 mà tất cả chúng ta đều thu mình lại vì nỗi đau và định kiến!”.