Nhạc cổ điển đang khởi sắc

Thứ Năm, 12/12/2024, 20:53

Với mongmuốn tôn vinh giá trị trường tồn của âm nhạc cổ điển; tôn vinh nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, gắn kết và thúc đẩy giao lưu văn hóa, trong 2 đêm mồng 8 và 9/12/2024, Ban Vận động Hội Nhạc cổ điển Việt Nam tổ chức Hòa nhạc Giao hưởng với sự góp mặt của 2 pianist nổi tiếng là Nguyễn Việt Trung (Việt Nam) và Eric Lu (Hoa Kỳ) do Nhạc trưởng Olivier Ochanine chỉ huy cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời.

Đó là một trong chuỗi sự kiện âm nhạc cổ điển đang trình diễn tại Hà Nội thời gian qua cho thấy sự khởi sắc của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam.

Lan tỏa vẻ đẹp, sức mạnh của âm nhạc

Hai đêm diễn “Huyền diệu Dương Cầm” và "Âm vang huyền thoại" với các tác phẩm của Beethoven, Mozart và Brahms cùng hai soloist Eric Lu (Hoa Kỳ) và Nguyễn Việt Trung đã chinh phục khán giả Hà Nội bởi những ngón đàn điêu luyện, tinh tế và đầy xúc cảm của hai nghệ sĩ lớn - là hai người bạn thân trong cuộc sống. Trong đêm hòa nhạc giao hưởng chủ đề “Chopin: Huyền diệu dương cầm” (Chopin: Magical piano).

Nhạc cổ điển đang khởi sắc -0
Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Mặt trời tại nhà hát Hồ Gươm.

Lần đầu tiên, 2 soloist Nguyễn Việt Trung và Eric Lu chơi 2 concerto của nhà soạn nhạc Frédéric Chopin, cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, dưới đũa chỉ huy của Nhạc trưởng Olivier Ochanine. Trong đó, pianist Nguyễn Việt Trung với bản Concerto số 1 - là một trong hai tác phẩm duy nhất viết cho piano và Dàn nhạc Giao hưởng, được Frédéric Chopin sáng tác khi mới 20 tuổi. Còn Eric Lu chơi bản Concerto số 2 cung pha thứ op.21. của nhà soạn nhạc Frederic Chopin.

Với phong cách biểu đạt đầy nội tâm và sáng tạo, Nguyễn Việt Trung đã chinh phục khán giả bằng khả năng truyền tải cảm xúc tinh tế, sâu sắc và mãnh liệt qua từng phím đàn cũng như biểu cảm gương mặt. Sự uyển chuyển, làm chủ kỹ thuật của anh đưa khán giả bay bổng theo dòng cảm xúc của âm nhạc, đưa âm nhạc của Chopin đến gần hơn với công chúng.

Nghệ sĩ Eric Lu bày tỏ, anh rất vui khi được đến Hà Nội biểu diễn những tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nhạc kinh điển cùng người bạn thân thiết là nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung. Dù khác biệt về quốc tịch và phong cách biểu đạt, song các nghệ sĩ đều mang trong mình niềm đam mê và khát vọng “tận hiến cho âm nhạc.”

Những buổi hòa nhạc như vậy đang diễn ra tại Hà Nội với lịch diễn đều đặn. Có thể nói, 2024 là một năm đầy dấu ấn của âm nhạc cổ điển khi các buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam liên tục diễn ra. Có thể nói, Việt Nam bắt đầu trở thành điểm đến của các nghệ sĩ cổ điển quốc tế.

Giữa tháng 4/2025, chương trình “Four Season Concert” do Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles, Pháp sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Đây là hòa nhạc mở màn cho chuỗi chương trình nghệ thuật quốc tế Musical Seasons 2024-2025 mang âm nhạc đỉnh cao đến gần hơn với công chúng Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung, thông qua các nghệ sĩ quốc tế danh tiếng trên thế giới.

Trên hành trình 300 năm chinh phục trái tim nhân loại, bản hòa tấu The Four Seasons của Antonio Vivaldi vẫn giữ nguyên sức sống mãnh liệt, đánh thức mọi giác quan và khơi gợi những cảm xúc sâu lắng… Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng: “Sự xuất hiện của chuỗi chương trình nghệ thuật quốc tế Musical Seasons 2024-2025 là tín hiệu đáng mừng. Việc đưa các tác phẩm kinh điển về Việt Nam biểu diễn là điều rất tốt vì đó là xu thế chung của thế giới”.

Tiếp đó là dàn nhạc Trẻ thế giới (World Youth Orchestra - WYO) cũng đang có chương trình tập luyện và biểu diễn cùng các thành viên Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (VNAMYO). Nhạc trưởng Damiano Giuranna và 45 thành viên của WYO từ các nước như Đức, Ba Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Italia, Anh, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc, Pháp, Nga… cùng kết hợp với 25 thành viên được đào tạo từ trung cấp đến đại học của VNAMYO đã mang đến những phần biểu diễn ấn tượng.

“Sau khi các sáng kiến được triển khai thành công ở Albania, Iran, Israel, Palestine, Maroc, Lebanon, Hoa Kỳ…, Dàn nhạc Trẻ thế giới đã đến Đông Nam Á, vùng đất có nền văn minh hàng nghìn năm. Trung thành với sứ mệnh của mình, WYO nghiên cứu và nâng cao tính chuyên nghiệp, truyền thống văn hóa của địa phương, mang lại sức sống cho những trải nghiệm nghệ thuật liên kết truyền thống với tính đương đại…”, Chủ tịch Quỹ Dàn nhạc trẻ thế giới Adolfo Vannucci cho biết. Họ cũng có 2 đêm diễn ở Hà Nội với các tác phẩm khí nhạc kinh điển cùng các tiết mục đặc sắc, đỉnh cao của các nhà soạn nhạc lỗi lạc thế giới như P.Tchaikovsky, G.Rossini, G.Puccini... và của các nhà soạn nhạc Việt Nam như Đặng Hữu Phúc, Trần Mạnh Hùng…

Trước đó, trong tháng 3, Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Việt Nam (Vietnam Classical Music Festival - VCMF) đã diễn ra tại Đà Lạt với chủ đề Hòa quyện âm thanh. Lễ hội quy tụ hơn 100 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và thế giới, với 17 buổi diễn, 3 hội thảo, masterclass tại 5 địa điểm trải dài trong thành phố, nhằm mở ra không gian thưởng thức nghệ thuật hàn lâm đỉnh cao và đa dạng. Giám đốc âm nhạc của chương trình, nghệ sĩ Cello Phan Đỗ Phúc chia sẻ: “VCMF 2024 mang đến cơ hội để khán giả và những người làm nghệ thuật khám phá âm nhạc cổ điển qua góc nhìn mới mẻ, với sự kết hợp của những giá trị nghệ thuật truyền thống và các thử nghiệm không gian biểu diễn độc đáo”.

Mang những đỉnh cao âm nhạc thế giới đến Việt Nam

Cũng tại Việt Nam, NSND Đặng Thái Sơn bắt đầu cho chuỗi concert của ông với các học trò mà điểm đến đầu tiên là Việt Nam. Sự trỗi dậy của người gốc Á tại các chương trình học tập cũng như các cuộc thi danh tiếng trên thế giới là nguồn cảm hứng lớn cho cá nhân nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, một người Việt Nam thành công ở tầm thế giới trong trình diễn âm nhạc cổ điển phương Tây, gợi nhiều suy ngẫm cho sự định hướng và đầu tư phát triển lĩnh vực âm nhạc này tại Việt Nam. Ông đã chọn quê hương là nơi bắt đầu của tour trình diễn rất được mong đợi này để góp phần truyền cảm hứng cho những người say mê và mong muốn được đóng góp cho đời sống âm nhạc cổ điển nước nhà.

Ngày 21/12 tới đây, NSND Đặng Thái Sơn cũng sẽ trở lại Hà Nội với đêm diễn đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bố ông, nhà thơ Đặng Đình Hưng. Ông sẽ diễn lại bản Concerto của Chopin tại Cuộc thi piano quốc tế Chopin, Balan 1980 - bản nhạc mà ông mê vì chương hai bất hủ: Mối tình đầu của Chopin.

Nhạc cổ điển đang khởi sắc -1
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam biểu diễn.

Trước đó, Dàn nhạc thính phòng Vienna cùng nghệ sĩ cello Peter Somodari dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng, Harald Krumpock đã dẫn dắt 800 khán giả tại nhà hát Hồ Gươm đi qua những cung bậc cảm xúc thăng hoa trong âm nhạc. Khán giả như bị thôi miên bởi những thanh âm nhẹ nhàng, tinh tế, những niềm vui, hứng khởi mà âm nhạc mang lại.

Nghệ sĩ cello Bùi Hà Miên nhớ lại khoảng 5 hay 7 năm trước, việc dàn nhạc quốc tế đẳng cấp như Dàn nhạc thính phòng Vienna đến Việt Nam là một sự kiện hiếm. Gần đây, liên tiếp những dàn nhạc nổi tiếng quy tụ về Nhà hát Hồ Gươm. Đây là niềm mong ước không chỉ với nghệ sĩ như chị mà còn là một niềm vui lớn cho khán giả Thủ đô nói riêng cũng như khán giả cả nước nói chung.

Nhiều chương trình của các dàn nhạc, nghệ sĩ trong nước và quốc tế, ra mắt tác phẩm cũng như các hoạt động cộng đồng về âm nhạc cổ điển… đã và đang được tổ chức ngày càng rộng rãi, mang tới không gian âm nhạc đa dạng, phong phú. Có thể thấy, âm nhạc cổ điển Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, hòa vào dòng chảy chung của âm nhạc thế giới.

Những nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore đều đầu tư rất nhiều vào nghệ thuật hàn lâm. Họ có một chiến lược dài hạn cho việc đào tạo nhân lực và khán giả cho nghệ thuật hàn lâm. Ở Việt Nam, năm 2024, việc những tác phẩm kinh điển của thế giới như “Carmen”, “The Four Seasons”, “The Nutcracker” (Kẹp hạt dẻ), “Swan Lake” (Hồ Thiên Nga)... được biểu diễn là cơ hội để công chúng tiếp cận với âm nhạc đỉnh cao.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng: “Với tư cách khán giả, tôi rất muốn đi xem các chương trình hòa nhạc này vì đó là cơ hội được tiếp xúc với các tác phẩm nguyên gốc của nước ngoài do các dàn nhạc đỉnh cao trình diễn. Dưới góc độ một người làm nghề, tôi mong muốn ngoài những tác phẩm kinh điển của nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, chúng tôi sẽ được tiếp cận cả với những tác phẩm từ nửa sau thế kỷ XX đến hiện tại. Điều này giúp âm nhạc cổ điển ở nước ta phát triển và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng”.

Có thể nói, những đêm diễn kín khán giả ở Nhà hát Hồ Gươm, nhà hát lớn, hay những buổi hòa nhạc nhỏ do nỗ lực của các nghệ sĩ cổ điển tổ chức để lan tỏa tình yêu âm nhạc cổ điển trong công chúng, dù khá lặng lẽ và khiêm tốn so với những đêm nhạc pop hay những show “Anh trai” đang gây bão hiện nay. Nhưng như nghệ sĩ Lưu Đức Anh đã từng chia sẻ rằng: “Ở đâu cũng sẽ có sự mất cân bằng như thế. Âm nhạc cổ điển đã có những khởi sắc nhưng vẫn cần sự đầu tư và tài trợ lớn hơn để các nghệ sĩ có thể phát triển và lan tỏa hơn nữa dòng nhạc này đến công chúng”.

Linh Nguyễn
.
.